Campuchia: Tiềm năng và rủi ro nền kinh tế

10/12/2010 14:55
10-12-2010 14:55:57+07:00

Campuchia: Tiềm năng và rủi ro nền kinh tế

(Vietstock) – Phân tích toàn diện kinh tế vĩ mô Campuchia dưới góc độ cơ cấu nền kinh tế, đầu tư, thâm hụt thương mại, lạm phát và tiền tệ - tín dụng, dự trữ ngoại hối và tỷ giá, thâm hụt ngân sách. Đánh giá tiềm năng tăng trưởng, cơ hội và rủi ro của nền kinh tế Campuchia.

* Campuchia: Thể chế và các chính sách kinh tế quan trọng

* Campuchia: Tiềm năng thị trường và tài nguyên thiên nhiên

GDP năm 2010 dự báo hồi phục 4.7%, giá trị đạt 11.45 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 805 USD, và theo sức mua tương đương đạt 2,084 USD. Giai đoạn 1998 đến 2008, tăng trưởng GDP đến 9.1%, suy giảm 2.4% vào năm 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Kể từ năm 1991 đến nay, Campuchia luôn đạt được tốc độ phát triển kinh tế khá cao. Trung bình từ năm 1991 đến 2008, GDP hàng năm tăng trưởng bình quân 8.14%, trong đó khu vực công nghiệp tăng trưởng đến 14.23%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 8.42%, và khu vực nông nghiệp tăng trưởng 4.2%.

Đặc biệt, liên tục trong 4 năm từ 2004 đến 2007, kinh tế nước này đều tăng trưởng trên 10%, và tính từ năm 1998 đến năm 2008 đạt trung bình 9.1%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế này được xem là “thần kỳ” và vượt xa các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.

Năm 2009, chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, GDP của Campuchia suy giảm 2.4%.

Trong đó, ngành sản xuất công nghiệp giảm đến 13% do xuất khẩu sút giảm mạnh và ngành xây dựng cũng bị ngưng trệ khi dòng vốn đầu tư nước ngoài không vào nhiều. Khu vực dịch vụ chỉ tăng trưởng 1.5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8.42% của năm 2008. Doanh thu từ ngành du lịch sút giảm mạnh do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng 4%, tương đương với những năm trước đó.

Theo ước tính của IMF, GDP của Campuchia trong năm 2010 có thể hồi phục 4.7%. Trị giá GDP theo giá hiện hành vào năm 2010 ước đạt khoảng 11.45 tỷ USD, theo đồng nội tệ khoảng 47,748.93 tỷ Riels.

Thu nhập bình quân đầu người ước tính đạt 805 USD vào năm 2010 và tính theo sức mua tương đương đạt 2,084 USD/người/năm.

Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đang tăng dần; nhưng có dấu hiệu chậm lại và vẫn ở mức rất thấp

Cơ cấu kinh tế Campuchia cũng đang có những bước dịch chuyển khá tích cực. Khu vực công nghiệp và dịch vụ đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế, trong khi khu vực nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần.

Cụ thể, khu vực nông nghiệp đóng góp 50.7% GDP vào năm 1991 nhưng năm 2008 chỉ còn 32.5%. Tương tự, mức đóng góp của khu vực công nghiệp tăng từ 12.3% vào năm 1991 lên đến 22.4%, khu vực dịch vụ tăng từ 37% lên 45.1% trong năm 2008.

Tuy vậy, sự dịch chuyển về cơ cấu kinh tế đang bị chậm lại trong những năm gần đây, sau một thời gian có chuyển biến khá mạnh. So với các nền kinh tế đang phát triển khác, đóng góp của tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ vào kinh tế Campuchia vẫn đang ở mức rất thấp.

Tỷ lệ đầu tư chỉ bằng 19.3% GDP và khá hiệu quả. Vốn đầu tư vẫn đang phụ thuộc nhiều vào bên ngoài

Tỷ lệ tiết kiệm quốc nội của Campuchia ở mức khá thấp và thường dưới 10%, nhưng tỷ lệ đầu tư lại được duy trì ở mức khá cao nhờ dòng vốn từ bên ngoài. Tổng vốn đầu tư trong nền kinh tế duy trì quanh mức 18-20% GDP. Đây là một tỷ lệ khá thấp so với các nền kinh tế khác, ví dụ Việt Nam thường có tỷ lệ đầu tư trên 40% GDP.

Tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế của Campuchia khá thấp. Trung bình từ năm 2005 đến 2009, tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế chỉ bằng 19.3% GDP, mức này thấp hơn khá nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Tuy tỷ lệ đầu tư thấp nhưng tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao cho thấy hoạt động đầu tư ở Campuchia khá hiệu quả.

Vồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Campuchia ngày càng tăng mạnh. Dòng vốn FDI từ mức chỉ có 142 triệu USD vào năm 2000 đã tăng lên 866 triệu USD vào năm 2007. Năm 2009, do khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới FDI giảm xuống còn 593 triệu USD, giảm 27% so với năm 2008.

Vốn đầu tư nước ngoài trung bình hàng năm vào khoảng 5-8% so với GDP (năm 2007 là 10.7%). Đây là mức khá cao so với các nền kinh tế khác.

Campuchia đang ngày càng thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhờ vào tiềm năng phát triển, tiềm năng về khai thác khoáng sản, rừng…

Xuất nhập khẩu tăng nhanh. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia đạt 1.33 tỷ USD vào năm 2009. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa kỳ, Việt Nam đứng thứ 7. Nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Thâm hụt thương mại lớn so với GDP khiến cân bằng trong nền kinh tế khá mong manh

Xuất nhập khẩu tăng nhanh. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia đạt 1.33 tỷ USD vào năm 2009. Cũng như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, kim ngạch xuất nhập khẩu của Campuchia tăng trưởng khá mạnh trong những năm gần đây. Tính từ năm 2000 đến 2008, kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 17.3%, nhập khẩu tăng trung bình 17% mỗi năm.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ mức chỉ bằng 18% GDP vào năm 1991 đã tăng lên tương đương GDP từ năm 2003 đến nay. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt 4.7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 6.5 tỷ USD. Năm 2009, trước áp lực của suy thoái kinh tế toàn cầu xuất khẩu giảm 17%, nhưng kim ngạch nhập khẩu chỉ giảm hơn 1%.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Campuchia đã tăng mạnh từ 144 triệu USD (2001) lên 1.33 tỷ USD (2009). Trong nửa đầu năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đã đạt 862 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 728 triệu USD, tăng 34.2% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa kỳ. Việt Nam đứng thứ 7. Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Campuchia. Từ năm 2004 đến nay, xuất khẩu của Campuchia vào Hoa Kỳ luôn chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trung bình từ năm 2004 đến 2008, các quốc gia có kim ngạch lớn như Đức, Israel, Hong Kong chiếm 6-8%.

Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7, với kim ngạch quanh mức 1 tỷ USD và chiếm hơn 2%.Kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đang tăng khá nhanh trong thời gian gần đây.

Nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Trung bình từ năm 2004 đến 2008, Thái Lan đứng đầu trong các nước xuất khẩu vào Campuchia với tỷ trọng hơn 20%, Trung Quốc là nước đứng thứ 2 với hơn 16%, Việt Nam đứng thứ 3 với hơn 15%.

Tỷ lệ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Campuchia ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nhìn chung, Campuchia chủ yếu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng từ các nước láng giềng đang phát triển.

Thâm hụt thương mại lớn so với GDP. Cân bằng trong nền kinh tế khá mong manh. Cùng với tăng trưởng nhanh về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thâm hụt thương mại của Campuchia cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2000, thâm hụt thương mại mới chỉ 538.6 triệu USD thì đến năm 2008 đã lên tới 1.82 tỷ USD và năm 2009 lên đến 2.58 tỷ USD.

Tỷ lệ thâm hụt thương mại trên GDP cũng tăng mạnh từ mức 13% vào năm 2001 lên mức 16% vào năm 2008 và đến hơn 22% vào năm 2009.

Như vậy, có thể thấy tình trạng của Campuchia cũng tương tự các nước phát triển khác như Việt Nam. Thâm hụt thương mại chiếm tỷ lệ rất cao so GDP và nguồn thâm hụt này được tài trợ bởi các dòng vốn từ bên ngoài.

Điều này cũng cho thấy cân bằng trong trong nền kinh tế của Campuchia khá mong manh. Người dân nước này chi tiêu nhiều hơn so với những gì mình làm ra.

Lạm phát biến động thất thường nhưng đang dần ổn định. Dự báo CPI năm 2010 tăng khoảng 5%

Sau giai đoạn lạm phát phi mã trên 100% từ năm 1990 đến 1993, tình hình lạm phát của Campuchia đang dần ổn định trở lại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 5% trong năm 1994, nhưng trước đó trong năm 1993 tăng đến 114.3%. Tính trung bình từ năm 1994 đến 2007, CPI chỉ tăng 4.6%.

Năm 2008, chịu tác động từ việc gia tăng mạnh của giá cả hàng hóa trên thế giới, CPI đã tăng đến 19.7%. Tuy vậy, CPI năm 2009 đã giảm mạnh chỉ còn -0.7% và dự kiến năm 2010 tăng khoảng 5%.

Có thể thấy tình trạng lạm phát của Campuchia cũng biến động khá thất thường, nhưng  trong những năm gần đây đã ổn định hơn nhiều so với trước đó. Đây là chuyển biến tích cực của nền kinh tế nước này.

Tăng trưởng cung tiền cao, nhưng tỷ lệ M2/GDP vẫn ở mức thấp

Cũng như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, tăng trưởng cung tiền và tín dụng của Campuchia luôn duy trì ở mức rất cao.

Trung bình từ năm 1994 đến 2008, tăng trưởng cung tiền M2 đạt khoảng 28%, tăng trưởng tín dụng ở mức 23.8% mỗi năm. Năm 2007, tăng trưởng cung tiền M2 đạt 62.9%, tín dụng đạt 70.75%, đây là mức rất cao so với khoảng thời gian trước đó. Tăng trưởng cung tiền và tín dụng rất cao này cũng là nguyên nhân khiến lạm phát bùng nổ dữ dội vào năm 2008 (CPI tăng 19.7%).

Tổng cung tiền trong nền kinh tế so với GDP của Campuchia đang ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2007, tỷ lệ M2/GDP (giá hiện hành) bằng 32.3%, năm 2008 giảm xuống còn 26.6%. Ở Việt Nam, tỷ lệ này hiện nay là khoảng 100%, các nước Đông Nam Á từ 70% đến 140%. Điều này cho thấy độ sâu tài chính của Campuchia vẫn ở mức rất thấp. Do vậy tiềm năng để hệ thống ngân hàng phát triển ở nước này còn rất lớn.

Ngành ngân hàng: Độ mở rất cao và còn nhiều tiềm năng

Đến ngày 30/6/2009, Campuchia có 25 ngân hàng thương mại, trong đó có 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và một số ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Trong các ngân hàng bản địa có 6 ngân hàng chuyên doanh, 2 văn phòng đại diện và các tổ chức tài chính vi mô, quầy thu đổi ngoại tệ có đăng ký.

Tổng tài sản của các ngân hàng ở Campuchia tính đến tháng 01/2009 khoảng 4.28 tỷ USD, dư nợ tín dụng là 2.4 tỷ USD, bằng khoảng 22% GDP. Độ mở trong lĩnh vực ngân hàng của Campuchia rất lớn với 2/3 số ngân hàng là ngân hàng nước ngoài, chiếm 65% thị phần toàn hệ thống.

Tiềm năng phát triển của thị trường tài chính Campuchia vẫn còn rất lớn. Hiện tại, một số ngân hàng của Việt Nam đã mở chi nhánh tại thị trường Campuchia.

Lãi suất tiền gửi ở Campuchia được duy trì khá ổn định quanh mức 7% đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất của Campuchia không có nhiều biến động, ngay cả với thời kỳ lạm phát cao.

Dự trữ ngoại tệ tương đương với gần 6 tháng nhập khẩu. Tỷ giá KHR/USD khá ổn định trong những năm gần đây

Dù là một nền kinh tế đang phát triển nhưng chính sách tỷ giá của Campuchia không cố định hoàn toàn. Ngân hàng trung ương (Ngân hàng Quốc gia Campuchia – The National Bank of Cambodia, NBC) không ấn định tỷ giá mục tiêu như ở Việt Nam.

Tuy vậy, NBC thường can thiệp vào tỷ giá bằng cách mua bán ngoại tệ trên thị trường. Kể từ đầu năm đến đầu tháng 8/2010, NBC đã mua lại đồng Riel (KHR) với trị giá khoảng 43 triệu USD để tránh cho đồng nội tệ mất giá. Tháng 9/2010, NBC có kế hoạch mua thêm 5 triệu USD đồng Riel nhằm củng cố giá trị của đồng nội tệ. Động thái này có thể nâng tổng số Riel mà NBC mua trong năm 2010 lên đến 48 triệu USD. Tổng giá trị Riel mà NBC mua vào trong năm 2009 đạt 54 triệu USD.

Tỷ giá KHR/USD từ năm 1991 đến năm 1998 biến động mạnh do nền kinh tế nước này còn nhiều bất ổn. Đồng Riel mất giá từ mức 520 KHR/USD đến 3,770 KHR/USD chỉ trong vòng 8 năm. Kể từ năm 1998 đến nay, tỷ giá đồng Riel ít biến động khi chỉ mất giá 13.34% trong 13 năm. Tốc độ mất giá này thấp hơn nhiều so với đồng Việt Nam trong cùng thời kỳ.

Tính đến hết quý 2/2010, lượng dự trữ ngoại tệ của Campuchia vào khoảng 2.9 tỷ USD,  là mức khá cao so với 11 tỷ USD của GDP nước này. Con số này tương đương với gần 6 tháng nhập khẩu. Có thể thấy dự trữ ngoại tệ của Campuchia đang ở mức tương đối lớn và có thể giúp cho tỷ giá KHR/USD duy trì ở mức ổn định trong thời gian dài.

Thu ngân sách chỉ đạt 10.79% GDP. Thâm hụt ngân sách không cao nhờ khoản viện trợ 2.56% GDP hàng năm. Chi tiêu cho giáo dục chiếm trên 10% GDP

Trung bình từ năm 2000 đến 2008, thu ngân sách mỗi năm chỉ đạt 10.79% GDP, là mức khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 80-85% khoản thu ngân sách đến từ thuế. Ngoài ra, khoản viện trợ trung bình 2.56% GDP đóng góp quan trọng cho cân bằng ngân sách hàng năm của Campuchia.

Chi ngân sách trung bình từ năm 2000 đến 2008 là 14.78% GDP. Đây được xem là mức chi khá thấp so với nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Năm 2009, với các chính sách kích cầu, chi ngân sách của nước này tăng lên 17.6% GDP. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn mức 35.6% của Việt Nam và khoảng từ 20% đến 30% so với GDP của các nước trong khu vực.

Về cơ cấu chi ngân sách, chi tiêu cho dịch vụ công của Chính phủ chiếm khoảng 20-30%, tiếp đến là chi tiêu cho an ninh quốc phòng chiếm tỷ lệ 15-20% trong tổng chi tiêu. Điểm đáng lưu ý là chi tiêu cho giáo dục đã tăng dần và đang chiếm tỷ lệ trên 10% GDP. Điều này cho thấy Campuchia đang ngày càng quan tâm đến việc đầu tư cho giáo dục.

Khác với Việt Nam, thâm hụt ngân sách của Campuchia được kiểm soát khá tốt. Tính từ năm 1990 đến 2008, thâm hụt ngân sách trung bình chỉ là 4.43% GDP, nếu tính từ năm 2000 đến nay thì chỉ còn 3.99%.

Nếu tính thêm khoản viện trợ ròng thì thâm hụt ngân sách của Campuchia chỉ còn 2.77% GDP/năm (tính từ 1990 đến 2008).

Năm 2009, các chính sách kích cầu của Chính phủ làm thâm hụt ngân sách lên đến 5.9% GDP. Tuy nhiên, đây cũng là mức khá thấp nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong năm hậu khủng hoảng này.

Phòng Nghiên cứu Vietstock





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Campuchia kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt 6.4% trong năm 2024

Nền kinh tế Campuchia được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6.4% trong năm 2024, tăng so với mức 5.5% ghi nhận trong năm 2023, chủ yếu được thúc đẩy bởi ngành du lịch và...

Campuchia xác định năm 2024 là năm phục hồi kinh tế

Thủ tướng Hun Manet khẳng định Preah Sihanouk là trục kinh tế quan trọng, việc khôi phục và vận hành trở lại công trình tòa nhà cũ, xây dựng dở dang ở đây sẽ thúc...

Dự trữ ngoại hối của Campuchia tăng lên 20 tỷ USD trong năm 2023

Ngân hàng Trung ương Campchia (NBC) gần đây cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này trong năm 2023 đạt 20 tỷ USD, tăng 12.3% so với năm 2022, Khmer Times đưa tin.

Du khách quốc tế đến Campuchia tăng 140% trong năm 2023

Cambodia thu hút khoảng 5.43 triệu du khách quốc tế trong năm 2023, tăng mạnh 139.5% so với mức 2.27 triệu du khách vào năm 2022, theo báo cáo của Bộ Du lịch hôm...

Xuất khẩu hàng hóa ngoài ngành may mặc của Campuchia tăng 56% trong năm 2023

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan và Thuế quan Campuchia (GDCE), trong năm 2023, Vương quốc đã xuất khẩu 3,129 triệu USD hàng sản xuất ngoài ngành may mặc, tăng...

Campuchia: Xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch giảm 12%

Nhu cầu toàn cầu yếu đã khiến xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch (GFT) của Campuchia ghi nhận xu hướng giảm trong năm vừa qua, Khmer Times đưa tin.

Thương mại Campuchia-Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm 2023 dù nhu cầu thế giới giảm tốc

Trong năm 2023 vừa qua, mặc dù nhu cầu toàn cầu sụt giảm nhưng thương mại giữa Campuchia và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.

Campuchia xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang UAE

Campuchia vừa xuất khẩu lô gạo đầu tiên 60,000 tấn sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), mở ra một thị trường mới cho ngành lúa gạo Campuchia, Khmer...

Thương mại quốc tế của Campuchia giảm 1.9% trong năm 2023

Theo dữ liệu thương mại được Tổng cục Hải quan và Thuế quan Campuchia (GDCE) công bố hôm 11/01, tổng kim ngạch thương mại quốc tế của nước này đạt 46.82 tỷ USD...

Yếu tố nào sẽ giúp Campuchia thu hút thêm FDI?

Luật đầu tư mới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tình hình hòa bình trong...

Chứng khoán thế giới


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98