Hy vọng mong manh cho Eurozone giữa thời kỳ u ám

19/08/2013 13:39
19-08-2013 13:39:28+07:00

Hy vọng mong manh cho Eurozone giữa thời kỳ u ám

Sau một giai đoạn dài suy thoái, những dữ liệu kinh tế mới nhất về sự phục hồi của các nền kinh tế châu Âu đã được chào đón trong hy vọng, nhất là khi Eurostat - Cơ quan thống kê thuộc Liên minh châu Âu (EU) thông báo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thoát khỏi suy thoái trong quý 2/2013.

Theo khảo sát sơ bộ của Eurostat, trong quý 2, Eurozone đã đạt mức tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó. Đây là số liệu tăng trưởng tích cực đầu tiên cho khu vực kể từ quý 3/2011. Dù mức tăng trưởng không cao và không đồng đều, song những kết quả vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp, ngành bán lẻ và kinh doanh đã phần nào cho thấy dấu hiệu chắc chắn về khả năng Eurozone đang dần thoát khỏi suy thoái.

Hơn ba năm qua, những khó khăn kéo dài của "lục địa già" đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu vì châu Âu vẫn được biết đến là một trong những đầu tàu kinh tế và khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Cuộc khủng hoảng nợ công đeo đẳng trong Eurozone đã khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác sụt giảm khi người tiêu dùng và giới kinh doanh châu Âu phải cắt giảm chi tiêu.

Trong quý 2 vừa qua, hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp đều có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mong đợi với mức tăng lần lượt 0,7% và 0,5%. Nếu trong quý 1, kinh tế Đức mới chỉ thoát khỏi nguy cơ suy thoái trong gang tấc, thì các số liệu trong quý 2 đã củng cố hy vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang trên đà tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng còn lại của năm nhờ vào nguồn thu từ xuất khẩu. Đối với Pháp, tốc độ tăng trưởng trong quý 2 cũng là mức cao nhất trong vòng hai năm qua.

Mức tăng sản lượng công nghiệp của EU trong tháng cuối cùng của quý 2 đạt 0,9%, đảo ngược so với mức giảm của những tháng trước đó. Trong các nước thành viên EU, Ireland có sản lượng công nghiệp tăng mạnh nhất với 8,7%. Còn Bồ Đào Nha, nước từng phải xin cứu trợ tài chính, đang phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng 1,1% và là mức tăng GDP lần đầu tiên kể từ năm 2010.

Theo nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Berenberg (Đức) Christian Schulz, tốc độ tăng trưởng của Bồ Đào Nha được đánh giá là mức tăng mạnh nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Điều này thể hiện một số nước trong Eurozone đang "nhấc chân" khỏi bãi lầy suy thoái.

Suy thoái kinh tế tại Eurozone là hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công, buộc các chính phủ đang chìm trong nợ nần phải áp dụng những biện pháp cắt giảm chi tiêu đầy đau đớn, khiến các nhà đầu tư lo lắng và gia tăng nghi ngại về khả năng tồn tại của Eurozone. Cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế đã tác động tiêu cực tới đời sống của người dân tại nhiều nước khu vực, khiến nền kinh tế chững lại và đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone lên mức cao kỷ lục là 12%, với 19 triệu người không có việc làm.

Tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, tỷ lệ này vẫn ở mức trên 26%, riêng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới hơn 50%. Còn Italy đã trải qua giai đoạn suy thoái lâu nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trên 12% và tỷ lệ thanh niên không có việc làm cũng là 39%.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh u ám như vậy, mức tăng trưởng trong quý 2 sẽ chấm dứt tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài trong 6 quý liên tiếp - quãng thời gian suy thoái dài nhất gây tác động lớn tới Eurozone kể từ khi khối này được thành lập năm 1999.

Tuy nhiên, đây mới là các số liệu tích cực đầu tiên, trong khi nhiều nền kinh tế khu vực cùng với hai nước không thuộc Eurozone là Bulgaria và Thụy Điển vẫn tăng trưởng âm trong quý 2. Tụt lại so với mức tăng trưởng chung của khu vực, các nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư của Eurozone là Italy và Tây Ban Nha lại suy giảm lần lượt 0,2% và 0,1%. Hà Lan cũng chứng kiến sự sụt giảm 0,2% trong quý 2, còn đảo Síp giảm tới 1,4%. Mặc dù Hy Lạp vẫn chưa cung cấp số liệu tăng trưởng, song nhiều khả năng GDP của nước này có thể giảm 4,6% so với quý 2 năm ngoái và là quý giảm thứ 20 liên tiếp.

Cho dù Eurozone đã thoát suy thoái, nhưng cuộc khủng hoảng nợ chắc chắn chưa qua. Theo ông Jonathan Loynes, kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Capital Economics, việc Eurozone trở lại với đà tăng trưởng nhẹ chưa thể giải quyết các vấn đề kinh tế và tài khóa trầm trọng tại nhiều quốc gia thành viên.

Còn nhà kinh tế trưởng Howard Archer của INS Global Insight nhận định sự phục hồi của Eurozone sẽ bị hạn chế bởi những “trở ngại nghiêm trọng” từ các nước đang gặp khủng hoảng nợ công. Những "trở ngại nghiêm trọng" này là chính sách tài khóa vẫn thắt chặt (cho dù một số nước đã được phép linh hoạt hơn), điều kiện về tín dụng tiếp tục chặt chẽ và lĩnh vực ngân hàng còn nhiều vấn đề lớn, thất nghiệp ở mức cao và sức mua của người tiêu dùng vẫn trầm lặng.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Olli Rehn cho rằng các nền kinh tế châu Âu đang dần lấy lại đà, song vẫn còn nhiều trở ngại đáng kể. Cho đến nay, sự phục hồi vẫn chưa phải xuất phát từ sự phát triển của đầu tư tư nhân, thu nhập, hay tiêu dùng gia tăng và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Gánh nặng của hệ thống tài chính công lớn và nạn thất nghiệp chắc chắn sẽ vẫn tác động xấu và khả năng tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ giảm tốc trong những quý tới. Dự báo sau năm 2015, khu vực này mới có thể quay lại vùng tăng trưởng mạnh.

Chấm dứt suy thoái kinh tế là một cột mốc quan trọng, nhưng khu vực châu Âu vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, bởi duy trì đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh sức ép từ các chính sách "thắt lưng buộc bụng," tỷ lệ thất nghiệp cao, lòng tin của người tiêu dùng và đầu tư ở mức thấp... thực sự là một bài toán nan giải.

vietnam+





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Trung Quốc: Khủng hoảng bất động sản lan sang các ngân hàng lớn nhất, nợ xấu tăng vọt

Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang lan rộng sang các ngân hàng lớn nhất của đất nước này, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh.

Bộ Tài chính Nhật Bản cam kết hành động quyết liệt nếu đồng yen tiếp tục giảm

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản nhấn mạnh sẽ có hành động thích hợp và "không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào" để đối phó với biến động quá mức...

Đồng Yên Nhật xuống đáy 34 năm

Đồng nội tệ Nhật Bản đã rơi xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD, từ đó làm dấy lên đồn đoán giới chức nước này sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Singapore siết chặt quản lý các quỹ gia đình

Quỹ gia đình ở Singapore chỉ có thời hạn tối đa một tháng để cung cấp thêm thông tin cho Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) khi được yêu cầu. Nếu không, đơn xin mở quỹ...

Tài sản của Donald Trump tăng thêm 4 tỷ USD trong 1 ngày

Việc Trump Media hoàn tất thương vụ sáp nhập đã giúp tài sản của ông Donald Trump tăng lên 6.5 tỷ USD.

Đằng sau nghịch lý đồng yen giảm khi BoJ nâng lãi suất

Đồng yen suy yếu sẽ nâng đỡ lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng lại tác động tiêu cực đến các hộ gia đình vì nó làm tăng giá hàng nhập khẩu.

Vốn khởi nghiệp ở Ấn Độ: Từ đỉnh cao đến vực sâu

Mức định giá của công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ giáo dục Byju’s từ 22 tỉ đô la Mỹ xuống khoảng 200 triệu đô la chỉ trong chưa đầy 2 năm là minh chứng rõ...

Trung tâm tài chính (Financial Hub) toàn cầu đặt ở đâu?

Cùng tìm hiểu nơi đặt các trung tâm tài chính toàn cầu trên thế giới và tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển của một trung tâm tài chính.

CapitaLand bán tháo bất động sản

CapitaLand Group gần đây liên tục bán các bất động sản ở Nhật Bản và Trung Quốc thông qua các công ty con. Riêng tại Trung Quốc, tập đoàn này đã thoái khoảng 3 tỷ...

Evergrande bị cáo buộc gian lận 78 tỷ USD trong năm 2019-2020, ai đã kiểm toán cho họ?

Trong giai đoạn 2019-2020, tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande bị cáo buộc gian lận kế toán số tiền lên đến 78 tỷ USD, một con số đáng kinh ngạc và gây chấn...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98