Phát triển đô thị Hà Nội: Cần những tiêu chí bền vững

07/11/2009 09:03
07-11-2009 09:03:26+07:00

Phát triển đô thị Hà Nội: Cần những tiêu chí bền vững

Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) và môi trường (MT). Những thành tựu đó thể hiện sự phát triểnThủ đô theo hướng bền vững, trong đó có việc hoạch định và thực hiện quy hoạch, dự án phát triển, việc quản lý đô thị để hướng tới sự hài hòa KT-XH và MT và đặc biệt là giải pháp phát triển đô thị bền vững...

Quy hoạch phải bảo đảm tính ổn định, bền vững

Trên thực tế, còn những khó khăn, tồn tại tác động đến sự phát triển đô thị bền vững của Thủ đô như hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vừa thiếu vừa yếu; ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, nguy cơ dịch bệnh... không giảm. Đặc biệt, khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô với diện tích 3,300km2, 29 đơn vị hành chính và 6.5 triệu người, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, UBND thành phố cùng các ngành liên quan và tư vấn nghiên cứu quy hoạch bảo đảm tính ổn định, bền vững với tầm nhìn rộng hơn về không gian, trong mối quan hệ của quy hoạch Vùng Thủ đô, quốc gia, khu vực và quốc tế. Với phương châm phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm, quản lý và phát triển đô thị là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng; xác định đúng trọng tâm, có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ phát triển gắn với yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng chỉ tiêu phát triển theo hướng bền vững của Thủ đô và Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng cho giai đoạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu tổng quát phát triển bền vững là quá trình kết hợp chặt chẽ, hài hòa của 3 mặt phát triển KT-XH và MT. Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành một đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội toàn diện. Về mục tiêu kinh tế, phát triển bền vững về kinh tế là đạt được sự tăng trưởng cao và ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý hiện đại; phát triển dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, theo hướng ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn, ít gây ô nhiễm MT, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế... Về mục tiêu văn hóa - xã hội, phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm văn hóa tiêu biểu của quốc gia. Xây dựng con người mới, thực hiện công bằng xã hội; tập trung giải quyết tình trạng nghèo, tệ nạn xã hội và giải quyết việc làm... Với mục tiêu về môi trường, tính toán các phương án do tác động của con người với thiên nhiên, chọn phương án tối ưu nhằm nâng cao chất lượng sống cho con người, nhưng vẫn bảo đảm cân bằng các hệ sinh thái. Từ đó, có phương án khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa, kiểm soát và xử lý có hiệu quả ô nhiễm MT. Đô thị hóa bền vững xuất phát từ quan điểm tổng hòa KT-XH, ổn định MT sinh thái và bảo đảm sự liên kết không gian chặt chẽ giữa đô thị và nông thôn; xóa bỏ dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, cân bằng hệ sinh thái giữa nội thành và ngoại thành. Có kế hoạch toàn diện cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà ở xã hội, vệ sinh MT... cho cả đô thị và nông thôn...

Cần những tiêu chí để phát triển bền vững

Như vậy, hệ thống tiêu chí cho phát triển đô thị bền vững được đặt ra cho các nhóm về phân bố và quy hoạch đô thị phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, bảo vệ MT; phát triển ổn định và bền vững KT; trình độ dân trí và nguồn nhân lực; trình độ quản lý đô thị; dịch vụ đô thị; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; quy hoạch đô thị và MT và sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch đô thị; sự hợp tác trong điều hành phối hợp trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng theo tiêu chí phát triển bền vững.

Từ những mục tiêu và hệ thống tiêu chí chung đặt ra cho sự phát triển đô thị bền vững và vị trí Thủ đô là đô thị hạt nhân, đóng vai trò chủ đạo của vùng trong việc phát triển bền vững về KT-XH, TN-MT, gắn kết sự phát triển của Vùng Thủ đô. Phát huy tiềm năng, lợi thế của Vùng Thủ đô để phát triển bền vững là sự cần thiết và để trở thành động lực phát triển, làm cho đô thị vệ tinh ở cấp tỉnh trở thành hạt nhân phát triển khu vực, giảm sức ép lên đô thị trung tâm Thủ đô; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội và chất lượng dịch vụ ở các đô thị vệ tinh cấp tỉnh trong vùng để tăng sức hút phát triển KT - đô thị chung cho các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Vì vậy, cần nghiên cứu hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững ở Thủ đô theo hướng các nhóm chỉ tiêu, ở các lĩnh vực: KT-XH, đô thị, TN-MT. Để tăng sự bền vững trong quá trình phát triển đô thị, Hà Nội đang cùng các ngành liên quan tập trung thực hiện các chương trình bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chương trình phát triển KT-XH trên từng lĩnh vực và chương trình về xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng, hình thành vành đai xanh bao quanh trung tâm đô thị hạt nhân và liên kết đô thị vệ tinh; phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng có kế hoạch phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, thương mại, y tế, đào tạo, công nghiệp... Đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, triển khai công nghệ xử lý nước thải, chuyển xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến và tái chế, tái sử dụng vừa có tính phục vụ từng đô thị và cả vùng.

Để đạt được mục tiêu trên, quá trình ban hành các quyết định, chương trình, chính sách, quy hoạch và kế hoạch hành động... phải đồng bộ, kết hợp hiệu quả các yếu tố ngắn hạn, dài hạn về KT-XH-MT và bảo đảm sự tham gia rộng rãi của cộng đồng trong các vấn đề liên quan. Các cấp chính quyền phải giám sát, kiểm tra hoạt động quy hoạch đô thị và xây dựng, cải tạo theo quy hoạch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đi đôi với cải thiện hệ thống tổ chức quy hoạch và quản lý đô thị các cấp, trên cơ sở có sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng, các tỉnh, thành phố lân cận, việc phát triển đô thị bền vững ở Thủ đô và cả vùng, khu vực mới đạt hiệu quả.

TS Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Hà Nội mới



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98