Năm 2011: Cơ hội đầu tư cổ phiếu theo nhóm ngành

22/12/2010 09:46
22-12-2010 09:46:43+07:00

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Năm 2011: Cơ hội đầu tư cổ phiếu theo nhóm ngành

(Vietstock) – Tổng hợp nhận định cơ hội đầu tư trong năm 2011 đối với cổ phiếu các nhóm ngành: Cao su thiên nhiên, Thủy sản, Tôn – Thép, Mía đường, Bất động sản, Khoáng sản, Nhựa, Nông sản, Vận tải biển & Kho bãi.

CỔ PHIẾU NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN

Diễn biến chính trong năm 2010: Giá cao su thiên nhiên tiếp tục ở mức cao giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong quý 3/2010. Trong 9T/2010, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 516 ngàn tấn và 1,422 triệu USD, tương ứng tăng 6.8% và 95.6% so với cùng kỳ năm 2009. Như vậy, sản lượng tăng không đáng kể, nhưng do giá xuất khẩu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu tăng tới 95.6%.

Trung Quốc vẫn là thị trường chính nhập khẩu cao su của Việt Nam, nhưng đang trong xu hướng giảm dần. Việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu khác thay thế dần thị trường Trung Quốc là định hướng hợp lý của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, hiện tại nhu cầu cao su của Trung Quốc vẫn đang gia tăng. Chúng tôi cho rằng khả năng Trung Quốc hoàn toàn giảm mạnh nhập khẩu cao su từ Việt Nam là rất khó xảy ra, và không được xem là rủi ro quá lớn.

Triển vọng: Theo Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về cao su, thị trường cao su thế giới sẽ phải đối mặt với áp lực nguồn cung giảm mạnh trong 2 năm tới (2011 và 2012) và giá cả tăng do sản lượng suy giảm, trong khi nhiều đồn điền cao su đang trong giai đoạn trồng mới. Đây là yếu tố thuận lợi có thể giúp ngành cao su thiên nhiên Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả ấn tượng trong quý 4/2010.

Khoảng 80% sản lượng cao su Việt Nam được xuất khẩu nên các doanh nghiệp trong ngành hầu hết được hưởng lợi do chính sách nới rộng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới hiện nay. Với ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh, nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc vẫn đang gia tăng.

Biến động thời tiết là rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Cổ phiếu quan tâm: DPR, TRC, và PHR

CỔ PHIẾU NGÀNH THỦY SẢN

Diễn biến chính trong năm 2010: Theo Tổng cục Thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước 11 tháng đầu năm 2010 đạt 4.49 tỷ USD, tăng 16.3% so với cùng kỳ năm 2009.

Cá tra, basa: Trong 10 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 538,201 tấn sản phẩm cá tra, đạt giá trị 1.15 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2010 có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu năm, tăng 11% so với cùng kỳ 2009 và đạt 166.7 triệu USD.

Mặc dù xuất khẩu cá tra, basa vẫn tăng trưởng nhưng đã gặp phải khá nhiều trở ngại. Nhiều thông tin được đăng tải bôi nhọ nhằm làm giảm giá trị của cá tra, basa Việt Nam đã liên tục xuất hiện trong thời gian qua. Sự kiện WWF đưa cá tra vào “danh sách đỏ” cũng là một ví dụ.

Gần đây, theo kết quả sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về thuế chống bán phá giá cho giai đoạn từ 01/08/2008 đến 31/07/2009, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị tăng thuế rất cao, lên đến 4.22 USD/kg, tương đương khoảng 130%.

Xuất khẩu cá tra và basa năm 2009 và 2010

Xuất khẩu tôm năm 2009 và 2010

Nguồn: Bộ Công thương

Nguồn: Bộ Công thương

Tôm: Trong 10 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ và đạt 5.29 tỷ USD, chiếm 40.5% trong tổng kim ngạch và đứng đầu danh sách xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam; nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc kiểm tra lượng trifluralin quá mức cho phép tại thị trường này.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam trong 5 năm tới, vì cho rằng việc gỡ bỏ thuế chống phá giá đối với tôm đông lạnh của Việt Nam có thể dẫn tới việc tái diễn tình trạng bán phá giá.

Triển vọng: Tình trạng thiếu nguyên vật liệu vẫn đang tiếp tục tái diễn và tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Nhiều nhà máy chế biến chỉ đang hoạt động khoảng 50-60% công suất, đặc biệt là các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.

Trong quý 4, mùa thu hoạch tôm rộ hơn sẽ giúp nguồn cung nguyên liệu dồi dào so với trước đây. Trong khi đó, nhu cầu tôm dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và xuất khẩu tôm kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Xuất khẩu cá tra, basa vào Mỹ đối mặt với thuế chống bán phá giá tăng cao. Thị trường Mỹ chiếm khoảng 11% trên tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 9T/2010. Vì vậy, nếu gặp khó khăn ở thị trường này, hoạt động xuất khẩu cá tra, basa không bị ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu sang Mỹ lớn như VHC, AGF sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vừa qua, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất ngày 10/12 đã họp thống nhất đưa ra giá sàn xuất khẩu cho quý 1/2011 là 3 USD/kg đối với cá tra thịt trắng và 2.05 USD/kg đối với cá tra thịt đỏ, cho tất cả thị trường ngoại trừ thị trường Mỹ.

Việc VASEP đặt mức giá sàn xuất khẩu có thể tạo tác động tích cực, để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị trong nước và giúp hạn chế các rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường nước ngoài. Về lâu dài, điều này sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu. Vấn đề còn lại các việc cam kết thực hiện của các doanh nghiệp tham gia sự đồng thuận này.

Là ngành xuất khẩu chủ lực, các doanh nghiệp trong ngành cũng được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ.

Cổ phiếu quan tâm: MPC, ACL, ABT

CỔ PHIẾU NGÀNH TÔN – THÉP

Diễn biến chính trong năm 2010: Giá thép trong năm 2010 biến động mạnh và có khuynh hướng bị đầu cơ liên tục. Điều đáng chú ý nữa là khi ngành thép rơi vào mùa cao điểm, vào đầu tháng 10, thì giá thép lại sụt giảm nhẹ và lượng cầu khá yếu, tình hình tiêu thụ vẫn ở mức thấp so với các năm trước. Như vậy, ngành thép đang biến động thất thường và đảo ngược xu thế hằng năm.

Tình trạng mất cân đối cung cầu trong nước buộc nhiều doanh nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là ống thép, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản…

Số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia vào hoạt động xuất khẩu sản phẩm thép không nhiều, chủ yếu là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), CTCP Hữu Liên Á Châu (HoSE: HLA)… 40% lượng thép xuất khẩu là của Công ty Thép POSCO đi vào hoạt động từ tháng 10/2009 với công suất 1.2 triệu tấn/năm.

Triển vọng: Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2010 sẽ không tăng trưởng đột biến. Nhiều doanh nghiệp đã phải tăng chiết khấu cho khách hàng, đại lý phân phối nhằm giải quyết hàng tồn kho. Ngoài ra, giá thép trong nước đang tăng cao chủ yếu xuất phát từ việc điều chỉnh tỷ giá, chi phí hơn là nhu cầu thực sự.

Sang năm 2011, tình hình tiêu thụ thép sẽ tăng trưởng khả quan và ổn định hơn so với năm 2010. Kinh tế trong nước sẽ phục hồi sau khủng hoảng, các công trình trong điểm cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh tiến độ trở lại nhằm đón đầu nguồn vốn đầu tư mới.

Việc Trung Quốc bắt đầu chấn chỉnh ngành thép từ tháng 9/2010 cũng tạo ra nhiều cơ hội, khi lượng thép xuất khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ hạn chế.

Ngoài ra, áp lực đối với việc thừa cung trong ngành thép vẫn còn mặc dù nhiều dự án đang bị thu hồi. Ngành thép cũng tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh với thép nhập khẩu từ các nước ASEAN, do giá thép trong nước vẫn thường cao hơn khoảng 500,000 đồng/tấn.

Trong năm 2011, biến động giá thép dự báo sẽ vẫn bất thường và các đợt tăng giá mang tính ngắn hạn. Ngoài ra , áp lực biến động tỷ giá và chi phí sản xuất cũng sẽ tiếp tục gia tăng.

Chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp tập trung phát triển theo chiều dọc và thị trường ngách. Việc tham gia xuyên suốt vào chuỗi giá trị ngành sẽ giúp cải thiện giá trị gia tăng, kiểm soát có hiệu quả rủi ro nguyên vật liệu đầu vào và giá bán đầu ra.

Một số doanh nghiệp nhỏ tập trung phát triển thị trường ngách cũng đang thu được kết quả khả quan nhất định.

Cổ phiếu quan tâm: POM, HPG

CỔ PHIẾU NGÀNH MÍA ĐƯỜNG

Diễn biến chính trong năm 2010: Sản lượng đường thế giới giảm gần 5 triệu tấn trong niên vụ vừa qua, chủ yếu do biến động bât lợi của thời tiết. Giá đường thế giới dự báo sẽ tiếp tục xu hướng đi lên trong thời gian tới.

Trong nước, tình trạng thiếu mía nguyên liệu ngày càng gay gắt do thời tiết không thuận lợi, hầu hết các vùng trồng mía đều giảm năng suất và sản lượng. Dự báo năm 2011 Việt Nam sẽ nhập khẩu 300,000 tấn đường. Hiện tại, các nhà máy đường đang vào vụ ép mía, nhưng giá đường vẫn ở mức cao.

Triển vọng: Giá đường trong nước tiếp tục đứng ở mức cao chủ yếu do giá đường thế giới tăng cao và có hiện tượng các nhà máy canh theo giá đường thế giới, trong đó có đường nhập lậu.

Tình trạng thiếu đường trong nước sẽ tiếp tục diễn ra, khi mức cung tăng không nhiều và không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá đường trong nước bị chi phối nhiều bởi các nhà máy và người tiêu dùng dường như không có “quyền lực thương lượng”.

Các doanh nghiệp mía đường vẫn có lợi nhuận tích cực nhờ giá đường đang ở mức cao và đang đi vào mùa vụ cao điểm sử dụng trong các dịp Noel, Tết.

Những doanh nghiệp có hàng tồn kho thành phẩm lớn, vùng nguyên liệu ổn định, có các chỉ số tài chính cơ bản tốt sẽ có nhiều lợi thế hơn trong giai đoạn cung không đủ cầu, giá đường biến động lớn, định giá chứng khoán đang rẻ như hiện nay.

Triển vọng của các công ty trong ngành mía đường trong ngắn hạn tỏ ra khá hấp dẫn. Tuy vậy, trong trung và dài hạn nên có quan điểm thận trọng, đặc biệt sau mùa vụ Tết.

Cổ phiếu quan tâm: NHS, LSS, BHS

CỔ PHIẾU NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN

Diễn biến chính trong năm 2010: Điểm nổi bật của thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm 2010 là việc áp dụng Nghị định số 71 từ ngày 08/08/2010 đã hạn chế nhất định sự tham gia của giới đầu cơ, và vì vậy làm cho thị trường bất động sản có ít khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Không những vậy, sự thiếu vắng bộ phận này sẽ làm cho thị trường bất động sản trong thời gian tới có khả năng chững lại. Tuy vậy, về dài hạn Nghị định 71 sẽ minh bạch hóa thị trường, giúp hoạt động đầu tư trở nên chuyên nghiệp hơn.

Sự biến động giá vàng và USD trong thời gian qua đã kìm hãm đà phục hồi của thị trường bất động sản. Giá vàng tăng mạnh, kết hợp với việc giảm giá đồng nội tệ đã đẩy giá bán bất động sản tính theo giá vàng và USD tăng cao. Đây là lực cản lớn cho thị trường bất động sản trong ba quý đầu năm 2010 và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong thời gian tới.

Lãi suất trong nước tiếp tục đứng ở mức cao. Mặt bằng lãi suất hiện tại vào khoảng 15%-16% đối với các khoản vay trung và dài hạn. Mức lãi suất khá cao này đã hạn chế dòng vốn chảy vào bất động sản.

Tín dụng bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi Thông tư 13 bắt đầu có hiệu từ ngày 01/10/2010. Thông tư này quy định hệ số rủi ro của tất cả các khoản cho vay nhằm kinh doanh bất động sản là 250%. Đây được xem là rào cản mới đối với loại hình tín dụng này.

Dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào bất động sản TP.HCM. Với 12 dự án và tổng vốn 811 triệu USD, lĩnh vực bất động sản đang dẫn đầu về tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM  trong 8 tháng đầu năm nay, chiếm 60.8%. Hiện tại, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang dẫn đầu về vốn, với 373 triệu USD (chiếm 27.96%), trong khi Singapore lại chiếm ưu thế về số dự án (44 dự án, chiếm tỷ lệ 18.88%).

Triển vọng: Chúng tôi cho rằng thị trường bất động sản khó có khả năng phục hồi trong ngắn hạn, khi các yếu tố về chính sách không ủng hộ cho sự tăng trưởng trong ngắn hạn của thị trường.

Với áp lực lạm phát và giảm giá tiền tệ, nhiều khả năng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ tiếp tục duy trì trong quý 4/2010 và quý 1/2011. Việc giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn và là lực cản đối với dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản.

Một số nhận định cho rằng tỷ giá USD và vàng có thể tiếp tục tăng cao vào các tháng cuối năm. Dòng tiền sẽ bị phân tán sang hoạt động đầu tư vào USD và vàng. Đồng thời giá USD và vàng tăng cao sẽ làm cho giá bán bất động sản tiếp tục tăng cao, hạn chế sự tiếp cận của phía cầu.

Triển vọng dài hạn của thị trường bất động sản đến từ khả năng duy trì tốc độc phát triển kinh tế của Việt Nam. Tốc độ tăng trường GDP của năm 2010 dự kiến đạt 6.5%, và định hướng trong năm 2011 tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 7.5%. Đây chính là yếu tố quan trọng để ổn định và phát triển thị trường bất động sản.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số của Việt Nam đang ở mức cao. Đến năm 2030, dự kiến dân số sống tại Hà Nội sẽ gần 10 triệu người và tại TP.HCM là hơn 12 triệu người. Nếu tính theo tiêu chuẩn diện tích nhà ở bình quân 15 m2/người thì trong giai đoạn 2010 - 2030, hai thành phố lớn này sẽ cần phải cần thêm khoảng 160 triệu m2 nhà để đáp ứng được nhu cầu nhà ở. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục mạnh dạn đầu tư vào các dự án địa ốc tiềm năng.

Trong thời gian tới, các dự án bất động sản sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ quy hoạch và cải tạo cơ sở hạ tầng. Tại Hà Nội, trục đường Láng - Hòa Lạc và quốc lộ 32 hiện đang được mở rộng. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện cho thị trường phía Tây Hà Nội tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đa trung tâm với các trung tâm mới đã được xác định là Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn, Tây Bắc Củ Chi và Tân Kiên. Những dự án này sẽ làm thay đổi cấu trúc đô thị, thu hút lượng vốn đầu tư lớn trong những năm sắp tới.

Cổ phiếu quan tâm: HAG, NTL, SJS, NBB

CỔ PHIẾU NGÀNH KHOÁNG SẢN

Diễn biến chính của ngành: Các sản phẩm chủ yếu của ngành khoáng sản Việt Nam là dầu thô, kẽm, chì, titan, antimony, mangan… Các sản phẩm này được bán và xuất khẩu dưới dạng thô. Khâu tinh chế hầu như bị bỏ ngỏ do năng lực và thiết bị của các công ty trong nước còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu rất mạnh quặng sau tinh chế.

Hoạt động khai thác phần lớn dựa vào phương pháp thủ công, nên đa số các mỏ nhỏ hiện nay chỉ lấy được những phần giàu nhất, bỏ đi toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng, dẫn đến không thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên. Tổn thất trong chế biến khoáng sản hiện cũng rất cao, khiến hiệu quả trong ngành khai khoáng Việt Nam vẫn đang ở mức thấp.

Tốc độ gia tăng số doanh nghiệp trong ngành khá cao. Chỉ trong vòng 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố đã cấp 3,495 giấy phép khai thác, tốc độ gia tăng khá nhanh so với giai đoạn 1996-2008 với 928 giấy phép được cấp.

Những tháng đầu năm 2010, giá khoáng sản tiếp tục tăng cao so với năm 2008, trong đó titan và antimony là hai khoáng sản có xu hướng tăng mạnh nhất trong nhóm khoáng sản. Hiện nay giá của antimony đang ở mức cao trong lịch sử, cao gấp 2 lần giá so với mức giá trong năm 2009 (đi từ đáy 4,000 USD/tấn vào tháng 2/2009 lên đến 9,500 USD/tấn vào tháng 5/2010). Việt Nam đang là một trong 10 nước sản xuất và cung cấp á kim hiếm antimony lớn nhất trên thế giới.

Triển vọng: Chúng tôi cho rằng triển vọng của ngành khoáng sản trong những tháng cuối năm 2010 và trong thời gian tới có khả năng tiếp tục tích cực. Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc – một trong những nước có nhu cầu khoáng sản lớn nhất hiện nay, là yếu tố thúc đẩy ngành khoáng sản trong nước.

Tiềm năng của ngành khoáng sản Việt Nam rất lớn khi sở hữu hơn 5,000 điểm mỏ với hơn 60 loại khoáng sản được phát hiện và khai thác trải dài khắp cả nước. Đồng thời, nhu cầu khoáng sản trong nước và các nước trên thế giới đang duy trì ở mức cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và các nước Châu Âu.

Tuy nhiên, ngành khai khoáng Việt Nam được đánh giá là ngành sơ khai, công nghệ khai thác mỏ còn lạc hậu và chưa hiệu quả và chịu nhiều rủi ro từ chính sách và thời tiết.

Cổ phiếu quan tâm: KSS, HGM

CỔ PHIẾU NGÀNH NHỰA

Diễn biến chính trong năm 2010: Ngành nhựa Việt Nam hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh với tốc độ trung bình 15-20%/năm, và đang hướng đến 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tăng gần 43% so với năm trước.

Thị trường xuất khẩu không quá khó để thâm nhập. Theo Cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc, đối với mặt hàng nhựa, Việt Nam là nước có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt, được hưởng mức thuế thấp hoặc đối xử ngang bằng các nước xuất khẩu khác ở hầu hết các thị trường. Các doanh nghiệp cũng đã tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại của thế giới và sản phẩm được thị trường chấp nhận.

Trong nước, sản phẩm nhựa ngày càng phổ biến ở thị trường nội địa. Sản phẩm nhựa cũng đã có mặt trong hầu hết các ngành, từ công nghiệp, nông nghiệp đến giao thông vận tải, xây dựng... Những sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao như ống dẫn dầu, đồ nhựa cho ôtô hay máy vi tính cũng đã được các doanh nghiệp sản xuất thành công, thay thế hàng nhập khẩu.

Ngành nhựa phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, biến động giá nguyên liệu thế giới lập tức gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành nhựa. Hầu hết các các loại nguyên liệu nhựa được sản xuất từ dầu mỏ và khí đốt nên giá chịu tác động trực tiếp từ giá các mặt hàng này.

Trong những tháng gần đây, giá mặt hàng nguyên liệu nhựa đã giảm nhiệt do giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm. Tuy vậy, giá các loại mặt hàng này vẫn ở mức cao, đã tăng từ 20-30% so với đầu năm 2010.  

Năng lực sản xuất và công nghệ hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp nhựa đều phát triển từ các công ty gia đình. Nguồn vốn ít, trình độ quản lý hạn chế, thiếu thông tin cập nhật nên những doanh nghiệp này thường đầu tư chủ yếu vào những mặt hàng đơn giản, thâm dụng lao động và có tỷ suất lợi nhuận thấp.

Ngành nhựa bao bì có 702 doanh nghiệp, chiếm 35.1%, nhựa gia dụng có 794 doanh nghiệp, chiếm 39.7%, trong khi nhựa kỹ thuật chỉ có 272 doanh nghiệp, chiếm 13.6%. Khoảng 76% doanh nghiệp tập trung ở phía Nam nên khu vực này có mức độ cạnh tranh cao hơn hẵn khu vực miền Bắc và miền Trung.

Triển vọng: Kết quả dự phóng của chúng tôi cho thấy, P/E và P/B forward cho năm 2010 trung bình của các doanh nghiệp trong ngành chỉ vào khoảng 6.29 lần và 1.07 lần. Đây là mức định giá khá hấp dẫn khi nhu cầu sử dụng sản phẩm nhựa xây dựng và nhựa dân dụng những tháng cuối năm thường có xu hướng tăng cao.

Việt Nam có gần 86 triệu dân, với mức tiêu thụ sản phẩm nhựa trung bình khoảng 22 kg/người, và mục tiêu năm 2010 có thể đạt 32 kg/người. Đây là con số khá thấp so với nước láng giềng như Thái Lan, Nhật Bản. Chính vì vậy, tiềm năng của ngành nhựa còn rất lớn.

Những tháng cuối năm với các dịp lễ, Noel, Tết sẽ khiến việc sử dụng thực phẩm, nhu cầu mua sắm tăng cao. Do vậy, các doanh nghiệp bao bì và nhựa gia dụng có thể tăng lượng bán hàng và thúc đẩy doanh thu.

Cổ phiếu quan tâm: BMP, NTP

CỔ PHIẾU NGÀNH NÔNG SẢN

Diễn biến chính trong năm 2010: Các doanh nghiệp sản xuất nông sản như: lúa gạo, cà phê, tiêu, điều… đã đạt được kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong những tháng đầu năm 2010 nhờ tận dụng tốt các thế mạnh.

Sản xuất lúa gạo có nhiều lợi thế trong xuất khẩu. Kế hoạch xuất khẩu trong năm 2010 là 6.1 triệu tấn, nhưng sản lượng xuất khẩu có thể đạt 7 triệu tấn trong điều kiện thuận lợi, so với mức 6 triệu tấn trong năm 2009. Hạn hán kéo dài gây mất mùa ở một số tỉnh của Trung Quốc đã tạo điều kiện rất lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Cà phê Việt Nam hưởng lợi do nguồn cung trên thế giới giảm. Tình hình khô nóng ở Braxin chưa chấm dứt hoàn toàn đã làm cho nguồn cung cà phê trên thị trường thế giới trở nên khan khiếm. Giá cà phê trên thị trường New York có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai sau gạo trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Giá hồ tiêu tăng cao trong những tháng đầu năm 2010. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), do được lợi về giá, 8 tháng đầu năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu 90,096 tấn hồ tiêu, giảm 6.8% về lượng nhưng tăng tới 22.5% về kim ngạch so với cùng kỳ 2009, đạt 298 triệu USD. Hiện Việt Nam đang chào hàng với mức giá cao từ 3,779 - 3,821 USD/tấn đối với tiêu đen và 5,077 USD/tấn đối với tiêu trắng.

Xuất khẩu điều vượt Ấn Độ, đứng đầu thế giới. Ước tính đến tháng 11/2010, tổng khối lượng xuất khẩu đạt 179,000 tấn với giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tăng 10.55% về khối lượng và tới 31.9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt qua quốc gia có truyền thống 100 năm xuất khẩu điều lớn nhất thế giới là Ấn Độ.

Triển vọng: Trong khi triển vọng của kinh tế trong nước chưa thật sự phục hồi, ngành nông nghiệp tiếp tục được kỳ vọng là “phao đệm” cho nền kinh tế trong thời gian tới. Năm 2010 có thể là năm kỷ lục xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam cũng như nhiều nông sản khác như cao su, hồ tiêu, điều,... Với lợi thế tự nhiên và kinh nghiệm, chúng tôi cho rằng đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.

Hầu hết các loại nông sản giá đều có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến tăng giá là do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, nhưng chủ yếu là sự thiếu hụt do nguồn cung của các nước trên thế giới giảm sút mạnh do biến đổi của khí hậu, trong đó đáng chú ý như lũ lụt ở Pakistan, mất mùa ở Ấn Độ, giảm sản lượng cây trồng ở Trung Quốc do hạn hán.

Điểm nổi bật của ngành nông sản Việt Nam là đã vượt qua Ấn Độ về xuất khẩu điều để trở thành quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới.

Cổ phiếu quan tâm: LAF, AGC

CỔ PHIẾU NGÀNH VẬN TẢI BIỂN & KHO BÃI

Diễn biến chính trong năm 2010: Trong quý 2 và 3/2010, giá cước vận tải quốc tế đã sụt giảm so với quý 1/2010 trước lo ngại khủng hoảng nợ công châu Âu và Trung Quốc kiềm chế đà tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, giá cước vận tải trong nước có phần ổn đinh hơn nhờ vào việc xuất khẩu gạo, cà phê, cao su… ổn định. Giá cước của các hãng tàu trong nước tăng 10% – 20%; nhưng vẫn chỉ đang xấp xỉ ở mức hòa vốn.

Trong vòng 1 tháng gần đây, giá cước hàng lỏng đang tăng mạnh trở lại nhờ vào nhu cầu nhiên liệu phục vụ sưởi ấm vào mùa đông. Đây cũng có thể là một tín hiệu báo trước cho sự phục hồi của kinh tế thế giới, khi nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ sản xuất gia tăng.

Giá cước container quốc tế đang duy trì đà phục hồi từ đầu năm 2010 nhờ vào nguồn hàng ổn định. Phí vận tải container nội địa đang tăng mạnh do năng lực vận chuyển bị hạn chế.

Các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải chịu gánh nặng tỷ giá và lãi suất kéo dài. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực từ Vinashin có thể sẽ tiếp tục kéo dài.

Trong khi đó, chúng tôi cho rằng hoạt động khai thác cảng sẽ có cơ hội tiếp tục tăng trưởng khả quan. Cảng TPHCM tiếp tục duy trì vị thế cảng trung tâm của khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ ; tình trạng ùn ứ container lạnh vẫn tiếp tục diễn ra ở cảng Hải Phòng. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp ở 2 khu vực này được kỳ vọng sẽ khả quan.

Triển vọng: Ngành vận tải biển nhiều khả năng vào chu kỳ mới từ cuối 2011, do vẫn đang phục hồi chậm so với các ngành kinh tế khác. Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp vận tải quy mô lớn trong ngành sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn; trong khi các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải đợi đến cuối 2011.

Doanh thu năm 2010 sẽ khả quan, nhưng lợi nhuận có thể vẫn thấp. Lý do là mức tăng lợi nhuận gộp khó có thể bù đắp được đà tăng của chi phí tài chính. Hầu hết doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đang trong quá trình đầu tư thay thế tàu mới nên cơ cấu nợ/vốn chủ sở hữu khá cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư mới cũng đồng nghĩa với áp lực khấu hao tăng cao ở nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi, vì vậy, không kỳ vọng vào mức sinh lời cao của các hãng tàu trong năm 2010, ngoại trừ các doanh nghiệp có hoạt động thanh lý tàu cũ.

Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ cảng biển sẽ hiệu quả nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh của dịch vụ hậu cần (logistics). Nhiều dự báo cho thấy ngành này có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 20% – 25% trong các năm tới.

Cổ phiếu quan tâm: TCL, VSC

Tham khảo thêm nội dung phân tích chi tiết cổ phiếu theo nhóm ngành và cổ phiếu quan tâm tại đây.

Phòng Nghiên cứu Vietstock





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

IMP - Tiềm năng tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) vẫn đang tăng...

BFC - Ngành phân bón có thực sự hấp dẫn?

CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK. Tuy nhiên, kết quả kinh...

GMD - Ngành cảng biển và vận tải biển (Kỳ 1)

Trong năm 2024, ngành cảng biển và vận tải biển được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, những động thái nới lỏng của Trung Quốc và giá dầu...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Bán lẻ ICT - Ngắn hạn xấu, dài hạn tốt

Năm 2023, nền kinh tế trong nước suy yếu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ ICT. Tuy ngắn hạn khá xấu, các số liệu cho thấy triển vọng dài...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành đá xây dựng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành dầu khí

Ngành dầu khí là ngành mũi nhọn của nước ta, có vai trò cung cấp nguồn nhiên liệu quan trọng cho cả nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đây là ngành sẽ nhận...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Công nghệ thông tin - Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao

Ngành công nghệ thông tin tạm chững lại trong năm 2023, nhưng được dự đoán sẽ lấy lại phong độ trong năm 2024. Nhờ vào các chính sách của Chính...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành điện - Thúc đẩy tăng trưởng nhiệt điện khí

Ngành điện là một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế, đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội. Điện là nguồn năng lượng thiết yếu cho...

DPM - Cổ phiếu phòng thủ lý tưởng

Bất chấp triển vọng khá u ám của ngành phân bón, cổ phiếu của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) vẫn là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư ưa...

TDM - “Vịnh tránh bão” trong thị trường đầy biến động

CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch. Hiện tại, TDM là một trong những doanh nghiệp cung cấp nước sạch...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98