Tái cơ cấu nền kinh tế: Phải bắt đầu từ doanh nghiệp nhà nước

15/07/2010 08:05
15-07-2010 08:05:19+07:00

Tái cơ cấu nền kinh tế: Phải bắt đầu từ doanh nghiệp nhà nước

“Sự kiện Vinashin” mới đây cho thấy, đã đến lúc phải ráo riết tái cơ cấu các tập đoàn, TCty nhà nước.

Tại anh…

Cuộc đại phẫu Vinashin chắc chắn chưa thể dừng lại ở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chuyển một số dự án của Vinashin cho các chủ đầu tư khác. Gánh nặng nợ nần của Vinashin, cho dù sẽ bớt đi chút ít khi các hoạt động điều chuyển này được hoàn tất, song sẽ đặt các vị trí lãnh đạo điều hành của doanh nghiệp này lên “ghế nóng”.

Trong trao đổi với báo giới mới đây về các kế hoạch tiếp theo của Vinashin, Tổng giám đốc điều hành mới, ông Trần Quang Vũ, tiết lộ, sẽ có thêm những đề xuất chủ động tương tự từ phía Vinashin. Có nghĩa là sẽ có những dự án của Vinashin được rao bán. Mục tiêu mà vị Tổng giám đốc điều hành mới đặt ra cho quá trình tự cơ cấu lại này là thu hồi vốn về, tập trung vào đóng tàu và chế tạo thiết bị, củng cố bộ máy cho phù hợp chiến lược phát triển mới. Ông Vũ cũng cho biết, trong cuộc họp đầu tiên của ông trên cương vị mới, lệnh kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu mọi người từ lãnh đạo cao nhất trở xuống trong 3 tháng tới làm việc với cường độ cao nhất để phục hồi sản xuất… đã được đưa ra.

Các động thái vào thời điểm này hoàn toàn ngược lại với sự “bành trướng” cả về quy mô và ngành nghề kinh doanh của chính tập đoàn này vài năm về trước. Khi đó, những cảnh báo về rủi ro đối với các quyết định đầu tư ngoài ngành tràn lan của không chỉ Vinashin mà cả các tập đoàn nhà nước khác đã bị người ta bỏ ngoài tai do sức hút của lợi nhuận và vòng xoáy của thị trường. Vào thời điểm đó, trong khá nhiều cuộc bàn thảo về trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nhiều vị lãnh đạo các tập đoàn nhà nước tỏ thái độ rất bức xúc với quan điểm cho rằng cần giới hạn việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Theo các vị lãnh đạo này, bản chất của doanh nghiệp là mở rộng thị trường, tìm kiếm lợi nhuận, và đương nhiên doanh nghiệp nhà nước cũng không thể nằm ngoài quy luật này.

… Tại ả

Điều đáng nói là, song hành với thực tế này, những lấn cấn trong tiêu chí hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này càng khiến hoạt động của họ trở nên phức tạp. Cũng phải nói rõ là, dù mục tiêu của việc hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước là khá rõ ràng, đó là nhằm đảm bảo các cân đối lớn, tạo động lực cho phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng…, song các tập đoàn kinh tế nhà nước trong suốt thời gian dài vẫn hoạt động theo mô hình thí điểm với khá nhiều quyết định mang tính đặc thù. Ngay cả các nỗ lực cải thiện quản trị doanh nghiệp, trong đó tách bạch triệt để giữa quản lý nhà nước và chủ sở hữu nhà nước cũng chỉ dừng lại trên các văn bản. Mô hình SCIC - được xây dựng để đóng vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước - không đủ tầm để bao quát tới các tập đoàn, tổng công ty lớn. Chính sự rối rắm trong vai trò sở hữu hay quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành quản lý, khiến cơ chế giám sát, kiểm soát của chủ sở hữu với doanh nghiệp nhà nước trở nên không dễ thực hiện.

Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Vinashin rơi vào tình cảnh khó khăn hiện nay. Cho dù có quan điểm cho rằng, việc giải cứu Vinashin có thể sẽ đem lại những khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp nhận các dự án được chuyển giao từ phía Vinashin, song phải thừa nhận rằng, với vai trò chủ sở hữu, Nhà nước - mà Chính phủ là người đại diện - đã chọn giải pháp phù hợp khi chia nhỏ Vinashin, dồn lực vào những Nam Triệu, Hạ Long, Phà Rừng… để vực dậy cả ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam vừa mới ghi tên mình vào bản đồ của ngành công nghiệp đóng tàu thế giới.

Và cái khó của DN

Quan điểm lâu nay của một số chuyên gia kinh tế là nhà nước chỉ nên đầu tư vào những gì khu vực khác không đủ sức làm, hoặc không muốn làm. Ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế thậm chí cho rằng, doanh nghiệp nhà nước không nên chạy theo cạnh tranh như hiện nay mà nên tham gia vào nhiệm vụ bổ khuyết cho thị trường, có nghĩa là cái gì thị trường làm tốt rồi thì nhà nước không nên tham gia. Với quan điểm này, việc đánh giá hiệu quả dự án của khu vực nhà nước có lẽ sẽ không dừng lại ở hiệu quả tài chính mà phải là hiệu quả kinh tế. Như vậy, các quyết định lựa chọn dự án đầu tư của doanh nghiệp khu vực này sẽ phải thay đổi.

Điều này buộc tư duy chính sách đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng phải thay đổi tương ứng. Khi đó, các quyết định đầu tư, kinh doanh, lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ khó va chạm với các doanh nghiệp khác. Câu chuyện các tập đoàn kinh tế than thở vì khó làm ăn trong cơ chế “một cổ nhiều tròng” trong khi các doanh nghiệp khu vực tư nhân luôn tị nạnh vì sự hơn phân của các doanh nghiệp nhà nước trong tiếp cận với các cơ chế ưu đãi… sẽ không còn cơ sở.

Các nỗ lực cải thiện quản trị trong DNNN vẫn chỉ dừng lại trên các văn bản

Trong quyết định liên quan đến Vinashin của Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy rõ chủ sở hữu nhà nước đang sử dụng công cụ của mình là doanh nghiệp nhà nước để đạt mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Tất nhiên, đi kèm với quyết định điều chuyển các dự án là những yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp cũng như các vấn đề nhân sự của doanh nghiệp. Nhìn rộng ra, với các quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước kiểu này, hy vọng sẽ có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh của khu vực đang nắm trong tay một nguồn lực lớn của quốc gia này. Cũng phải thừa nhận rằng, khó khăn cho bộ máy lãnh đạo mới của Vinashin trong thời gian tới đây là khi các cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn được thực thi, nếu như không có tiêu chí rõ ràng để đánh giá hiệu quả của các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp, cũng như vị trí đại diện chủ sở hữu, kiểm soát viên trong doanh nghiệp, rất khó có động lực cho các cá nhân này làm việc. Hơn thế, ngay cả tiêu chí để đánh giá, so sánh các hoạt động giám sát của các bộ, ngành trong vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp cũng chưa rõ ràng.

Nhân đây có lẽ cũng cần có tầm nhìn dài hạn hơn cho tập đoàn này khi ông Vũ cho biết Vinashin vẫn sẽ kinh doanh đa ngành đa nghề, với lý do đây là quy luật phát triển. Tất nhiên, ông Vũ cho biết, tập đoàn ông chỉ đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính bằng phần lãi làm ra chứ không phải bằng vốn vay. Trước mắt, Vinashin hiện đang dựa trên nền tảng hoạt động từ vốn vay nên chỉ tập trung vào đóng tàu, sửa chữa tàu và chế tạo thiết bị cho tàu thủy.

Có lẽ sẽ còn phải bàn nhiều về chiến lược phát triển của các tập đoàn, doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn trong giai đoạn tới đây, song rõ ràng, nếu không xác định rõ mục tiêu hoạt động, trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp này với mục tiêu phát triển quốc gia thì việc kiểm soát hoạt động của họ khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là kể từ sau ngày 1/7, khi mà toàn bộ các tập đoàn, TCT nhà nước phải chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH một thành viên. Bởi, lúc đó quyền tự quyết của lãnh đạo các doanh nghiệp này là lớn hơn nhiều so với hiện nay.

Hoàng Việt

Diễn đàn doanh nghiệp





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5.66%

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý...

Ngân hàng Standard Chartered: GDP quý 1 duy trì mức vừa phải trước lạm phát gia tăng

Ngân hàng Standard Chartered giữ nguyên dự báo tăng trường GDP năm 2024 ở mức 6.7%, trong đó GDP sẽ tăng tốc từ 6.2% trong nửa đầu năm lên 6.9% trong nửa cuối năm.

Vĩnh Long phát triển kinh tế với trọng tâm là các ngành sử dụng đầu vào là sản phẩm nông nghiệp

Sáng 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông...

Thấy gì sau những chỉ số cải cách, sáng tạo của TP.HCM?

Bộ Khoa học -Công nghệ vừa công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa...

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch...

Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.

Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng...

Chủ tịch Quốc hội: Nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì đưa vào kỳ họp thứ 7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ...

Thủ tướng: Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "ba tiên phong", Thủ tướng...

Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh tăng trưởng xanh, bền vững là lựa chọn tất yếu của Việt Nam và thế giới

Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98