"Mở room" cho nhà đầu tư nước ngoài

07/09/2007 07:20
07-09-2007 07:20:19+07:00

"Mở room" cho nhà đầu tư nước ngoài

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các thông tin có liên quan đến thị trường chứng khoán, "mở room" cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được đề cập nhiều. Đặc biệt, sau vụ thông tin nhầm về "room" của mã chứng khoán STB, khối lượng giao dịch khớp lệnh của mã này tăng vọt, vượt lên dẫn đầu, vượt xa so với các mã chứng khoán khác (ngày 5.9, mã này có khối lượng giao dịch khớp lệnh lên đến trên 104,7 nghìn, cao hơn nhiều so với VF1 là 84,43 nghìn, PPC trên 49,7 nghìn, FPT trên 39,7 nghìn, VSH gần 36 nghìn...), tiếng nói mở "room" lại càng rầm rộ hơn.

Vậy tại sao quy định hiện hành "room" của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài cao nhất chỉ có 49%, riêng ngân hàng chỉ có 30%; và tại sao nay lại có kiến nghị "mở room", tức là đưa các tỷ lệ trên lên cao hơn nữa?

Trước hết hãy nói "cái lý" của quy định hiện hành. Đã gọi là đầu tư nước ngoài thì người nước ngoài phải góp vốn đầu tư. Chính phủ nào chẳng quan tâm tới doanh nghiệp trong nước vì đó là nội lực. Quy định các tỷ lệ như trên để hạn chế việc mua bán, thâu tóm doanh nghiệp trong nước, nhất là tới đây sẽ có nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), sẽ dễ bị thôn tính. Theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước đã coi việc đầu tư dưới 30%, đầu tư gián tiếp bằng cách mua cổ phần trong các doanh nghiệp, dẫn đến 30% biến thành tỷ lệ khống chế mặc định. Các nước đang phát triển cũng thường đưa ra các tỷ lệ này, ngay cả những nước và vùng lãnh thổ đang phát triển có thu nhập khá hơn Việt Nam nhiều như CHND Trung Hoa, Đài Loan... Trên thực tế, trong tổng vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư trực tiếp thông qua cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư chủ yếu ở các nước đang phát triển; còn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua bán (mua đứt hoặc thâu tóm thông qua thị trường chứng khoán) chiếm tới 70% và chủ yếu ở các nước phát triển.

Như thế, quy định hiện hành không phải là "thắt" đối với đầu tư gián tiếp nước ngoài, mà là thể hiện mở cửa dần dần cho phù hợp với điều kiện của nước ta. Kiến nghị "mở room" hiện nay cũng không phải là không có lý. Theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới, nhà đầu tư nước ngoài được lập công ty cổ phần để vừa huy động được vốn trong dân nhằm tăng trưởng kinh tế, vừa tạo điều kiện cho người Việt Nam có thể tiếp quản khi dự án hết thời gian họ rút về. Mặc dù cho đến nay,  số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cổ phần hóa mới chỉ đếm trên đầu ngón tay (chưa được 10 công ty), nhưng thị trường chứng khoán phát triển mạnh thì quá trình này sẽ gia tăng, khi đó "room" sẽ không còn ý nghĩa. Theo luật cạnh tranh, Nhà nước chỉ nghiêm cấm các vụ mua bán, sáp nhập tạo ra doanh nghiệp nắm trên 50% thị phần và ở ngưỡng 30% thị phần thì phải báo cáo. Hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành thành viên WTO, thì Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh tự do, chỉ làm sao cho môi trường cạnh tranh lành mạnh không nên che chắn. Trong khi tỷ số giá trên thị trường chứng khoán bị sút giảm thì việc "mở room" cho nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài là cần thiết, kiềm chế sự đao xuống của thị trường!

TN





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98