“CSR là bổn phận”

31/05/2009 12:24
31-05-2009 12:24:35+07:00

“CSR là bổn phận”

Vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR - Corporate Social Responsibility) ngày càng được đề cập nhiều hơn trên các diễn đàn. Dưới góc độ xã hội học, GS.TS. Bùi Chí Trung, Đại học Aichi Shukutoku (Nhật), cho rằng tính bền bỉ, hiệu quả và sức phát triển của những hoạt động vì lợi ích cộng đồng cần xuất phát từ ý thức của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tiếp cận khái niệm CSR thời gian gần đây. Ở góc độ hội nhập, cần nhận thức như thế nào đối với một vấn đề mang tính toàn cầu như CSR, thưa ông?

CSR ở nước ngoài đã phát triển đến mức cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp bằng các bộ quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Những bộ quy chuẩn này đã được áp dụng như những điều kiện bắt buộc trong giao thương. Do vậy, những nước đi sau như chúng ta muốn hội nhập kinh tế thì cần phải có cái nhìn về vấn đề giống họ.

Ở các nước có hoạt động CSR phát triển, phần lớn các nhà doanh nghiệp không xem đó là công việc từ thiện mà xem là “bổn phận” của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Doanh nghiệp cũng là một nhân tố trong xã hội, giống như công dân - có quyền lợi và nghĩa vụ, là một bộ phận quy thuộc xã hội vì sống nhờ vào xã hội.

Do vậy, doanh nghiệp có bổn phận với xã hội đã nuôi dưỡng mình giống như con cái có bổn phận với cha mẹ, là một đạo lý mà những người đã thấm nhuần không cần sự nhắc nhở.

Một gia đình tốt thì con cái mới phát triển tốt, cũng như vậy, xã hội có tốt thì doanh nghiệp mới phát triển tốt. Ý thức được như vậy thì con đường vươn tới các quy chuẩn doanh nghiệp theo quốc tế sẽ trở nên dễ dàng và vững bền hơn thay vì chỉ nhằm kiếm cho được chiếc “giấy thông hành” để bán hàng hóa.

Có ý kiến cho rằng CSR chỉ có thể phát triển khi có đủ một số điều kiện cơ sở như là xã hội phải có nhiều tổ chức phi lợi nhuận chuyên làm công tác xã hội, các tổ chức đánh giá doanh nghiệp, trình độ nhận thức của cộng đồng… Những điều kiện này hiện ở Việt Nam đều thiếu, và do vậy, chưa thể đặt vấn đề CSR bây giờ?

- CSR ở ta chưa phát triển trên diện rộng thôi chứ tôi biết đã có một số doanh nghiệp làm rất tốt. Về các tổ chức phi lợi nhuận chuyên làm công tác xã hội và đánh giá doanh nghiệp thì đúng là ở trong nước còn yếu, tuy nhiên đã có sự xuất hiện của nhiều tổ chức nước ngoài và từ từ ta sẽ phát triển thêm ra. Việc nâng cao trình độ nhận thức cho cộng đồng là nhiệm vụ của truyền thông và giáo dục. Căn bản vẫn là ý thức của doanh nghiệp. Một khi ta đã ý thức được bổn phận và thực lòng muốn làm, ta sẽ dùng đầu óc để sáng tạo được nhiều cách làm phù hợp với điều kiện của mình.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa có tích lũy lớn nghĩ họ chưa buộc phải thực thi trách nhiệm xã hội, kể cả dưới góc độ đạo lý. Ông suy nghĩ vấn đề này thế nào?

- Đã gọi là bổn phận thì con nhà giàu hay nghèo đều có bổn phận của mình. Trên thế giới, những công ty đã ý thức được trách nhiệm đối với xã hội thì ngay cả trong giai đoạn làm ăn thua lỗ phải cắt giảm nhiều thứ nhưng vẫn đảm bảo kinh phí cho các hoạt động xã hội. Các hoạt động này được thực hiện theo nhiều cấp độ và bằng hàng trăm cách khác nhau.

Một số hãng Mỹ hay Nhật có nhiều tiền thì đi trồng rừng ở Trung Quốc hay Việt Nam. Hoặc như hãng Toyota từng tài trợ cho những dàn nhạc lớn của châu Âu thực hiện tour biểu diễn xuyên Đông Nam Á, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cho người dân các nước này. Họ cũng giúp mở trường học ở một số nước để giáo dục và nâng cao kiến thức về môi trường cho cộng đồng.

Đó là trên bình diện toàn cầu. Ở quy mô nhỏ hơn, cách làm của các hãng xưởng rất đa dạng. Có một cách được nhiều doanh nghiệp áp dụng mà theo tôi là có hiệu quả vận động rất cao, đó là vận động lập quỹ hỗ trợ hoặc thực thi trách nhiệm xã hội theo hình thức “matching gift”. Theo cách này, công ty sẽ đóng góp một số tiền bằng hoặc hơn tổng số tiền vận động được từ nhân viên, đối tác và khách hàng của họ.

Thực tế ở trong nước vẫn có nhiều doanh nghiệp nhỏ tâm sự rằng họ quá nhỏ, “sức” còn yếu…

- Ở Mỹ có các “câu lạc bộ phần trăm”, ví dụ “One Percent Club” tập hợp những doanh nghiệp đồng thuận sử dụng từ 1% lợi nhuận của công ty mình vào công tác xã hội. Theo tỷ lệ như vậy, công ty A dùng một triệu đồng nhưng công ty B chỉ sử dụng mười ngàn đồng, và không thể nói là trách nhiệm xã hội của công ty A to lớn hay cao quý hơn công ty B, nếu không muốn nói là ngược lại.

Công ty quy mô nhỏ cỡ nào cũng phải thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, nếu chưa đủ lực chia sẻ lợi nhuận thì chí ít sản phẩm, dịch vụ cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không được làm phương hại đến người lao động, đến cộng đồng bao gồm cả yếu tố con người, môi trường tự nhiên và xã hội.

Có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội là nhằm đánh bóng tên tuổi.

- Những công ty lớn mà không thực thi trách nhiệm đối với xã hội thì sớm muộn cũng bị mất danh tiếng. Như vậy, một cách tự nhiên, khi làm những điều tốt thì thương hiệu và hình ảnh công ty trở nên đẹp đẽ hơn, không có gì đáng phê phán. Khuynh hướng phê phán nếu có là do nhiều người nghĩ PR (Public Relations - giao tế đối ngoại) đơn thuần chỉ là MR (Media Relations - giao tế qua báo chí).

Thực chất hoạt động PR là ngoài MR còn có IR (Investor Relations - quan hệ với nhà đầu tư) và CR (Community Relations - quan hệ với cộng đồng), trong đó, nội dung và hình thức hoạt động của CR khá rộng và linh hoạt, và cũng không dễ dàng đạt hiệu quả cao. Mặt khác, cách làm công tác xã hội ở ta không chuyên nghiệp nên nhiều khi những đồng tiền lẽ ra có thể mang đến những ý nghĩa xã hội to lớn lại trở thành hết sức lãng phí. Đồng tiền từ thiện xã hội mà để lãng phí thì rất dễ gây phản cảm.

Theo ông, khắc phục điều này như thế nào?

- Thường thì trong các doanh nghiệp không có ban chuyên trách công tác xã hội, do vậy họ cần hợp tác với những tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận có chuyên môn và cách làm chuyên nghiệp để sự đóng góp của họ đến với xã hội hiệu quả nhất. Ở đâu, cần cái gì, cần bao nhiêu, cách thức hỗ trợ nên như thế nào là những câu hỏi không phải chỉ với tấm lòng là có thể trả lời được mà cần phải điều tra, nghiên cứu. Ở ta thường có cách nghĩ sai lầm là đã làm công tác xã hội là làm không công. Nghĩ như vậy thì các tổ chức xã hội sẽ khó có thể thu hút những nhân viên có trình độ chuyên môn cao.

Tính phi lợi nhuận chỉ đòi hỏi việc không sử dụng lợi nhuận từ các hoạt động bỏ vào túi riêng một cá nhân nào, chứ nếu có lợi nhuận để bổ sung cho các hoạt động phát triển xã hội thì quá tốt. Do vậy, chi phí công tác, lương nhân viên cũng cần phải đúng, đủ để đảm bảo hiệu quả công việc.

Một số chuyên gia vẫn thường động viên các doanh nghiệp làm CSR dưới góc độ đây là một sự đầu tư vì sẽ thu được nhiều lợi ích. Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình?

- Lợi ích từ CSR là có thật nhưng nên hiểu đó là hệ quả tự nó mang lại theo kiểu quan hệ nhân - quả chứ không nên nhìn nó như mục đích của CSR. Lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp, theo tôi là lợi ích về con người - con người trong doanh nghiệp và con người trong xã hội. Khi người lao động được bảo vệ an toàn về sức khỏe sẽ giúp giảm tai nạn, giảm nghỉ bệnh, cải thiện môi trường làm việc, tăng năng suất lao động…, trong đó, yếu tố giáo dục từ thực tiễn thực hiện trách nhiệm xã hội góp phần quan trọng.

Một công ty làm nhiều việc tốt cho xã hội thì nhân viên có niềm tự hào, hãnh diện và trở nên gắn bó. Ở Nhật, sự hãnh diện này không chỉ có ở nhân viên trong công ty mà ở cả thế hệ con cái và những người thân trong gia đình họ. Xã hội và con người trong xã hội cùng tốt lên. Người tốt thì làm việc tốt, và việc tốt thì sản phẩm, dịch vụ mới tốt, mới không có melamine trong sữa, không có chất 3-MCPD trong nước tương…

TBKTSG



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98