Tái cơ cấu Vinashin như thế nào? 

10/08/2010 06:02
10-08-2010 06:02:57+07:00

Tái cơ cấu Vinashin như thế nào? 

Theo ý kiến của các chuyên gia, đó là từng thành viên phải được quyền chủ động, chịu trách nhiệm khi ký kết hợp đồng, đóng tàu mới; mỗi đơn vị phải có sự chuyên môn hóa cao; bộ máy cần được thay thế  bởi những con người mới, trí tuệ mới...

Chuyên môn hóa sản xuất

Theo ý kiến của những người từng nhiều năm gắn bó với ngành đóng tàu, vấn đề đầu tiên của Vinashin hiện nay là cơ chế. Nhiều đơn vị thành viên của Vinashin đóng tàu theo kiểu “đi tàu không có la bàn”, không biết lãi lỗ ra sao khi ký hợp đồng. Nhiều hợp đồng lớn do cả ba bên cùng ký kết: chủ tàu (người thuê đóng), lãnh đạo Vinashin và lãnh đạo đơn vị đóng tàu (các tổng công ty hoặc nhà máy). Ông Nguyễn Đức Thận, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long (thuộc Vinashin) phân tích: “Khi tái cơ cấu, tôi rất mong tập đoàn giao quyền chủ động cho các đơn vị thành viên. Tập đoàn sẽ định hướng chiến lược, giới thiệu đối tác để cho các nhà máy, các đơn vị trực tiếp đóng tàu được tham gia vào quá trình đàm phán giá cả, tiến độ, các tiêu chí kỹ thuật... Có như vậy mới biết rõ lỗ, lãi của từng hợp đồng, từng con tàu. Hiện nay, nhiều khi chúng tôi ký nhưng thực tình không biết chắc có được lãi hay không”.

Không chỉ vướng mắc từ cơ chế, Vinashin đang gặp khó khăn trong việc sản xuất thép tấm đóng tàu, lắp ráp máy tàu, sản xuất thiết bị điện, nội thất trên tàu... Ông Thận nêu quan điểm: “Cá nhân tôi cho rằng Vinashin không nên tự mình phát triển công nghiệp phụ trợ. Bởi nước ta có các tập đoàn, tổng công ty lớn về chế tạo máy, lắp máy, sản xuất thép...”. Theo ông, Vinashin chỉ nên đưa ra đề nghị, các yêu cầu, định hướng và trở thành đối tác mua các sản phẩm này. Các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước cần bắt tay nhau để nội địa hóa, cùng phát triển bền vững ngành đóng tàu. Duy chỉ có điều, đến nay ngành thép cũng chưa sản xuất thép đóng tàu, các tổng công ty lắp máy hay chế tạo máy cũng chưa đảm đương được việc sản xuất, cung ứng sản phẩm cho Vinashin. “Trong lúc khó khăn này, Vinashin muốn làm thép, lắp ráp máy tàu... sẽ phải đầu tư lớn mà lại thiếu kinh nghiệm nên sẽ không dễ dàng gì” - ông Thận nói.

Liên quan đến vấn đề chuyên môn hóa sản xuất, ông Phạm Đình Đá, nguyên Giám đốc Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, cho rằng khi tái cơ cấu cũng là cơ hội để Vinashin lột xác. Nhân đó nên sắp xếp các đơn vị của Vinashin theo hướng chuyên môn hóa. Ví dụ, một vài nhà máy chuyên đóng tàu dưới 13.000 tấn, nhà máy khác chuyên đóng các loại tàu 53.000 tấn, hoặc một nơi tập trung đóng tàu chở container, tàu chở dầu, chở khí hóa lỏng... “Nếu làm được như vậy sẽ giúp công nhân lành nghề hơn, máy móc thiết bị đầu tư có trọng điểm hơn và giảm giá thành, giảm thời gian hoàn thành con tàu...”, ông Đá nói.

“Thay máu” bộ máy

Muốn ngành đóng tàu đi đúng hướng, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, cần phải theo cơ chế thị trường, tái cơ cấu không thể duy ý chí và theo mệnh lệnh hành chính vì sản phẩm của Vinashin phải được thị trường chấp nhận. Vì vậy, trước tiên phải xem nền kinh tế hồi phục đến đâu, nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu vận tải và nhu cầu đóng tàu, đánh giá sắp tới thị trường cần những con tàu gì để đầu tư, đóng mới.

Ngoài ra, tái cơ cấu phải chịu “đau”. Nếu không cắt bỏ những “khối thịt thừa”, Vinashin không thể khỏe mạnh. “3 ông khỏe không thể nuôi được 7 ông ốm yếu”, ông Doanh nói. Vì vậy, Nhà nước cần đứng ra nhận lại các DN thừa. Sau tái cơ cấu sẽ phải có những DN tiếp tục đóng tàu, có những DN sẽ phải chuyển hướng.

Riêng đối vấn đề con người, ông Chu Quang Thứ, nguyên quyền Cục trưởng Cục Hàng hải đưa ra quan điểm: “Việc ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng  Bộ Giao thông vận tải kiêm giữ chức chủ tịch của Vinashin tôi e rằng đây là một thách thức rất lớn. Cả trong lúc khó khăn này lẫn trong tương lai”. Theo ông Thứ, Bộ chủ quản cần đứng trên, thực hiện cơ chế giám sát chứ không phải là cử người đứng trong bộ máy. “Vinashin cần một người chuyên trách, có năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm, các cơ quan chính phủ và các ban chức năng trong chính  Vinashin sẽ giám sát chương trình hành động của bộ máy lãnh đạo mới” - ông Thứ nói. Cùng một suy nghĩ như vậy, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, phải tách bạch rõ giữa quản lý và kinh doanh, bộ máy nhân sự cần có một dòng máu mới, trí tuệ mới. Nếu tái cơ cấu mà vẫn dùng những người cũ, sắp xếp lại từ chỗ này sang chỗ kia thì rất khó thành công.

Káp Thành Long - Anh Vũ - Mai Hà

Thanh Niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Các nhà thầu không lo thiếu tiền'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết các nhà thầu thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó, không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...

NVIDIA tiếp tục sang Việt Nam khảo sát địa điểm đầu tư

NVIDIA, hãng sản xuất chíp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, tiếp tục cử đoàn công tác sang Việt Nam khảo sát Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để bỏ vốn đầu tư.

'Không ai muốn đầu tư để bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng'

Chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để...

Xuất khẩu dệt may khởi sắc

Ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức buộc phải vượt qua để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024.

Tín chỉ carbon rừng: Nên bán hay để dành?

Có chuyên gia cho rằng nên bán tín chỉ carbon thay vì dự trữ bởi có thời hạn sử dụng, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên thành lập quỹ để có thể mua sớm những tín chỉ...

Ông lớn bán lẻ 190 năm của Nhật sắp mở trung tâm thương mại ở Hà Nội

Takashimaya, ông lớn bán lẻ có tuổi đời hơn 190 năm của Nhật Bản, lên kế hoạch đầu tư 13 triệu USD để xây dựng một trung tâm thương mại tại Hà Nội vào năm 2026.

Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải

Trong giai đoạn đầu, các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98