Lạm phát: Cần hiểu đúng và có những phản ứng phù hợp

17/03/2011 13:49
17-03-2011 13:49:20+07:00

Lạm phát: Cần hiểu đúng và có những phản ứng phù hợp

Lạm phát đang trở thành nỗi ám ảnh của Việt Nam

(Vietstock) – Lạm phát đang tăng rất mạnh trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người và cả những nhà làm chính sách. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu đúng về lạm phát dù danh từ này xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích một số khái niệm liên quan đến lạm phát. Việc hiểu rõ bản chất của lạm phát là điều quan trọng, giúp cho chúng ta có được những cách phản ứng phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Hai quan điểm về lạm phát: Tiền tệ và tổng hợp

Theo các định nghĩa chính thống trong sách giáo khoa kinh tế thì lạm phát (inflation) được coi là hiện tượng lượng tiền lưu thông tăng vượt quá sự tăng trưởng hàng hóa sản xuất ra. Hiện tượng này dẫn đến giá cả của hầu hết các hàng hoá trong nền kinh tế không ngừng tăng lên. Đây có thể coi là khái niệm nguyên bản về lạm phát.

Khái niệm về lạm phát được trình bày ở trên được mô tả theo quan điểm của trường phái tiền tệ. Đại diện cho trường phái này là hai nhà kinh tế học Milton Friedman và John Maynard Keynes.

* Gỡ nút thắt thị trường chợ đen: Không chỉ dùng các biện pháp hành chính

* Tín hiệu vĩ mô 2008 và 2011 – Tương đồng và khác biệt

Trường phái tiền tệ cho rằng lạm phát chỉ xuất hiện do nguyên nhân tiền tệ còn các nguyên nhân khác như “cầu kéo” hoặc “chi phí đẩy” đối với hàng hoá không thể xảy ra lâu dài và thường xuyên, mà chỉ có tính chất tạm thời.

Tuy nhiên, quan điểm về lạm phát tiền tệ gặp phải một trở ngại là việc xác định khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông là không khả thi, vì thực tế tổng lượng hàng hoá, dịch vụ luân chuyển trong nền kinh tế luôn biến động. Ngoài ra, vòng quay tiền cũng không ổn định và mục đích sử dụng tiền cũng luôn thay đổi.  Do vậy, chúng ta chỉ có thể nhận diện ra lạm phát qua dấu hiệu hàng hoá, dịch vụ tăng giá. Vì những nguyên nhân này mà đa số các nhà kinh tế học đã đồng nhất tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ tăng giá.

Điển hình là nhà kinh tế học Paul Samuelson cho rằng lạm phát có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau: (1) Nguyên nhân cầu kéo (do các cơn sốc về nhu cầu hàng hoá tiêu dùng);  (2) Nguyên nhân phí phí đẩy (do các cơn sốc về phía cung); hoặc (3) Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý (kỳ vọng) về lạm phát tăng mạnh trong tương lai; (4) Cung tiền tăng nhanh hơn lượng hàng hóa sản xuất (giống trường phái tiền tệ).

Sự khác biệt cơ bản trong quan điểm về các nguyên nhân gây ra lạm phát của hai quan điểm về lạm phát ở trên là quan điểm tổng hợp của Paul Samuelson cho rằng giá cả hàng hoá gia tăng dù là tạm thời cũng có thể coi là có lạm phát. Trong khi đó, trường phái tiền tệ mà đại diện là Milton Friedman và John Maynard Keynes thì cho rằng chỉ khi mức giá chung tăng lên liên tục trong một quá trình kéo dài có tính quy luật thì mới gọi là lạm phát.

Tác hại và lợi ích của lạm phát đối với nền kinh tế

Theo Gregory Mankiw thì lạm phát gây ra 5 tổn thất sau:

(1) Làm giảm sức mua của đồng tiền. Vì vậy, lạm phát đồng nghĩa với một loại thuế vô hình lấy đi một phần thu nhập của công dân và những người nắm giữ tiền mặt.

(2) Buộc các doanh nghiệp phải thay đổi biểu giá thường xuyên. Việc thay đổi này gây ra chi phí cho doanh nghiệp.

(3) Gây ra thay đổi giá tương đối trong khi đó người sản xuất và tiêu dùng không thích ứng kịp. Nền kinh tế thị trường dựa vào giá tương đối để phân bố nguồn lực một cách hiệu quả. Lạm phát làm cho việc phân bố nguồn lực trở nên kém hiệu quả, khi xét dưới góc độ kinh tế học vi mô.

(4) Làm giảm nguồn thu thuế do nhiều điều khoản của luật thuế không tính đến tác động của lạm phát. Lạm phát có thể thay đổi nghĩa vụ thuế của cá nhân mà người làm luật không lường hết được.

(5) Gây ra bất tiện cho cuộc sống trong một thế giới mà giá cả thị trường thường xuyên thay đổi. Tiền là thước đo mà trong đó chúng ta tính chi phí các giao dịch kinh tế. Lạm phát làm cho thước đo này co giãn, làm đảo lộn kế hoạch tài chính cá nhân và doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy lạm phát gây ra nhiều mặt tiêu cực cho xã hội và nền kinh tế. John Maynard Keynes đã chỉ trích gay gắt và vạch rõ bản chất của lạm phát gây ra những thiệt hại không gì bù đắp nổi cho nhân loại. 

Tuy nhiên, trên thực tế lạm phát không hẳn là hoàn toàn có tác động tiêu cực. Trong cuốn “Lý thuyết về việc làm, tiền tệ và lãi suất”, Keynes đã chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ giảm giá.

Lập luận của Keynes cho rằng trong điều kiện kinh tế trì trệ, thất nghiệp tăng cao thì chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn (chính tài khóa mở rộng) và duy trì một tỷ lệ lạm phát nhất định để kích thích kinh tế tăng trưởng.

Lập luận này của ông dựa trên cơ sở là khi tiền giảm giá trị, người dân có xu hướng tiêu dùng cho sinh hoạt và sản xuất nhiều hơn là tích luỹ. Việc tiêu dùng này làm tăng tổng cầu, đẩy nhanh vòng quay vốn và vực dậy sản xuất thoát khỏi vòng suy thoái.

Thực tế, lý thuyết này được áp dụng một cách có hiệu quả vào những năm sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, giúp một loạt các quốc gia thoát khỏi vòng suy thoái.

Trong đợt khủng hoảng kinh tế năm 2008, mối lo sợ nhất của nhiều nền kinh tế là giảm phát. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để chống suy thoái kinh tế và giảm phát. Chính sách này đã đạt được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, nếu chính sách tiền tệ nới lỏng bị lạm dụng quá mức, không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế sẽ khiến thâm hụt ngân sách kéo dài, lạm phát tăng cao và có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

CPI chỉ là một trong các chỉ số đo lường lạm phát

Nhiều người (kể cả nhiều nhà báo viết về kinh tế) thường đồng nhất khái niệm lạm phát với tỷ lệ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thực tế, hai khái niệm này có những khác biệt nhất định.

Hiện nay, quan điểm về lạm phát như nhà kinh tế học Paul Samuelson được sử dụng rộng rãi, tức là lạm phát đồng nhất với việc tăng giá của hàng hóa và dịch vụ. CPI chỉ là một trong những chỉ số đo lường mức độ lạm phát/tăng giá trong nền kinh tế.

Ngoài CPI rất nhiều chỉ số khác được sử dụng để giúp có một cái nhìn toàn diện về giá cả trong nền kinh tế, như chỉ số khử lạm phát (GDP deflator), chỉ số giá nhà sản xuất, lạm phát lõi/cơ bản (core inflation), chỉ số giá bán lẻ …

Mặc dù CPI vẫn được sử dụng khá phổ biến để phản ánh mức độ lạm phát nhưng việc đo lường không hoàn toàn chính xác. Tính toán CPI còn mang nhiều ý nghĩa chủ quan và đôi khi không phản ánh đúng mức tăng giá thực tế.

Tại Việt Nam đã có nhiều đề xuất về việc tính chỉ số lạm phát cơ bản thay cho CPI làm cơ sở cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Dù vậy, đề xuất này đến nay vẫn chưa được chấp thuận để áp dụng chính thức.

Lạm phát cao của Việt Nam và thận trọng trong phản ứng

Vừa qua tỷ giá USD/VND, giá xăng dầu và giá điện đồng loạt được điều chỉnh tăng. Sau động thái điều chỉnh này, giá hàng hóa tăng là không thể tránh khỏi.

Đối với những người theo trường phái tiền tệ thì việc tăng giá này không gọi là lạm phát. Trong khi đó, theo cách hiểu thông thường thì đây vẫn là lạm phát.

Chúng tôi cho rằng CPI tăng bởi việc điều chỉnh tỷ giá, giá xăng dầu, giá điện và giá các mặt hàng cơ bản khác không hoàn toàn chỉ có nghĩa tiêu cực khi nhìn về tổng thể. Sự tăng giá này chỉ là sự phân phối lại nguồn lực trong nền kinh tế chứ không phải làm suy giảm mức sống chung của toàn bộ người dân và của toàn bộ nền kinh tế.

Về mặt lý thuyết kinh tế học, nếu giá cả phản ánh đúng quy luật cung cầu và chi phí làm ra nó thì nguồn lực toàn xã hội sẽ được phân bố một cách tối ưu nhất.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý là Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá là điều bất khả kháng, giá xăng dầu và giá điện cũng không thể bán dưới giá thành vì ngân sách nhà nước không thể trợ cấp giá cho những mặt hàng này mãi mãi.

Đối với tình trạng lạm phát cao của Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng nguyên nhân căn bản không phải là từ việc điều chỉnh giá điện, than, xăng dầu và giá hàng hóa thế giới tăng hay tỷ giá. Những nguyên nhân đó không thể giải thích được việc lạm phát Việt Nam tăng cao liên tục trong nhiều năm qua và cao vượt trội so với phần lớn các nền kinh tế khác.

Bằng các nghiên cứu định lượng, chúng tôi nhận thấy lạm phát của Việt Nam xuất phát chủ yếu là do tính chất nội tại của nền kinh tế là hiệu quả đầu tư thấp và tăng trưởng cung tiền quá cao.

Các điểm  “thắt cổ chai“ của nền kinh tế làm cho hiệu quả đầu tư thấp. Vì hiệu quả đầu tư thấp nên để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam luôn phải duy trì một tỷ lệ đầu tư rất cao và dẫn đến tăng trưởng tín dụng và cung tiền cao.

Trong khi đó, tăng trưởng hàng hóa sản xuất ra thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng cung tiền làm xuất hiện việc dư thừa tiền trong nền kinh tế (tăng trưởng cung tiền luôn cao gấp nhiều lần tăng trưởng GDP thực).

Như vậy, dù lạm phát cao nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta cần hiểu rõ bản chất của tình trạng lạm phát hiện nay để có những phản ứng phù hợp.

Những nhà hoạch định chính sách cần có chính sách hợp lý để bảo đảm an sinh xã hội và việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức chưa hẳn là lời giải đầy đủ và tốt nhất cho vấn đề lạm phát hiện nay của Việt Nam.

Đối với người dân và doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất và các nguyên nhân của lạm phát để tránh những phản ứng thái quá làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất kinh doanh.

Hồ Bá Tình, Phòng Nghiên cứu Vietstock



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

IMP - Tiềm năng tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) vẫn đang tăng...

BFC - Ngành phân bón có thực sự hấp dẫn?

CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK. Tuy nhiên, kết quả kinh...

GMD - Ngành cảng biển và vận tải biển (Kỳ 1)

Trong năm 2024, ngành cảng biển và vận tải biển được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, những động thái nới lỏng của Trung Quốc và giá dầu...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Bán lẻ ICT - Ngắn hạn xấu, dài hạn tốt

Năm 2023, nền kinh tế trong nước suy yếu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ ICT. Tuy ngắn hạn khá xấu, các số liệu cho thấy triển vọng dài...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành đá xây dựng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành dầu khí

Ngành dầu khí là ngành mũi nhọn của nước ta, có vai trò cung cấp nguồn nhiên liệu quan trọng cho cả nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đây là ngành sẽ nhận...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Công nghệ thông tin - Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao

Ngành công nghệ thông tin tạm chững lại trong năm 2023, nhưng được dự đoán sẽ lấy lại phong độ trong năm 2024. Nhờ vào các chính sách của Chính...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành điện - Thúc đẩy tăng trưởng nhiệt điện khí

Ngành điện là một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế, đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội. Điện là nguồn năng lượng thiết yếu cho...

DPM - Cổ phiếu phòng thủ lý tưởng

Bất chấp triển vọng khá u ám của ngành phân bón, cổ phiếu của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) vẫn là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư ưa...

TDM - “Vịnh tránh bão” trong thị trường đầy biến động

CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch. Hiện tại, TDM là một trong những doanh nghiệp cung cấp nước sạch...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98