Cổ đông tìm lại vai trò chủ doanh nghiệp

05/04/2011 09:31
05-04-2011 09:31:39+07:00

Cổ đông tìm lại vai trò chủ doanh nghiệp

Khi thị trường đi xuống, những cổ đông "nghị gật" đã phải tự thay đổi mình để tham gia sâu hơn vào hoạt động của DN, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Điều đáng mừng hơn là, ban lãnh đạo nhiều DN niêm yết cũng đã biết lắng nghe và hành xử tích cực hơn vì lợi ích của cổ đông.

Đây là một sự thay đổi vì lợi ích lâu dài của cổ đông, là hành động chứng minh sự cầu thị của ban lãnh đạo trước phản ứng của NĐT. Đó là nhận xét của một số cổ đông lớn về việc thay đổi phương án huy động vốn của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa Vũng Tàu (Hodeco - mã HDC) ngay trước thềm ĐHCĐ. Giữa tháng 3, trong nội dung dự kiến trình ĐHCĐ Hodeco thông qua, có một điểm đáng chú ý là: phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Theo đó, Hodeco sẽ thực hiện chào bán 240 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ), mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:1, với lãi suất 12%/năm, thời gian chuyển đổi 12 tháng, tỷ lệ chuyển đổi 1:50, (tương đương giá chuyển đổi 20.000 đồng/cổ phiếu). Nhưng, thật bất ngờ, ngay trước thời điểm diễn ra cuộc họp ĐHCĐ, Hodeco ra thông báo: không trình ĐHCĐ phương án phát hành 240 tỷ đồng TPCĐ năm 2011. Lý do được đưa ra là: HĐQT nhận thấy việc phát hành TPCĐ trong năm 2011 là chưa thuận lợi và Công ty có thể đẩy mạnh việc kinh doanh các dự án và bù đắp đủ vốn đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Cũng theo HĐQT, đây là kết quả của quá trình HĐQT "xem xét, thảo luận và cân nhắc kỹ về công tác phát hành TPCĐ doanh nghiệp cũng như tham khảo ý kiến của các cổ đông".

Nếu giữ nguyên phương án phát hành TPCĐ, DN sẽ một phần chịu sức ép về hiệu quả kinh doanh sau 2012 do vốn điều lệ sẽ tăng nhanh và các cổ đông sẽ phải chi thêm tiền trong bối cảnh thị trường tài chính đang khó khăn. Ngược lại, khi không phát hành TPCĐ song yêu cầu vẫn giữ nguyên kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, Ban lãnh đạo Hodeco và các cổ đông đã buộc phải vận dụng trí lực nhiều hơn trong việc cơ cấu tài sản để tạo nguồn tiền cho các dự án đang khát vốn, nhất là trong bối cảnh tín dụng bất động sản đang bị siết như hiện tại. Rõ ràng, sự tham gia tích cực của cổ đông và sự tiếp thu, cầu thị của Ban lãnh đạo trong trường hợp này đã giúp Hodeco có cơ cấu tài chính hợp lý hơn.

Vẫn là câu chuyện về việc tăng cường vai trò "ông chủ" tại DN, việc Ban lãnh đạo CTCK Kim Long quyết định không thay đổi ngành nghề kinh doanh sau những phản ứng khá gay gắt của cổ đông tại lần họp ĐHCĐ lần 1 cho thấy, Ban lãnh đạo đã rất tôn trọng ý kiến của đa số cổ đông nhỏ (tính theo số cổ đông chứ không theo số cổ phần). Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc CTCK Kim Long cho rằng: "Sự chuyển đổi, dù thực sự vì lợi ích của cổ đông cũng chỉ nên làm khi nhận được sự ủng hộ của đa số cổ đông". Trên thực tế, phương án của Kim Long nếu cố tình thực hiện vẫn có cơ hội để thành công, bởi cơ cấu cổ đông quá… đại chúng, nên nếu không có thêm cổ đông tham dự thì khi tổ chức đến lần 2, lần 3, số phiếu của cổ đông nội bộ có thể đã đủ để phương án được thông qua.

Không giống như Hodeco hay Kim Long, CTCP Công nghiệp Thương mại Sông Đà (STP) lại khác. Trong chưa đầy 5 tháng, công ty này đã 3 lần thay đổi kế hoạch kinh doanh do những yếu tố liên quan đến nguồn vốn và cổ đông. "Hồi đầu tháng 10/2010, chúng tôi dự kiến đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2011 là 60 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 50 tỷ đồng vì cổ đông không thông qua phương án tăng vốn và giờ là 40 tỷ đồng vì những thay đổi của kinh tế vĩ mô", ông Nguyễn Trọng Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ với ĐTCK. Năm 2010, cổ đông đã không thông qua phương án phát hành TPCĐ và tăng vốn điều lệ, nên STP đã phải thay đổi phương án. Trong lần họp ĐHCĐ tới đây, Công ty lại tiếp tục đưa ra phương án tăng vốn.

"Chúng tôi đã và sẽ luôn làm hết mình vì cổ đông. Phương án huy động vốn đã có, nhưng chúng tôi cũng không muốn nói trước bởi dù sao, cổ đông mới là người quyết định. Tôi tin rằng, cổ đông sẽ ủng hộ nếu biết phương án đưa ra là có lợi, nhưng điều quan trọng nhất là cổ đông phải hiểu được hoạt động của Công ty", ông Giang cho biết. Chính vì vậy, trong cuộc họp ĐHCĐ vào ngày 14/4 tới đây, Ban lãnh đạo đặt mục tiêu chia sẻ và tiếp thu ý kiến xây dựng của cổ đông để từ đó xây dựng được kế hoạch kinh doanh tốt nhất.

Có lẽ, rút kinh nghiệm với những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhất là bài học kinh nghiệm từ việc đồng ý trao toàn quyền cho Ban lãnh đạo DN như trường hợp phát hành TPCĐ (hụt) của KSS hồi đầu năm 2010, cổ đông đã tham gia ngày một tích cực hơn vào hoạt động của DN mà mình đầu tư. Đây là một sự chuyển biến tích cực, bởi NĐT đã có trách nhiệm hơn với tương lai lâu dài của DN, nhất là trong hoàn cảnh TTCK như hiện tại.

Trong ĐHCĐ của REE diễn ra ngày 31/3, bên cạnh sự tranh luận sôi nổi về việc nên hay không nên thay đổi phương án chuyển đổi TPCĐ, các cổ đông cũng đã đóng góp nhiệt tình vào định hướng đầu tư sang lĩnh vực năng lượng mặt trời (Solar Power) của REE. Theo đó, một cổ đông đã nhấn mạnh: "Đầu tư sang lĩnh vực điện khi chưa có cơ chế của Nhà nước, chưa có thỏa thuận về giá với EVN thì REE không nên làm. Tôi là người trong ngành nên biết rất rõ. Chi phí tốn kém, suất đầu tư cao trong khi rủi ro lại lớn". Đồng thời, cổ đông này cũng hiến kế: "Nói như vậy không có nghĩa là REE không tham gia vào. Nên tham gia, nhưng tại sao Công ty không thực hiện phân phối tấm pin năng lượng mặt trời, kết hợp với mảng R&E, Công ty vừa có thêm thu nhập mà lại vừa ít phải chịu rủi ro".

Tại CTCP Xây dựng Thành Nam (CSC), năm 2009-2010, khi Công ty đang trong quá trình triển khai các dự án, một NĐT đã chủ động tham gia vào giải quyết bài toán huy động vốn cho doanh nghiệp. Và kết quả của quá trình ấy là việc Công ty đã huy động vốn thành công bằng cả việc lựa chọn đối tác chiến lược, lên phương án tài chính cho một số dự án. Đến thời điểm này, cổ đông cá nhân ấy đã trở thành cổ đông nội bộ của Công ty, khi tham gia vào Ban kiểm soát.

Tại một DN niêm yết khác, sự tham gia của NĐT, dù âm thầm hơn nhưng lại khá hiệu quả.

Trong năm 2009, một NĐT đã liên tục bay đi - về Việt Nam suốt một thời gian dài để hỗ trợ một công ty ngành sản xuất (cao su) mà anh đầu tư làm lại báo cáo tài chính do Công ty này đã lúng túng khi lập. Và cũng giai đoạn này, do đánh giá được xu hướng của giá cao su, NĐT này đã tư vấn giúp DN kiếm được lợi nhuận lớn trong năm tài chính do ký hợp đồng mua bán tương lai nguyên vật liệu cho gần như cả năm.

Uyên Phạm

Đầu tư chứng khoán





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đâu là điểm khác biệt giữa Viettel Construction và các TowerCo khác trên thị trường? 

Trong thời gian gần đây, Viettel Construction liên tiếp đón các đoàn Quỹ, nhà đầu tư nhằm mục tiêu trao đổi cơ hội hợp tác và mở rộng kinh doanh tại thị trường nước...

MB tiếp tục vào Top 3 doanh nghiệp được nhà đầu tư yêu thích nhất

Phát triển hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) theo định hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật cũng như đẩy mạnh áp...

TNG Holdings Vietnam tiếp sức giấc mơ đến trường cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn

Tiếp sức cho những giấc mơ thay đổi cuộc đời của các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, TNG Holdings Vietnam đã trao tặng 15 suất học bổng TNG Share, mỗi...

Vietjet dẫn đầu dịch vụ bay của hàng không chi phí thấp toàn cầu 2023 do AirlineRatings bình chọn

Vietjet vừa được bình chọn là “Hãng hàng không chi phí thấp có dịch vụ trên tàu bay tốt nhất năm 2023” (World’s Best Low-Cost Airline Onboard Hospitality 2023”) và...

Ông Nguyễn Trọng Hiền được bầu làm Chủ tịch HĐQT GELEX

Tại phiên họp đầu tiên ngay sau ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT Tập đoàn GELEX (HOSE: GEX) đã bầu ông Nguyễn Trọng Hiền làm Chủ tịch HĐQT cho thời gian còn lại của...

Năm 2023, Gelex Electric đặt mục tiêu lợi nhuận gần 1,000 tỷ đồng

Đó là thông tin đáng chú ý trong tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố năm 2023 của CTCP Điện lực GELEX (Gelex Electric, UPCoM: GEE). Cùng với đó, Công ty có kế hoạch mở rộng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98