Chiêu chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng của bầu Kiên

20/12/2013 13:41
20-12-2013 13:41:35+07:00

Chiêu chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng của bầu Kiên

Chỉ đạo cấp dưới soạn thảo quyết định không có thật của HĐQT rồi tự ký biên bản chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công ty Thép Hoà Phát, ông Kiên bị cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng.

* Bầu Kiên bị cáo buộc thao túng ngân hàng ACB như thế nào?

Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội – ACBI do ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) làm chủ tịch HĐQT, sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát. Ngày 11/5/2010, bầu Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI) ký hợp đồng thế chấp gần 22,5 triệu cổ phần Thép Hoà Phát cho ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Đầu tháng 4/2012, bầu Kiên biết Hoà Phát có chủ trương tăng sở hữu vốn của tập đoàn tại các công ty thành viên, trong đó có Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát. Theo đề nghị của ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT) và ông Trần Tuấn Dương (Tổng công ty Cổ phần Thép Hoà Phát) bầu Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hoà Phát với giá 13.200 đồng một cổ phần, tương ứng với tổng số tiền 264 tỷ đồng.

Ngày 5/5/2012, bầu Kiên chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng công ty ACBI) soạn thảo văn bản để giám đốc Trần Ngọc Thanh ký gửi Ngân hàng ACB và Công ty TNHH Chứng khoán ACB – ACBS đề nghị xem xét cho giải toả 20 triệu cổ phần trong tổng số gần 22,5 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát đang thế chấp tại ngân hàng cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng do ACBI phát hành và bổ sung bằng hơn 7,4 triệu cổ phiếu Ngân hàng Eximbank tương đương mệnh giá hơn 74 tỷ đồng.

Ngày 14 và 23/5/2012, đại diện ACBS trả lời cho ACBI thông qua Yến với nội dung: Giá trị tài sản bảo đảm còn thiếu sau khi ACBI rút 20 triệu cổ phần và bổ sung hơn 7,4 triệu cổ phần của Ngân hàng Eximbank. ACBI phải có phương án, kế hoạch bổ sung tài sản bảo đảm còn thiếu để có hướng xử lý. Khi Yến báo cáo lại, ông Kiên không có ý kiến chỉ đạo hay hướng giải quyết gì.

Đến ngày 12/9/2012, lãnh đạo Ngân hàng ACB và các thành viên Uỷ ban tín dụng đã hợp bàn, kết luận không đồng ý giải chấp theo đề nghị của ACBI đồng thời khẳng định gần 30 triệu cổ phẩn Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát (trong đó gần 22,5 triệu cổ phần thế chấp cho trái phiếu và gần 7,5 triệu cổ phiếu thế chấp cho khoản vay) vẫn đang thế chấp tại ngân hàng ACB và ACB chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phiếu này.

Ngày 15/5/2012, Công ty ACBI không tổ chức họp HĐQT nhưng bầu Kiên vẫn chỉ đạo Yến soạn thảo Quyết định để ông ta ký và Biên bản họp HĐQT ký thể hiện chủ trương, thống nhất của các thành viên trong HĐQT đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần trên.

Biệt thự hoành tráng của bầu Kiên ở ven Hồ Tây

Bầu Kiên đã chỉ đạo Yến chuyển những giấy tờ này cho phía tập đoàn Hoà Phát và nhận bản dự thảo hợp đồng từ Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát. Ông Kiên ký nháy và giao cho giám đốc Thanh ký, đóng dấu để thực hiện.

Ngày 21/5/2012, ông Thanh ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát do ông Kiều Chí Công (giám đốc đại diện) về việc bán lại 20 triệu cổ phần này, tương ứng 264 tỷ đồng. Tại điểm I, khoản 5, công ty ACBI cam kết: “Đảm bảo số cổ phần và quyền tiếp tục góp vốn, các quyền và lợi ích khác có liên quan được chuyển nhượng, chuyển giao cho công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát đầy đủ theo hợp đồng này thuộc sở hữu hợp pháp của công ty ACBI, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc chưa thực hiện bất ký nghĩa vụ bảo đảm với bất ký tổ chức hoặc cá nhân nào”.

Nhận được số tiền trên từ đối tác, ông Kiên đã chỉ đạo Thanh ký uỷ nhiệm chi để trả lãi hơn 119 tỷ đồng cho Ngân hàng ACB, bản thân ông Kiên nhận trực tiếp tiền mặt 72,5 tỷ đồng để sử dụng riêng. Một phần trong số 264 tỷ còn lại được chi trả lãi vay phát sinh trong giao dịch trạng thái vàng cho ACB, góp vốn vào một công ty ở TP HCM.

Sau khi bầu Kiên bị bắt về tội Kinh doanh trái phép, ngày 20/8/2012, công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát mới “ngã ngửa” vì chưa nhận đươc 20 triệu cổ phần chuyển từ ACBI. Khi cơ quan điều tra Bộ Công an yêu cầu ACBI nộp trả toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng, thì trong tài khoản của công ty chỉ còn hơn 53 tỷ.

Từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 7 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra mới thu giữ được toàn bộ 264 tỷ đồng từ các nguồn mà ACBI đã sử dụng trước đó, và trả lại cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát.

Với nhận định hành vi trên là gian dối để chiếm đoạt tiền, VKSND Tối cao cáo buộc bầu Kiên cùng Thanh, Yến có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng, bị can Thanh, Yến chỉ là người làm công và hưởng lương, không được hưởng lợi ích gì từ hành vi lừa đảo của bầu Kiên nên đề nghị toà xem xét khi lượng hình.

Để đảm bảo cho quá trình thi hành án, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên 3 bất động sản do bầu Kiên và vợ đứng tên sở hữu, đề nghị ngân hàng ACB phong toả toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do ông Kiên và người thân sở hữu tại ngân hàng này.

Năm 2010, trong danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của ông Kiên được đánh giá là 805 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu ACB mà gia đình ông Kiên nắm giữ tính tới cuối 2010 đạt giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngoài tài chính - ngân hàng và bóng đá, ông Kiên đầu tư vào du lịch, may mặc, dầu khí, dịch vụ… Ông Kiên từng là Chủ tịch của Liên doanh nhựa đường Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam...

Ông còn được biết đến như người đầu tiên đầu tư mạnh tay vào bóng đá, từng là Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội ACB và là Phó chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá VPF.


Việt Dũng

vnexpress







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98