Thu hút vốn ngoại - Con đường tái cấu trúc ngân hàng

01/11/2011 06:33
01-11-2011 06:33:22+07:00

Thu hút vốn ngoại - Con đường tái cấu trúc ngân hàng

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã trở thành sự kiện nóng trong thời gian gần đây. Sở dĩ việc này trở nên cấp bách và được quan tâm vì có nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn. Trước hiện trạng đó, việc thu hút vốn đầu tư ngoại cũng là một trong những con đường góp phần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Dồn dập tìm đối tác

Gia nhập vào thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt, sự có mặt tại các ngân hàng (NH) trong nước của các tổ chức tín dụng quốc tế đã không còn xa lạ. Mới đây nhất, Commonwealth Bank of Australia (CBA) của Australia đã tăng vốn tại NH Quốc tế (VIBank) từ 15% lên 20%. Theo đó, CBA bỏ ra 1.150 tỷ đồng mua thêm 25 triệu cổ phiếu VIBank. Vốn điều lệ mới của VIBank sẽ là 4.250 tỷ đồng.

Trước đó không lâu, giới tài chính cũng xôn xao về thương vụ giữa NH Mizuho (Nhật Bản) mua 15% cổ phần của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB). Đây là cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của VCB sau một thời gian dài tìm kiếm. VCB bán 347,6 triệu cổ phần cho Mizuho với giá trị hơn 567 triệu USD, tương đương 11.800 tỷ đồng. Thương vụ này có giá trị thuộc hàng “khủng” nhất trong nước từ trước đến nay.

United Overseas Bank sở hữu khoảng 19,99% vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Nam.

Hiện tượng góp vốn cổ phần của các tổ chức tín dụng quốc tế vào lĩnh vực NH tại Việt Nam có phần nhộn nhịp hơn trong thời gian gần đây. Công ty Tài chính quốc tế (IFC) mua 10% cổ phần NH TMCP Công thương - Vietinbank (CTG) với giá trị 186 triệu USD. NH TMCP An Bình (AnBinhBank) bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank (một ngân hàng của Malaysia), NH Phát triển Mê Kông (MDB) bán 15% cổ phần cho một đơn vị đầu tư thuộc Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore).

Cách đây không lâu, NH Nhà nước (NHNN) cũng chấp thuận cho United Overseas Bank (UOB) của Singapore nâng sở hữu cổ phần tại NH TMCP Phương Nam (SouthernBank) lên khoảng 19,99% vốn; NH BNP Paribas (BNPP) mua 20% vốn cổ phần NH TMCP Phương Đông (OCB).

Rõ ràng, trong hoàn cảnh nguồn vốn eo hẹp và khó khăn của các NH trong nước thì việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài cũng là điều dễ hiểu đối với các NH nội. Chỉ trong 1 năm trở lại đây, số lượng thương vụ góp vốn tăng khá mạnh, cho thấy dòng vốn ngoại đổ vào các NH là khá lớn.

Tuy nhiên, về nguyên tắc sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo mới đây của NHNN nêu rõ, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài, không vượt quá 30% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Do đó, đến nay vẫn chưa có một vụ sáp nhập nào giữa NH nội và NH ngoại. Việc các đối tác nước ngoài mua vào cũng chỉ dừng ở mức độ đầu tư chiến lược.

Cần chiến lược phù hợp

Với việc sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán và những khó khăn trong hệ thống NH, giá cổ phiếu NH đang ngày càng rẻ. Trước hiện trạng này, nhiều người cho rằng sẽ xuất hiện làn sóng vốn ngoại đổ vào các NH Việt Nam khi chi phí mua lại rẻ hơn nhiều so với thành lập mới.

Không ít tổ chức nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của NH Việt Nam. Trong thương vụ với VIBank, ông Wayne Hoy, Giám đốc Dịch vụ Tài chính quốc tế CBA Sydney, đánh giá thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn non trẻ và có nhiều tiềm năng.

Mới đây, qua khảo sát của Công ty PwC Việt Nam cho thấy, có tới 80% doanh nghiệp cho rằng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại. Thực tế, các tổ chức nước ngoài khi mua cổ phần của các NH trong nước đều cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Do đó có thể thấy, M&A các NH vẫn có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi trở thành đối tác chiến lược của các NH Việt Nam, họ sẽ thu được không ít lợi ích. Nhờ mạng lưới rộng lớn về chi nhánh và khách hàng trong nước có sẵn của các NH nội, có thể giúp họ triển khai các dịch vụ và công nghệ vốn là thế mạnh của mình để mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Hơn nữa, với việc trở thành đối tác, họ có quyền đưa nhân sự vào hội đồng quản trị hay làm việc tại các vị trí chủ chốt khác. Điều này có thể giúp cho những NH nước ngoài nhanh chóng tiếp cận được môi trường làm việc ở Việt Nam.

Trong khi đó, các NH Việt Nam, với sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài, có thể nắm bắt được những lợi ích nhất định. Trước mắt, nguồn vốn dồi dào sẽ giúp những NH này vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các NH nước ngoài cũng giúp các NH Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, hoạt động góp vốn của NH ngoại cũng gặp những trở ngại nhất định do những quy định pháp lý, nên việc các tổ chức này muốn xâm nhập sâu hơn vào nội bộ NH sẽ gặp không ít khó khăn. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của các thương vụ M&A. Với việc nắm giữ tối đa 30% vốn cổ phần tại một NH, tỷ lệ này chỉ đóng vai trò đối tác và họ rất khó để phát huy thế mạnh của mình.

Trong trường hợp của VIBank, hai bên thống nhất để đối tác tăng từ 20 lên 40 nhân sự trong năm 2012 và tiếp tục tăng dần trong các năm tiếp theo là nội dung không phải thương vụ nào cũng dễ đạt được.

Với chủ trương tái cấu trúc hệ thống NH được xem một trong 3 nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế thì thu hút đối tác chiến lược nước ngoài là việc hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nó có thể góp phần tích cực trong việc tái cấu trúc NH Việt Nam về các mặt như: sức mạnh tài chính, cải thiện quản trị rủi ro, trình độ quản lý và công nghệ. Tuy nhiên, để tiến trình này xảy ra nhanh hơn, NHNN sẽ phải có những chiến lược phù hợp với tình hình thực tế.

Phú Thuận

Sài Gòn giải phóng





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngân hàng SCB ‘đòi’ toàn bộ tài sản của bà Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả

Khi phiên xét xử đang diễn ra, Ngân hàng SCB có kiến nghị tòa giao tòa nhà 127 Pasteur và toàn bộ tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan cho SCB toàn quyền sử dụng.

Ví điện tử còn sống khỏe giữa “rừng” Mobile Banking?

Không chỉ phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cùng ngành, giờ đây các nhà phát triển ví điện tử còn “đau đầu” giải bài toán thu hút khách hàng khi các nhà băng...

VietABank công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2023 với những điểm tích cực như huy động vốn, dư nợ, thu nhập từ chứng khoán đầu tư (TPCP) đều...

Người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng

Xu hướng giảm lãi suất huy động tiếp tục được duy trì trong quý 1/2024 khiến người dân không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng.

Bắt nữ Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân lừa đảo 338 tỷ đồng

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc ngân hàng MSB...

Thêm khách hàng tố tài khoản tại MSB 'bốc hơi' gần 28 tỷ đồng

Vụ việc một tài khoản tại Ngân hàng MSB bị "bốc hơi" hơn 58 tỷ đồng chưa hết ồn ào thì lại có thêm một khách hàng phản ánh cũng bị rút sạch số tiền 27,7 tỷ đồng.

Đang thi hành 4 bản án, ông Trần Phương Bình tiếp tục hầu tòa

Dù đang thi hành 4 bản án, với tổng hình phạt chung là tù chung thân nhưng ông Trần Phương Bình tiếp tục phải hầu tòa vì làm thất thoát của Ngân hàng Đông Á 981 tỷ...

Giá USD ngân hàng lập đỉnh mới

Giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay lập đỉnh mới, có ngân hàng đưa giá bán vượt mốc 25.000 đồng/USD. Còn giá USD trên thị trường tự do lại hạ nhiệt.

Nam A Bank được Moody’s nâng bậc xếp hạng, dự kiến tăng vốn mạnh mẽ

Nam A Bank (mã chứng khoán NAB - HOSE) vừa được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s nâng bậc đánh giá tín nhiệm nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng.

Tiên phong xu hướng ngân hàng mở, OCB hướng đến giải pháp tài chính xanh 

Với chiến lược hướng đến mô hình quản trị  bền vững, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã và đang tiên phong trong cuộc đua triển khai Open API theo xu hướng ngân hàng mở...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98