Bầu thiếu ủy viên Bộ Chính trị: “Trung ương cũng không hài lòng”

14/05/2013 08:32
14-05-2013 08:32:28+07:00

Bầu thiếu ủy viên Bộ Chính trị: “Trung ương cũng không hài lòng”

Tiếp xúc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội chiều 13/5, một số cử tri đã bày tỏ băn khoăn trước kết quả hội nghị Trung ương 7 vừa bế mạc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình

Cử tri Lâm Thắng (Thành Công) đặt vấn đề về tính thích hợp của việc sẽ lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội, khi trong Đảng vừa diễn ra hai sự kiện rất quan trọng mà nhiều cán bộ đảng viên còn băn khoăn.

Một là việc kiểm điểm cấp ủy từ trên xuống dưới theo Nghị quyết Trung ương 4 chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn.

Hai là kết luận hội nghị Trung ương 7 đã làm cho nhiều cán bộ đảng viên và cử tri khó hiểu, không lý giải nổi tại sao Ban Chấp hành Trung ương với 175 ủy viên, đã qua hai lần bầu Bộ Chính trị nhưng đến nay chỉ có 16 người. “Phải chăng các đồng chí còn lại không ai đủ tiêu chuẩn để tham gia vào Bộ Chính trị hay vì lý do gì, các ủy viên Trung ương thiếu cái gì?”, cử tri Lâm Thắng đặt câu hỏi.

Trong khi đó, cử tri Phạm Quy, phường Ngọc Khánh phát biểu: “Việc bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị lúc này tôi cho là chưa thích hợp”

 Vừa rồi bầu bổ sung được thành 16 ủy viên Bộ Chính trị, định bổ sung 3 thì được 2, định bổ sung thêm 2 ủy viên Ban Bí thư thì được 1, so với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó Trung ương cũng không hài lòng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trả lời thắc mắc của cử tri, Tổng bí thư giải thích, “bây giờ giữa nhiệm kỳ rồi, nếu chúng ta không bổ sung thì một là không tăng cường được nhân sự trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong khi đầu nhiệm kỳ đã quyết định số lượng là từ 15 - 17 ủy viên Bộ Chính trị , 9 - 11 đồng chí Ban Bí thư. Chả nhẽ cứ để mãi thế này, thì đến một lúc nào đó, cái anh ngấp nghé tuổi lại quá tuổi mất rồi, lại lỡ; hoặc là khi bổ sung vào cái lại chuẩn bị vào ngay Đại hội rồi”.

Theo Tổng bí thư thì quan trọng là chọn nhân sự có đúng không, có công tâm, khách quan không, và cách làm có bảo đảm dân chủ, tập trung, chặt chẽ, lắng nghe nhiều và lựa chọn làm sao cho chính xác hay không?

“Thẩm quyền là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng là cơ quan chuẩn bị để Trung ương quyết thôi. Vừa rồi bầu bổ sung được thành 16 ủy viên Bộ Chính trị, định bổ sung 3 thì được 2, định bổ sung thêm 2 ủy viên Ban Bí thư thì được 1, so với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó Trung ương cũng không hài lòng”, Tổng bí thư nói.

Ông cũng giải thích rằng, trong không khí dân chủ này cơ chế phải có số dư, để tôn trọng các ý kiến của người ta. Bây giờ đang nói là chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư để có sự lựa chọn. Thế là đôi khi có nhiều lại bị phân tán.

Lo “kết quả ngược” của lấy phiếu tín nhiệm

Bên cạnh công tác nhân sự của Đảng, cử tri Thủ đô còn bày tỏ nhiều băn khoăn về việc lấy phiếu tín nhiệm, sửa Hiến pháp 1992…

Liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, một số cử tri lo ngại việc chuẩn bị không chu đáo, tiến hành không chuẩn có thể dẫn đến kết quả ngược thì rất nguy hiểm. Người ta sẽ coi phiếu tín nhiệm là lá bùa hộ mệnh, là cơ hội để những người trình độ phẩm chất kém nhưng giỏi chạy chọt… để được tín nhiệm cao.

Cử tri Phạm Hồng Cư (Liễu Giai) đề nghị, với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sắp tới Quốc hội cần công bố đầy đủ những điều gì tiếp thu, những điều gì giải trình, những điều gì bác bỏ, cho toàn dân để dân biết quyền làm chủ của mình trong góp ý sửa Hiến pháp.

 Trách nhiệm của đại biểu rất lớn, dân gửi gắm tin tưởng anh thì anh phải thể hiện được ý kiến mình cho chính xác. Chúng tôi thực sự cũng lo nhưng bây giờ Quốc hội quyết rồi, vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong lịch sử Hiến pháp chưa có kỳ nào tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách bài bản, công phu với 26 triệu lượt góp ý như lần này.

Cho rằng còn có ý kiến thế này thế khác cũng là đương nhiên, theo Tổng bí thư, vấn đề là phải tiếp thu chọn lọc thế nào, phải nói rõ cái gì là tiếp thu, cái gì là giải trình, cái gì không chấp nhận, điểm nào không phù hợp, mang tính chống đối chế độ ta, chống đối Đảng ta, mang tính chất phá hoại thì kiên quyết phê bình, bác bỏ.

Quốc hội sẽ lọc ra các ý kiến khác nhau, nếu còn những ý kiến chưa thuyết phục nhau lắm thì tiếp tục nêu ra các phương án để thảo luận, quyết định, chứ chưa phải là “chốt cứng” ngay vì đến kỳ họp thứ 6 mới thông qua chính thức, còn thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo sửa đổi, Tổng bí thư nói.

Về lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội, với băn khoăn là liệu có chuẩn xác không của cử tri, Tổng bí thư trao đổi, “có khi người tốt bị loại, anh cơ hội lại có phiếu cao, trong thời buổi kinh tế thị trường này, điều đó cần hết sức quan tâm để làm sao thực hiện lấy phiếu cho chính xác”.

“Trách nhiệm của đại biểu rất lớn, dân gửi gắm tin tưởng anh thì anh phải thể hiện được ý kiến mình cho chính xác. Chúng tôi thực sự cũng lo nhưng bây giờ Quốc hội quyết rồi, vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm”.

Nguyễn Lê

vneconomy



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98