Vì sao Chính phủ tái cơ cấu Vinashin?

01/07/2010 10:25
01-07-2010 10:25:32+07:00

Vì sao Chính phủ tái cơ cấu Vinashin?

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sẽ được tái cơ cấu bằng cách chuyển 12 công ty con và phần vốn góp ở nhiều công ty liên kết về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Tình trạng rất khó khăn

Năm ngày trước khi ký quyết định tái cơ cấu nói trên, hôm 13-6, Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cân đối tài chính và tái cơ cấu Vinashin, theo đề xuất của Tổ công tác được Văn phòng Chính phủ (VPCP) lập ra. Các bộ trưởng Giao thông Vận tải, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và rất nhiều bên liên quan đã có mặt để cùng Chính phủ giải quyết các vấn đề đã và đang phát sinh tại Vinashin.

“Hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của tập đoàn rơi vào tình trạng rất khó khăn” - thông báo kết luận của Thủ tướng số 168/TB-VPCP do Phó chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn ký hôm 18-6 viết. Ngoài các yếu tố khách quan như suy thoái kinh tế tác động, Chính phủ nhận định nguyên nhân chủ quan là do Vinashin đầu tư dàn trải, việc quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Trước khi thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp ở đây, Chính phủ yêu cầu Vinashin nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc… đồng thời “xử lý nghiêm những sai phạm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc để tập đoàn rơi vào tình trạng như hiện nay, báo cáo Thủ tướng”, thông báo viết.

Mới đây Chính phủ đã cho lùi thời hạn thanh tra Vinashin sau tháng 6 (chưa xác định thời điểm thanh tra tiếp theo) nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các hợp đồng đóng tàu với các đối tác nước ngoài không bị ảnh hưởng. Nay Chính phủ yêu cầu nơi này khi rà soát chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong ngành chính là đóng và sửa chữa tàu. Các dự án đóng tàu dở dang phải chủ động tìm chủ tàu mới để bán sau khi các chủ hàng đã ký trước đó hủy hợp đồng. Các dự án còn lại mà không thu xếp được vốn hoặc không thuộc diện nêu trên cũng phải ngừng. Đặc biệt, Chính phủ chưa cho phép Vinashin ký các hợp đồng đóng tàu mới trong thời gian này.

Bên cạnh đó, Vinashin cũng phải chuyển nhượng phần vốn góp, giảm vốn hoặc giải thể các công ty thành viên mà ngành nghề không gắn với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, các công ty hoạt động không hiệu quả và không cần thiết trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Bởi tính đến cuối năm 2009, tập đoàn này dẫn đầu về số lượng công ty con, công ty cháu, công ty liên kết... lên đến khoảng 200 doanh nghiệp, sau ba năm rưỡi kể từ ngày thành lập (5-2006).

Điều đáng nói là trong Quyết định số 926/QĐ-TTg tái cơ cấu Vinashin ký cùng ngày ra thông báo kết luận (18-6), có đến 6/12 doanh nghiệp lớn phải chuyển giao sang PVN và Vinalines là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn này, như Công ty Công nghiệp Tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhà máy Đóng tàu đặc chủng và Sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai), phần vốn góp của Vinashin ở Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định). Ngoài việc phải “gánh” các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển từ Vinashin chuyển qua, Vinalines cũng phải nhận khu công nghiệp và Nhà máy Đóng tàu Hậu Giang; cảng và Nhà máy Đóng tàu Năm Căn (Cà Mau)...

Khi nhận các doanh nghiệp này, PVN và Vinalines phải “gánh” nguyên trạng từ tài sản, đất đai đến công nợ, bộ máy... Chính phủ cũng yêu cầu PVN và Vinalines phải hoàn trả cho Vinashin những khoản đầu tư mà công ty mẹ - tập đoàn và Công ty tài chính Vinashin đã đầu tư vào doanh nghiệp cùng nghĩa vụ nợ mà các công ty này hiện đang có với tập đoàn và công ty tài chính Vinashin.

Phát hành trái phiếu và cấp thêm vốn vay nước ngoài cho Vinashin

Theo một đại diện của PVN, công việc tiếp nhận số doanh nghiệp từ Vinashin sang PVN về tiến độ thời gian thì có thể diễn ra theo đúng kế hoạch vì đó chỉ là thủ tục hành chính. Còn các vấn đề khác của doanh nghiệp như công nợ, sổ sách kế toán thì vẫn phải “khoanh” lại đó và cần có thời gian để giải quyết với yêu cầu rà soát từng khoản nợ và khả năng trả nợ phù hợp.

“Chúng tôi phải có thời gian xem xét thực tế chứ chưa thể giải quyết các vấn đề ở số doanh nghiệp này trong thời gian ngắn hạn được”, vị này nói. “Song không nhất thiết trước đây Vinashin làm khu công nghiệp đóng tàu, nhà máy đóng tàu nay chúng tôi lại làm tiếp như vậy. Vấn đề đối với doanh nghiệp là làm sao hoạt động hiệu quả và đảm bảo đời sống của người lao động chứ không phải lập doanh nghiệp, xin đất khắp nơi mà không có khả năng kinh doanh, quản trị tài chính ”, ông nói. PVN dự kiến sẽ chuyển đổi công năng sản xuất kinh doanh nhiều dự án ở các công ty này để theo kịp xu thế thị trường vì không thể làm như Vinashin kinh doanh theo kiểu “một mình một chợ” và để lại hậu quả.

Đại diện phía Vinalines cho biết họ cũng sẽ có những hành động tương tự như PVN để các công ty kinh doanh vận tải và hạ tầng từ Vinashin chuyển qua có thể hòa vào guồng máy mới. Song, các vấn đề cụ thể về số doanh nghiệp này chưa được Vinalines bàn tới.

Phần công việc tái cơ cấu ở chính Vinashin sau khi chia tách thì sao? Trên cơ sở phương án tái cơ cấu kinh doanh và tài chính đã được Chính phủ thông qua, Vinashin sẽ được Bộ Tài chính cấp bổ sung vốn điều lệ của tập đoàn từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương đồng thời thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ phù hợp với tình hình tái cơ cấu. Tại thời điểm 1-7, Vinashin nhận quyết định chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên như nhiều tập đoàn khác, với vốn điều lệ là 14.655 tỉ đồng.

Mặt khác, Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu và cho tập đoàn này vay lại để thực hiện các dự án cấp thiết và cơ cấu lại nợ trong nước đã đến hạn. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng nhận được yêu cầu khẩn trương giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ khắc phục khủng hoảng từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có tổng trị giá 500 triệu đô la/năm năm cho Vinashin để hoàn thiện các dự án đóng tàu dở dang mà chủ tàu đã hủy, bất kể chưa có chủ tàu mới. VDB còn phải thông qua cho Vinashin số vốn vay hoàn thành các công trình cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 10-2009. Theo thông tin mà đại diện ngân hàng này cung cấp cho Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại một cuộc hội thảo trung tuần tháng 10-2009 tổ chức tại Thanh Hóa thì số vốn vay dạng này là 19.800 tỉ đồng cho 20 dự án cơ khí trọng điểm.

Tất cả các khoản nợ mà Vinashin vay của các ngân hàng nhà nước hay ngân hàng thương mại mà Nhà nước có cổ phần chi phối, các công ty tài chính nhà nước sẽ được cơ cấu lại theo hình thức giãn nợ, khoanh nợ. Riêng các hợp đồng đóng tàu còn hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho Vinashin tiếp tục được vay để hoàn thành và nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc chỉ đạo nói trên”.

Ngọc Lan

TBKTSG ONLINE





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Kết luận tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức vào chiều ngày 24/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải coi...

Đề xuất 'gói' giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông triển khai trước khi có Luật PPP

Đây là kiến nghị của một số bộ, ngành tại cuộc làm việc về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ...

Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon?

Ở Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà...

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Các nhà thầu không lo thiếu tiền'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết các nhà thầu thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó, không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...

NVIDIA tiếp tục sang Việt Nam khảo sát địa điểm đầu tư

NVIDIA, hãng sản xuất chíp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, tiếp tục cử đoàn công tác sang Việt Nam khảo sát Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để bỏ vốn đầu tư.

'Không ai muốn đầu tư để bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng'

Chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để...

Xuất khẩu dệt may khởi sắc

Ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức buộc phải vượt qua để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98