Công nhân dễ kiếm việc hơn cử nhân?

26/08/2009 10:08
26-08-2009 10:08:59+07:00

Công nhân dễ kiếm việc hơn cử nhân?

Nhiều ngành nghề đang thiếu trầm trọng công nhân lành nghề và nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng trả một khoản thu nhập lớn để tuyển công nhân kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilamma 2, Long Thành, Đồng Nai (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam) cho biết : "nhiều học sinh tốt nghiệp nghề hàn của chúng tôi vừa ra trường làm việc cho các nhà thầu Hàn Quốc đã đạt mức lương 1500 USD/tháng".

Thay đổi nhận thức

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với mức điểm sàn năm 2009, có hơn 773 nghìn lượt thí sinh không đủ điểm vào đại học. Nhiều học sinh đã lựa chọn học nghề như là “giải pháp tình thế”, học tạm để sang năm tiếp tục thi đại học.

Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc Hội nghị trực tuyến về dạy nghề gần đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi nhận thức của xã hội về công tác dạy nghề và học nghề ở Việt Nam.

“Chúng ta cần nhận thức rằng, vào đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất. Thực tế hiện nay cho thấy, chọn được nghề phù hợp và học nghề để có tay nghề giỏi cũng được xã hội rất trân trọng và có vị trí xứng đáng trong xã hội”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết, hiện nhiều ngành nghề đang thiếu trầm trọng công nhân lành nghề và nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng trả một khoản thu nhập lớn để tuyển công nhân nghề.

Thậm chí, với một số nghề mặc dù làm việc bằng chân tay nhưng không ít học sinh sau khi tốt nghiệp có thể kiếm mức lương lên tới cả nghìn USD/ tháng. Lương công nhân ở nhiều doanh nghiệp hiện nay cao hơn lương cử nhân.

Ở góc độ chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực Tp. HCM cho rằng, hiện các doanh nghiệp đang  thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có tay nghề. Ông Tuấn cho biết, lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 20%, vì thế để kiếm một việc làm tốt với mức thu nhập cao đối với một lao động có nghề dễ hơn một cử nhân đại học.

Học nghề nào dễ kiếm việc?

Theo số liệu từ Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và xã hội ), tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề năm 2009 là 1,6 triệu người, trong đó cao đẳng nghề là 70 nghìn, trung cấp nghề là 235 nghìn, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới ba tháng là hơn 1,3 triệu người.

Ông Sâm cho biết, một số nghề “hot” như: hàn công nghệ cao, cơ điện tử, lập trình viên… hiện các khu công nghiệp, khu chế xuất đều đang có nhu cầu rất lớn. Mức lương trung bình của học viên sau khi tốt nghiệp nghề hàn công nghệ cao là 10 triệu đồng /tháng.

Về phía nhà đào tạo, theo ông Trần Tấn Dũng, trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (Quận 1, Tp. HCM), một số nghề thu hút học viên hiện nay là cơ khí, điện, điện lạnh, lắp ráp ô tô. Ông Dũng cho rằng, nghề hàn rất dễ kiếm việc làm có thu nhập cao nếu học viên học thêm các khóa đào tạo nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế (phổ biến là tiêu chuẩn của Hiệp hội hàn Hoa Kỳ, chia theo các mức từ 1G đến 6G).

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Đình Tâm, Hiệu trưởng trường Cao đẳng dạy nghề Vinashin (Thành phố Hải Phòng) cho biết, phần lớn học sinh học nghề tại trường này đều có việc làm ngay sau khi ra trường.

Cụ thể, sau bốn năm thành lập trường đã đào tạo được 8000 học viên, trong đó 7500 học viên được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) ký hợp đồng làm việc.

Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với nhà trường để tuyển dụng ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế. “Nếu doanh nghiệp liên hệ sau thời điểm tốt nghiệp ba, bốn tháng thì rất khó tuyển được vì 100% học sinh, sinh viên ra trường của chúng tôi khi đó đã ổn định công ăn việc làm rồi!”, ông Tâm khẳng định.

Quỳnh Lam

TBKTVN



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98