Điện gió: Còn nhiều nút thắt

11/09/2009 10:11
11-09-2009 10:11:19+07:00

Điện gió: Còn nhiều nút thắt

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sắp diễn ra tại Đan Mạch được kỳ vọng giúp mở rộng thị trường mua bán quota phát thải, tạo cú hích cho đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, dòng đầu tư vào lĩnh vực này chỉ có thể chảy mạnh với nhiều điều kiện nữa.

Không sôi nổi như các hoạt động đầu tư vào bất động sản hay tài chính, nhưng tại nhiều nước, kể cả ở nhóm nước phát triển và đang phát triển, xu thế đầu tư nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng sạch cũng rất mạnh mẽ. Theo Trung tâm nghiên cứu Worldwatch Institute, hàng trăm tỷ USD đã được rót vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tổng sản lượng điện gió trên thế giới đang tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm, nhưng con số này đối với năng lượng mặt trời còn “khủng” hơn: xấp xỉ 50%/năm, kể từ năm 2007.

Tiềm năng không nhỏ

Ở nước ta, tình trạng khó khăn về nguồn than đá được dự báo đã rất cận kề - năm 2012 bắt đầu phải nhập khẩu với số lượng lớn để phục vụ các nhà máy điện - nguồn dầu mỏ cũng không còn tràn trề kể từ năm 2030 trở đi. Và với những dự án hiện có, kể cả nhà máy điện nguyên tử công suất 4.000MW, thì từ 10 đến 20 năm tới, Việt Nam vẫn thiếu điện.

May mắn thay, tuy có những ước đoán khác nhau (các chuyên gia nước ngoài đánh giá tiềm năng cao hơn nhiều so với nghiên cứu trong nước), song điều không thể phủ nhận là tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá lớn… Chẳng hạn, PGS TS Nguyễn Bội Khuê cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đáp ứng tới 12% nhu cầu về điện từ nguồn điện gió.

Thế nhưng điều còn quan trọng hơn, theo ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo (REVN), là ý nghĩa xã hội của các dự án năng lượng sạch, đặc biệt là trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế sự biến đổi khí hậu.

Dùng được “của giời cho” cũng tốn!

Tuy vậy, cho tới nay, theo Bộ Công Thương, nguồn năng lượng tái tạo thực tế mới chiếm trên 1% tổng công suất điện của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu phấn đấu khá khiêm tốn so với nhiều nước là 3% tổng công suất điện năng vào năm 2010, chặng đường mà Việt Nam phải đi còn khá dài và không bằng phẳng.

Cuối tháng 8 vừa qua, một “mỏ gió” vừa được khai thác bước đầu thành công ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Những tuốc - bin gió có công suất 1,5MW/chiếc đã quay và đang cho điện hòa vào lưới điện.

Dự án nhà máy phong điện nói trên của Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo (REVN) có tổng công suất là 120 MW với 80 tuốc - bin sẽ hoàn thành vào năm 2011, được thực hiện theo nhiều giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ xây dựng, lắp đặt 20 tuốc - bin loại công suất 1,5MW, tổng mức đầu tư là 816 tỷ đồng. Bước đầu đã tương đối trôi chảy, song, theo ông Phạm Văn Minh, doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn. Cái lợi, cái tiện của điện gió thì ai cũng thấy, nhưng do 100% thiết bị hiện nay đều phải nhập khẩu từ nước ngoài (mà đều là loại hàng siêu trường siêu trọng) nên khoản đầu tư ban đầu là rất lớn. Hỏi ông bán điện với giá bao nhiêu, vị Chủ tịch HĐQT lắc đầu, bởi lẽ, dù điện đã lên lưới, người mua (không ai khác ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cũng đã nhận mua, nhưng giá bao nhiêu thì vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Cần chính sách hỗ trợ thiết thực và bền vững

Rõ ràng, tương lai của ngành công nghiệp chế tạo thiết bị điện sạch là hết sức sáng sủa. Chị Sylvia Magnoni, Giám đốc bộ phận quan hệ quốc tế của Baltic Sea Solution (BASS, Đan Mạch) cho biết: “Với mức tăng trưởng bình quân lên đến 30%/năm, thách thức chính của ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện gió ở Đan Mạch hiện nay là… làm sao cung đủ cầu. Từ năm 2006 và ít nhất là cho đến năm 2011, ước tính cứ sau 3 năm công suất lắp đặt các thiết bị điện gió của chúng tôi lại tăng trưởng gấp đôi”.

Ở Việt Nam, ông Minh cũng nhìn nhận, việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng, là sự hứa hẹn đối với nhiều ngành công nghiệp và thị trường lao động, trong đó đáng lưu ý là ngành cơ khí đang ốm yếu. Ông “bật mí”, REVN đã có dự án sản xuất cột điện gió. “Công nghệ điện gió là loại công nghệ cao mà ngay cả những quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh cũng chưa chắc đã làm được. Tuy thế, chúng ta cũng có thể phát triển sản xuất một phần trong nước với điều kiện khung chính sách pháp lý cho hoạt động phát triển năng lượng tái tạo sớm được hoàn thiện”.

Trên thực tế, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Đơn cử, để kích cầu sử dụng năng lượng mặt trời, từ tháng 5 - 2008 đến năm 2013, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND TP. HCM và Công ty ECC - HCMC đã tổ chức chương trình hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng năng lượng mới với tổng kinh phí 40 tỷ đồng. Khách hàng mua 1 bộ máy nước nóng năng lượng mặt trời sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, chính sách khuyến khích này chưa được áp dụng đồng bộ trên cả nước và xem ra cũng chưa có tính bền vững. Tại Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha…, chính phủ yêu cầu các công ty điện phải mua điện mặt trời (hoặc điện gió…) do người dân tự đầu tư với giá cao hơn so với giá điện công cộng và phải ký hợp đồng mua điện trong 20 - 25 năm, nhờ đó người dân yên tâm đầu tư hệ thống năng lượng mới cho nhà mình và bán phần thừa cho hệ thống công cộng.

Bên cạnh “nút thắt” về giá điện thì thủ tục đầu tư phức tạp và tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cũng là những cản ngại lớn.

Ứng xử một cách khôn khéo để đảm bảo quyền lợi của quốc gia (gió, năng lượng mặt trời hay địa nhiệt đều là những tài nguyên thiên phú) và thu hút được nhiều nguồn đầu tư là nhiệm vụ khó khăn đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách; chưa kể đến yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân có điện xài với mức giá chấp nhận được trong điều kiện thu nhập bình quân chưa cao.

* Hiện khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có các chương trình cấp nhà nước nhằm gia tăng sản xuất năng lượng tái tạo, gần 50 quốc gia áp dụng các chính sách ưu đãi khác nhau cho công nghiệp sản xuất năng lượng sạch. Trong số này có tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Không chỉ có các nước phát triển mà Trung Quốc, Brazil, CH Dominica, Ai Cập, Ấn Độ, Mali, Malaysia, Philippines, Nam Phi và Thái Lan… cũng có các chương trình tương tự.

* Giá thành sản xuất điện mặt trời khoảng 60 cent (gần 11.000 đồng/kWh); điện gió khoảng 8 cent (gần 1.450 đồng/kWh), điện địa nhiệt đắt hơn khoảng 30% so với điện được phát từ nhà máy vận hành bằng than đá.

Cẩm Hà

Diễn đàn Doanh nghiệp



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98