Ưu đãi thuế thu nhập cũng bằng thừa?

30/05/2013 09:52
30-05-2013 09:52:56+07:00

Ưu đãi thuế thu nhập cũng bằng thừa?

Nhiều ĐBQH cho rằng, việc ưu đãi thuế đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)… cũng bằng thừa. Lý do là, hiện nay có tới 69% doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc không có thu nhập chịu thuế, do đó nếu giảm thuế xuống 20% hoặc sâu hơn nữa thì đa số doanh nghiệp cũng không được hưởng thụ vì không có thu nhập.

Theo Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội tập trung thảo luận sáng 29/5, SME (sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 20%.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ông Mai Hữu Tín

ĐBQH tỉnh Bình Dương, ông Mai Hữu Tín dự báo: “Với tiêu chí như trong Dự thảo, rất nhiều doanh nghiệp qua một đêm đã trở thành doanh nghiệp lớn và phải chịu thuế suất 22% thay vì 20%”.

Theo ông Tín, nếu muốn thực sự hỗ trợ SME thì Chính phủ cần đưa ra tiêu chí phù hợp hơn, ít nhất cũng phải tương đương theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp được quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghệp, lâm nghiệp và thủy sản có tổng nguồn vốn đến 100 tỷ đồng và sử dụng đến 300 lao động vẫn được coi là doanh nghiệp vừa)

“Tiêu chí để xếp loại SME có tính khả thi không cao và không có nhiều doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi này”, ĐBQH tỉnh Hà Nam, ông Phùng Đức Tiến và ĐBQH tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Tiến Sinh cùng nhận định.

Ông Tiến dẫn chứng, nếu doanh nghiệp “đủ tiêu chuẩn” áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, nhưng ký được một vài hợp đồng có giá trị thì “bỗng dưng” trở thành doanh nghiệp lớn và phải chịu thuế suất 22%.

“Để giảm nghĩa vụ đóng thuế, nhiều doanh đạt doanh thu 19,9 tỷ đồng dừng lại không làm nữa vì họ sợ phải đóng thuế cao hơn”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, áp thuế suất ưu đãi đối với SME theo tiêu chí sử dụng lao động và tổng tài sản thay vì tiêu chí sử dụng lao động và doanh thu hàng năm mới hợp lý, mới thực sự hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này.

Ông Đỗ Văn Vẻ, ĐBQH tỉnh Thái Bình tính toán, nếu doanh nghiệp sử dụng 100 lao động, trả lương với “giá bèo” là 3 triệu đồng/người/tháng thì một năm phải chi 3,6 tỷ tiền lương, nếu trả thêm tháng lương thứ 13 thì phải chi ít nhất 4 tỷ đồng (chưa kể hàng chục khoản chi khác cho người lao động). Để có được số tiền trả lương tối thiểu này, doanh nghiệp ít nhất phải đạt được 40 tỷ doanh thu/năm.

“Nếu vẫn sử dụng 2 tiêu chí như trong Dự thảo thì phải nâng tổng doanh thu lên ít nhất là 40 tỷ đồng/năm”, ông Vẻ đề xuất.

Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH Hà Nội, doanh nghiệp nào mà đạt cả 2 tiêu chí như Dự thảo thì hoặc là quá nhỏ, hoặc là kinh doanh không có lãi, không phải nộp thuế, tức là chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho SME cũng bằng thừa.

“Nếu doanh nghiệp nào đó có khoảng 200 lao động mà đạt doanh thu 20 tỷ đồng/năm thì đến lao động trong doanh nghiệp cũng không nuôi nổi chứ nói gì đến chuyện đóng thuế”, ĐBQH Trần Du Lịch (TP.HCM) đồng tình ủng hộ.

Vẫn theo ông Lịch, đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến khích mà trên thực tế rất ít đối tượng được hưởng thì khác gì đánh đố. “Tôi nghĩ rằng, nên sử dụng tiêu chí xếp loại doanh nghiệp quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP tức là căn cứ vào số lao động và tổng nguồn vốn của doanh nghiệp để xác định thế nào là doanh nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn”, ông Lịch đề xuất.

Trước sự phức tạp trong xếp loại doanh nghiệp để áp thuế suất 20%, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị xem xét áp dụng một mức thuế suất phổ thông 20% cho mọi doanh nghiệp ngay từ ngày 1/7/2013, không phân biệt doanh nghiệp lớn, doanh vừa hay doanh nghiệp nhỏ.

Lý do để đưa ra đề xuất trên, theo bà Hường, hiện nay có tới 69% doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc không có thu nhập chịu thuế, do đó nếu giảm thuế xuống 20% hoặc sâu hơn nữa thì đa số doanh nghiệp cũng không được hưởng thụ vì không có thu nhập.

Việc giảm thuế suất rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay bởi giúp những doanh nghiệp có lãi tăng cường thêm nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, việc xác định đủ điều kiện là SME để được hưởng thuế suất 20% sẽ gây nên rất nhiều tốn kém và dễ nảy sinh tiêu cực. Mặt khác có thể doanh nghiệp lớn hơn sẽ thực hiện chia tách để được hưởng thuế suất 20%.

ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Hậu Giang) vẫn muốn có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với SME. Bà Thủy đồng tình với các quan điểm phải nghiên cứu lại tiêu chí xếp loại doanh nghiệp và đề nghị, áp thuế 20% đối với khu vực SME kể từ ngày 1/7/2013, và kể từ 1/1/2016 nên áp thuế suất 18% cho khu vực này thay vì mức thuế suất phổ thông là 20%.

Mạnh Bôn

đầu tư







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đã có hơn 14,700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử

Chiều 25/03, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết toàn quốc có 14,727 cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử, chiếm 92.2%.

Khởi tố và bắt tạm giam nữ giám đốc mua bán hóa đơn khống tới 730 tỷ đồng

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án mua bán hóa đơn khống và trốn thuế với tổng số tiền giao dịch lên tới 730 tỷ đồng, bắt một nữ giám đốc.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để thực hiện hành vi lừa đảo...

Không thể khoanh nợ gần 1.000 tỷ đồng của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình

Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền nợ thuế của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đến hết tháng 11/2023 là 941,7 tỷ đồng.

Bộ Công Thương chỉ đạo hỏa tốc về việc thực hiện hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Ngày 18/3/2024, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các...

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi...

Vasep kiến nghị xem xét giữ nguyên thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu

Vasep đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành để đảm bảo sự công bằng và năng lực cạnh tranh cho...

Doanh thu xổ số năm 2023 đạt 153.037 tỉ đồng, tăng tới 11%

Bộ Tài chính nêu rõ toàn bộ nguồn thu từ xổ số được nộp vào ngân sách địa phương và hằng năm được Quốc hội phê duyệt để chi cho đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính: Tiến độ cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm

Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng giao do còn nhiều hạn chế ở khâu...

Tạm đình chỉ chi ngân sách một số đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Tài chính vừa có chỉ đạo liên quan đến việc chi ngân sách đối với một số đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB-XH.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98