Xăng được 'lên đời' để tung ra thị trường

13/09/2006 22:46
13-09-2006 22:46:38+07:00

Xăng được 'lên đời' để tung ra thị trường

Hôm 13/9, gần 4.600 tấn xăng không chì A83 của Công ty liên doanh dầu khí Mekong (Petro Mekong) có chỉ số octan thấp hơn tiêu chuẩn chất lượng VN, được pha chế lại dưới sự giám sát của Chi cục quản lý chất lượng Cần Thơ. Sau khi kiểm nghiệm, nếu đạt chuẩn lô hàng này sẽ được đưa ra thị trường.


Phương án pha chế được Petro Mekong đề xuất và Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường đồng ý, cho phép thực hiện từ 12/9. Hiện các cơ quan chức năng chưa đồng ý tiết lộ cách thức pha chế.

Trao đổi với VnExpress, Chi cục trưởng quản lý chất lượng Cần Thơ Nguyễn Minh Thương ước đoán, khoảng 2 ngày nữa công việc này sẽ hoàn tất. "Sau khi Petro Mekong pha chế xong, các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu lần nữa để kiểm nghiệm lại. Nếu đạt tiêu chuẩn cho phép mới được đưa ra thị trường tiêu thụ", ông Thương nói.

Ông Thương cũng cho biết, trong tháng 8, chi cục đã 4 lần kiểm tra các điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, trong đó 2 lần kiểm tra nồng độ aceton, 2 lần liên quan đến chỉ số octan.  

Kết quả kiểm định cho thấy, một số mẫu xăng của Petrolimex có nồng độ aceton cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Gần 4.600 tấn xăng 83 của Petro Mekong chỉ số octan cũng thấp. Tuy nhiên ông Thương nói rằng, tất cả các lô hàng kém chất lượng này chưa được doanh nghiệp đưa ra thị trường trước khi kiểm tra. Hiện Cần Thơ cũng chưa nhận được phản ánh nào của người tiêu dùng về tình trạng xe hỏng do xăng aceton.

Tất cả lô hàng không đạt chuẩn đều đang bị các cơ quan chức năng niêm phong. Theo ông Thương, Chi cục quản lý chất lượng Cần Thơ cũng giám sát việc tháo gỡ niêm phong để bơm hút lượng xăng có pha aceton và "tái xuất", trả về cho Petrolimex tại TP HCM. Địa điểm quy tập cuối cùng của lô hàng này là kho xăng dầu Nhà Bè, chờ trả lại đối tác nước ngoài.  

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, cố vấn chuyên môn của Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP HCM, để tăng chỉ số octan của xăng, trên thế giới người ta thường dùng các phụ gia thông dụng như MTBE (methyl tertiary-butyl ether), ETBE (Ethyl tertiary butyl ether) hay TAME (Tert-amyl metyl ether). Tuy nhiên, giá thành của các chất trên cao hơn xăng nên chỉ pha một lượng nhỏ.

Chi cục phó quản lý chất lượng TP HCM Phạm Hữu Cáp cũng cho biết, quy trình xử lý một lô xăng kém chất lượng phải nằm trong quy định của VN. Cụ thể, nếu phát hiện lô hàng không đạt chuẩn, sau khi niêm phong, doanh nghiệp sẽ có phương án đề xuất cách xử lý. Trên cơ sở đề xuất đó, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ xem xét để ra quyết định chấp thuận hay không cho phù hợp với quy định VN. Việc pha chế, kiểm nghiệm, quản lý xăng sau khi đưa ra thị trường cũng phải được các cơ quan chức năng giám sát chặt.

Xăng chứa aceton có thể là chuyện thường

Kết quả kiểm nghiệm 28 mẫu xăng được Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN phối hợp với các Hội bảo vệ người tiêu dùng 4 tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và TP HCM cho thấy, tất cả đều có hàm lượng aceton cao hơn tiêu chuẩn cho phép. 

Xăng aceton không chỉ có ở TP HCM mà đã lan khắp các tỉnh thành phía Nam. Đơn vị cung cấp xăng aceton không chỉ là Petrolimex và Công ty xăng dầu quân đội, mà có cả hàng được lấy từ các điểm kinh doanh treo bảng hiệu Saigon Petro, Petro Mekong, Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDD).

"Về nguyên tắc, pha aceton vào xăng sẽ làm tăng chỉ số octan, giúp xăng cháy hoàn toàn. Liệu có khả năng xăng octan thấp, nhưng để qua mặt kiểm soát của hải quan, kiểm nghiệm, nhà nhập khẩu pha aceton vào xăng cho đạt chuẩn", anh Nguyễn Hồng Hà, giáo viên, ngụ quận Tân Bình, TP HCM, đặt dấu hỏi.

Cũng có ý kiến nghi ngờ rằng, thực chất xăng aceton đã có mặt trên thị trường VN từ lâu do tiêu chuẩn VN không quy định kiểm nghiệm dung môi này khi nhập khẩu xăng. Chỉ đến khi lấy mẫu kiểm tra hàng loạt mới phát hiện hầu hết đều có chứa aceton.  

HIện tất cả các cơ quan chức năng đều chưa đưa ra kết luận chính thức. Và mặc dù đối tác xăng tại Singapore đã đồng ý nhận lại hàng đồng thời bồi thường thiệt hại cho VN, song bù đắp cho người tiêu dùng như thế nào vẫn chưa có cơ sở để giải quyết.  

VNE



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98