Thủy điện Tây Nguyên: Quá lo thành lỡ cơ hội?

04/09/2013 15:02
04-09-2013 15:02:37+07:00

Thủy điện Tây Nguyên: Quá lo thành lỡ cơ hội?

Đã có những ý kiến lo ngại về tác động tiêu cực của các thủy điện nhỏ và đề xuất dừng các thủy điện dạng nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, khi những tranh cãi này chưa ngã ngũ thì có nhiều dự án lớn lại đang bị mắc kẹt, có những dự án nguy cơ lỡ cơ hội. Trong khi đó, không thể phủ nhận, thủy điện vẫn là năng lượng quan trọng bậc nhất của cả nước trước mắt và lâu dài.

Khu vực Tây Nguyên có 118 dự án thủy điện được hoàn thành, phát điện với tổng công suất 5.798 MW và 75 dự án đang thi công với tổng công suất thiết kế 1.945,2 MW.

Hằng năm, các dự án thủy điện đã vận hành trên địa bàn Tây Nguyên đang đóng góp khoảng 20% tổng công suất cho hệ thống điện quốc gia và đóng góp cho ngân sách nhà nước và xã hội khoảng 6.500 tỷ đồng thông qua việc nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng.

Trong khi đó, chỉ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6,6A với công suất thiết kế 241MW đã chiếm tỷ lệ bằng 12,3% tổng công suất của 75 dự án đang thi công. Mỗi năm, hai dự án có thể cung cấp sản lượng điện gần 1 tỷ kWh với giá trị sản lượng điện lên đến 1.000 tỷ đồng.

Khu vực đặt nhà máy.

Ngoài ra, hai dự án sẽ đóng góp cho ngân sách từ các khoản thuế bình quân là 322,7 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ đồng/ngày, toàn bộ chu kỳ kinh tế 40 năm là 12.908 tỷ đồng và còn tiếp tục đóng góp trong nhiều năm sau đó. Điều này không chỉ góp phần tăng thu nguồn ngân sách nhà nước mà còn có ý nghĩa tích cực trong phát triển kinh tế địa phương.

Ông Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6A nhấn mạnh: "Việc xây dựng hai dự án này sẽ góp phần phát triển du lịch đường sông từ trung tâm huyện đến thôn 3, thôn 4 xã Phước Cát 2 theo chủ trương của huyện Cát Tiên đến năm 2020. Nếu dự án thủy điện được xây dựng hòa lưới điện quốc gia tỉnh sẽ được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng cao"

Là một trong những công trình thủy điện cuối cùng trong quy hoạch thủy điện trên các sông của Chính phủ, dù đã được khởi động từ lâu nhưng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lại đang gặp những vướng mắc và tranh cãi chưa có hồi kết.

Nói về thân phận dự án này, GS. Nguyễn Ngọc Lung,Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ, thành viên Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nhận xét: "Dự án này "đầu thai" không đúng thế kỷ. Trước kia, các dự án được duyệt một cách cởi mở, nay kinh nghiệm thực tế thấy đã bộc lộ nhiều rủi ro nên đã thận trọng và khắt khe hơn. Sinh ra vào thời điểm khắt khe thì dù ưu việt vẫn phải xem xét kỹ hơn, khó được chấp nhận hơn. Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong diện đó".

Đồng ý kiến này, nhiều chuyển gia đã cho rằng, mặc dù quy mô không quá nhỏ lại có nhiều ưu việt, nổi bật hơn hẳn so với nhiều dự án thủy điện khác , nhưng Đồng Nai 6 và 6A vẫn đang mặc kẹt trong luông dư luận lo ngại thái quá về thủy điện, khiến dự án bị nâng lên đặt xuống suốt 7 năm trời. Đặc biệt, trước những thông tin mới đây về thủy điện nhỏ khiến cho nhiều ý kiến đánh giá dự án nặng về mặt trái và những tác động tiêu cực nếu có. Trong khi đó, những giá trị nổi bật so với nhiều công trình thủy điện khác lại chưa được nhìn nhận đúng mức.

Một trong những lo ngại khi làm thủy điện là mức đọ chiếm dụng rừng. Chỉ tính riêng 25 công trình thủy điện lớn đã và đang thi công tại Tây Nguyên đã chiếm dụng 68.195 ha đất, ảnh hưởng đến 25.712 hộ dân. Tính trung bình 1MW thủy điện lớn đã chiếm dụng 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của 5,5 hộ dân trong đó 1,5 hộ phải di dời, 1MW thủy điện nhỏ chiếm dụng 8,7 ha đất, ảnh hưởng đến 1,3 hộ dân.

Bên cạnh đó, một số nhà máy thủy điện còn gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô, gia tăng lũ lụt trong mùa mưa, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống vùng hạ lưu.

Tuy nhiên ở hai dự án Đồng Nai 6 và 6A lại có nhiều ưu điểm hơn hẳn với công suất 241 MW mà diện tích sử dụng đất chỉ 372,23 ha, trong đó diện tích chiếm đất lâu dài là 323,53 ha tương đương tỷ lệ 1,34 ha/MW.

Với các con số này, đây là dự án thủy điện lớn có kỷ lục về diện tích đất bị ảnh hưởng là ít nhất trong số các dự án thủy điện lớn ở Việt Nam.

Trong khi đó, phạm vi khu vực dự án không có dân cư sinh sống và cũng không có đất nông nghiệp nên các dự án này không phải thực hiện công tác di dân, tái định cư, điều này sẽ không gây ra xáo trộn đời sống, văn hóa của dân cư đang sinh sống tại khu vực.

Đặc biệt, hai nhà máy thủy điện sử dụng loại tuabin Kaplan với chế độ vận hành xả nước phát điện liên tục 24/24 với mức lưu lượng thấp nhất là 68m3/s có tác dụng điều hòa lại dòng chảy cho hạ du bị gián đoạn và dao động lớn do chế độ xả phát điện hàng ngày không liên tục của thủy điện bậc trên.

Chính vì thế, trong đánh giá mới đây, các thành viên hội đồng thẩm định cho rằng, đây là một trong những công trình thủy điện cuối cùng trong quy hoạch thủy điện trên các sông của Chính phủ, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tích hợp những công nghệ tiên tiến trong sản xuất điện năng, cải tiến kỹ thuật đảm bảo dòng chảy môi trường, đảm bảo giảm diện tích chiếm đất đến mức thấp nhất nhưng mang lại giá trị kinh tế, giá trị sản lượng điện ở mức cao nhất.

Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận mà nhà đầu tư đã theo đuổi trong suốt 7 năm qua để hướng đến xây dựng một nhà máy hiệu quả về nhiều mặt và mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, xã họi, môi trường.

Mai Châu

vietnamnet





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98