Ngành điện tử qua BCTC 2008

13/03/2009 14:36
13-03-2009 14:36:51+07:00

Ngành điện tử qua BCTC 2008

(Vietstock) - Ngành điện tử Việt Nam nói chung luôn được kỳ vọng trở thành một trong những động lực mạnh và sẽ thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển. Với vai trò quan trọng đó, ngành này luôn nhận được sự ưu tiên và hỗ trợ khá lớn nhưng rõ ràng kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.

Trong năm qua, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vật liệu thiết bị điện, điện tử, vật liệu viễn thông đã có kết quả hoạt động kinh doanh khá nghèo nàn. Có đến gần 1/3 số doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán thua lỗ, 3/4 số doanh nghiệp có mức mức tăng trưởng âm so với năm 2007. Các con số này phần nào cho thấy ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến các doanh nghiệp này là tiêu cực hơn rất nhiều so với mức bình quân của toàn thị trường.

Xem xét đến các chỉ số quan trọng mới thấy rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến kết quả kém cỏi trên của nhóm cổ phiếu ngành này.

Hệ số thanh toán

Chỉ tiêu thanh toán của ngành duy trì mức tương đương với toàn thị trường trong 2 năm 2006 và 2007, nhưng đã có sự tăng mạnh vào năm 2008, đạt gần 2.64 lần.

Cả hai yếu tố là Tài sản ngắn hạn và Nợ ngắn hạn đều có sự sụt giảm nhưng tỷ lệ giảm của Nợ ngắn hạn là lớn hơn khá nhiều đã dẫn đến sự thay đổi nói trên. Hệ số thanh toán là một thước đo quan trọng về tính an toàn của doanh nghiệp. Việc tăng dần theo thời gian và hiện đang ở mức khá cao so với thị trường đã cho thấy phần nào khả năng đảm bảo các khoản nợ của nhóm cổ phiếu này là tương đối tốt.

Nguồn: VietstockFinance

Các chỉ tiêu hoạt động

So với mức trung bình của tất cả các doanh nghiệp niêm yết, nhóm điện tử, vật liệu, thiết bị điện, điện tử có thời gian thu tiền bình quân là khá cao. Trong khi toàn thị trường chỉ xấp xỉ 70 ngày thì ở nhóm này, số ngày thu tiền bình quân thường xuyên vượt 100 ngày và đã kéo dài trong 3 năm gần nhất. Điều này có thể bắt nguồn từ đặc thù riêng của ngành là phải chờ công trình hoàn thành bàn giao mới thu được tiền, hoặc chính sách bán chịu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng có thể xuất phát từ khả năng quản trị chưa tốt nên doanh nghiệp bị khách hàng chiếm dụng vốn.

Nguồn: VietstockFinance

Do sản phẩm của ngành chủ yếu là các vật liệu xây dựng, thiết bị bưu điện, cáp đồng … có kích thước lớn, cồng kềnh và khó tiêu thụ đã ảnh hưởng phần nào đến quá trình luân chuyển vốn cũng như khả năng sinh lợi từ tài sản của doanh nghiệp. Ngoài ra, chi phí lưu kho, bảo quản hàng tồn kho cũng là một gành nặng không nhỏ của doanh nghiệp ngành này. Mặt khác, trong năm qua, giá đồng nguyên liệu đã giảm mạnh 48%, khiến cho chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho ở một số doanh nghiệp trong ngành mua ở thời điểm giá cao đã tăng lên đáng kể.

Hệ số nợ

Do bị chiếm dụng vốn lưu động ở mức độ lớn nên nợ ngắn hạn được xem như nguồn tài trợ quan trọng cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, do đó cũng dễ hiểu khi nợ ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ phải trả của các doanh nghiệp. Trong năm 2008, bình quân trong ngành tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng nợ phải trả lên đến 87.82%, ở mức độ toàn thị trường,  tỷ lệ bình quân này chỉ đạt 59.77%

Như đã đề cập ở trên, các khoản nợ của nhóm doanh nghiệp trong ngành có xu hướng giảm dần cả về số lượng tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tương quan với tài sản và nguồn vốn. Đến năm 2008, với tỷ lệ chỉ là 25.57%, cơ cấu nợ của ngành có thể coi đã ở mức an toàn thậm chí là ở mức độ khá bảo thủ khi so với tỷ lệ Nợ/TS của bình quân thị trường là xấp xỉ 60%.

Nguồn: VietstockFinance

Trong năm 2009 đầy khó khăn, duy trì hoạt động và tồn tại sẽ là mục tiêu quan trọng nhất, nên việc hạ thấp tỷ lệ vay nợ nhằm giảm bớt áp chi phí có thể là một quyết định hợp lý của nhóm doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi nền kinh tế hồi phục, một cơ cấu nợ thấp sẽ khó có thể gia tăng mức sinh lợi so với các doanh nghiệp khác có tỷ lệ nợ cao hơn. Nghiêm trọng hơn, kết quả kinh doanh kém trong thời gian qua có thể là một rào cản cho họ trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng phục vụ cho nhu cầu hoạt động trong thời gian sắp tới.

Tỷ suất sinh lợi

Nguồn: VietstockFinance

Đây chính là điểm nổi bật nhất của ngành trong năm vừa qua, tiếc rằng đó lại là một hình ảnh không mấy tích cực. Cả 3 chỉ số đo lường khả năng sinh lợi, EPS bình quân của ngành đều sụt giảm rất mạnh so với các năm trước, đáng buồn hơn, tất cả đều có kết quả âm.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả tệ hại đó của các doanh nghiệp trong ngành cũng không giống nhau. Có doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ việc đầu tư tài chính gồm có SAM, ALP, POT, các doanh nghiệp khác phát sinh chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn như PAC, TYA, hoặc các doanh nghiệp có giá vốn hàng bán tăng mạnh như VHG, TLC Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều có mức sụt giảm rất mạnh trong năm vừa qua.

Nguồn: VietstockFinance

Nhận xét

Một năm khó khăn tiếp theo, đang chờ đón các doanh nghiệp ngành điện tử, vật liệu điện, viễn thông ở phía trước. Các kết quả sản xuất kinh doanh sẽ không dễ để có thể có sự chuyển biến tích cực ngay được, hậu quả của khoản đầu tư tài chính sẽ vẫn là một gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp trong ngành. Do đó, nhà đầu tư chắc chắn sẽ có sự thận trọng khi đầu tư vào cổ phiếu của nhóm ngành vẫn được coi là có nhiều tiềm năng này.

Trần Văn Nhiên



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98