7 dự báo hoàn toàn sai lầm về kinh tế - tài chính thế giới 2012

11/12/2012 10:25
11-12-2012 10:25:53+07:00

7 dự báo hoàn toàn sai lầm về kinh tế - tài chính thế giới 2012

Sự thay đổi lãnh đạo tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, biến động ngày càng mạnh trên các thị trường tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ đã biến 2012 trở thành một năm có nhiều biến cố quan trọng.

Theo đó, đã xuất hiện hàng loạt dự báo, cả tích cực lẫn tiêu cực, về diễn biến của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới. Bên cạnh các dự báo hết sức lạc quan, các kịch bản tiêu cực nhất cũng được đưa ra, bao gồm sự sụp đổ của một cường quốc toàn cầu đến sự tăng vọt của giá cổ phiếu cùng với một số dự báo táo bạo khác. Tuy nhiên, các dự báo này đã không có cơ hội trở thành sự thật trong năm 2012. CNBC đã liệt kê 7 dự báo hoàn toàn sai lầm trong năm qua.

1. Giá cổ phiếu Facebook sẽ bùng nổ

 

Vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) quy mô 16 tỷ USD của Facebook – đợt IPO lớn thứ ba từ trước đến nay tại Mỹ - đã khiến thị trường thất vọng nặng nề.

Với 1 tỷ người dùng, chiếm khoảng 40% lượng người sử dụng internet trên toàn thế giới, Facebook khiến nhà đầu tư phải thèm muốn về tiềm năng lợi nhuận của mạng xã hội này. Nhận thấy mối quan tâm quá lớn, 3 ngày trước khi niêm yết Facebook đã nâng mức giá mục tiêu từ 28-35 USD/cp lên 34-38 USD/cp.

Nhiều nhà đầu tư tin chắc cổ phiếu Facebook sẽ tăng vọt trong ngày chào sàn 18/05. Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng. Cổ phiếu của hãng gần như đi ngang trong ngày đầu tiên và sụt gần 11% trong phiên tiếp theo. Nguyên nhân theo các nhà phân tích là do định giá cao và sự cố kỹ thuật trong ngày giao dịch đầu tiên đã làm giảm niềm tin vào cổ phiếu này. Màn ra mắt đáng thất vọng đã khiến nhà đầu tư xa lánh Facebook trong nhiều tháng, giá cổ phiếu rớt thảm xuống còn 17.73 USD/cp, tức bằng một nửa so với mức giá niêm yết 38 USD/cp.

Sau gần nửa năm sụt giảm, cổ phiếu Facebook bắt đầu hồi sinh với mức tăng 30% từ đầu tháng 11 đến nay. Nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm vì Facebook đã không bị bán tháo khi một lượng lớn cổ phiếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư đầu tiên và các nhân viên công ty hết thời hạn cấm chuyển nhượng vào giữa tháng 11. Dù vậy, giá cổ phiếu này tiếp tục giao dịch ảm đạm dưới mốc 27.70 USD/cp.

2. Kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”

Tình trạng giảm tốc liên tiếp trong nhiều tháng cùng với sự đình đốn trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã làm gia tăng kỳ vọng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ “hạ cánh cứng” trong năm 2012.

Cuối năm 2011, các nhà đầu tư danh tiếng như Giám đốc quản lý quỹ đầu cơ Jim Chanos và Marc Faber – tác giả chuyên mục Gloom, Boom and Doom trên CNBC – cùng dự báo về nguy cơ hạ cánh cứng tại Trung Quốc. Thậm chí các nguồn tin còn trích dẫn nhận định của Chanos cho rằng kịch bản này đang diễn ra.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9 tháng đầu năm ở mức 7.7%, thấp hơn nhiều so với tốc độ bùng nổ hai con số trong thập niên vừa qua càng khiến nhà đầu tư cảnh giác cao độ. Trong quý 3, GDP thậm chí còn thấp hơn mục tiêu 7.5% của Chính phủ do nhu cầu yếu kém từ bên ngoài và hoạt động đầu tư ảm đạm trong nước.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng bắt đầu xuất hiện các tín hiệu lạc quan và với sự chuyển giao lãnh đạo suôn sẻ trong tháng 11, tình hình tại Trung Quốc bắt đầu chuyển biến tích cực. Số liệu mới nhất về hoạt động sản xuất và thị trường nhà ở cùng với sự cải thiện của lĩnh vực xuất khẩu là chỉ báo cho thấy nền kinh tế vừa thoát khỏi nguy cơ hạ cánh cứng. Hiện các chuyên gia dự báo tăng trưởng sẽ cải thiện mạnh trong quý 4 lên trên 8%.

Dưới sự lãnh đạo của tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể tiến hành cải cách kinh tế và thực hiện các biện pháp chính sách nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Các lời bàn tán về nguy cơ “hạ cánh cứng” cũng đang biến mất.

3. Hy Lạp rút khỏi Eurozone

 

Nếu dự báo u ám này trở thành sự thật, tình hình thị trường tài chính toàn cầu hiện nay chắc chắn sẽ chứng kiến những thay đổi lớn.

Cuộc bầu cử không có kết quả trong tháng 5 với chiến thắng của các đảng phản đối gói giải cứu đã dẫn đến dự báo rằng tư cách thành viên của Hy Lạp tại Eurozone chỉ còn đếm từng ngày. Thậm chí dự báo về sự rút lui của quốc gia này còn được biết đến rộng rãi với cụm từ “Grexit” (thuật ngữ do hai chuyên viên phân tích Citigroup nghĩ ra). Các tên tuổi nổi tiếng trong cộng đồng đầu tư như Mohammed El-Erian – Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới Pimco cũng nằm trong số những người dự báo về khả năng này. Cụ thể, trong tháng 5/2012, El-Erian cho rằng việc rút lui của Hy Lạp là “không thể tránh khỏi” đồng thời cho biết thêm rằng nhà đầu tư nên chuẩn bị cho kịch bản này.

Với mức nợ công được dự báo chiếm 190% GDP 2013, Chính phủ Hy Lạp phải vật lộn để thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu và nâng thuế cần thiết để hạ thấp gánh nặng nợ và nhận được gói giải cứu tiếp theo từ các quốc gia Eurozone cũng như IMF vì sự phản đối của công chúng đối với các chính sách mới.

Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử thứ hai hôm 17/06 cùng với việc Đảng Dân chủ mới ủng hộ gói giải cứu giành chiến thắng và việc Quốc hội phê chuẩn kế hoạch ngân sách 2013 trong tháng 11 đã đẩy lùi được nỗi lo sợ về kịch bản rút lui. Thêm vào đó, trong tuần trước, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã đạt được thỏa thuận nhằm giảm gánh nặng nợ của nước này, dọn đường cho việc giải ngân khoản giải cứu 43.7 tỷ EUR trong tháng 12. Các nhà phân tích dự báo khoản giải cứu sẽ giúp Hy Lạp đáp ứng được nhu cầu cấp vốn đến năm 2014.

Sau thỏa thuận mới đây, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết nợ công Hy Lạp đang trở lại “lộ trình bền vững”. Các cuộc tranh luận về “Grexit”, vốn là chủ đề nóng vào đầu năm nay, cũng bắt đầu lắng dịu.

4. Cơn sốt vàng

 

Hàng loạt dự báo lạc quan về giá vàng cho rằng kim loại quý sẽ chạm 2,000 USD/oz vào cuối năm 2012 nhưng tất cả đều gây thất vọng vì thị trường đã bước sang tháng 12 nhưng hiện giá kim loại quý vẫn còn cách mức dự báo tới 300 USD/oz.

Các chuyên gia nổi tiếng về kim loại quý cho rằng gói nới lỏng định lượng khổng lồ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ khuyến khích chi tiêu và thúc đẩy lạm phát, qua đó khuyến khích nhà đầu tư mua vào vàng để phòng ngừa giá cả leo thang. Tuy nhiên, điều này đã không thành hiện thực khi giá vàng giảm 2.5% so với thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố gói nới lỏng định lượng thứ ba (QE3) vào ngày 13/09.

Nhu cầu từ hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ, đã không thể hỗ trợ nhiều cho kim loại quý trong năm nay. Theo dự báo, nhu cầu vàng năm 2012 của Ấn Độ có thể giảm gần 19% so với năm trước do tăng trưởng kinh tế suy yếu và đà giảm giá của đồng rupi đã khiến nhập khẩu vàng trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, tiêu thụ vàng quý 3/2012 của Trung Quốc giảm 8% do nhu cầu vàng trang sức và đầu tư thấp hơn.

Giới chuyên gia cho rằng khả năng tăng giá của vàng trong các tháng tới là khá thấp do triển vọng lạm phát ảm đạm. Từ góc nhìn kỹ thuật, chuyên viên Daryl Guppy cho rằng nếu không sớm vượt ngưỡng kháng cự 1,800 USD/oz, vàng có thể đối mặt với một đợt sụt giảm mạnh.

5. Bong bóng trái phiếu Mỹ nổ tung

 

“Thị trường trái phiếu Mỹ sắp sụp đổ và trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ trở thành ‘rác’…” là những nhận định mà các nhà phân tích đưa ra trong phần lớn thời gian của năm nay.

Các nhận định trên xuất phát từ chính sách tiền tệ siêu lỏng của Fed hoặc chương trình mua trái phiếu thông qua các gói nới lỏng định lượng nhằm giữ lãi suất ở mức siêu thấp để thúc đẩy kinh tế Mỹ. Những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu cùng với cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các loại trái phiếu an toàn của Mỹ và đẩy lợi suất xuống các mức thấp kỷ lục khi giá tăng cao. Hoạt động phát hành trái phiếu cũng chạm mức cao kỷ lục trong năm nay khi vượt ngưỡng 1,000 tỷ USD trong tháng 10/2012 và sắp chạm mức cao mọi thời đại thiết lập trong năm 2007, tức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Diễn biến này đã dẫn đến mối lo lắng về nguy cơ bùng nổ của bong bóng trái phiếu. Thị trường lo sợ nếu lạm phát tăng trở lại, Fed buộc phải bãi bỏ chính sách siêu lỏng. Điều này có thể châm ngòi cho làn sóng bán tháo, đẩy lợi suất tăng vọt và khiến Chính phủ Mỹ khó có thể trả lãi cho nhà đầu tư.

Nhận định trên CNBC vào tháng 3/2012, tỷ phú Wilbur H. Ross cho biết ông sẽ chuẩn bị cho sự nổ tung của bong bóng giá trái phiếu kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài hơn vì ý tưởng lạm phát đã kết thúc và lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp là “sai lầm”. Bất chấp dự báo ảm đạm này, nhà đầu tư tiếp tục đổ xô mua trái phiếu kho bạc. Trong vòng 12 tháng qua, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm từ mức trên 2% xuống 1.6%, thấp hơn so mức bình quân 4.4% trong vòng 10 năm qua.

Triển vọng lạm phát tại Mỹ vẫn còn tương đối ôn hòa và tăng trưởng có thể vẫn còn ảm đạm trong năm tới, cho thấy Mỹ sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thêm một thời gian nữa.

6. Mỹ rơi vào suy thoái kép

 

Các thông tin với tiêu đề về nỗi lo sợ suy thoái đã xuất hiện kể từ cuối năm ngoái sau khi nhiều nhà kinh tế dự báo đà suy giảm của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ trầm trọng hơn trong nửa đầu năm.

Lần cuối cùng mà Mỹ rơi vào suy thoái là từ tháng 12/2007 đến tháng 6/2009 trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đà phục hồi kinh tế khá bấp bênh kể từ khi chuyển hướng vào năm 2010 khi GDP tăng trưởng 2.4%. Năm 2011, tăng trưởng GDP giảm còn 1.8% và làm dấy lên nỗi lo sợ về suy thoái kép trong năm nay.

Tháng 10/2011, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, người từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhận định trên CNBC rằng kinh tế Mỹ cùng với Eurozone và Anh sắp rơi vào cuộc suy thoái thứ hai trong hai quý đầu năm 2012. Nỗi lo sợ này càng trở nên sâu sắc hơn khi vào tháng 6/2012, Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng Mỹ đang chìm trong suy thoái.

Tuy nhiên, hiện tại đã là thời điểm cuối năm và kinh tế Mỹ đang tăng trưởng khả quan. Số liệu GDP quý 3 sau điều chỉnh cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng 2.7%, đánh dấu quý tăng trưởng tốt nhất kể từ quý 4/2011. Bất chấp những yếu kém trên thị trường lao động, kinh tế Mỹ vẫn trên đà đạt được mức tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay. Tuy nhiên, năm mới có thể đặt ra thách thức mới. Nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nếu không tránh được trình trạng “vực thẳm tài khóa” – một loạt các biện pháp nâng thuế và cắt giảm chi tiêu với hiệu lực từ 01/01/2013.

7. Đồng EUR sẽ ngang giá so với đồng USD

 

Sự biến động của đồng EUR kể từ khi khủng hoảng nợ châu Âu bùng nổ đã làm cho đồng tiền này trở thành mục tiêu trong suốt các đợt bán tháo của thị trường và khiến nhiều nhà chiến lược dự báo rằng đồng tiền chung sẽ yếu đi và ngang giá so với đồng USD trong năm nay.

Kể từ khi chạm mức đỉnh 1.49 USD/EUR vào tháng 5/2011, đồng EUR đã giảm hơn 12% vì phải đối mặt với sức ép trước mối lo lắng về giải pháp đối với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cũng như nỗi lo sợ về nguy cơ lây lan sang các quốc gia mạnh hơn trong khối. Dù chứng kiến sự biến động mạnh do các thông tin tiêu cực từ châu Âu, đồng tiền chung vẫn khá linh động quanh mức 1.3 USD/EUR vào cuối năm nay, tức cách xa mức ngang giá như dự báo của giới quan sát thị trường.

Tháng 3/2012, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini cho rằng đồng EUR cần phải giảm xuống mức ngang giá với đồng USD để phục hồi tăng trưởng tại các nền kinh tế ngoại vi châu Âu. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng sự sụp đổ của đồng EUR sẽ là tin xấu đối với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc vì các nhà xuất khẩu của họ sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối tác châu Âu.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Kế hoạch đánh thuế người giàu vẫn tiến triển chậm trên quy mô toàn cầu

Vào cuối năm 2021, hơn 140 quốc gia đã nhất trí áp thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia theo đề xuất của OECD, nhưng tới nay tiến triển vẫn còn hạn chế.

Chứng khoán thăng hoa, tài sản của giới siêu giàu ở Mỹ tăng lên 44,600 tỷ đô

Top 1% những người giàu nhất nước Mỹ sở hữu khối tài sản lên tới 44,600 tỷ USD vào cuối quý 4/2023, chủ yếu là nhờ sự thăng hoa của thị trường chứng khoán.

Trung Quốc: Khủng hoảng bất động sản lan sang các ngân hàng lớn nhất, nợ xấu tăng vọt

Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang lan rộng sang các ngân hàng lớn nhất của đất nước này, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh.

Bộ Tài chính Nhật Bản cam kết hành động quyết liệt nếu đồng yen tiếp tục giảm

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản nhấn mạnh sẽ có hành động thích hợp và "không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào" để đối phó với biến động quá mức...

Đồng Yên Nhật xuống đáy 34 năm

Đồng nội tệ Nhật Bản đã rơi xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD, từ đó làm dấy lên đồn đoán giới chức nước này sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Singapore siết chặt quản lý các quỹ gia đình

Quỹ gia đình ở Singapore chỉ có thời hạn tối đa một tháng để cung cấp thêm thông tin cho Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) khi được yêu cầu. Nếu không, đơn xin mở quỹ...

Tài sản của Donald Trump tăng thêm 4 tỷ USD trong 1 ngày

Việc Trump Media hoàn tất thương vụ sáp nhập đã giúp tài sản của ông Donald Trump tăng lên 6.5 tỷ USD.

Đằng sau nghịch lý đồng yen giảm khi BoJ nâng lãi suất

Đồng yen suy yếu sẽ nâng đỡ lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng lại tác động tiêu cực đến các hộ gia đình vì nó làm tăng giá hàng nhập khẩu.

Vốn khởi nghiệp ở Ấn Độ: Từ đỉnh cao đến vực sâu

Mức định giá của công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ giáo dục Byju’s từ 22 tỉ đô la Mỹ xuống khoảng 200 triệu đô la chỉ trong chưa đầy 2 năm là minh chứng rõ...

Trung tâm tài chính (Financial Hub) toàn cầu đặt ở đâu?

Cùng tìm hiểu nơi đặt các trung tâm tài chính toàn cầu trên thế giới và tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển của một trung tâm tài chính.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98