Tiếp tục đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước

04/09/2011 17:09
04-09-2011 17:09:45+07:00

Tiếp tục đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước

Bài viết này nêu một số ý kiến về tiếp tục đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã đặt ra cho Chính phủ nhiệm kỳ này: đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước; loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp còn tồn tại trên thực tế; minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, và đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách

Đến nay, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước đã có bước tiến dài với việc cổ phần hóa và công ty hóa. Chúng ta đã không còn doanh nghiệp nhà nước như trước đây, mà chỉ còn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty cổ phần. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác được thành lập và tổ chức hoạt động theo cùng một mặt bằng pháp lý là Luật Doanh nghiệp.

Giai đoạn 2011-2015, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa những tổng công ty lớn như: Hàng không Việt Nam; Giấy Việt Nam; Lương thực miền Bắc; Hóa chất Việt Nam và Xi măng Việt Nam. Những tổng công ty lớn này đã nằm trong diện phải cổ phần hóa giai đoạn 2007-2010 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2006, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Cần rà soát lại những lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm giữ 100% vốn hoặc tỷ lệ chi phối cho phù hợp với chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn tới và theo hướng doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà các thành phần kinh tế khác chưa làm được. Thí dụ, trong ngành điện lực, doanh nghiệp nhà nước tập trung làm lưới truyền tải điện, còn phát điện và mua bán điện thì để các thành phần kinh tế khác cùng tham gia, tiến tới thị trường điện cạnh tranh vào năm 2022.

Ngoài ra, cần thực hiện việc tách các ngân hàng đang trực thuộc tập đoàn phi tài chính ra khỏi tập đoàn nhà nước (dầu khí, điện, xăng dầu, bất động sản). Ngân hàng Nhà nước cần có quy định và thực hiện giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng giữa công ty mẹ thông qua ngân hàng trực thuộc cho công ty con. Các tập đoàn phải tự vay, tự trả, chấm dứt việc Nhà nước vay cho và được Nhà nước bảo lãnh vay.

Loại bỏ những ưu đãi, bao cấp bất hợp lý

Kiên quyết loại bỏ những ưu đãi, bảo hộ bất hợp lý đang còn tồn tại đối với doanh nghiệp nhà nước như được cấp đất dễ dàng, không phải thế chấp khi vay vốn ngân hàng, được hưởng phần lớn tín dụng đầu tư nhà nước, khi cần thiết được xóa nợ, giãn nợ, khoanh nợ, được Nhà nước bảo hộ; được độc quyền kinh doanh đối với một số loại sản phẩm, dịch vụ... 

Ưu đãi, bao cấp quá mức cần thiết và kéo dài chẳng những không đạt được kết quả về mặt kinh tế - xã hội, mà còn tạo môi trường cho tham nhũng. Một khi tiền bạc không do chính doanh nghiệp làm ra mà do ưu đãi, bảo hộ mang lại thì tiền bạc đó có nguy cơ bị chiếm đoạt rất cao.

Các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ khối tài sản quốc gia rất lớn: 70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA... (Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 26-5-2011).  Nhưng khối tài sản lớn này chỉ mới tạo ra khoảng 40% GDP và 9% việc làm toàn xã hội.

Một số ngành được bảo hộ cao trong nhiều năm qua, như điện tử, ô tô chưa mang lại kết quả mong muốn. Cho đến nay, hai ngành này vẫn dừng lại ở mức nhập khẩu linh kiện về lắp ráp để tiêu thụ trên thị trường trong nước.

Thực tế cho thấy những sản phẩm có sức cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế đều là những sản phẩm ít dựa vào ưu đãi, bao cấp (như thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất, giày dép, may mặc...) và hoạt động sản xuất, kinh doanh của những sản phẩm này ít bị tham nhũng hơn.

Minh bạch hoạt động

Để hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước được minh bạch, cần hướng tới cách quản trị công ty tốt mà các công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán đang thực hiện.

Thứ nhất, về công bố thông tin. Các công ty phải công bố thông tin thường kỳ (báo cáo tài chính quí, bán niên có soát xét của kiểm toán và báo cáo thường niên có xác nhận của kiểm toán), báo cáo quí về hoạt động của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên. Công bố thông tin bất thường bắt buộc như phát hành cổ phiếu, trả cổ tức, giao dịch của các cổ đông nội bộ, thay đổi nhân sự cấp cao...

Các công ty có bộ phận chuyên trách công bố thông tin. Báo cáo tài chính được xây dựng bởi kế toán viên chuyên nghiệp, được tín nhiệm, được công ty kiểm toán soát xét, xác nhận. Thông tin phải được công bố kịp thời, trung thực và tin cậy trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử của công ty và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về ban kiểm soát. Bên cạnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định, ban kiểm soát công ty phải tham dự đầy đủ và cho ý kiến tại các cuộc họp hội đồng quản trị và ban điều hành về chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, định hướng hoạt động của các công ty thành viên (nếu có), bổ nhiệm nhân sự cao cấp, ban hành các quy chế quản lý nội bộ và triển khai các công tác quan trọng theo nghị quyết của đại hội cổ đông.

Thứ ba, về thành viên hội đồng quản trị. Các công ty lớn nên có thành viên hội đồng quản trị độc lập được giao quyền kiểm soát và kiềm chế quyền lực của ban điều hành, bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ.

Xây dựng cơ chế giám sát đủ mạnh

Cho đến nay, chúng ta chưa có cơ chế giám sát đủ mạnh để phát hiện kịp thời và ngăn chặn đầu tư kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty. tập đoàn Vinashin hay Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), một công ty của Agribank là những thí dụ điển hình cho thấy sự yếu kém trong giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Theo kinh nghiệm của các nước, để thực hiện tốt chức năng của đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thì phải gắn với giám sát chặt chẽ, kiểm toán tin cậy và thực hiện trách nhiệm giải trình.

Ở nước ta, quy chế giám sát doanh nghiệp nhà nước được ban hành theo Quyết định 271 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quyết định này, có quy định doanh nghiệp tự giám sát, giám sát của đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước.

Lẽ ra giám sát trong nội bộ doanh nghiệp là hình thức giám sát có hiệu quả vì các chủ thể này có khả năng nắm thông tin đầy đủ nhất về doanh nghiệp và thực hiện giám sát trước hết vì lợi ích của mình. Nhưng trên thực tế, thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ít khi được công bố, hoặc có thì thông tin đã bị bóp méo, nên kết quả giám sát nội bộ, của đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước rất hạn chế.

Cho dù đã có giám sát nội bộ doanh nghiệp, giám sát của đại diện chủ sở hữu và của các cơ quan quản lý nhà nước, vẫn cần đến sự đánh giá trung thực, khách quan của một bên thứ ba độc lập. Đó là các công ty tư vấn chuyên nghiệp như kiểm toán, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, dự toán... Tuy vẫn có khả năng bên thứ ba này bị mua chuộc, nhưng nếu bị phát hiện thì bên thứ ba này sẽ mất uy tín, có nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường.

Ở các nước phát triển, những doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn nhà nước (thực chất là tiền của dân) thì phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước cơ quan đại diện của dân. Cho đến nay, Quốc hội nước ta mới yêu cầu Chính phủ giải trình những dự án đầu tư quan trọng do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án trồng năm triệu héc ta rừng... nhưng chưa có quy định các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước Quốc hội về hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong vài năm tới, khi chưa thực hiện được trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước trên diện rộng, Quốc hội có thể yêu cầu bốn tập đoàn nhà nước lớn là tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, tập đoàn Viễn thông Quân đội và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện trách nhiệm này. Được vậy, Quốc hội đã có thể giám sát trên một nửa vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Anh Thư

tbktsg



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dành 5,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các dự...

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng...

Chính phủ yêu cầu nỗ lực hơn nữa để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

Chính phủ vừa ban hảnh Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó yêu cầu các...

Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Sáng 8/4, tại kỳ họp thứ 21 (khóa X) nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Quảng Nam đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Phan Việt Cường và...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Việt Nam lọt tốp 20 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất châu Á

Trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, Việt Nam xếp thứ 6 với tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong năm 2024 dự kiến ở mức 7,41%.

HSBC duy trì dự báo GDP Việt Nam tăng 6%, kỳ vọng NHNN giữ nguyên chính sách tiền tệ đến 2025

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo "Vietnam at a glance: Bình tĩnh tiến bước" giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024...

Điều gì giúp xuất siêu liên tục lập kỷ lục?

Hoạt động thương mại của Việt Nam đạt kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024, với xuất siêu của kỳ quý 1 đã lập mốc kỷ lục mới. Phía sau xu hướng này là gì và...

UBKT Trung ương đề nghị kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung và nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho năm nay

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, GDP quý 1 tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98