Xin cơm từ thiện nhà chùa để có tiền đưa bác sĩ

14/11/2012 11:33
14-11-2012 11:33:37+07:00

Xin cơm từ thiện nhà chùa để có tiền đưa bác sĩ

Có tới 3-4 con số phản ánh sự chênh lệch giá thuốc đã được nêu tại nghị trường: 20-40%, chênh lệch 1,5 đến 2 lần, thậm chí gấp 10 lần. Và đây là chênh lệch với cùng một loại thuốc, cùng một xuất xứ, bán ở cùng một địa phương.

Thuốc Trung Quốc giá… Mỹ!

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất thành thật, tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” khi lên tiếng kết án giá thuốc “lòng vòng qua trung gian”; “các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê biệt dược không cần thiết để hưởng hoa hồng”; “kết quả đấu thầu cao hơn giá niêm yết, giá công khai”.

Thậm chí, thừa nhận kẽ hở từ quy định pháp luật khiến dẫn đến tình trạng “thuốc Trung Quốc giá Mỹ”, “chủ đầu tư chọn thuốc phù hợp với mình” (chứ không chọn để phù hợp với bệnh nhân).

Bộ trưởng cũng nói thẳng: Chúng ta đang dùng luật quản lý đấu thầu cho thuốc, một loại hàng hóa đặc biệt, như với các hàng hóa khác”. Rồi thì “Bộ Y tế đồng thời là cơ quan quản lý giá, như thế là không phù hợp, khách quan đến đâu cũng là vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Có thể nói, trong chỉ hơn 1 tiếng ngắn ngủi cuối giờ chiều, giá thuốc vừa quá cao, vừa chênh lệch quá ngang nhiên và quá bất hợp lý của nó chính là chủ đề nóng nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo Bộ trưởng Tiến, Bộ Y tế đã ban hành nhiều thông tư, quy định, biện pháp để điều hành giá thuốc. Tuy nhiên, có một điều quan trọng nhất thì Bộ trưởng quên nói đó là việc tình trạng giá thuốc vừa cao vừa chênh lệch lớn có chấn chỉnh được không, và bao giờ.

Nói như Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của QH Nguyễn Sĩ Cương là “giá thuốc và y dược tư nhân đang bị buông lỏng quá mức, và ngành y tế không thể quản lý được, nhà thuốc muốn bán bao nhiêu thì bán. Giá khám chữa bệnh tại phòng khám tư nhân từ 50-200 nghìn đồng, không ai quản lý. Cấp phép xong, muốn làm gì thì làm”.

Bộ Y tế thắng, bệnh nhân thì chưa

Vấn đề quá tải bệnh viện, liên quan đến sự tăng giá của hơn 200 dịch vụ y tế và mối liên quan đến chất lượng y tế cơ sở cũng đã được chất vấn thẳng thắn. ĐBQH tỉnh Thái Bình Phạm Xuân Thường nêu thực trạng một bệnh viện cơ sở được cấp 7,2 tỉ nhưng phải trả cho các BV T.Ư 3,6 tỉ, cho BV tỉnh 6 tỉ. Còn lại có 600 triệu đồng để phục vụ việc khám chữa bệnh cho 69.500 người dân. Y tế cơ sở bị bỏ rơi chính là nguyên nhân khiến chất lượng ngày càng tồi tệ, “bà con chỉ được thuốc giá rẻ”, trong khi “gây quá tải cho tuyến T.Ư”.

Bộ trưởng Tiến dành phần lớn thời gian để nói về việc tăng phí dịch vụ y tế. Rằng: Giá dịch vụ đã quá lỗi thời. Lương tăng 8 lần. Thu nhập 2-3 triệu đã lên tới 1.000USD. Trượt giá... Trong khi đó, Bộ trưởng đưa ra ví dụ, cắt cái amidan chỉ 40 nghìn, trong khi chi phí lên tới 350 nghìn. Gây mê nữa có khi 700 nghìn. Bà khẳng định: Tăng giá dịch vụ y tế thực ra là người dân có lợi. Bộ trưởng nói chúng ta cần tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân “người bệnh chỉ cần vào viện. BV chỉ cần chữa bệnh. Thanh toán là việc của BHYT”.

Ước mơ đẹp và lãng mạn đó chưa được ấn định bằng một mức thời gian cụ thể, còn những nỗi bức xúc vẫn hiển hiện: Quá tải; bác sĩ cắt nhầm bàng quang của những cháu bé 21 tháng tuổi; tràn ngập thuốc đông y chứa chất gây ung thư... Có vẻ vẫn còn nhiều vấn đề Bộ Y tế đang rất bất lực.

Giá (dịch vụ y tế) mới chỉ tính 3/7 yếu tố - Bộ trưởng Tiến nói - BV cần mắc thêm quạt, mở thêm cửa, chưa thể tăng ngay chất lượng được. Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án giảm tải bệnh viện. Chính phủ đã duyệt, nhưng tôi thấy là hoàn toàn không có kinh phí gì cả.

Trong hầu hết các vấn đề được Bộ trưởng trả lời, vấn đề nào cũng được bà nói kèm theo tình trạng thiếu tiền. Không vô cớ khi ĐBQH Trương Minh Hoàng nhận xét: Đề xuất của Bộ trưởng toàn (là) chính sách tài chính cho y tế, (trong khi) tăng gánh nặng cho đời sống người dân. Trong phần trả lời, Bộ trưởng có nói đại ý: Thay vì đối đầu, chúng tôi (Bộ Y tế) quay ra bắt tay với nhau (bảo hiểm) để cả hai cùng thắng. Và người bệnh cũng cùng thắng.

Thực tế, với giá thuốc như thế, giường bệnh, y đức như thế, tai nạn “chết nhầm” như kia, người bệnh rõ ràng là chưa thắng.

Ý kiến về chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế

TS Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội của Quốc hội: Y đức sẽ là vấn đề khó nhất. Vì trong khả năng của Bộ Y tế chỉ vận động tuyên truyền, hô hào nhân viên y tế không nhận phong bì. Bộ nói vậy nhưng các bệnh viện vẫn làm. Để “bắt tận tay, day tận trán” cần vào cuộc của cả xã hội, trong đó có Bộ Công an.

Ông Hoàng Mạnh Tú (nguyên cán bộ cấp cao Bộ Ngoại giao): Thay đổi trong thực tế mới là thước đo hiệu quả. Điều người dân chúng tôi quan tâm là dù Bộ trưởng có nắm được vấn đề, hay ban hành văn bản, kiến nghị gì thì hiệu quả của công tác quản lý còn rất kém. Nhiều năm rồi, lộn xộn trong quản lý thuốc, hoa hồng kê toa, bất cập trong đấu thầu vẫn không giải quyết được. Nói chuyện y đức, ai cũng một lần trải qua.

Cách đây 2 năm tôi sốt rất cao, vào BV Hữu Nghị khám vào ngày 30 tết theo tiêu chuẩn. BS trực nói hôm nay không khám. Khi người nhà tôi nói “Bố tôi là cán bộ có tiêu chuẩn A”, BS này thay đổi thái độ ngay. Nhiều cuộc vận động rồi, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở hình thức, chúng tôi thấy vẫn đâu vào đấy cả.

Q.D ghi


Anh Đào

lao động





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98