Toàn cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu - Phần 1

16/09/2011 11:15
16-09-2011 11:15:24+07:00

Toàn cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu - Phần 1

(Vietstock) - Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, nợ công ở các nền kinh tế phát triển đã tăng lên đáng kể. Nguyên nhân đến từ việc đẩy mạnh các gói kích cầu, quốc hữu hóa những khoản nợ tư nhân, kế hoạch giảm thuế… trong nỗ lực kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

* 5 “sự thật” về khủng hoảng nợ châu Âu

Cách tính nợ công và nước nào đang nghiêm trọng nhất?

Do quy mô nền kinh tế ở các nước khác nhau, nên gánh nặng nợ công quốc gia thường được tính trên phần trăm (%) của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Số liệu nợ công thường được diễn đạt theo nhiều cách khác nhau. Nó có thể phân ra thành nợ của Chính phủ (Central government debt) hay nợ chung của Chính phủ và các cấp chính quyền (General government debt).

Nợ công có thể được phân ra dưới dạng các chủ nợ trong ngoài nước, cụ thể là nợ công từ các nhà đầu tư trong nước (Domestic public debt) hay nợ công từ các nhà đầu tư nước ngoài (External public debt).

Cuối cùng, nợ công có thể được báo cáo theo dạng tổng nợ Chính phủ (Gross government debt), tức tổng nợ tài chính của Chính phủ, hay nợ ròng Chính phủ (Net government debt), tức tổng nợ tài chính trừ đi tổng tài sản tài chính Chính phủ nắm giữ.

Theo thống kê của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhật Bản là nước có tỷ lệ tổng nợ công quốc gia (Gross general government debt) trên GDP lớn nhất với mức 220% GDP, tiếp theo là Hy Lạp với 142% GDP. Mỹ đứng ở vị trí thứ 8 về gánh nặng nợ công tính theo cách này.

Tuy nhiên, nếu tính thêm vào tài sản tài chính mà quốc gia đó nắm giữ, thì Hy Lạp mới là nước có tỷ lệ nợ ròng quốc gia (Net general government debt) trên GDP lớn nhất với 142% GDP, sau đó mới đến Nhật Bản với 117% GDP. Với cách tính này, Mỹ đứng thứ 11 trong danh sách các quốc gia có gánh nặng nợ công lớn. 

Điểm đáng chú ý là mặc dù Nhật Bản và Ý có tỷ lệ nợ công trên GDP lớn, nhưng phần lớn khoản nợ đó do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ.

Nhiều thách thức trước vấn đề nợ công ở các nước phát triển

Hiện nay, nền kinh tế các nước phát triển đang đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn đối với vấn đề nợ công.

Đầu tiên, Chính phủ các nước dễ tổn thương trước những thay đổi nhanh chóng và bất ngờ trong hành vi của nhà đầu tư, và hệ quả là những chính sách cũng bị thay đổi theo để kịp thời thích nghi.

Hơn thế nữa, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn hoặc từ chối cho vay mượn trước nỗi lo về khả năng vỡ nợ ở các quốc gia rủi ro cao. Hiện ba nước trong khu vực eurozone là Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đang phải gánh chịu áp lực này; tuy nhiên  các nước lớn khác trong khu vực eurozone và IMF đã cho các nước này vay mượn để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Thứ hai, sự cạnh tranh vốn của chính phủ cho những khoản nợ vay sẽ đẩy lãi suất lên cao, gây khó khăn cho khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân.

Thứ ba, mức nợ công cao sẽ hạn chế khả năng ứng phó với những khủng hoảng không mong muốn, ví dụ như thảm họa thiên nhiên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hồi phục nhanh và bền vững của nền kinh tế trong nước.

Theo các nhà kinh tế, gánh nặng nợ công tăng cao như hiện nay chỉ mới là giai đoạn đầu của những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Cụ thể là mối quan ngại về sự già hóa dân số ở các nước phát triển sẽ làm cho nợ công tăng vọt trong những thập kỷ tới. Nguyên nhân là do lực lượng lao động bị thu hẹp sẽ làm cho nguồn thu thuế của chính phủ bị sụt giảm, trong khi đó số người nghỉ hưu tăng lên sẽ gây áp lực cho việc tăng chi tiêu chính phủ trong các khoản lương hưu và chăm sóc sức khỏe.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cứ 100 công nhân ở các nước thành viên OECD thì có khoảng 27 người về hưu trong năm 2000. Vào năm 2050, tổ chức này dự báo sẽ có đến khoảng 62 người về hưu cho mỗi 100 công nhân.

Các gói giải cứu được tung ra – Giải pháp hiện tại

Những lo ngại về thâm hụt và gánh nặng nợ công ngày càng tăng cao cùng với làn sóng hạ bậc tín nhiệm nợ công ở châu Âu đã tạo nên những cảnh báo trên thị trường tài chính toàn cầu.

Trước tình hình đó, ngày 09/05/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính châu Âu đã thông qua gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính ở khu vực châu Âu, và lập ra Ủy ban Ổn định Tài chính châu Âu (European Financial Stability Facility – EFSF).

Năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ công chủ yếu xảy ra ở Hy Lạp khi chi phí cho các khoản nợ Chính phủ liên tục tăng lên; cụ thể lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp liên tục tăng cao từ 3.47% vào tháng 01/2010, lên 9.73% tháng 07/2010, và nhảy vọt lên 26.65%/năm ở tháng 07/2011.

Ngày 2/5/2010, các nước thành viên khu vực eurozone và IMF đã thông qua khoản vay 110 tỷ euro cho Hy Lạp, với điều kiện nước này phải thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt.

Tiếp theo đó là gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro cho Ireland vào tháng 11/2010 và 78 tỷ euro cho Bồ Đào Nha vào tháng 5/2011.

Mới đây nhất, vào tháng 8/2011, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tung ra số tiền khá lớn để mua lại trái phiếu Chính phủ của Ý và Tây Ban Nha, với điều kiện các nước này phải cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ hơn.

Phản ứng đầu tiên của các nước phát triển trước áp lực nợ công ngày càng phình to là thực thi những chính sách thắt lưng buộc bụng để nhận được các gói cứu trợ.

Một vài nước như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã thông qua các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ trước áp lực của thị trường; trong khi đó Anh phải đối mặt với những rủi ro suy giảm niềm tin của giới đầu tư.

Việc cơ cấu lại những khoản nợ công hiện vẫn chưa được quốc gia nào hành động, mặc dù đã có nhiều ý kiến cho rằng Hy Lạp nên xem xét, cơ cấu lại gánh nặng nợ công.

Một số nhà kinh tế quan ngại rằng sự tập trung vào các biện pháp thắt lưng buộc bụng có thể làm suy yếu thêm khả năng phục hồi vốn mong manh của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khi tỷ lệ thất nghiệp liên tục duy trì ở mức rất cao ở nhiều nền kinh tế phát triển. Điều này cũng khiến cho các hệ lụy trở thành một thách thức rất lớn tại các nước đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão nợ công.

Phần 2: Khả năng Hy Lạp vỡ nợ và các hệ lụy nếu điều này xảy ra

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

POW - Nhiệt điện khí còn nhiều triển vọng (Kỳ 1)

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) là doanh nghiệp nổi bật trong ngành điện. Việc tăng cường phát triển nhiệt điện khí sẽ giúp...

MSH - Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn

Ngành dệt may hứa hẹn sẽ phục hồi tốt trong năm 2024. Trong số các doanh nghiệp dệt may nổi bật, CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) được giới phân tích đánh giá cao...

IMP - Tiềm năng tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) vẫn đang tăng...

BFC - Ngành phân bón có thực sự hấp dẫn?

CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK. Tuy nhiên, kết quả kinh...

GMD - Ngành cảng biển và vận tải biển (Kỳ 1)

Trong năm 2024, ngành cảng biển và vận tải biển được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, những động thái nới lỏng của Trung Quốc và giá dầu...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Bán lẻ ICT - Ngắn hạn xấu, dài hạn tốt

Năm 2023, nền kinh tế trong nước suy yếu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ ICT. Tuy ngắn hạn khá xấu, các số liệu cho thấy triển vọng dài...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành đá xây dựng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành dầu khí

Ngành dầu khí là ngành mũi nhọn của nước ta, có vai trò cung cấp nguồn nhiên liệu quan trọng cho cả nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đây là ngành sẽ nhận...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Công nghệ thông tin - Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao

Ngành công nghệ thông tin tạm chững lại trong năm 2023, nhưng được dự đoán sẽ lấy lại phong độ trong năm 2024. Nhờ vào các chính sách của Chính...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành điện - Thúc đẩy tăng trưởng nhiệt điện khí

Ngành điện là một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế, đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội. Điện là nguồn năng lượng thiết yếu cho...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98