Chứng khoán đầu 2012: Nghịch lý đám đông

18/05/2012 09:45
18-05-2012 09:45:25+07:00

Chứng khoán đầu 2012: Nghịch lý đám đông

TTCK Việt Nam luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ, tâm lý lạc quan/bi quan một cách thái quá và hoạt động đầu cơ luôn hiện hữu.

Sớm hơn nhiều so với dự báo, TTCK trong nửa đầu năm 2012 đã tăng tốc khá nhanh. Nhưng khoảng cách giữa kỳ vọng của nhà đầu tư và kết quả kinh doanh thực tế mà doanh nghiệp đạt được không phải là nhỏ.

Năm 2011 là năm bán ròng mạnh mẽ trên TTCK của các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân do có quá nhiều thông tin xấu. Thanh khoản toàn thị trường bị vắt kiệt bởi tâm lý tiêu cực, đến mức có ngày giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chỉ dưới 650 tỷ đồng. Bước sang năm 2012, hầu hết các chuyên gia đều nhận định thị trường sẽ ấm lên trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, tình thế đã hoàn toàn đảo ngược rất sớm, chỉ trong nửa đầu tháng 1.

Lạc quan thái quá?

Từ động thái giảm lãi suất cho vay của NHNN, lãi suất qua đêm hạ và mới đây là thông tin về gói hỗ trợ doanh nghiệp lên đến 29.000 tỷ đồng, TTCK trở thành điểm nóng của dòng vốn nhàn rỗi trong những tháng đầu năm. Thanh khoản trên 2 sàn nhảy vọt lên trên 3.000 tỷ đồng/phiên, gấp 5 lần giá trị giao dịch bình quân của năm 2011. Câu hỏi đặt ra là nguồn vốn đổ vào thị trường từ đâu: từ quỹ ETF nước ngoài hay các tổ chức, cá nhân trong nước?

Theo thống kê trên HOSE, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại từ đầu năm 2012 tính đến ngày 8/5 là 457 tỷ đồng. Con số này không thấm tháp vào đâu so với giá trị giao dịch lên đến 2.000 - 3.000 tỷ đồng/phiên trên cả 2 sàn trong suốt các tháng 3 và 4 vừa qua. Điều này chứng tỏ thị trường bị điều khiển bởi tâm lý đám đông của nhà đầu tư nội, sự lưu thông tín dụng từ hệ thống ngân hàng và các tin đồn. Biến động mạnh của thị trường xuất phát từ tâm lý đầu cơ và sự lạc quan có phần thái quá của nhà đầu tư nội.

Lợi nhuận càng giảm, giá cổ phiếu càng tăng

Xét trên khía cạnh thị trường, giá cổ phiếu chịu tác động của yếu tố cung - cầu. Các nhân tố ảnh hưởng tới cung cầu xuất phát từ thực tế và kỳ vọng tài chính của doanh nghiệp. Ở góc độ tài chính doanh nghiệp, yếu tố trực tiếp có ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp là sức khỏe tài chính của họ bị giảm sút nghiêm trọng trong năm 2011: doanh thu sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao, chi phí lãi vay cao, lợi nhuận biên giảm sút. Trong đó, lợi nhuận bị bào mòn mạnh nhất bởi chi phí tài chính, điển hình là nhóm cổ phiếu bất động sản. Nhiều công ty bất động sản mất cân đối tài chính khá nghiêm trọng do chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư dự án như HQC, PDR, ITC, SJS...

Trong những tháng đầu năm nay, nhóm cổ phiếu bất động sản không còn bị bán ròng như trong năm 2011, mà trái lại, đã quay đầu tăng giá mạnh mẽ. Đơn cử như cổ phiếu ITC (Intresco) đã tăng giá hơn 200%, nhưng chưa bù lại mức sụt giảm nặng nề tới 70% trong năm 2011, (từ 23.000đ/cp xuống 6.900 đ/cp). Theo kết quả kinh doanh quý I của công ty mẹ ITC, doanh thu và lợi nhuận của ITC đạt tương ứng là 27 tỷ và 4 tỷ đồng, rất thấp so với quy mô tổng tài sản 2.750 tỷ đồng. Kết quả này phản ảnh thực tế ngành bất động sản chưa thoát khỏi cơn bĩ cực và lực cầu hiện vẫn rất thấp. Nhìn rộng hơn, thị trường nhà đất chưa đạt đến trạng thái cân bằng, nhưng cổ phiếu bất động sản vẫn bật lên mạnh mẽ trong những tháng qua. Lý do là xu hướng đầu cơ vì kỳ vọng cơ hội các dự án bất động sản được giải cứu, giãn nợ, khoanh nợ. Niềm tin mong manh có thể thổi bùng một cơn lốc màu xanh tăng giá của các cổ phiếu có hệ số beta (đo lường mức độ biến động bám sát thị trường). Nếu beta lớn hơn 1, nghĩa là cổ phiếu biến động mạnh hơn so với thị trường và ngược lại. Trong đó, nhóm bất động sản thường có hệ số beta khá cao. Ngoài ra, hiệu ứng ăn theo đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản có thể thấy rõ đối với nhóm cổ phiếu khoáng sản, vật liệu xây dựng, cao su thiên nhiên. Các nhóm cổ phiếu này hầu hết có chi phí tài chính rất cao trong năm 2011. Chẳng hạn với CSM (Casumina), chi phí tài chính chiếm tới 40,6% lợi nhuận gộp, dẫn đến lợi nhuận cả năm chỉ đạt 39 tỷ đồng, bằng 27,8% so với năm 2010. Vậy mà sau thông tin hạ lãi suất, giá cổ phiếu CSM nhanh chóng tăng trần gần 17 phiên liên tiếp.

Xung quanh bức màn M&A

Giá cổ phiếu xuống thấp, khiến giá trị vốn hóa thị trường thấp hơn rất nhiều so với tổng tài sản của doanh nghiệp. Do vậy, hầu hết doanh nghiệp niêm yết có giá cổ phiếu giảm mạnh đều có mối lo ngại chung: sợ bị thâu tóm. Ví dụ tiêu biểu nhất trong thời gian vừa qua là tin đồn liên quan đến thương vụ thâu tóm Sacombank (STB) của Eximbank (EIB). Giá cổ phiếu STB tăng đột biến, gần gấp 2 lần trong vòng 6 tháng. Tương tự, cổ phiếu EIB cũng tăng giá mạnh, nhưng ở mức độ thấp hơn. Thực tiễn ở thị trường Việt Nam cho dù doanh nghiệp đi thâu tóm hay bị thâu tóm, giá cổ phiếu đều tăng nhanh chóng vì thông tin thiếu minh bạch.

Thông tin nhóm cổ đông lớn thâu tóm STB vẫn chưa được tiết lộ, nhưng cả hai bên đã đạt được thỏa thuận về phương án nhân sự sau khi sáp nhập. ĐHĐCĐ của STB diễn ra ngày 26/5 tới sẽ bầu bổ sung 8 thành viên mới vào HĐQT (sau khi có 5 thành viên HĐQT xin từ nhiệm) và 1 thành viên mới vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2011-2015. Trong 8 thành viên HĐQT được đề cử bầu bổ sung lần này có 1 thành viên độc lập và đa số là người của nhóm cổ đông lớn. Trong số đó, ông Phạm Hữu Phú sẽ tham gia HĐQT SCB. Ông Phú đại diện cho EIB (cổ đông hiện nắm giữ 9,73% cổ phần tại STB) và Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu (nắm giữ trên 5% cổ phần có quyền biểu quyết tại STB). Để vén bức màn bí mật liên quan tới thương vụ M&A giữa 2 ngân hàng lớn này, chúng ta cần nhiều thời gian. Và trong khoảng thời gian đó giá cổ phiếu vẫn biến động chóng mặt, theo kiểu đặc trưng của TTCK Việt Nam: tăng trong sự nghi ngờ và hoạt động đầu cơ bộc phát.

Tương tự như vậy, thương vụ thâu tóm giữa SHB và HBB diễn ra âm thầm, không kém gì thương vụ giữa EIB và STB. ĐHCĐ của 2 bên đã thông qua chủ trương chấp thuận việc sáp nhập 2 ngân hàng. Đối với SHB, quyền lợi cổ đông thiểu số sẽ ra sao khi sáp nhập với tổ chức có vốn điều lệ là 4.050 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 195 tỷ đồng? Cổ phiếu HBB tăng giá vượt ngoài dự báo, và thanh khoản HBB tăng cao đột biến, lên tới 40 triệu đơn vị/phiên. Đơn giản là: TTCK Việt Nam luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ, tâm lý lạc quan/bi quan một cách thái quá và hoạt động đầu cơ luôn hiện hữu.

 Gia Trình

diễn đàn doanh nghiệp



MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (8)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 25/04

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.

25/04: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?

Cùng điểm lại những tin tức tài chính kinh tế trong nước và quốc tế đáng chú ý diễn ra trong 24h qua trước giờ giao dịch hôm nay. 

Theo dấu dòng tiền cá mập 24/04: Tự doanh và khối ngoại giao dịch ngược chiều

Phiên giao dịch ngày 24/04, trong khi tự doanh công ty chứng khoán mua ròng gần 996 tỷ đồng, thì khối ngoại lại xả gần 149 tỷ đồng. 

UBCKNN làm việc với World Bank và ASIFMA về dự thảo quy định liên quan đến các tiêu chí để nâng hạng thị trường

Chiều ngày 22/04/2024, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có buổi làm việc trực tuyến với Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hiệp hội thị trường tài chính và...

UBCKNN xử phạt loạt doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Thuận Đức (HOSE: TDP), CTCP Anh ngữ APAX và CTCP Thủy sản Việt Úc (VUG) do vi...

An Gia (AGG) dự kiến hết nợ trái phiếu, kế hoạch lợi nhuận tăng 43% trong năm nay

Với thành quả đạt được từ năm trước và kế hoạch triển khai các dự án cụ thể, An Gia đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 tăng 43%. Công ty lên kế hoạch phát hành cổ...

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 24/04

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.

24/04: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?

Cùng điểm lại những tin tức tài chính kinh tế trong nước và quốc tế đáng chú ý diễn ra trong 24h qua trước giờ giao dịch hôm nay.

Theo dấu dòng tiền cá mập 23/04: Tự doanh bán ròng trên ngàn tỷ, xả mạnh FPT và MWG

Phiên giao dịch ngày 23/04, mặc dù quyết định đầu tư cùng chiều nhưng tự doanh công ty chứng khoán bán ròng áp đảo 1,056 tỷ đồng, trong khi khối ngoại chỉ xả hơn...

Đâu sẽ là yếu tố quyết định để 1 nhà đầu tư chọn mở tài khoản chứng khoán

Chiến lược ưu đãi phí có thể coi là xu hướng của các công ty chứng khoán trong cuộc chiến thu hút khách hàng ở thời điểm hiện tại nhưng đó vẫn chưa phải là yếu tố...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98