Kinh tế Việt Nam: Đâu là những rủi ro tiềm ẩn?

17/07/2010 11:02
17-07-2010 11:02:43+07:00

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Kinh tế Việt Nam: Đâu là những rủi ro tiềm ẩn?

(Vietstock) – Kinh tế 6 tháng đầu năm 2010 đã có những bước chuyển biến tích cực, song con đường phục hồi phía trước vẫn còn nhiều chông gai. Lãi suất cao, thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại và biến động tỷ giá vẫn còn là rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế. Không những vậy, kinh tế trong nước còn phải đối mặt với những rủi ro từ sự biến động khó lường từ kinh tế thế giới.

TÓM TẮT NHẬN ĐỊNH

Tăng trưởng GDP: Vietstock dự báo GDP cả năm 2010 ở mức 6.67%. Tăng trưởng GPD 6 tháng đầu năm đạt 6.16%, có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 6.5% của năm 2010. Tăng trưởng của nền kinh tế đang có dấu hiệu dịch chuyển tích cực, đã dựa nhiều hơn vào các ngành sản xuất, thay vì công nghiệp xây dựng và khai thác tài nguyên như năm 2009. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP trong những tháng sắp tới có thể đạt quanh mức 7%, đưa GDP cả năm 2010 có thể đạt mức 6.67%. Rủi ro: tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, trong khi chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, vốn đầu tư nhà nước tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn và hiệu quả chưa cao.

Lạm phát: Chúng tôi cho rằng rủi ro lạm phát năm 2010 không còn đáng ngại. Lạm phát trong những tháng sắp tới tiếp tục duy trì ở mức thấp. Mục tiêu giữ tốc độ tăng CPI khoảng 8% trong năm nay có thể đạt được. Nguyên nhân là do giá cả hàng hóa thế giới được kìm giữ ở mức vừa phải. Trong khi đó, sức tiêu thụ hàng hóa trong nước chưa tăng mạnh và tín dụng, cung tiền trong 6 tháng vừa qua cũng ở mức khá thấp.

Lãi suất: Chúng tôi tin rằng lãi suất có cơ sở để tiếp tục giảm khi tiền được bơm dần vào nền kinh tế. NHNN đã tích cực hơn trong việc nới rộng chính sách tiền tệ. Số tiền ròng NHNN bơm qua thị trường mở trong tháng 6 đạt 10.4 nghìn tỷ đồng, sau khi đã bơm ròng 21 tỷ đồng vào tháng 5. Tăng trưởng tín dụng tháng 6 cũng đạt mức 2.75% đưa tín dụng 6 tháng tăng 10.5%. Với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 25%, tín dụng có thể tăng trưởng cao hơn trong những tháng còn lại.

Thâm hụt thương mại: Xu thế nhập siêu vẫn không ngừng tăng và tiếp tục đứng ở mức cao. Chúng tôi dự báo trong những tháng sắp tới, thâm hụt thương mại tiếp tục duy trì ở mức khá cao, và sẽ đạt vào khoảng 14-15 tỷ USD trong năm 2010. Thâm hụt thương mại cao gây sức ép lên thâm hụt cán cân thanh toán và bất ổn cho nền kinh tế. Tuy vậy, đây là một vấn đề không dễ giải quyết trong ngắn hạn.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): FDI đăng ký thấp, nhưng giải ngân khả quan. Cơ cấu vốn FDI tích cực hơn, khi đầu tư vào bất động sản giảm, vào sản xuất tăng đáng kể.

Cán cân thanh toán và tỷ giá VND: Năm 2010, cán cân thanh toán của Việt Nam có thể không còn thâm hụt, nhưng áp lực mất giá của đồng nội tệ vẫn luôn hiện diện. Trong thời gian tới, NHNN cần phải nâng cao dự trữ ngoại hối nên sẽ tăng cầu mua ngoại tệ trên thị trường. Tỷ giá cũng phải chịu áp lực lớn do thâm hụt thương mại dự báo tiếp tục ở mức cao. Ngoài ra, tỷ giá còn chịu áp lực do tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh và lãi suất đồng nội tệ giảm. Tuy vậy, các áp lực này sẽ không quá lớn. NHNN có thể nới rộng biên độ tỷ giá tiền đồng thêm 1-2% để đưa đồng nội tệ về mức cân bằng của thị trường.

1. Tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu cả năm 2010

Tăng trưởng GPD 6 tháng đầu năm đạt 6.16%, có cải thiện nhưng chưa đạt mục tiêu 6.5% của năm 2010. Tăng trưởng đã dựa nhiều hơn vào sản xuất, thay vì xây dựng và khai thác tài nguyên như năm 2009

Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2010 đạt 6.4%, cao hơn khá nhiều mức 5.83% của quý 1, tính chung 6 tháng đầu năm đạt 6.16%. Mức tăng trưởng này cao hơn khá nhiều so với mức 3.87% của 6 tháng đầu năm 2009, tuy vậy lại thấp hơn mục tiêu 6.5% của cả năm 2010.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản được cải thiện đáng kể khi tăng 3.31%, cao hơn mức 1.47% của cùng kỳ 2009 bất chấp sự khắc nhiệt của thời tiết trong những tháng vừa qua. Các khu vực khác cũng đạt được mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết hết các ngành nghề trong khu vực đều đạt được mức tăng trưởng khá ngoại trừ ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 6.48%. Như vậy, có thể thấy khác với cùng kỳ năm trước tăng trưởng nhờ sự đóng góp khá lớn của công nghiệp xây dựng và khai thác tài nguyên 6 tháng vừa qua tăng trưởng kinh tế đã dựa nhiều hơn vào các ngành sản xuất.

Tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện. Vốn đầu tư nhà nước tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hiệu quả chưa cao

Mặc dù tăng trưởng kinh tế được cải thiện nhưng vẫn chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện. Vốn đầu tư khu vực nhà nước tiếp tục chiếm tỷ trọng cao. Đầu tư khu vực ngoài nhà nước bị thu hẹp do lãi suất ở mức cao, tăng trưởng tín dụng co hẹp.

Tổng số vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm đạt 390.10 nghìn tỷ đồng, tăng 13.4% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó khu vực nhà nước chiếm 42.7% và tăng 17.8%. Hai khu vực còn lại là khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 57.3% và tăng trưởng vốn đầu tư cũng thấp hơn nhiều so với khu vực nhà nước.

Tổng số vốn đầu tư trong 6 tháng 2010 bằng 46% GDP, theo giá hiện hành với ICOR đã lên tới 7.4 lần tính theo giá hiện hành. Có thể việc đầu tư mạnh những tháng đầu năm sẽ làm cho tăng trưởng GDP những tháng tới được cải thiện hơn. Tuy vậy, mức đầu tư này được xem là mức khá cao đối với một nền kinh tế. Bên cạnh đó, có thể thấy tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nhà nước lại chiếm một tỷ lệ rất cao và tốc độ tăng vượt trội so với 2 khu vực còn lại. Những tháng đầu năm lãi suất tăng cao buộc đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bị co hẹp, trong khi đó khu vực nhà nước vẫn được ưu tiên các nguồn vốn giá rẻ để đầu tư.

Nhận định: Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP quý 3 và 4 sẽ cao hơn 2 quý đầu năm. Nguyên nhân là do vốn đầu tư tiếp tục duy trì ở mức cao, sản xuất trong nước cũng sẽ khả quan hơn do một số ngành nghề tiếp tục chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP trong những tháng sắp tới có thể đạt quanh mức 7%, đưa GDP cả năm 2010 có thể đạt mức 6.67%.

Do tính chất đặc thù và sự kém hiệu quả của khu vực nhà nước khiên tăng trưởng kinh tế không cao, trong khi đó lượng vốn cần đầu tư lại quá lớn. Đây chính là một trong những rủi ro đáng quan tâm của nền kinh tế trong thời gian tới.

2. Lạm phát tăng chậm lại và dự báo sẽ dưới 8% trong năm 2010

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2010 chỉ tăng 0.22%, thấp hơn mức 0.27% của tháng 5. CPI tháng 6 đã tăng 4.78% so với đầu năm và tăng 8.69% so với cùng kỳ năm trước, không ngoài dự báo của chúng tôi.

Trong 6 tháng qua, mặt hàng chịu tăng giá nhiều nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 9.08%. Nhóm hàng lương thực và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa tính GDP cũng tăng 5.94%. Các mặt hàng còn lại có mức tăng không mạnh.

Nhận định: Quan sát trên thị trường, chúng tôi nhận thấy giá hàng hóa đã tương đối ổn định, trong khi giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm liên tục 2 lần. Giá hàng hóa khác trong nước và trên thế giới cũng không còn tăng mạnh, thậm chí giảm do kinh tế thế giới vẫn đang đình trệ.

Chúng tôi cho rằng rủi ro lạm phát năm 2010 không còn đáng ngại và lạm phát trong những tháng sắp tới tiếp tục duy trì ở mức thấp. Mục tiêu giữ tốc độ tăng CPI khoảng 8% trong năm nay có thể đạt được. Nguyên nhân là do giá cả hàng hóa thế giới được kìm giữ ở mức vừa phải. Trong khi đó, sức tiêu thụ hàng hóa trong nước chưa tăng mạnh và tín dụng, cung tiền trong 6 tháng vừa qua cũng ở mức khá thấp.

3. Lãi suất có cơ sở để tiếp tục giảm khi tiền được bơm dần vào nền kinh tế

Tháng 6, lãi suất cho vay trên thị trường tiếp tục điều chỉnh nhẹ tuy nhiên nhìn chung giảm không nhiều. Mức lãi suất cho vay phổ biến trên thị trường trong khoảng 13-15%. Dù đã giảm khá mạnh so với những tháng đầu năm, nhưng đây vẫn được xem là mức khá cao trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Trên thị trường cũng xuất hiện vài đợt đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng cũng giảm nhẹ.

Trong những ngày vừa qua, lãi suất cho vay trên thị trường bắt đầu điều chỉnh. Nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với những khách hàng tốt và khách hàng trong diện ưu tiên xuống còn quanh mức 12 – 13%.

Điểm đáng lưu ý là ngày 06/07/2010, NHNN đã có Công văn số 5065/NHNN-CSTT yêu cầu tổng giám đốc các NHTM thực hiện đúng nội dung đồng thuận giữa các thành viên của VNBA về giảm lãi suất huy động vốn bằng VND.

Nhận định: Nhìn lại các chính sách tiền tệ trong thời gian qua, có thể thấy NHNN đã tích cực hơn trong việc nới rộng các chính sách tiền tệ. Số tiền ròng NHNN bơm qua thị trường mở trong tháng 6 đạt 10.4 nghìn tỷ đồng, sau khi đã bơm ròng 21 tỷ đồng vào tháng 5. Tăng trưởng tín dụng tháng 6 cũng đạt mức 2.75% đưa tín dụng 6 tháng tăng 10.5%. Với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 25%, tín dụng có thể tăng trưởng cao hơn trong những tháng còn lại. Như vậy với việc tiền được bơm dần vào nền kinh tế thì lãi suất sẽ có cơ sở để giảm trong thời gian tới. Điều này được củng cố khi mà mối lo ngại về lạm phát trong năm 2010 đang giảm đi đáng kể.

4. Xuất nhập khẩu khả quan, nhưng nhập siêu vẫn ở mức cao

Nhập siêu 6T/2010 vào khoảng 6.73 tỷ USD, và lên tới 27% kim ngạch xuất khẩu nếu không tính xuất khẩu vàng

Nhập siêu sau khi giảm xuống còn 750 triệu USD nhờ xuất khẩu vàng tăng vọt trong tháng 5, đã tăng lên đến 1.2 tỷ USD vào tháng 6. Nếu loại xuất khẩu vàng ra khỏi kim ngạch xuất khẩu thì nhập siêu tháng 5 lên tới 1.55 tỷ USD, còn tháng 6 cũng lên tới 1.5 tỷ USD. Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Nhập siêu 6 tháng đầu năm năm 2010 vào khoảng 6.73 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 1.1 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2009. Như vậy, mức thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm đã bằng 21.5% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu 20% của chính phủ. Nếu không tính thêm 1.34 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vàng thì nhập siêu đã lên tới 27% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng mạnh nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tương đối khả quan khi kim ngạch xuất khẩu được cải thiện dần qua từng tháng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 32.13 tỷ USD, tăng 15.7% so cùng kỳ năm trước. Nếu không tính xuất khẩu vàng thì kim ngạch xuất khẩu tăng 22.27%.

Động lực tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất chính là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu của khu vực này tăng 26.31% bất chấp xuất khẩu dầu thô sút giảm hơn 20%.

Xét theo mặt hàng, xuất khẩu sản phẩm dệt may đứng đầu về kim ngạch đạt 4.8 tỷ USD, tăng 17.96%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh như cao su và máy móc thiết bị, đồ điện tử.

Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã vượt xa mục tiêu 12-13% theo kế hoạch của chính phủ. Đây được xem là một tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế. Đáng lưu ý là xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng rất mạnh cho thấy phần nào nhu cầu tiêu thụ của thế giới đã phục hồi trở lại.

Lượng dầu thô xuất khẩu chỉ bằng hơn 40%, kim ngạch giảm 21.51% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do lượng khai thác sút giảm và một phần được sử dụng cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, sắn giảm so với cùng kỳ.

Chúng tôi cho rằng xuất khẩu trong những tháng sắp tới tiếp dục duy trì tăng trưởng khả quan. Kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể tăng 15-17% so với năm 2009. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước sẽ đạt khoảng 65-66 tỷ USD.

Nhập khẩu tăng mạnh ở hầu hết các nhóm hàng hóa

Nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 38.8 tỷ USD, tăng 30.74% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi của một số ngành sản xuất cùng với giá cả các mặt hàng tăng cao đã khiến cho nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh.

Kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng đến 54%. Điều này cho thấy nhu cầu sản xuất của khu vực này đang phục hồi khá mạnh mẽ, đặc biệt là ở các sản phẩm gia công phục vụ xuất khẩu. Cụ thể mặt hàng điện tử máy tính và linh kiện tăng 37%, chất dẻo tăng 51%..

Hiện tại các mặt hàng máy móc thiết bị chiếm hơn 90% cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh có thể xem là một tín hiệu khả quan cho nền kinh tế, dù điều này gây áp lực đối với việc nhập siêu. Nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng vừa qua còn cho thấy kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng theo chiều rộng.

Chúng tôi cho rằng trong những tháng sắp tới tốc độ tăng trưởng nhập khẩu sẽ chậm dần. Tăng trưởng nhập khẩu năm 2010 khoảng 17%, thay vì mức 30% như 6 tháng đầu năm. Chúng tôi dự báo kim ngạch nhập khẩu cả năm 2010 vào khoảng 80 tỷ USD.

Nhận định: Những diễn này cho thấy xu thế nhập siêu vẫn không ngừng tăng mạnh và tiếp tục đứng ở mức cao. Chúng tôi dự báo trong những tháng sắp tới, thâm hụt thương mại tiếp tục duy trì ở mức khá cao, và sẽ đạt vào khoảng 14-15 tỷ USD trong năm 2010.

Thâm hụt thương mại cao gây sức ép lên thâm hụt cán cân thanh toán và bất ổn cho nền kinh tế. Tuy vậy, đây là một vấn đề không dễ giải quyết trong ngắn hạn. Việc phát triển kinh tế dựa vào dòng vốn đầu tư nước ngoài buộc Việt Nam phải nhập siêu. Hầu hết các máy móc phục vụ sản xuất và nguyên vật liệu cơ bản đều phải nhập từ nước ngoài. Trong khi đó, xuất khẩu chủ yếu là khoảng sản, nông sản và các mặt hàng gia công có hàm lượng công nghệ thấp. Như vậy có thể thấy ”căn bệnh” nhập siêu của Việt Nam không thể giải quyết ngay được trước mắt. Về lâu dài, để cân bằng cán cân thương mại, Việt Nam cần một chiến lược tái cơ cấu và phát triển tổng thể toàn bộ nền kinh tế.

5. FDI đăng ký thấp, nhưng giải ngân khả quan. Cơ cấu vốn FDI tích cực hơn, khi đầu tư vào bất động sản giảm, vào sản xuất tăng đáng kể

Tháng 6 vốn đầu tư FDI đăng ký mới đạt khoảng 900 triệu USD, nâng tổng số vốn cam kết 6 tháng đầu năm lên mức 8.43 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. 4 tỉnh và thành phố có vốn FDI đăng ký lớn nhất hơn 1 tỷ USD là Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, TPHCM, Nghệ An.

Vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.87 tỷ USD, chiếm 34%, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đạt 2.2 tỷ USD, chiếm 25.5%; kinh doanh bất động sản 1.78 tỷ USD, chiếm 21.2%. Tổng vốn FDI giải ngân trong tháng 6 đã tăng thêm 900 triệu USD, đưa con số này của 6 tháng đầu năm lên mức 5.4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ.

Như vậy, có thể thấy bất chấp sự khó khăn của kinh tế thế giới trong những tháng vừa qua FDI giải ngân vẫn khả quan. Vốn đầu tư FDI trở thành nguồn vốn quan trọng đối với nền kinh tế. Xuất và nhập khẩu của khu vực FDI tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua. Cơ cấu đầu tư FDI cũng đã có những chuyển biến tích cực khi đầu tư vào khu vực bất động sản giảm, vốn đầu tư vào khu vực sản xuất tăng lên đáng kể.

Nhận định: FDI duy trì được mức độ giải ngân khá là một yếu tố quan trọng tài trợ cho nhập siêu của Việt Nam. Việc FDI giải ngân cao cũng cho thấy Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn trong việc thu hút vốn đầu tư. Vốn FDI tiếp tục là dòng vốn quan trọng đối với Việt Nam trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên, nếu không được quản lý một chặt chẽ thì FDI không phải bao giờ cũng mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Trong thời gian qua, hiệu quả đầu từ của khu vực FDI không cao. Công nghệ của phần lớn doanh nghiệp FDI khi đưa vào thường là ”hạng hai” hoặc gây ô nhiễm hoặc đã hết khấu hao. Ngoài ra, không ít dòng vốn FDI chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên, kinh doanh bất động sản... nên không đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Mộ sự chuyển biến khá tích cực trong 6T/2010 là đầu tư FDI đã có những thay đổi về mặt cơ cấu vốn. Đầu tư vào khu vực bất động sản giảm, trong khi vốn đầu tư vào khu vực sản xuất tăng lên đáng kể.

6. Cán cân thanh toán có thể cân bằng và biến động tỷ giá không nhiều

Năm 2009, tỷ giá là một vấn đề nóng trong nền kinh tế, khi luôn xuất hiện sự cách biệt khá lớn giữa tỷ giá chính thức và phi chính thức. Có thời điểm mức chênh lệch đã lên tới hơn 2,000 VND/USD. Trước tình trạng này, NHNN phải dùng hàng loạt các biện pháp hành chính và kể cả việc can thiệp bằng cách bán hơn 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối ra thị trường. Ngày 25/11/2009 và 10/02/2010, NHNN lần lượt điều chỉnh tỷ giá giảm thêm lần lượt 5% và 3.3%.

Kể từ ngày 10/02/2010 đến nay, tỷ giá liên ngân hàng được giữ nguyên ở mức 18,544 VND/USD. Tỷ giá trên thị trường dần ổn định và được giao dịch quanh mức 19,000 VND/USD thấp hơn mức trần 19,100 VND/USD.

Sở dĩ tỷ giá hiện nay ở trong trạng thái ổn định là vì cán cân thanh toán của Việt Nam khá cân bằng. Ngoài ra, sau hai lần điều chỉnh tỷ giá về sát mức kỳ vọng của người dân nên họ giảm việc nắm giữ USD.

Các dòng ngoại tệ đổ vào Việt Nam trong những tháng vừa qua tăng lên khá mạnh. FDI giải ngân đạt 5.4 tỷ USD cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn kiều hối trong 6 tháng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD. Ngoài ra còn một loạt các loại vốn khác như nguồn phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, hơn 800 triệu USD vốn FPI, vốn ODA và vay thương mại, kiều hối cũng khả quan.

Dòng tiền này có thể bù đắp cho 6.73 tỷ USD nhập siêu trong 6 tháng, khoảng hơn 1.5 tỷ USD trả cho nợ vay nước ngoài, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và số tiền chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Nhận định: Năm 2010, cán cân thanh toán của Việt Nam có thể không còn thâm hụt, nhưng áp lực mất giá của đồng nội tệ vẫn luôn hiện diện. Nguyên nhân là do tỷ giá vẫn còn nhiều áp lực khác và NHNN cũng không muốn mạo hiểm trong việc dùng mọi cách để tỷ giá cố định như hiện nay.

Trong thời gian tới NHNN cần phải nâng cao dự trữ ngoại hối nên sẽ tăng cầu mua ngoại tệ trên thị trường. Tỷ giá cũng phải chịu áp lực lớn do thâm hụt thương mại trong những tháng tới được dự báo là vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, tỷ giá còn chịu áp lực do tín dụng ngoại tệ trong những tháng đầu năm tăng mạnh, những người vay USD trong những tháng đầu năm buộc phải mua lại USD để trả nợ. Thêm vào đó, việc lãi suất đồng nội tệ giảm cũng gây áp lực cho tỷ giá.

Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới đồng nội tệ tiếp tục chịu áp lực mất giá. Tuy nhiên, áp lực này sẽ không quá lớn và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường nếu NHNN điều hành thị trường tiền tệ một cách linh hoạt. NHNN có thể nới rộng biên độ tỷ giá tiền đồng thêm 1-2% để đưa đồng nội tệ về mức cân bằng của thị trường.

Hồ Bá Tình



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

IMP - Tiềm năng tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) vẫn đang tăng...

BFC - Ngành phân bón có thực sự hấp dẫn?

CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK. Tuy nhiên, kết quả kinh...

GMD - Ngành cảng biển và vận tải biển (Kỳ 1)

Trong năm 2024, ngành cảng biển và vận tải biển được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, những động thái nới lỏng của Trung Quốc và giá dầu...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Bán lẻ ICT - Ngắn hạn xấu, dài hạn tốt

Năm 2023, nền kinh tế trong nước suy yếu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ ICT. Tuy ngắn hạn khá xấu, các số liệu cho thấy triển vọng dài...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành đá xây dựng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành dầu khí

Ngành dầu khí là ngành mũi nhọn của nước ta, có vai trò cung cấp nguồn nhiên liệu quan trọng cho cả nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đây là ngành sẽ nhận...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Công nghệ thông tin - Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao

Ngành công nghệ thông tin tạm chững lại trong năm 2023, nhưng được dự đoán sẽ lấy lại phong độ trong năm 2024. Nhờ vào các chính sách của Chính...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành điện - Thúc đẩy tăng trưởng nhiệt điện khí

Ngành điện là một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế, đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội. Điện là nguồn năng lượng thiết yếu cho...

DPM - Cổ phiếu phòng thủ lý tưởng

Bất chấp triển vọng khá u ám của ngành phân bón, cổ phiếu của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) vẫn là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư ưa...

TDM - “Vịnh tránh bão” trong thị trường đầy biến động

CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch. Hiện tại, TDM là một trong những doanh nghiệp cung cấp nước sạch...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98