Đánh giá môi trường chiến lược phải thực sự khả thi, hiệu quả

07/09/2009 19:24
07-09-2009 19:24:18+07:00

Đánh giá môi trường chiến lược phải thực sự khả thi, hiệu quả

Chiều 7/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu, đánh giá công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong thời gian qua, đặc biệt là tiến hành rà soát, phân loại các dự án để đề xuất giải pháp triển khai ĐMC thực sự khả thi, hiệu quả.

ĐMC là phân tích và dự báo các tác động đến môi trường của các dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đưa ra các biện pháp giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đối với môi trường của các dự án. Công việc này khá phổ biến trên thế giới, nhưng vì những khó khăn khác nhau, số lượng dự án có triển khai ĐMC ở Việt Nam còn hạn chế.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là diện dự án yêu cầu phải lập báo cáo ĐMC là rất lớn. Theo Luật Bảo vệ môi trường, có tới 6 loại chiến lược, quy hoạch và kế hoạch (viết tắt là CQK) cần lập báo cáo ĐMC, bao gồm các CQK: phát triển KTXH cấp quốc gia; phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước; phát triển KTXH cấp tỉnh, cấp vùng; quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh.

Theo thống kê, hiện mới chỉ có 27 dự án CQK triển khai được báo cáo ĐMC trên cả nước và sẽ cần một nguồn vốn khổng lồ để triển khai ĐMC tất cả các loại CQK theo quy định. Đó là chưa kể, lực lượng tư vấn, chuyên gia về ĐMC hiện cũng không đáp ứng đủ yêu cầu – Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình về sự hạn chế nói trên.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các Bộ, ngành có kế hoạch khắc phục những bất cập, khó khăn nêu trên để tăng cường công tác đánh giá môi trường chiến lược thực sự khả thi, hiệu quả.

“Đây là yêu cầu cần thiết để đảm bảo cho các chiến lượng, quy hoạch, kế hoạch và các dự án đảm bảo các yêu cầu môi trường, phục vụ phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm tiến hành là nghiên cứu, rà soát, phân loại các đối tượng cần thực hiện ĐMC. Từ đó đề xuất lộ trình, giải pháp triển khai khả thi, từ vấn đề nhân lực, tài chính, thông tin, giúp cho công tác triển khai ĐMC thời gian tới có hiệu quả, tránh các quy định mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ tư vấn đáp ứng yêu cầu, đề xuất sửa đổi cơ chế tài chính phù hợp, có tỷ lệ cụ thể đối với từng loại dự án CQK được phân loại theo khả năng tác động môi trường.

Nguyên Linh

Chính Phủ



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98