Kích hoạt thị trường cho thuê tài chính

25/08/2011 14:06
25-08-2011 14:06:46+07:00

Kích hoạt thị trường cho thuê tài chính

Phân tích cho thuê tài chính (CTTC) được xem là công cụ hữu hiệu để bổ sung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa phát triển như mong đợi. Để làm rõ hơn những giải pháp kích hoạt thị trường này trong thời gian tới, ĐTTC trích đăng ý kiến của ông ĐÀM ĐỨC LONG, Tổng thư ký Hiệp Hội CTTC Việt Nam.

Khắc phục yếu kém nội tại

CTTC đã có ở nước ta từ nhiều năm nhưng mức độ phổ biến và sử dụng dịch vụ tại doanh nghiệp chưa nhiều. Gần đây lĩnh vực này được nhiều doanh nghiệp biết đến bởi nó giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nhanh chóng thay đổi, cập nhật công nghệ mới để nâng cao sức cạnh tranh. Năm nay các công ty CTTC bị “hạn” do khó khăn chung của thị trường tiền tệ.

Vì thế những bất cập, hạn chế của năm trước vẫn tồn tại trong năm nay và dự đoán chỉ khởi sắc vào cuối năm 2012. Hiện nay nước ta có 12 công ty CTTC (8 doanh nghiệp Việt Nam và 4 doanh nghiệp nước ngoài).

Trong thời gian qua một số công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ, nhưng đến nay hầu hết công ty CTTC đã có lãi, trong đó có một số công ty CTTC trực thuộc các NHTMCP phát triển kinh doanh khá tốt.

Dù dư nợ CTTC còn khiêm tốn nhưng không thể phủ nhận hoạt động CTTC đã góp phần cùng với các NHTM giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu. Hiện tại nhiều công ty CTTC đang củng cố lại hoạt động và triển vọng bước sang năm 2012 lĩnh vực CTTC sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động CTTC èo uột là do phát triển theo kiểu “độc canh”, trong khi rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực này luôn lớn. Quan điểm này chưa hoàn toàn chính xác.

Bởi lẽ ngoài một số công ty CTTC thuộc các NHTM quốc doanh hoạt động trên 10 năm, còn lại nhiều công ty CTTC chỉ hoạt động mới vài năm gần đây, thời gian chưa đủ dài để có thể đa dạng hóa sản phẩm cho thuê của mình. Khó khăn hiện nay là việc thông tin, quảng bá của các công ty CTTC chưa được chú trọng, chưa tạo ra nhiều nhu cầu để khách hàng tìm đến.

Vì thế, các doanh nghiệp chưa thấy rõ được tiện ích của lĩnh vực này, khi cần vốn chỉ nghĩ đến NHTM, ít khi nghĩ đến một giải pháp CTTC. Ngoài ra, khó khăn về vốn hoạt động cũng ảnh hưởng đến hoạt động CTTC. Riêng đối với rủi ro trong lĩnh vực CTTC, ngoài rủi ro trong quá trình thẩm định, còn xuất phát từ hành lang pháp lý hiện nay có nhiều kẽ hở.

Thí dụ, việc thu hồi tài sản CTTC đã được quy định khá chặt chẽ nhưng trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp không thể thu hồi. Cụ thể, quy định thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thu hồi tài sản, bên thuê có nghĩa vụ giao tài sản cho thuê và giấy tờ liên quan cho công ty CTTC là quá lâu, tạo điều kiện cho bên thuê có thời gian tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thu hồi.

Chưa kể, nhiều chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền không ủng hộ tích cực việc thu hồi, ngại áp dụng biện pháp cưỡng chế các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Vì vậy, nhiều công ty CTTC khó xử lý tài sản để thu hồi nợ, dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Điều này khiến các công ty CTTC phải phân loại nợ và trích lập dự phòng cụ thể theo phân loại nợ. Chẳng hạn, nợ nhóm 5 phải trích lập 100%, tức chi phí càng tăng, các công ty CTTC lỗ là tất yếu.

Tạo cơ chế và hành lang pháp lý

Ở nước ta có hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhu cầu vốn để đầu tư mở rộng rất lớn, trong khi các NHTM chỉ mới đáp ứng một phần. Do đó đây là thị trường tiềm năng cho các công ty CTTC. Vấn đề đặt ra là cần tạo cơ chế và hành lang pháp lý đầy đủ giúp các công ty CTTC phát triển lành mạnh và an toàn.

Có thể nói đến thời điểm hiện nay hành lang pháp lý cho lĩnh vực CTTC có nhưng chưa đầy đủ. Bên cạnh đó có nhiều quy định còn bất cập, như quy định dư nợ tối đa đối với khách hàng. Các công ty CTTC thường có vốn điều lệ nhỏ so với vốn NHTM, cao nhất cũng chỉ khoảng 500 tỷ đồng nên dư nợ tối đa đối với một khách hàng rất nhỏ.

Chẳng hạn, ACBL có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, dư nợ tối đa 25% vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Đây không phải là con số lớn để tài trợ các máy móc thiết bị có khi lên đến 20 triệu USD. Một bất cập khác là khi NHNN quy định tỷ lệ an toàn, các công ty CTTC chỉ được sử dụng 85% vốn huy động để cấp tín dụng.

Trong khi đó, hoạt động chủ yếu của CTTC là tín dụng trung và dài hạn, nên việc phải mất 15% vốn để gửi tiết kiệm là không hợp lý. Ở các NHTM việc rút tiền gửi tiền thường xuyên diễn ra nên cần có dự trữ một phần ngoài việc dự trữ bắt buộc và thanh khoản, riêng đối với CTTC nguồn vốn huy động thường dài hạn nên điều này không cần thiết.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định về hoạt động của các công ty CTTC của NHNN đang lấy ý kiến có hướng thắt chặt lại hoạt động. Hiệp hội CTTC hiện cũng đã gửi văn bản kiến nghị tạo cơ chế để kích hoạt thị trường này thay vì thu hẹp lại.

DỊU NGÂN (ghi)

sài gòn đầu tư tài chính





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi và Võ Thành Hưng được giới thiệu vào quy hoạch BCH Trung ương 

Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng chính thức khóa XIV; Hội nghị triển khai lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98