Thương vụ mới của Thiên Minh

21/10/2013 15:36
21-10-2013 15:36:25+07:00

Thương vụ mới của Thiên Minh

Tập đoàn Thiên Minh (TMG) vừa công bố khoản đầu tư hơn 32 triệu USD cho 5 khách sạn mới tại Việt Nam bằng phương thức mua bán sáp nhập (M&A). Chiến lược này vẫn được xác định là cốt lõi của Thiên Minh trong thời gian tới.

* Thiên Minh nhảy vào lĩnh vực hàng không

* Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên HĐQT độc lập ngân hàng Á Châu là ai?

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh (TMG)

Cứ 2-3 năm, nên cho ra đời một khách sạn mới hoặc những dịch vụ mới”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh (TMG) từng nói như vậy sau khi chốt vụ mua chuỗi 6 khách sạn Victoria trị giá 45 triệu USD hồi đầu năm 2011.

Gần 3 năm sau, tuy mới ở tuổi 43, nhưng mái tóc của ông Kiên đã bạc quá nửa. Duy chỉ có một điều không thay đổi là độ nhạy bén trong đôi mắt ẩn sau cặp kính cận khá dày của một cựu sinh viên trường Y. Nhà lãnh đạo cao nhất của TMG đã giữ đúng cam kết: tiếp tục đầu tư thêm 5 khách sạn mới tại Việt Nam (2 khách sạn 4 sao và 3 khách sạn 3 sao).

Với quy mô phát triển này, tầm vóc của TMG sẽ không dừng lại ở mức hơn 2.000 nhân viên cùng tổng doanh thu xấp xỉ 1.400 tỉ đồng như hiện nay. Dự kiến, đầu năm sau, khi chuỗi 13 khách sạn của TMG đi vào hoạt động, cùng với sự giúp sức của mảng dịch vụ lữ hành, tập đoàn này có thể sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong ngành du lịch Việt Nam. Hiện tại, thương hiệu hàng đầu là Saigon Tourist, một doanh nghiệp quốc doanh, nắm trong tay 63 khách sạn (gần gấp 6 lần TMG), khu du lịch và 6 công ty lữ hành.

Ông Kiên cùng ban điều hành và các cổ đông đã làm thế nào để biến một công ty tư nhân với số vốn ít ỏi hồi năm 1994 trở thành Tập đoàn TMG ngày nay?

Câu trả lời của ông Kiên tại buổi phỏng vấn gần đây với NCĐT là “phải M&A và liên tục đánh thẳng vào ngách”. Ông cũng khẳng định TMG đang hoạt động với bản chất của mô hình holding: rót vốn, hỗ trợ chiến lược và nhân sự cho các công ty con nhằm đạt chuẩn quốc tế về quản trị, tài chính.

M&A từ khách sạn

Gần 3 năm sau khi TMG mua chuỗi khách sạn Victoria, thành công lớn nhất đối với bên mua là gì, thưa ông?

Thay vì xây mới khách sạn, việc mua lại, đặc biệt là mua dạng chuỗi, sẽ tạo ra nhiều thuận lợi. Kết quả hiện nay không nằm ngoài dự báo của chúng tôi. Sau M&A, TMG đã mất hơn 1 năm để ổn định hoạt động của toàn chuỗi Victoria. Sau đó, với khoản đầu tư thêm 2,5 triệu USD để nâng công suất phòng, nhân sự, công nghệ và tiếp thị, đến nay, chuỗi khách sạn Victoria đã tạo ra mức lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi suất (EBITDA) gấp đôi so với trước khi sáp nhập.

Kết quả này đóng vai trò tích cực như thế nào đối với toàn bộ chiến lược kinh doanh của TMG?

Trước đây, có ý kiến cho rằng việc mua 100% chuỗi Victoria là khá rủi ro vào thời điểm đó do kinh tế sụt giảm mạnh và lượng du khách tới Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nhưng phải nắm bắt cơ hội ngay tại thời điểm khủng hoảng thì mới tạo được khác biệt so với đối thủ. Chính việc sở hữu chuỗi 6 khách sạn Victoria đã góp phần giúp TMG phục vụ hơn 250.000 du khách trong nước và quốc tế mỗi năm, cùng mức doanh thu hơn 1.400 tỉ đồng hiện nay. Tiếp đến, sự lớn mạnh của thương hiệu TMG đã thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong lẫn ngoài nước về đầu quân. Sau cùng, sự tích hợp giữa 3 mảng kinh doanh chủ lực là lữ hành, khách sạn và dịch vụ đặt phòng trực tuyến đã tạo ra mức tăng trưởng hằng năm từ 25-30% của TMG so với mức tăng bình quân khoảng 10-15% của thị trường.

Sau Victoria, TMG tiếp tục mua thêm 5 khách sạn nữa. Ông có thể cho biết chi tiết về hoạt động M&A mới nhất này?

Bản chất của TMG là hoạt động theo mô hình holding và đây cũng là thời điểm tạo bước đột phá mới. Hội đồng Quản trị của TMG đã quyết định chi khoảng 32 triệu USD cho việc đầu tư thêm 5 khách sạn mới gồm 2 khách sạn 4 sao cũng được mang tên Victoria và 3 khách sạn 3 sao, nâng chuỗi khách sạn do TMG sở hữu lên con số 13. Hai khách sạn Victoria 4 sao mới mang tên Victoria Nui Sam Lodge tại Châu Đốc, tỉnh An Giang và Victoria Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào.

Còn 3 khách sạn 3 sao mới ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hội An. Victoria Xiengthong Palace đã đón khách từ cuối 2011, Victoria Nui Sam Lodge vừa khai trương vào ngày 15.10 vừa qua, đúng dịp sinh nhật thứ 15 của chuỗi Victoria tại Việt Nam. Ba khách sạn 3 sao sẽ mở cửa vào tháng 11 tới đây và đầu năm 2014.

Cả 5 khách sạn này đều do TMG mua lại 100% vốn từ các đơn vị tư nhân tại Việt Nam và Lào.

Các khách sạn này có gì đặc biệt?

Victoria Nui Sam Lodge khá phù hợp cho những du khách đam mê khám phá loại hình du lịch thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bản địa. Trong khi đó, Victoria Xieng Thong Palace là nơi cư ngụ cuối cùng của gia đình Hoàng gia Lào, nằm liền kề những ngọn tháp vàng của ngôi đền Wat Xieng Thong và chỉ cách khu chợ đêm nổi tiếng của Luang Prabang vài phút đi bộ. Hai khách sạn 4 sao này có giá phòng từ 120-260 USD/ngày. Còn 3 khách sạn 3 sao tại Việt Nam có giá phòng từ 60-80 USD/ngày.

13 khách sạn của TMG đều thuộc phân khúc 3-4 sao. Ông có định tham gia phân khúc 5 sao?

Tôi nghĩ là không vì dự án khách sạn 5 sao cần vốn nhiều hơn và chất lượng đòi hỏi cao hơn, nhưng khá cạnh tranh nên cơ hội kinh doanh hiệu quả đối với người đến sau sẽ không nhiều.

Vụ M&A trị giá 45 triệu USD của TMG để mua Victoria từng được IFC thuộc Ngân hàng Thế giới cho vay 12 triệu USD. Trong đợt M&A thứ hai này, nguồn vốn sẽ được huy động từ đâu?

Nhờ tình hình kinh doanh khả quan của Victoria, số nợ 12 triệu USD của IFC đã được trả gần xong. Đối với vốn đầu tư cho 5 khách sạn mới, TMG sử dụng 50% vốn chủ sở hữu và 50% công cụ nợ từ các định chế tài chính do lãi suất cho vay đã giảm so với năm 2011.

Tỉ trọng doanh thu và lợi nhuận giữa các mảng của TMG giờ có gì thay đổi?

May mắn là chuỗi khách sạn Victoria hiện vẫn đạt mức công suất phòng bình quân từ 65-75%, cá biệt Victoria Hội An luôn đạt mức trên 82%. Vì vậy, TMG vẫn quyết tâm duy trì cơ cấu như cũ: doanh thu từ khách sạn là 35%, lữ hành 65%; còn lợi nhuận thì ngược lại là khách sạn 65%, lữ hành 35%.

Đến các “ngách” du lịch

Ngoài khách sạn, ông còn thực hiện M&A đối với một số sản phẩm du lịch được đánh giá là khá đặc thù?

TMG đã chi 1 triệu USD để mua lại và nâng cấp 12 du thuyền cao cấp gồm 7 du thuyền Cái Bè Princess và 5 du thuyền Sông Xanh Sampan (nay đều mang thương hiệu Victoria Cruises) cùng 1 nhà hàng với phong cách Pháp là Le Longanier. Những sản phẩm mới này thuộc loại hình du lịch sông nước đi về trong ngày và cả lưu trú qua đêm ngay trên du thuyền tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết, TMG cũng sắp sắm thủy phi cơ mang về Việt Nam khai thác?

Tháng 8.2013, chúng tôi tiếp tục mua 89% cổ phần của Hãng hàng không Hải Âu đã được cấp phép hoạt động, tương đương gần 2,6 triệu USD để chuẩn bị triển khai dịch vụ bay tham quan một số tuyến nội địa như Hà Nội - Hạ Long, TP.HCM - Phan Thiết, TP.HCM - Hồ Tràm bằng thủy phi cơ. Chúng tôi dự kiến tung dịch vụ này ra thị trường vào mùa hè năm sau. Đây là một trải nghiệm khá thú vị lần đầu có tại Việt Nam nên tôi kỳ vọng sẽ nhận được phản hồi tích cực sau khi dịch vụ này chính thức ra mắt.

Ngoài lữ hành và khách sạn, trụ thứ 3 của TMG chính là dịch vụ đặt phòng trực tuyến thông qua thương hiệu iVIVU. Nhưng hiện trụ này vẫn phải dựa vào 2 trụ kia. Tình trạng này nên được hiểu như thế nào?

Thế giới hiện có khoảng 200.000 khách sạn có nhu cầu phân phối dịch vụ qua mạng, trong khi mới chỉ có khoảng 400-500 khách sạn làm được điều này. Đây là cơ hội lớn không thể bỏ qua và hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến thông qua trang web iVIVU.com đã được TMG ra mắt hồi tháng 8.2011. Sản phẩm này là liên doanh giữa TMG với Wotif.com là hệ thống đặt phòng toàn cầu của Úc với hơn 1.600 khách sạn tại Việt Nam và 30.000 khách sạn trên toàn cầu. Hiện iVIVU.com mới chiếm 6 -7% thị trường dịch vụ đặt phòng trực tuyến tại Việt Nam nên chưa thể tính tới hiệu quả kinh doanh. Nhưng sau 3 năm nữa, khi thị phần của nó tăng lên mức trên 20% cùng doanh thu khoảng vài triệu USD/năm, trang web này sẽ bắt đầu có lãi.

TMG đã có 11 văn phòng đại diện tại Đông Nam Á, Anh và Úc. Vậy kế hoạch quốc tế hóa của ông sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào?

Kế hoạch gần nhất là Buffalo Tours thuộc mảng lữ hành của TMG sẽ sớm mở văn phòng đại diện tại Yangon, Myanmar, một thị trường đang bắt đầu mở cửa, rất năng động nhưng cũng khá rủi ro. Bước tiếp theo, TMG sẽ có mặt tại Sydney, Úc và một số thị trường châu Âu khác ngay trong năm sau.

Vĩnh Bảo

nhịp cầu đầu tư





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM là nơi có nhiều cơ hội, dư địa để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM có nhiều dư địa, cơ hội, nhiều đơn đặt hàng để các nhà khởi nghiệp nghiên cứu.

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Bắt tạm giam nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Phó Bí thư Tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 27/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và ông Phạm Hoàng...

Chợ Bến Thành, Tân Định... có lợi thế phát triển nhờ metro

Các Sở An toàn thực phẩm (ATTP), QHKT TP.HCM, Phòng kinh tế quận 6…đều nhìn nhận chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp nhưng không hề mất đi.

Quý 1, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư. Còn, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới, điều chỉnh vốn và...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nhận án 8 năm tù

TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng mức án 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tổng vốn FDI vào Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024 đạt 6.17 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ

Thu hút FDI của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc khi tăng 13.4% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đề nghị truy tố 254 bị can trong ‘đại án đăng kiểm’

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 254 bị can liên quan đến đại án tiêu cực ngành đăng...

Thị trường 'ấm dần', xuất khẩu ngành hàng dệt may đón cơ hội để tăng tốc

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may tiếp tục đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày...

Thu hút vốn FDI: Góc nhìn từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Việc tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra một chương mới, gia tăng hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đồng ý cho EVN được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Quyết định mới nhất đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Song điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98