Chính sách thuế dành cho báo chí: Quan trọng là tính đúng, tính đủ

20/08/2010 15:22
20-08-2010 15:22:03+07:00

Chính sách thuế dành cho báo chí: Quan trọng là tính đúng, tính đủ

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí. Theo đánh giá của những đơn vị có liên quan, dự thảo này có nhiều thay đổi tích cực giúp cơ quan báo chí hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở…

Báo chí phải được giảm trừ chính đáng

Theo dự thảo mới của Bộ Tài chính, báo chí (BC) được dùng thu nhập từ hoạt động quảng cáo để bù đắp chênh lệch chi lớn hơn thu của hoạt động BC trước khi xác định thu nhập chịu thuế trên cơ sở hạch toán riêng các khoản doanh thu, chi phí của hai hoạt động quảng  cáo và phát hành.

Trước đây, Bộ Tài chính quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP chỉ cho phép tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ quan BC là một lần tiền lương trả cho người lao động, phần còn lại lấy từ lợi nhuận sau thuế. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến phần thu nhập phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ quan BC. Trên thực tế, hoạt động phát hành báo hầu như không có lãi, thậm chí nhiều báo còn chịu lỗ. Trong khi đó, hoạt động quảng cáo lại tách riêng và tính thuế 25% là rất khó khăn vì các báo không thể bù trừ cho hoạt động phát hành.

Theo phương án điều chỉnh mới, các cơ quan BC được dùng thu nhập từ hoạt động quảng cáo để bù đắp chênh lệch chi lớn hơn thu trước khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ vận dụng cách xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với đặc thù hoạt động của các cơ quan BC và hướng dẫn các báo được trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sẽ áp dụng đối với cả báo tự đảm bảo chi phí hoạt động và báo tự đảm bảo một phần chi phí. Theo bộ, đề xuất này nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các báo nâng cao cơ sở vật chất, kỹ thuật. Quy định của Luật thuế TNDN cho phép “doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật VN được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hằng năm để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.

Trường hợp báo có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà chỉ hạch toán được doanh thu, không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu bán hàng: 5% với dịch vụ, 1% với hàng hóa và 2% với các hoạt động khác.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết: “Ngay khi biết về dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, Cục Báo chí đã tổ chức gặp mặt các cơ quan BC để cùng thảo luận và xem xét vấn đề này. Về cơ bản, hầu hết các vị lãnh đạo đại diện cơ quan BC đều đồng thuận với thông tư này vì so với cách tính thuế cũ, cách tính mới tạo nhiều thuận lợi cho cơ quan BC. Trong đó, đáng chú ý nhất là Bộ Tài chính đã tính thêm nhiều khoản được giảm trừ để bớt gánh nặng. Như vậy, vấn đề không phải là tính thuế mức 28% (như thời điểm trước năm 2009) hay 25% (như thông tư mới), quan trọng là cơ quan BC phải được giảm trừ chính đáng”

25% vẫn là quá cao

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng: “BC  với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận xã hội – là đơn vị sự nghiệp đặc thù, là một ngành nghề đặc biệt. Xét về cả tính chất, chức năng và nội dụng hoạt động, cơ quan BC không thể được xem là một doanh nghiệp thuần túy, sản phẩm BC cũng không phải là hàng hóa bình thường  mà là thứ có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của xã hội. Thế nhưng, các cơ quan BC lại phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn nhiều so với tất cả các loại hình doanh nghiệp. Trong khi đó, trước đây chúng ta lại chỉ được tính một lần lương cơ bản vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế, trong khi doanh nghiệp được tính đủ chi phí tiền lương vào chi phí hợp lý. Bất cập này đã đặt các cơ quan BC trước tình trạng bị đối xử bất bình đẳng và trước thách thức tài chính trong thời gian dài. Thông tư mới của Bộ Tài chính có thể xem là một bước ngoặt, tháo gỡ một phần khó khăn cho các cơ quan BC hiện nay. Tuy nhiên, tôi thấy mức thuế 25% vẫn là khá cao và nên được xem xét lại”.

Cũng chung tâm trạng băn khoăn, ông Đào Quang Bính, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh doanh chia sẻ: “Doanh nghiệp làm báo là doanh nghiệp đặc thù. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh BC ngày càng gặp nhiều khó khăn do các chi phí đầu vào tăng quá cao, trong khi giá bán tăng rất cầm chừng. Nếu ngành chức năng đánh đồng doanh nghiệp BC với các doanh nghiệp khác thì chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn và điều này còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của nền BC nước ta”.

Lại vẫn là câu chuyện phải xem xét và bàn luận thấu đáo trước khi ban hành và để luật đi vào cuộc sống. Thiết nghĩ, vấn đề cơ bản, mấu chốt nhất ở đây là cơ quan thuế phải tính đúng, tính đủ dựa trên sự cân đối hài hòa thu – chi của các cơ quan báo chí. Có như thế, chúng ta mới kỳ vọng vào sự phát triển thực sự lớn mạnh của nền báo chí cách  mạng nước nhà trong thời gian tới.

Khoản 2, Điều 13, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được áp dụng thuế suất 10%”. Theo phân ngành kinh tế quốc dân của Tổng cục Thống kê, BC được xếp vào lĩnh vực văn hóa, thế nhưng đến nay, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan BC vẫn ngất ngưởng mức 25%.

Quỳnh Chi

lao động



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98