Vị "giáo sĩ" đầy quyền lực trong ngành ôtô Mỹ

26/02/2010 09:01
26-02-2010 09:01:20+07:00

Vị "giáo sĩ" đầy quyền lực trong ngành ôtô Mỹ

Ron Gettelfinger – người đứng đầu Công đoàn công nhân sản xuất ôtô Mỹ (UAW) - đã nhanh chóng nổi lên trở thành người có quyền lực lớn nhất trong ngành công nghiệp này.

Từng là thợ sửa khung gầm xe hơi trong một nhà máy của Ford ở bang Indiana, người đàn ông 65 tuổi này đã dẫn dắt lực lượng công nhân ngành tự động hóa trong 8 năm và nổi lên từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ năm 2008, rồi nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật quyền lực ở Detroit – thành phố biểu tượng của nền công nghiệp xe hơi Mỹ.

Ron Gettelfinger được biết đến với biệt danh “giáo sĩ” bởi thói quen không uống rượu và hút thuốc lá. Ông đã lãnh đạo 513.000 công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn, để rồi sau đó trở thành đồng sở hữu của 2/3 nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Mỹ.

Từ sau cuộc tái cơ cấu tài chính hậu phá sản, UAW đã nắm giữ 17,5% cổ phiếu của GM và nắm quyền kiểm soát Chrysler với 55% cổ phần. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tới vấn đề việc làm và thất nghiệp trong ngành sản xuất ôtô ở Mỹ là rất rõ ràng.

“Mọi người cần giữ vững quyết tâm và lạc quan”, Gettelfinger phát biểu tại một triển lãm ở Detroit. “Tôi thực sự tin rằng, sau những gì chúng ta đã hứng chịu trong năm 2008, 2009; điều tồi tệ nhất đã qua. Mỗi công việc chúng ta cứu được đều rất quan trọng. Nếu GM sụp đổ, nó sẽ kéo theo cả Chrysler, Ford và làm tổn hại đến các thương hiệu khác trên thế giới”.

Sau thắng lợi áp đảo trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch Công đoàn UAW năm 2006, Gettelfinger chịu một sức ép rất lớn. Nhanh chóng mất thị phần vào tay các hãng nước ngoài, các nhà sản xuất xe hơi Mỹ viện cớ chi phí nhân công cao là nguyên nhân chính dẫn tới khả năng cạnh tranh yếu kém của họ.

Năm 2007, chi phí trung bình một giờ lao động của công nhân làm việc trong nhóm “3 ông lớn” tại Detroit (gồm GM, Chrysler và Ford) vào khoảng 70USD, cao hơn 20USD so với các đối thủ nước ngoài. Thậm chí chi phí cho việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ cấp thôi việc cho công nhân đã làm phình lên giá bán một chiếc ôtô tới 1500USD.

UAW đã tổ chức các cuộc đình công đòi tăng lương, thu hút sự tham gia của 49.000 công nhân Chrysler và tại GM là 73.000. Mặc dù được dẹp yên nhanh chóng, nhưng điều này đã chứng minh công nhân vẫn có lòng trung thành lớn trước lời kêu gọi từ phía Công đoàn.

Tâm điểm của việc tái cơ cấu tài chính các hãng xe hơi ở Detroit chính là những cuộc đình công này đã kết thúc bằng thỏa hiệp mới trong đó Công đoàn chịu gánh nặng về trợ cấp, chăm sóc sức khỏe cho công nhân, bù đắp các khoản lỗ trên sổ sách của GM và Chrysler thông qua việc hình thành nên các tơ-rơt (tập đoàn lớn kiểu Mỹ).

Được giám sát và chỉ đạo bởi UAW, các tơ-rơt này đã dần thâu tóm số lượng lớn cổ phần và tài sản tại GM và Chrysler khi hai hãng này tuyên bố phá sản vào năm ngoái do không có khả năng chi trả các khoản nợ. Một chuyên gia về lao động coi thỏa hiệp này là một “chuỗi các xung đột về quyền lợi” khi mà Công đoàn lại dàn xếp với các công ty để nắm lấy thực quyền sở hữu.

Tuy nhiên, Gettelfinger lại cho rằng các cổ đông của UAW được giám sát bởi một tổ chức độc lập và điều này đem lại nhiều điểm tích cực. “Trước đây chưa có ai trong Công đoàn tham gia vào ban lãnh đạo. Còn bây giờ chúng tôi có chân trong ban lãnh đạo của cả GM và Chrysler, giúp mang tới nhiều thông tin nội bộ có ích”.

Mặc dù chịu các quan điểm chỉ trích từ nhiều phía, Ron Gettelfinger vẫn được đánh giá cao bởi những nỗ lực trong việc duy trì hệ thống quản lý kép này tại nhóm "3 ông lớn”, làm giảm chi phí nhân công và tăng sức cạnh tranh của các hãng sản xuất xe hơi nội địa so với những thương hiệu nước ngoài như Toyota, Honda và Mercedes-Benz.

Minh Long (Theo Guardian)

Vietnamnet



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chơi lớn như Volkswagen – hơn 10% tỷ suất cổ tức

Trước khi tiến hành đợt IPO Porsche “bom tấn”, cổ phiếu Volkswagen gần như không biến động quá nhiều trong nhiều năm. Thậm chí nếu bạn mua cổ phiếu Volkswagen cách...

Chứng khoán thế giới


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98