Chưa thể nâng 'room' với nhà đầu tư ngoại

08/01/2008 15:46
08-01-2008 15:46:18+07:00

Chưa thể nâng 'room' với nhà đầu tư ngoại

Tại cuộc trao đổi bàn tròn với doanh nghiệp quốc tế sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách kinh tế theo hướng thị trường, mở rộng cửa với nhà đầu tư, song vẫn giữ kiểm soát nhất định để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững. 

Thủ tướng đối thoại với đại diện doanh nghiệp quốc tế tại hội nghị sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà.
Phát biểu trước hàng trăm doanh nghiệp quốc tế đang làm ăn hoặc muốn đầu tư tại Việt Nam và doanh nghiệp trong nước, Thủ tướng cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, Chính phủ sẽ cải cách hành chính và chống tham nhũng.

Trước băn khoăn của giới đầu tư nước ngoài về việc cổ phần hóa đang chậm lại và mới diễn ra ở mức bán công khai, người đứng đầu Chính phủ cho hay, hiện Việt Nam còn 1.400 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Năm 2001 con số này là 6.000. Ông khẳng định, đến năm 2010, toàn bộ các doanh nghiệp sẽ hoàn thành quá trình này. "Cổ phần hóa sẽ diễn ra theo nguyên tắc thị trường, trong đó các doanh nghiệp sẽ lần lượt được niêm yết", ông khẳng định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, "room" với các nhà đầu tư ngoại hiện vẫn dừng ở mức 49% với doanh nghiệp và 30% với các ngân hàng. "Đó là bước đi cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững cho Việt Nam và lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài", Thủ tướng lý giải.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, Chính phủ khuyến khích sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, đặc biệt với các ngành giao thông, điện năng, viễn thông và vận tải.

Theo đó, hiện Việt Nam cần phát triển toàn bộ hệ thống hạ tầng, từ đường cao tốc, hàng không, đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Trong đó, Chính phủ đang đặc biệt quan tâm đến phát triển nhanh ngành hàng không. Trong nhiều năm nay, ngành này có tốc độ tăng trưởng 15-18%. Bên cạnh đó, vận tải và cảng biển cũng đang cần được đầu tư để mở rộng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, hạ tầng công nghệ thông tin, điện năng cũng là những ngành được tập trung đầu tư và thu hút vốn. Hiện công suất điện trong nước vào khoảng 60 tỷ KWh, song đến năm 2010, nền kinh tế sẽ cần đến 115-120 tỷ KWh. Dự báo với tốc độ tăng trưởng 8,5-9% trong những năm tới, ngành điện lực cũng cần tăng trưởng 12-15% mới đáp ứng nhu cầu. 

Trước câu hỏi của đại diện hãng Nokia về khả năng mở rộng đầu tư, Thủ tướng cho hay, Chính phủ đang dành ưu tiên cho việc đầu tư vào viễn thông, trong đó trọng tâm là phát triển băng thông rộng và di động. Ông cũng tỏ ra tiếc vì trước nay Nokia mới bán điện thoại tại Việt Nam, mà chưa chú trọng đầu tư hạ tầng. "Hiện Việt Nam có 9 công ty viễn thông và chúng tôi khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các doanh nghiệp này", ông cho hay.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết chống tham nhũng, song cho rằng việc này cần làm kiên trì và liên tục. "Tham nhũng vừa là hành vi vi phạm pháp luật, vừa là hành vi đạo đức, vì thế cần theo dõi và chống liên tục", ông phát biểu.

Trao đổi với VnExpress bên lề hội nghị, ông Charles Goddard, Giám đốc Biên tập khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Economist Intelligence Unit, nhận xét, Thủ tướng Việt Nam đã rất thẳng thắn với những vấn đề doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. "Ông ấy cởi mở hơn những gì tôi mong đợi", ông này nói thêm.

VnE





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98