Tân Tổng giám đốc của tàu Hoa Sen nói gì?

21/07/2010 06:11
21-07-2010 06:11:40+07:00

Tân Tổng giám đốc của tàu Hoa Sen nói gì?

Kể từ ngày tàu Hoa Sen về Việt Nam (tháng 11/2007), Vinashinlines đã 3 lần thay đổi tổng giám đốc. Sau nhiều tai tiếng và bế tắc thì giờ đây, chuyển về “ông chủ mới” Vinalines sẽ là một lối thoát cho Hoa Sen và đội tàu Vinashinlines.

Trước thời điểm chuyển về cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), PV.VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thiện, người vừa nhậm chức Tổng giám đốc Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) được 1 tháng xung quanh câu chuyện này. 

Mất và lỡ nhiều thời cơ

PV: Thưa ông, Vinashinlines đón nhận thông tin chuyển sang ngôi nhà mới Vinalines như thế nào? Ông biết tin này từ trước hay đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Chúng tôi thực sự cũng bất ngờ do quyết định của Thủ tướng là đóng dấu mật. Tuy nhiên, khi khó khăn thì chúng tôi vẫn biết và mong chờ là Chính phủ sẽ có động thái giải cứu Vinashin. Vinashin cũng có những đề xuất tới Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, nhưng với tầm vĩ mô thì việc tái cơ cấu mà Chính phủ đưa ra là tối ưu.

PV: Cá nhân ông cảm thấy như thế nào trước quyết định này?

Tôi thấy buồn vì nói gì thì nói cũng là cả một tập thể phát triển, gắn bó với nhau 10 năm. Đến thời điểm này, trước những khó khăn như vậy thì tất nhiên, trách nhiệm của ai đó, bất cập  nào đó sẽ được quy sau nhưng tập thể phải cùng gánh trách nhiệm này.

Quyết định vừa qua của Chính phủ là lối thoát, là đường hướng tốt để Vinashinlines vượt qua khó khăn. Chúng tôi hiện có khoảng 200 nhân viên (kể cả ở các chi nhánh), cộng với 400 thuyền viên trên các con tàu, tổng cộng là 600 người. Nay mọi người rất vui vẻ, hào hứng và sẵn sàng với nhiệm vụ mới.

PV: Trong quá trình bàn giao, còn điều gì mà bản thân ông cũng như mọi người trong công ty cảm thấy lấn bấn, tiếc nuối?

- Thực ra, chúng tôi cũng để mất và lỡ nhiều thời cơ, nếu quay trở lại sẽ hy vọng làm được tốt hơn. Có những phương án đầu tư hoặc phương án khai thác mà nếu lãnh đạo công ty lúc đó quyết định kịp thời thì tình hình giờ đã khác.

Cần phải nói thêm rằng, Vinashinlines lúc đầu lập ra có chức năng vận tải và khai thác, chạy thử tàu mẫu do Tập đoàn Vinashin sản xuất. Đó cũng là lúc Vinashin bắt đầu lớn mạnh. Chúng tôi đã đưa được các tàu như Vinashin Sun, Vinashin Star đi vòng quanh thế giới và cũng được nhiều bằng khen của Bộ GTVT, Chính phủ.

Vinalines là vận tải hàng hải chuyên nghiệp, có lẽ sẽ không còn phải thử nghiệm series tàu mới nữa và chức năng của chúng tôi sau này cũng thay đổi.

Có lúc đã quyết định bán tàu

PV: Vinashinlines bắt đầu va vấp, khó khăn từ thời điểm nào, thưa ông?

- Từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Chỉ riêng trong khu vực thôi đã có vài chục công ty phá sản và hàng trăm con tàu đang nằm ở Singapore. Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp hàng hải khác gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đến mức là nhiều khi các tàu ngừng kinh doanh còn tốt hơn sản xuất.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro để có thể vượt qua giai đoạn này. Thời điểm đó, đối với vận tải biển về - cả hàng khô và hàng rời - chỉ số đánh giá tương đối sức khoẻ ngành tàu biển- Baltic Dry Index (BDI), cao nhất là 11.700 điểm mà có lúc xuống đáy, chỉ cón 600 điểm. Chỉ số ngày hôm nay (20/7/2010) là 1.732 điểm, giảm 49% so với tháng thời điểm cuối tháng 5.

PV: Thưa ông, lúc đó công ty sở hữu bao nhiêu tàu? Ông có thể đánh giá sơ bộ về tình trạng đội tàu hiện nay của công ty?

Tổng số tàu mà công ty đang sở hữu và khai thác cho tập đoàn là 17 tàu. Phần lớn các tàu đang ở trong tình trạng dừng khai thác để chờ kế hoạch sửa chữa hoặc dừng khai thác do thị trường xấu, tạm dừng khai thác sẽ tốt hơn là khai thác không hiệu quả.

PV: Nguyên chủ tịch Tập đoàn Vinashin những năm 2006-2007 đã ký các quyết định phê duyệt cho Vinashinlines mua 10 tàu vận tải biển, tổng chi phí khoảng 3.100 tỷ đồng? Vậy đội tàu đó hiện nay như thế nào, bởi không ít người thắc mắc về chuyện có đến 9 tàu vẫn treo cờ nước ngoài?

- Tôi được biết, đội tàu đó mua về có nhiều mục tiêu chiến lược khác nhau, có phương án đầu tư kinh tế cụ thể và phần lớn phù hợp với nhu cầu thị trường ở thời điểm đầu tư. Tuy nhiên do tác động mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế kéo dài trùng với chu kỳ đảo chiều sớm của ngành vận tải biển, các dự án đó đều đang gặp khó khăn. 

Trên thực tế, việc Vinashinlines đầu tư là trước khi khủng hoảng xảy ra. Trong quá trình khai thác mới đối mặt với khủng hoảng mà chu kỳ này lặp lại trên thế giới các tàu lớn trên thế giới cũng không tiên lượng được. Rất nhiều các hãng tàu trên thế giới đã bị phá sản... Họ cũng đều phải dừng đóng tàu mới hoặc bán bớt.

Chúng tôi có những dự án đã bị lỡ cơ hội kinh doanh, mặc dù cơ hội tốt.

Ví dụ như tàu Paramax mua về, nếu cuối 2007 đầu năm 2008, bán đi giá có thể là 40 triệu USD, giá cho thuê khi đó cũng được 65.000-70.000 USD/ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá tàu chỉ còn 6-7 triệu USD, giá thuê 10.000-20.000 USD/ngày, thậm chí xuống 6.000-7.000 USD/ngày. Tôi được biết, có những lúc công ty đã ra quyết định bán những con tàu ở thời điểm đó nhưng bị lỡ mất cơ hội, lỡ cơ hội.

PV: Nếu bán đi có lãi, tại sao Vinashinlines lại bỏ lỡ? Ông có thể nói cụ thể hơn?

-  Theo tôi được biết, tập thể lãnh đạo Vinashinlines lúc đó thậm chí đã có những phương án chung và cụ thể từng con tàu rồi. Nhưng đối với doanh nghiệp, những con tàu lớn có giá trị chục triệu USD cũng cần có thời gian suy tính, cân nhắc. Nhiều khi có quyết định bán chẳng hạn nhưng vì thủ tục này thủ tục kia, quyết định này quyết định khác nên bị nhỡ. Và nhất là, thời điểm đó, thị trường đảo chiều rất nhanh.

Thời gian vừa rồi có những lúc giá tàu thấp hơn chi phí khai thác nên chúng tôi đã quyết định dừng tàu, đó chủ yếu vì lý do thương mại nhiều hơn.

Tàu Hoa Sen: Hãy cùng bàn giải pháp

PV: Nhập tàu cũ nhưng khai thác không hiệu quả, vậy thời gian tới, Vinashinlines dự kiến có phương án xử lý như thế nào. Công ty đã có sáng kiến, giải pháp gì đề xuất với Vinalines - ông chủ mới?

- Các đề xuất đó Vinashinlines đã báo cáo với Vinalines, tới đây tổng công ty cũng sẽ có những ý tưởng, giải pháp chỉ đạo để giải quyết. Chúng tôi sẽ sớm hoạch định lại chiến lược và có giải pháp cụ thể tới từng con tàu, từng dự án.

PV: Vậy phương án nào cho con tàu Hoa Sen? Vinalines cho biết sẽ đưa tàu đó vào phục vụ du lịch, ông thấy ý tưởng đó thế nào? Và về cơ bản, ông có lạc quan về các giải pháp đưa ra không?

- Chúng tôi cũng đã có một vài giải pháp ý tưởng, sắp tới đây sẽ bàn với công ty mẹ để có phương án tổng thể về tài chính, cơ chế, phương án kinh doanh để khôi phục hoạt động của tàu Hoa Sen. Đây cũng là một dự án khó của Vinashinlines vì là một dự án đầu tư dở dang.

Chúng tôi cũng chưa biết Vinalines có chỉ đạo như thế nào, bởi cái mình đề xuất cũng cần có phản biện, kiểm chứng để đưa ra quyết định cuối cùng.

PV: Cùng với các phương án, giải pháp được hai bên bàn thảo thống nhất, nếu thêm yếu tố thiên thời địa lợi nhân hoà thì theo ông, mất bao lâu để Viễn dương Vinashin sẽ hồi phục sản xuất kinh doanh?

- Nếu mọi điều kiện đều tốt thì đội tàu của doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại trong 6 tháng tới, tất nhiên khi đó phải có thị trường tốt, có nguồn vốn, có chiến lược kinh doanh và những đề xuất về giải pháp tái cơ cấu được chấp thuận.  Hiện khi các tàu đưa vào neo thì nó vẫn là tàu sống, hoàn toàn bình thường, chỉ là không chạy để giảm chi phí thôi, giảm lỗ.

PV: Vậy nỗi lo lớn nhất hiện nay của ông là gì?

- Đối với một doanh nghiệp kinh doanh thì giải quyết được bức tranh và các chỉ số về tài chính, tất nhiên còn nhiều vấn đề khác như con người, tổ chức... nhưng đây vẫn là vấn đề đầu tiên. Chúng tôi hiện có quá nhiều việc phải xử lý liên quan đến các tồn đọng trước đây. Rồi sắp tới đây, sứ mệnh của Vinashinlines sẽ được hoàn toàn thay đổi, việc tái hoạch định chiến lược là yếu tố cốt lõi.

Ngoài ra, có nhiều thách thức khác mà Vinashinlines đang phải đối mặt, đó là công luận. Mọi người đang rất quan tâm nên chúng tôi rất cần sự sẻ chia. Song song với việc mổ xẻ, quy trách nhiệm thì mong công luận cũng thay đổi cách tiếp cận và đóng góp giải pháp với các dự án doanh nghiệp đang gặp khó khăn, bởi nói cho cùng đây cũng là tài sản của quốc gia.

Chẳng hạn tàu Hoa Sen, đúng là cần phân tích cái sai, bất cập nhưng quan trọng hơn bây giờ là giải pháp tối ưu, có ý tưởng giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn vì dù sao dự án cũng đã được đầu tư rồi.

Phạm Huyền - Hà Yên (thực hiện)

VIETNAMNET





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng...

Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?

"Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng...

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam bằng máy bay riêng

CEO Apple Tim Cook dự kiến có nhiều hoạt động trong 2 ngày 15 và 16-4 tại Việt Nam, trong đó sẽ gặp mặt một số nhà sáng tạo nội dung


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98