Cú bật bất ngờ của Vietcombank

02/01/2014 13:51
02-01-2014 13:51:32+07:00

Cú bật bất ngờ của Vietcombank

Trao đổi nhanh với VnEconomy trong ngày đầu tiên của năm 2014, ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết một số kết quả cơ bản đạt được trong năm vừa qua.

Trong lần trao đổi trước, đầu tháng 9/2013, một tháng sau khi tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc Vietcombank, ông Thành dự tính mục tiêu hàng đầu của ngân hàng mình là kích thích tín dụng tăng trưởng hợp lý hơn, dự kiến cả năm 2013 sẽ đạt tối thiểu 10%.

Mục tiêu đó dồn lại trong 5 tháng cuối năm, khi 6 tháng đầu năm 2013 tín dụng của Vietcombank tăng trưởng âm 1,49% và đến cuối tháng 7 vẫn chấp chới -0,1%.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2013, tín dụng của ngân hàng này liên tục tăng mạnh, thậm chí “đi trước kế hoạch” cho cả năm 2014.

Ông Thành cho biết, kết thúc năm 2013, tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 13%, cao hơn mục tiêu dự kiến; và năm 2014 hiện đã sẵn có khoảng 6% tăng trưởng theo kế hoạch giải ngân.

Tổng giám đốc Vietcombank lý giải, tốc độ trên một phần có từ yếu tố thời vụ, tín dụng thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Mặt khác, ngân hàng này đã chủ động hơn trong việc tiếp cận, tìm kiếm các dự án hiệu quả, các khách hàng lớn. Bên cạnh ưu đãi lãi suất, Vietcombank có lợi thế trong tiếp cận là bán chéo các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là thế mạnh trong cung ứng ngoại tệ…

Trong hai tháng cuối năm, ngân hàng này liên tục ký loạt dự án lớn với Tổng công ty Khoan thăm dò khai thác dầu khí, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than và khoáng sản, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines… Trong đó, có những điểm đến mới mà trước nay Vietcombank chưa “len” vào được.

Cách đây ít ngày, ngân hàng này đã giải ngân 40 triệu USD cho Tập đoàn Viettel và tiếp tục triển khai gói tín dụng trị giá 200 triệu USD. Tương tự là việc giải ngân 53 triệu USD cho Vietnam Airlines mua 2 máy bay mới, nối tiếp cũng sẽ là gói quy mô 200 triệu USD… Cùng với loạt hợp đồng ký trong tháng 12/2013, Vietcombank có cơ sở để tính toán có ngay 6% tăng trưởng tín dụng cho năm mới này.

Theo ông Thành, tín dụng tăng trưởng tốt hơn cũng là yếu tố chính để Vietcombank đạt lợi nhuận kỷ lục trong tháng 12 vừa qua. Hệ số sử dụng vốn từ mức 70% đã được nâng lên 80%. Cả năm 2013, lợi nhuận ngân hàng này ước đạt trên 5.600 tỷ đồng và sẽ đặt mục tiêu có kết quả tốt hơn trong năm 2014.

Kết quả tốt hơn, bởi như ông Thành nói, Vietcombank đang nỗ lực lấy lại những gì vốn có: “Những năm qua các ngân hàng khác đã chạy nhanh, còn mình thì cứ đứng, đứng lâu quá, cần phải có tốc độ hợp lý hơn, nên năm tới sẽ rất quyết liệt”.

Đứng lâu quá, vì một so sánh cho thấy, 8 năm về trước, Vietcombank dẫn đầu hệ thống một cách vượt trội; lợi nhuận bằng tổng lợi nhuận của 10 ngân hàng đứng sau cộng lại, bao gồm cả những “ông lớn” như BIDV, VietinBank, Agribank… Tuy nhiên, sức ì của Vietcombank thể hiện rõ, khi qua 8 năm lợi nhuận chỉ từ 3.800 tỷ đồng lên hơn 5.000 tỷ đồng, trong khi một so sánh trực tiếp là VietinBank đã từ 780 tỷ đồng lên tới khoảng 8.500 tỷ đồng trong khoảng thời gian đó.

“Chúng tôi đang nỗ lực lấy lại những gì vốn có. Bản thân nội bộ Vietcombank cũng có nhiều chuyển biến, với cách làm việc mới tạo ra sức ép mới, không khí mới”, ông Thành nói.

Cú bật trong 5 tháng cuối năm 2013 của Vietcombank gợi hy vọng sẽ có kết quả quyết liệt hơn trong năm 2014. Nhưng ông Thành nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ tập trung ở những lĩnh vực an toàn, cũng như phải chủ động hơn trong quản lý chất lượng nợ”.

5 tháng cuối năm 2013, một kết quả nổi bật khác tại ngân hàng này là việc thu hồi được các khoản ngoại bảng, nợ xấu với quy mô gấp 3 lần so với kết quả của 7 tháng đầu năm. Và đây cũng là một trong số ít ngân hàng đã chủ động thực hiện áp dụng trước Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Đến tháng 6/2014 các ngân hàng mới phải áp các tiêu chuẩn khắt khe hơn về phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định của Thông tư 02. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, từ tháng 11/2013, Vietcombank đã chủ động chạy song song hai cơ chế, phân loại theo quy định hiện hành với Quyết định 493 và theo Thông tư 02. Điều này được giải thích là nhằm chủ động quản lý rủi ro, tránh bị “sốc” khi đột ngột áp dụng cơ chế mới.

“Việc áp dụng song song hai cơ chế trên để đánh giá mức độ chênh lệch, vì sao chênh lệch, rà soát từng trường hợp để có giải pháp xử lý trước, thu hẹp được chênh lệch trước khi chính sách có hiệu lực”, ông Thành giải thích.

Sau kỳ bận rộn chuyển giao giữa năm cũ với năm mới, ông Thành cho biết sẽ sẵn sàng trả lời một cách tổng thể và toàn diện về tình hình hoạt động của Vietcombank. Còn thời điểm này, nhiều cán bộ và lãnh đạo Vietcombank đang tập trung mỗi ngày 12-13 giờ làm việc để chuẩn bị cho năm 2014 quyết liệt hơn, với áp lực và kỳ vọng lớn hơn.

Minh Đức

vneconomy





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tăng cường đảm bảo an toàn trong mua, bán ngoại tệ

Ngày 23/04/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM vừa có văn bản về việc phối hợp tuyên truyền đến người dân quy định về hoạt động mua bán ngoại tệ.

LPBank triển khai ngay Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 về việc tăng vốn điều lệ

LPBank vừa thông qua Nghị quyết Hội đồng Quản trị (HĐQT) về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.

TPBank đặt kế hoạch lợi nhuận 7,500 tỷ tăng 34% năm 2024, kết quả tích cực ngay từ quý đầu

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HOSE: TPB) đã tổ chức thành công Đại hội Cổ Đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023...

Lạm phát và câu chuyện đánh đổi trong điều hành chính sách tiền tệ

Lạm phát và chính sách điều hành lãi suất từ Fed là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia...

Tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do vẫn nóng

Sức nóng của USD trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao khiến tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do tiếp tục leo dốc dù Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo sẵn...

Áp lực tỷ giá USD và 'bàn tay' hữu hình

Từ cuối tháng 3-2024 tới nay, đồng đôla Mỹ tiếp tục tăng giá so với nhiều đồng tiền trên thế giới, đã gây áp lực lên chính sách điều hành của nhiều nước, đặc biệt...

TS. Phạm Xuân Hòe: Tiền chạy sang vàng, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi

TS. Phạm Xuân Hòe khẳng định tiền gửi ngân hàng giảm trong quý 1 chính là do dịch chuyển sang vàng khi lợi nhuận từ việc nắm vàng từ đầu năm đã tăng lên rất cao.

Công ty tài chính đua nhau báo lỗ, thị trường tài chính tiêu dùng còn cửa sáng?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân dự báo, trong năm nay, tình hình thị trường tài chính tiêu dùng khó có thể khởi sắc ngay, cần thêm thời gian để tạo sự đột phá.

VIB: Doanh thu tăng 8%, lợi nhuận quý 1 đạt hơn 2,500 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (HOSE: VIB) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với kết quả tích cực, bảng tổng kết tài sản vững mạnh và hiệu quả hoạt động duy...

Giá USD “nóng rực”

Tuần qua (15-19/04/2024), sức nóng của đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng do nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn được đẩy mạnh khi căng thẳng địa chính trị...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98