Cần sự can trường của nền kinh tế Việt Nam

19/05/2013 09:20
19-05-2013 09:20:00+07:00

Cần sự can trường của nền kinh tế Việt Nam

"Quan điểm của tôi trong ứng xử thương mại với Trung Quốc hay bất cứ một nước nào khác là sự lành mạnh, thực dụng và can trường của chính nền kinh tế Việt Nam, chứ không phải đổ lỗi cho sự lấn lướt không biết giới hạn của người ngoài", TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách đại học kinh tế, đại học Quốc gia Hà Nội.

Cái bẫy của thương mại tự do

- Với tư cách là một nhà nghiên cứu và phân tích kinh tế, ông nhận định như thế nào về sự ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc tới nền kinh tế Việt Nam hiện nay?

- Trung Quốc có một ảnh hưởng to lớn đến Việt Nam trên mọi phương diện, chưa bao giờ gián đoạn, điều đó hẳn không phải bàn cãi. Đó cũng là điều hoàn toàn bình thường và dễ hiểu, do điều kiện địa lý và lịch sử. Trên phương diện kinh tế cũng như vậy, nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc lên Việt Nam ngày càng gia tăng vì mấy lý do: Thứ nhất, bản thân Trung Quốc đang trở thành một siêu cường kinh tế toàn cầu, và chúng ta thì ở ngay cạnh họ. Thứ hai, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia có liên quan đến Trung Quốc ngày càng trở nên tự do. Thứ ba, bản thân chúng ta cũng đang có nhu cầu phát triển nên chúng ta cần Trung Quốc vừa là thị trường đầu vào vừa là đầu ra. Điều quan trọng, là chúng ta thích ứng và phát huy môi trường này như thế nào.

- Với tư cách là một người tiêu dùng Việt Nam, ông có cảm giác như thế nào khi một người dân Việt Nam buộc phải tiêu dùng (vì nhiều khi không có cơ hội lựa chọn, hoặc không tự phân biệt được) những thứ hàng hóa kém chất lượng và độc hại do Trung Quốc sản xuất đang tràn ngập thị trường Việt Nam?

- Trong những việc hệ trọng thế này, nên thực hiện phương châm của chính người Trung Quốc cổ đại, là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hay nếu có thể can đảm hơn, thì lắng nghe phương châm của triết lý yoga, là mọi sự không hay xảy ra với ta đều bắt nguồn từ ta. Ấn Độ cũng là một nước đang phát triển, mức sống bình quân còn nghèo hơn Việt Nam, nhưng khi đi du lịch bên đó tôi thấy rất ít hàng hóa Trung Quốc. Ngay cả Campuchia cũng không tràn ngập hàng Trung Quốc như ở Việt Nam. Hẳn là có một vấn đề gì đó khác, không liên quan đến trình độ dân trí thấp hay mức sống còn nghèo nàn. Xã hội thị trường rất nghiệt ngã, nếu anh để mặc họ làm, họ sẽ làm cái gì lợi nhất cho họ và bất chấp quyền lợi của ta. Tôi nghĩ chúng ta nên thực sự thấm đẫm tư duy sinh tồn đơn giản đó. Vấn đề là chúng ta có thực sự muốn ngăn chặn hành vi của họ hay không. Tôi nói như vậy chắc là đã đủ, để cho thấy, tình trạng hàng Trung Quốc chất lượng thấp ngập tràn Việt Nam, chính là vấn đề chính sách của bản thân chúng ta.

- Có ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam đang bị “chết chìm” vì lệ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc, hàng hóa của Trung Quốc, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Đó là một thực tế đáng lo ngại?

- Muốn cải thiện chất lượng hàng hóa hiện diện trong thị trường Việt Nam, chúng ta cần áp đặt những hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng theo như chúng ta mong muốn. Có thể sẽ có người nói ngay rằng chúng ta không thể làm như vậy. Câu trả lời đơn giản là khi ta không thể làm thì ta phải chấp nhận hiện thực thôi.

Tuy nhiên, bây giờ tôi muốn thảo luận sâu hơn về cái gọi là “không thể” đó. Thứ nhất, điều trước tiên chúng ta cần là ở sự “thông thái” của người mua hàng. Nếu người mua có đủ tri thức, đủ tầm nhìn, đủ thu nhập và đủ vững vàng về quan điểm, người ta sẽ cân nhắc hành động lựa chọn hàng hóa trong từng hành vi mỗi ngày. Cá nhân tôi không ưa đồ chơi Trung Quốc cho con cái tôi, nên tôi cân nhắc thật kỹ với mỗi món đồ chơi. Nếu có điều kiện về tài chính, chúng ta mua những mặt hàng tốt hơn đến từ nước khác, hoặc những món đồ chơi của dân tộc ta. Và nếu như lựa chọn những món đồ bị thu hẹp vì ta ngoảnh mặt với hàng Trung Quốc, chúng ta hãy hướng dẫn con cái vào những thú vui khác, như đọc sách hay đùa nghịch ngoài trời. Nhưng không có nghĩa ta nói không tuyệt đối với hàng Trung Quốc, vì nếu có những sản phẩm có giá trị, chất lượng tốt, ta vẫn nên mua, đặc biệt nếu có lợi về tài chính. Chính hành động này của chúng ta, sẽ làm những người nhập khẩu hiểu là nên nhập khẩu cái gì.

Thứ hai, nếu ta cho rằng người tiêu dùng không biết lựa chọn gì cho đúng thì chúng ta cần sử dụng các chính sách kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu. Nhưng nếu như cứ vò đầu gãi tai nói rằng làm thế không khả thi, ta sẽ bị trả đũa, hay đơn giản buôn lậu sẽ tràn lan. Than vãn như thế thì có khác gì một người cha khóc lóc trước những đứa con rằng cha không thể bảo vệ được các con. Khi không được bảo vệ, những đứa trẻ buộc phải chấp nhận một số phận hẩm hiu thôi.

- Sự chênh lệch cán cân thương mại Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn, nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng, ông có cho rằng đấy là dấu hiệu không bình thường?

- Khi tôi đến thăm một làng của những người cổ dài sắp tuyệt chủng ở Bắc Thái Lan gần Tam Giác vàng, tôi và những người đồng hành thấy dâng lên một mối xúc động ghê gớm, và thực sự muốn làm một cái gì đó để giúp họ. Có một cách rất tốt, là mua thật nhiều sản phẩm họ đang chào bán, để họ có tiền mà mua sắm những gì họ muốn. Thế nhưng chúng tôi chỉ có thể mua được mấy cái khăn quàng cổ mà thôi. Tôi đã đi bâng khuâng trong cái làng tồi tàn đó vào buổi hoàng hôn, và thấy điều đó hiện rõ ra như một ẩn dụ sinh động cho nền kinh tế Việt Nam trong mối tương quan với Trung Quốc.

Lý giải thâm hụt cán cân thương mại Việt-Trung, trước hết phải thấy rằng chúng ta đã không sản xuất được những hàng hóa mà Trung Quốc cần (bởi vì họ đã sản xuất những hàng hóa đó tốt hơn chúng ta cho dân chúng của họ), trong khi chúng ta lại rất cần những thứ mà họ đang sản xuất tràn lan ra. Máy móc chẳng hạn. Doanh nghiệp Việt Nam thực sự muốn nhập từ Trung Quốc dù họ biết chất lượng kém xa máy của Nhật hay Đức. Bởi vì giá của chúng rất rẻ và bản thân họ cũng muốn quay vòng vốn nhanh. Đây là thực tế cần thừa nhận, và vì thế cần thời gian để thay đổi.

Lưu ý rằng các nước phát triển hơn ta trong ASEAN như Thái Lan và Malaysia luôn có xuất siêu sang Trung Quốc, và chẳng bao giờ họ phàn nàn về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đối với họ, sự trỗi dậy và bành trướng về kinh tế của Trung Quốc là một niềm may mắn.

Cho nên, tôi cho rằng chính vì chúng ta còn quá nghèo nàn, yếu ớt và các chính sách kiểm soát dòng nhập khẩu cũng yếu ớt như thế, nên chúng ta phải chấp nhận thực tế đó.

- Tình trạng thương lái Trung Quốc đang biến người nông dân của Việt Nam thành “con tin” và lũng đoạn thị trường Việt Nam, bóp nghẹt các ngành sản xuất, chăn nuôi của Việt Nam. Chúng ta đã nhìn thấy những điều đó, nhưng vẫn chưa có giải pháp hiệu quả?

- Tôi cho rằng việc thương lái Trung Quốc đang lũng đoạn và sẽ ngày càng lũng đoạn thị trường Việt Nam, bắt nguồn từ chính sách do dự, dùng dằng của chúng ta trong việc xây dựng một thị trường cạnh tranh, dựa trên nền tảng tư nhân chứ không phải là doanh nghiệp Nhà nước, trong lĩnh vực phân phối lương thực. Cần phải nghiêm túc trong việc giải quyết mô hình chi phối của các Tổng công ty lương thực hiện nay. Thời gian không đợi chúng ta. Càng dùng dằng, khu vực tư nhân càng chậm lớn, và khu vực nước ngoài càng lấn sâu vào thị trường. Thái Lan đã tư nhân hóa hệ thống phân phối gạo vĩ đại của họ từ 100 năm trước, và đó là khoảng thời gian đủ dài để các thương lái dân tộc họ trưởng thành, đối đầu với bất cứ thương lái nào đến từ bên ngoài. Tất nhiên chính sách nội địa có thể giúp đỡ thương lái trong nước một cách tinh vi. Nhưng nếu không có cơ sở là những thương lái dân tộc ấy, chính sách sẽ chẳng biết giúp ai.

- Là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, ông có đưa ra ý kiến nào tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách để bảo vệ một nền kinh tế lành mạnh?

- Hãy tưởng tượng nền kinh tế như một cơ thể con người. Môi trường kinh doanh bên ngoài như môi trường xã hội, thời tiết..., và những quốc gia, đối tác thương mại khác như những cá thể khác. Sự tương tác qua lại giữa các cá thể, hay thậm chí là sự “bắt nạt”, lấn lướt là chuyện bình thường trong một thế giới sinh tồn lành mạnh giữa các thực thể sống. Và điều dễ hiểu là để một cơ thể chống đỡ được những tác động bên ngoài, phát triển vững chắc thì chính cơ thể đó trước tiên cần lành mạnh và cường tráng đã. Do đó, để làm cho nền kinh tế lành mạnh, trước hết là cần làm cho những yếu tố bên trong đó lành mạnh, có sức cạnh tranh. Muốn như thế, thì trước tiên cần để cho bộ phận nào có chức năng gì thì thực hiện đúng chức năng đó. Doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế thị trường, thì hãy để cho họ làm điều đó. Chính phủ cần đưa ra những chính sách sáng suốt, và thực thi chúng một cách cứng rắn, thì Chính phủ hãy tập trung làm điều đó.

Một lần nữa, quan điểm của tôi trong ứng xử thương mại với Trung Quốc hay bất cứ một nước nào khác là sự lành mạnh, thực dụng và can trường của chính nền kinh tế Việt Nam, chứ không phải đổ lỗi cho sự lấn lướt không biết giới hạn của người ngoài. Để làm được điều này một cách thực sự từ trong căn cốt, thì phải biết tôn trọng những giá trị của thị trường, những giá trị về sự công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giá trị mang tính kiến tạo văn minh của giới doanh nhân chứ không chỉ vinh danh họ như đối tượng để bóp nặn, và tiếp tục áp đặt những chi phí ngày càng cao lên giao dịch và hoạt động của họ. Cuối cùng, cần tự hỏi đã bao giờ chúng ta thực sự thấu hiểu giá trị đạo đức của sự cạnh tranh hay chưa?

Đinh Hương Bình

An ninh thủ đô



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng...

Chính phủ yêu cầu nỗ lực hơn nữa để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

Chính phủ vừa ban hảnh Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó yêu cầu các...

Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Sáng 8/4, tại kỳ họp thứ 21 (khóa X) nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Quảng Nam đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Phan Việt Cường và...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Việt Nam lọt tốp 20 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất châu Á

Trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, Việt Nam xếp thứ 6 với tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong năm 2024 dự kiến ở mức 7,41%.

HSBC duy trì dự báo GDP Việt Nam tăng 6%, kỳ vọng NHNN giữ nguyên chính sách tiền tệ đến 2025

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo "Vietnam at a glance: Bình tĩnh tiến bước" giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024...

Điều gì giúp xuất siêu liên tục lập kỷ lục?

Hoạt động thương mại của Việt Nam đạt kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024, với xuất siêu của kỳ quý 1 đã lập mốc kỷ lục mới. Phía sau xu hướng này là gì và...

UBKT Trung ương đề nghị kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung và nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho năm nay

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, GDP quý 1 tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước...

UOB: Triển vọng vẫn tích cực trong năm 2024

Kết quả khả quan vào đầu 2024 tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau năm 2023 đầy thử thách - theo nhận định trong Báo cáo tăng trưởng kinh...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98