Siêu lừa Huyền Như "xỏ mũi" đại gia thế nào?

19/12/2013 13:58
19-12-2013 13:58:25+07:00

Siêu lừa Huyền Như "xỏ mũi" đại gia thế nào?

Vì hám lợi, nhiều đại gia đã bị Huỳnh Thị Huyền Như xỏ mũi và cay đắng nhìn hàng nghìn tỷ đồng của mình "một đi không trở lại".

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chuẩn bị được đưa ra xét xử tại TAND TP. HCM vào đầu tháng 1 tới đây, có 9 pháp nhân được xác định là nguyên đơn dân sự.

Các pháp nhân này đã gửi cho Huyền Như nhiều nghìn tỷ đồng, bởi miếng mồi dẫn dụ là khoản lãi suất chênh lệch.

Đơn cử trường hợp của Công ty Thái Bình Dương. Đầu năm 2010, qua “mai mối” của một nhân viên chứng khoán, bà Huyền Như biết Công ty Thái Bình Dương có nguồn tiền muốn gửi và đã đàm phán với Giám đốc Phạm Anh Tuấn của công ty này để huy động tiền về Vietinbank.

Trong hơn 1 năm, từ tháng 3/2010, đến tháng 6/2011, bà Như đã làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương, ký giả chữ ký của giám đốc để huy động số tiền khủng lên tới 1.493 tỷ đồng, lãi suất trong hợp đồng từ 10,49% đến 14%, lãi suất chênh lệch từ 1% - 4%.

Cùng với thủ đoạn tương tự, bà Như đã tiếp cận và đàm phán với 3 công ty gồm Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên huy động hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất từ 18 - 22%/năm tùy số lượng tiền gửi.

Cơ quan điều tra xác định, chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Như đã lập 110 hợp đồng tiền gửi huy động của 3 công ty nói trên số tiền 2.496 tỷ đồng. Đến nay Như đã trả được cả gốc lẫn lãi là 902,9 tỷ đồng còn chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng.

Có 2 công ty chứng khoán đã dính líu đến vụ án này. Cụ thể, CTCK Saigonbank - Berjaya (SBBS), đã gửi 225 tỷ đồng vào Vietinbank Nhà Bè với lãi suất theo hợp đồng là 14%/năm và phía ngoài hợp đồng từ 16 – 18%/năm, tổng cộng là 32 – 36%/năm. Đến nay bà Như mới hoàn trả cho công ty chứng khoán này 22 tỷ đồng gốc và lãi, chiếm đoạt 210 tỷ đồng.

Trong vụ này, hai nhân viên công ty chứng khoán cũng được chia chác khá “đậm”. Người đã môi giới thương vụ này cho bà Như được chia 20 tỷ đồng (bà Như khai là 30 tỷ đồng), người này khai chỉ lấy 7 tỷ đồng, còn 13 tỷ đồng đã chia cho Kế toán trưởng của SBBS.

Tiếp đến là CTCK Phương Đông (ORS) và CTCP Đầu tư An Lộc đã gửi vào Vietinbank TP. HCM 1.860 tỷ đồng, lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng là 5 – 5,5%/năm. Đến nay đã quyết toán 1.310 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 550,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn nhiều pháp nhân khác như Ngân hàng ACB (bị chiếm đoạt 701,8 tỷ đồng), Bảo hiểm Toàn cầu (125 tỷ đồng), Ngân hàng Navibank (200 tỷ đồng), VIB TP. HCM (180 tỷ đồng), Công ty ZenPlaza (45,5 tỷ đồng)

Để lừa được các công ty nói trên tin tưởng gửi tiền, thủ đoạn của Như là dùng hợp đồng giả, ký giả, rồi gửi cho ông Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè để góp ý cho phù hợp với điều khoản hợp đồng của Vietinbank Nhà Bè. Khi đối tác đã “duyệt”, Như ký giả chữ ký ông Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè, người sau này bị khởi tố cùng với bà Như rồi đóng dấu thật vào hợp đồng.

Sau đó, để rút được tiền của các công ty này gửi vào Vietinbank Nhà Bè, Như yêu cầu các công ty mở tài khoản tại Vietinbank. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản, bà Như đã ký giả các lệnh chi để trả tiền cho các khoản vay đến hạn đã vay trước đó. Đồng thời, Như cũng thuê người khắc một loạt con dấu của các công ty trên để khi cần là có thể đóng dấu ngay.

Hoàng Duy

đtck





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (3)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98