Vinamilk tăng giá mua sữa bò tươi thêm 300đ/kg: Chỉ là một giải pháp tạm thời

09/09/2004 08:32
09-09-2004 08:32:37+07:00

Vinamilk tăng giá mua sữa bò tươi thêm 300đ/kg: Chỉ là một giải pháp tạm thời

Tin Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) tăng thêm 300 đồng mỗi ký sữa mua vào từ ngày 1-9 trở đi để nâng giá mua sữa ngay tại nhà dân lên 3.550đ/kg (khoảng 3.800đ/kg tại nhà máy), được giới chăn nuôi đón nhận với sự tạm hài lòng. Tuy nhiên...

Tin Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) tăng thêm 300 đồng mỗi ký sữa mua vào từ ngày 1-9 trở đi để nâng giá mua sữa ngay tại nhà dân lên 3.550đ/kg (khoảng 3.800đ/kg tại nhà máy), được giới chăn nuôi đón nhận với sự tạm hài lòng. Tuy nhiên... 

Việc tăng giá này góp phần không nhỏ vào việc giúp sức cho người chăn nuôi tiếp tục đứng vững trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nó chưa thể giải quyết hết những khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Nắng, chủ hộ nuôi bò sữa tại phường Trung Mỹ Tây quận 12 TPHCM, việc tăng giá sữa của Vinamilk thực chất chỉ “cấp cứu” để con bò sữa “không chết” trong từng giai đoạn.

Theo cách giải thích của Vinamilk, việc mua sữa bò trong nước đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả cao cho nhà máy và người chăn nuôi vẫn cần phải có sự trợ giúp. 

Nguyên nhân đầu tiên do việc hợp tác, liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp chưa thật sự bình đẳng.

Bà con luôn bị động về giá sữa bán ra vì điệp khúc “giá sữa bột nhập khẩu rẻ hơn giá sữa bò tươi trong nước” mà các nhà máy sữa đưa ra. Như thế, chừng nào Nhà nước chưa có những quy định cụ thể về tỷ lệ sữa bột nhập khẩu và sữa mua trong nước thì các nhà máy chế biến sữa còn tiếp tục lấy sữa bột nhập khẩu làm đối trọng so sánh để “ép” người chăn nuôi.

Nhiều chuyên gia cho biết, ở các nước phát triển, ngoài năng suất cao, mỗi con bò sữa được “bao cấp” khoảng 2 USD/ngày, do vậy, thử hỏi làm sao giá không rẻ hơn giá sữa trong nước.

Trong khi đó, giá thức ăn gia súc trong nước lại cao hơn giá các nước trong khu vực. Sự trái khoáy này làm cho người chăn nuôi rơi vào thế bị kẹp giữa chi phí đầu vào luôn cao hơn vài chục phần trăm và giá sữa bán ra lại thấp hơn so với Thái Lan (4.600đ/kg), Trung Quốc (5.000đ/kg), lãnh thổ Đài Loan (9.000đ/kg). 

Thậm chí mới đây, khi nghe tin Vinamilk tăng giá thì các điểm bán thức ăn rục rịch tăng giá theo.

Nguyên nhân thứ hai là việc nông dân tự vắt sữa bò và đem bán trực tiếp tại các điểm trung chuyển như khuyến cáo để nâng thu nhập đầu ra cũng không đơn giản.

Theo ông Nguyễn Văn Nắng, ông đã cho người nhà theo học cách vắt sữa và sau đó mang đi bán trực tiếp tại trạm trung chuyển nhưng sữa lại được mua với giá thấp nhất (1.500đ/kg) hoặc phải đổ bỏ với lý do không đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu đặt ra. Nhưng cũng với con bò đó, nếu là những người chuyên nghiệp vắt và giao sữa cho trạm trung chuyển thì giá sữa lập tức trở về giá cũ!?

Ngay cả việc quy định các tiêu chuẩn để mua với giá chuẩn, nếu không đạt lập tức bị nhà máy trừ tiền, nhưng nếu chất lượng sữa của con bò nào đó đạt cao hơn các điều kiện đặt ra lại không được thưởng. Điều này vô tình  khiến người chăn nuôi không cố gắng trong việc cải tiến và nâng cao chất lượng sữa.

Như vậy, tăng giá sữa cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Còn rất nhiều vấn đề mà nhà máy chế biến sữa còn phải tiếp tục cải tiến, nhất là phương thức mua sữa hiện nay, để tạo sự bình đẳng thật sự trong việc liên kết.

SGGP



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98