Kinh tế Việt Nam trước sức ép thay đổi

31/05/2012 10:05
31-05-2012 10:05:36+07:00

Kinh tế Việt Nam trước sức ép thay đổi

Từ khi Việt Nam áp dụng chính sách Đổi Mới năm 1986, tăng trưởng kinh tế đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, đà tăng trưởng và hành trình phát triển của Việt Nam đang ngày càng có những dấu hiệu khó khăn. Bất ổn vĩ mô, gia tăng bất bình đẳng, các hiểm họa môi trường tiềm ẩn, và thái độ không hài lòng đang được kìm nén của công chúng đang đặt Hà Nội trước sức ép thay đổi ngày càng lớn.

Năm ngoái, với tỷ lệ lạm phát 18%, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng mạnh của các cuộc đình công lao động. Bất chấp tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 5,9%, cuộc sống người nghèo ngày càng khó khăn hơn khi mức thu nhập eo hẹp của họ không thể đuổi kịp đà tăng giá lương thực. Nhằm xoa dịu mối lo âu này của dân chúng, chính phủ đã hứa áp dụng các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh tay để chống lạm phát.

Nhưng cải cách tài khóa không phát huy tác dụng vì việc cắt giảm chi tiêu công đã cho thấy rất khó khăn trước sự hiện hữu của những nhóm lợi ích có thế lực. Và các biện pháp thắt chặt tiền tệ đã đẩy hàng chục nghìn công ty nhỏ và vừa ra khỏi thương trường hoặc lâm vào cảnh bi đát. Họ gặp khó khăn khi đi vay do lãi suất cao, trong khi các biện pháp ưu đãi chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Tình hình này đặt ra một mối đe dọa không nhỏ đối với sự phát triển của lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam.

Giới hoạch định chính sách thừa nhận rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam - dựa vào giá nhân công rẻ, khai thác nguồn tài nguyên và tăng trưởng vốn - đang tỏ ra không hiệu quả. Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình từ năm 2010, nhưng phải chứng kiến một thực tế là mức thu nhập trung bình của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất đã tăng gấp 9,2 lần so với nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất, trong cùng một năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng. Để đạt mục tiêu này, ông nhấn mạnh cần cải thiện các thể chế thị trường.  Nhưng đây là một mong muốn "nói dễ hơn làm" vì có hai vấn đề. Một là, lĩnh vực nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam. Trong quá trình phấn đấu trở thành một đất nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục dồn các nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa là cố "chọn mặt gửi vàng." Nhưng chính sách này đã không thành công; có thể thấy bằng chứng qua những trường hợp như các ngành công nghiệp đóng tàu và sản xuất thép không hoạt động hiệu quả.

Vấn đề thứ hai là nạn tham nhũng. Dù giới lãnh đạo cam kết đấu tranh chống vấn nạn này, nhưng kết quả thì không có gì đáng khích lệ. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện trong năm 2011, Việt Nam xếp thứ 112 trên tổng số 183 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, tệ hơn nhiều nước Đông Nam Á khác.

Tại một hội nghị Đảng gần đây, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng các đảng viên cần cam kết nghiêm túc "phê bình và tự phê bình" để giúp giải quyết những vấn đề.  Tuy nhiên, các cuộc cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng dường như khó lòng xảy ra trong thời gian trước mắt. Thách thức phải tăng trưởng bền vững và toàn diện hơn đòi hỏi trách nhiệm giải trình lớn hơn của chính phủ và sự tham gia rộng rãi hơn của dân chúng.

Một cảm nhận ít mang tính chính trị hơn, là nhiệm vụ thúc đẩy tăng năng suất lao động. Một báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho rằng Việt Nam cần tăng năng suất lao động trung bình hàng năm lên 6,4%, từ mức 4,1%, để đạt tăng GDP trung bình hàng năm là 7%.

Tăng năng suất một cách bền vững đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực thông qua việc xác định lại ưu tiên trong việc phân bổ nguồn lực, chuyển đầu tư của nhà nước, hiện đang đổ vào các ngành công nghiệp không hiệu quả, sang đào tạo hướng nghiệp, y tế và giáo dục.

Cải thiện quyền sở hữu đất đai cũng tạo một cơ hội khác. Luật đất đai hiện hành của Việt Nam, theo đó "đất thuộc sở hữu toàn dân, và Nhà nước là người đại diện sở hữu", còn nhiều lỗ hổng, vì vậy tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Sửa đổi đạo luật này theo hướng xác định rõ hơn và bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu của người dân sẽ giúp giảm tham nhũng và những tranh cãi về đất đai, đồng thời đẩy mạnh phát triển một nền nông nghiệp thương mại.

Khi cải cách từ trên xuống là rất khó khăn trong bối cảnh có những nhóm lợi ích muốn duy trì hiện trạng, một cách tiếp cận từ dưới lên có thể sẽ tạo đà mới. Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia cố vấn ủng hộ cải cách, cũng như các thể chế phát triển quốc tế, nên ủng hộ việc ban hành rộng rãi những chính sách ở cấp cơ sở mà được coi là có hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển dựa vào thị trường cũng như gia tăng sự tham gia của người dân vào công cuộc điều hành quốc gia.  Vấn đề ở đây là tìm được một sự đồng thuận chính trị bằng cách đưa ra những chứng cứ thuyết phục cho những chính sách có hiệu quả mà không gây ra bất ổn thái quá cho hệ thống.

Nới lỏng kiểm soát truyền thông cũng quan trọng trong quá trình cải cách. Các kinh nghiệm gần đây cho thấy truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng và các trường hợp lạm dụng quyền lực. Lợi ích của một nền truyền thông độc lập có hai mặt: nó giúp chính quyền trung ương giám sát các hoạt động của các chính quyền cấp tỉnh và địa phương, đồng thời giúp chuyển tải những lo ngại cũng như mong muốn của người dân trực tiếp tới các nhà lãnh đạo cao cấp, từ đó đặt họ dưới nhiều sức ép phải hành động hơn.

Mặc dù quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo sẽ quyết định phần lớn hướng đi và tốc độ thay đổi của Việt Nam, nhưng những người quan tâm đến vận mệnh của nước Việt vẫn có thể tác động để giúp định hình nó thông qua việc tập trung và tích cực kêu gọi những cải cách khả thi nhất và tạo ra những sức ép thay đổi một cách thuyết phục.

Trần Lê Anh

tuần việt nam



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quý 1/2024, CPI tăng 3.77%, lạm phát cơ bản tăng 2.81% so với cùng kỳ năm trước 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0.23% so với tháng trước. Tính chung quý 1 năm 2024, CPI tăng 3.77%...

GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5.66%

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý...

Ngân hàng Standard Chartered: GDP quý 1 duy trì mức vừa phải trước lạm phát gia tăng

Ngân hàng Standard Chartered giữ nguyên dự báo tăng trường GDP năm 2024 ở mức 6.7%, trong đó GDP sẽ tăng tốc từ 6.2% trong nửa đầu năm lên 6.9% trong nửa cuối năm.

Vĩnh Long phát triển kinh tế với trọng tâm là các ngành sử dụng đầu vào là sản phẩm nông nghiệp

Sáng 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông...

Thấy gì sau những chỉ số cải cách, sáng tạo của TP.HCM?

Bộ Khoa học -Công nghệ vừa công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa...

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch...

Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.

Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng...

Chủ tịch Quốc hội: Nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì đưa vào kỳ họp thứ 7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ...

Thủ tướng: Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "ba tiên phong", Thủ tướng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98