Vì đâu quý 4 bất ngờ hụt thu, cả năm lỗ đậm?

25/02/2014 09:01
25-02-2014 09:01:37+07:00

Vì đâu quý 4 bất ngờ hụt thu, cả năm lỗ đậm?

Không thiếu những doanh nghiệp trên sàn buồn lòng bởi những khoản chi từ trên trời rơi xuống vào quý 4 đã bào mòn thành quả cả năm đạt được. Không những vậy mà còn tạo ra khoản lỗ đậm chưa từng có trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Bảng kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2013

Bất ngờ lỗ kỷ lục

Một trong những doanh nghiệp điển hình rơi vào trường hợp này, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) lần đầu tiên công bố lỗ kể từ năm 2006. Chính bởi khoản lỗ 52 tỷ đồng trong quý 4/2013 đã ăn mòn hết lợi nhuận ở các quý trước và khiến cả năm bị lỗ 16 tỷ đồng.

Nguyên nhân được Bỉm Sơn trình bày là do đã mua 76.9% cổ phần của CTCP Xi măng miền Trung từ tháng 5/2013. Ngoài ra, trong quý 4 xảy ra sự cố của hộp giảm tốc dẫn đến giá vốn hàng bán tăng 11% và do yếu tố tỷ giá cuối kỳ mà chi phí tài chính tăng 38%.

Bất ngờ không kém, quý 4/2013 cũng là quý lịch sử trong quá trình hoạt động của CTCP Xi mặng Vicem Hải Vân (HVX). Trong quý, HVX ghi nhận doanh thu thuần đạt 168 tỷ đồng, giảm 12%; lỗ ròng 15.5 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất từ trước đến nay. Cũng chính khoản lỗ này đã khiến cho HVX có năm đầu tiên báo lỗ kể từ 2008. Xem kỹ hơn BCTC quý 4/2013, bên cạnh doanh thu giảm thì chi phí tài chính tăng mạnh lên 15 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước cũng là nguyên nhân tạo nên khoản lỗ lớn trên. Đây là khoản lãi vay và chênh lệch tỷ giá vay dài hạn do đầu tư mua lại Nhà máy xi măng Vạn Ninh.

CID ghi nhận doanh thu thuần chỉ 83 triệu đồng trong quý 4/2013, đóng góp chưa đến 7% doanh thu thuần cả năm. Với khoản thu khiêm tốn, hoạt động khác bị lỗ 1.1 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của CID bị âm gần 2 tỷ đồng. Trong khi các quý trước, có quý thì lãi 2 triệu đồng, 10 triệu đồng và có quý lỗ 46 triệu đồng thì khoản lỗ gần 2 tỷ đồng riêng quý 4 đã trở thành khoản lỗ của cả năm. Và đây cũng là năm đầu tiên CID lỗ trong cả quá trình hoạt động kể từ năm 2004.

Với HLG, năm 2013 cũng là năm đầu tiên công bố lỗ và mức lỗ 214 tỷ đồng thực sự gây sốc bởi nó quá lớn so với giá trị lãi chưa đến 100 tỷ đồng ở các năm trước.

Lỗ lớn do dự phòng

MCG lại do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, giảm giá khoản đầu tư tài chính lớn mà quý 4/2013 lỗ hợp nhất đến 171 tỷ đồng, chiếm trọn khoản lỗ ròng cả năm. Đồng thời cũng lập kỷ lục là năm đầu tiên báo lỗ và giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong khi lãi ròng các năm trước chỉ ở mức vài chục tỷ đồng. Bên cạnh nguyên nhân trích lập dự phòng lớn như MCG đã giải trình thì khi soi kết quả kinh doanh cũng dễ dàng nhận thấy doanh thu thuần quý 4 đã giảm rất mạnh, xuống 197 tỷ đồng, bằng 30% cùng kỳ năm trước. Xét lũy kế cả năm thì doanh thu thuần chỉ đạt 802 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2012.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Intresco (HOSE: ITC) cũng là một trong những doanh nghiệp hụt hơi trong quý 4 khi mà lỗ ròng lên đến 266 tỷ đồng, chiếm đến 91% tổng số lỗ cả năm. Nguyên nhân được ITC cho biết là trong quý công ty mẹ trích lập dự phòng giảm giá dự án Intresco Tower lên đến 240.9 tỷ đồng làm giá vốn hàng bán tăng mạnh lên 278 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ 41 tỷ đồng. Đây có thể nói là quý lỗ nặng nhất trong quá trình hoạt động của ITC, đồng thời đóng góp đến 91% giá trị lỗ trong năm 2013. Từ đó mà lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ITC bị âm 233.8 tỷ đồng, trong khi cuối năm trước khoản mục này vẫn dương 57.7 tỷ đồng.

Cùng câu chuyện, trong quý 4, công ty Tài Nguyên (TNT) tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và dự phòng phải thu khó đòi. Đồng thời, TNT cũng tiến hành chuyển nhượng vốn góp tại 2 công ty liên kết là CTCP Phú Hà Hòa Bình và CTCP Đầu tư Tài nguyên Đất Việt, do đó tạo ra khoản lỗ trong hoạt động tài chính.

Trong quý, nguồn thu của TNT thực hiện được bao gồm 7.5 tỷ đồng doanh thu thuần, 12 tỷ đồng doanh thu tài chính. Nhưng chi phí bỏ ra thì lớn hơn rất nhiều như chi phí quản lý doanh nghiệp lại lên đến 20.4 tỷ đồng, chi phí tài chính 15.9 tỷ đồng. Với việc thu nhỏ giọt mà chi thì quá lớn đã khiến cho TNT bị lỗ nặng 25 tỷ đồng riêng trong quý 4 và lũy kế cả năm lỗ 25.4 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai TNT báo lỗ và mức lỗ này tăng gấp 10 lần mức lỗ ở năm 2012.

Đối diện với nguy cơ hủy niêm yết

CTCP Sông Đà (SJM) sau nhiều quý lỗ liên tiếp thì trong quý 2 và 3 năm 2013 bắt đầu có lãi, dù chỉ vài trăm triệu đồng nhưng đã nhen nhóm chút hi vọng cho cổ đông. Song khi kết quả kinh doanh quý 4 của công ty mẹ được công bố thì cả một sự thất vọng nặng nề. Bởi, trong quý 4/2013 công ty mẹ chỉ thực hiện được 4 tỷ đồng doanh thu, bằng 1/10 cùng kỳ năm trước. Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp lại đột ngột tăng vọt lên 24 tỷ đồng. Từ đó mà công ty mẹ SJM bị lỗ lên đến 28 tỷ đồng, kéo theo kết quả cả năm lỗ ròng 28 tỷ đồng mức lỗ cao nhất từ trước đến nay.

Nếu như BCTC hợp nhất kiểm toán không có sự thay đổi nào đặc biệt so với BCTC công ty mẹ thì SJM sẽ bị buộc phải hủy niêm yết do 3 năm liên tiếp báo lỗ.

Một đơn vị khác, Ô tô Giải Phóng (GGG) cũng phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc khi rơi vào cả hai trường hợp vừa lỗ 3 năm liên tiếp, vừa lỗ lũy kế vượt vốn đầu tư của chủ sở hữu sau khi BCTC qúy 4/2013 được công bố.

Trong khoản lỗ 64.4 tỷ đồng của năm 2013 thì riêng quý 4 đã đóng góp đến 89% với 57.4 tỷ đồng. Quý 4, GGG kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp 4.8 tỷ đồng, mặt khác chi phí tài chính đột ngột tăng cao gấp 7 lần cùng kỳ năm trước lên 44.6 tỷ đồng. Chính 2 điểm này đã mang về khoản lỗ lớn như trên cho GGG.

Bên cạnh các doanh nghiệp đặc biệt trên thì BTS cũng cần nhắc đến khi lỗ ròng riêng quý 4 đã chiếm trên 70% khoản lỗ cả năm. Đây là năm thứ hai BTS công bố lỗ, với lỗ năm sau lớn hơn năm trước gấp cả 7 lần, ghi nhận âm 225 tỷ đồng.

Trần Việt

công lý







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (9)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nghịch lý giá cà phê tăng cao nhưng doanh nghiệp lao đao

Giá cà phê tăng cao, nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk không tìm được nguồn cung.

Môi giới tăng trưởng mạnh, VPSS báo lãi quý 1 gấp hơn 4 lần

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024, CTCP Chứng khoán VPS (VPSS) lãi trước thuế 631 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ, thực hiện được 42% kế hoạch năm.

ĐHĐCĐ Savitech: Kế hoạch lãi tăng nhẹ, xác định đầu tư giáo dục là trọng tâm

Sáng ngày 20/04, tại hội trường Trường Việt Mỹ, CTCP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông (Savitech, HOSE: SVT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Đại hội thông qua...

Vì đâu VND báo lãi sau thuế quý 1 tăng 340%?

CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024. Quý này, VND báo lãi ròng đạt 617 tỷ đồng, tăng 340% so với cùng kỳ.

Imexpharm giảm 20% lãi quý 1 dù đặt mục tiêu phá kỷ lục lợi nhuận

Giá vốn tăng mạnh khiến CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) trải qua quý kinh doanh đi lùi so với cùng kỳ.

Doanh số tiêu thụ khả quan, lãi ròng của FMC tăng 14% trong quý 1

Trên BCTC hợp nhất quý 1/2024, sản lượng tiêu thụ của CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HOSE: FMC) ghi nhận hơn 4,607 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó thu...

CEO Jens Lottner: Techcombank không đánh đổi tăng trưởng tín dụng lấy chất lượng tài sản

Sáng 20/04, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi...

Đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát, LPBank lãi quý 1/2024 hơn 2,886 tỷ đồng, tăng 84%

Theo BCTC quý 1/2024 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) lãi trước thuế hơn 2,886 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng...

ĐHĐCĐ Nam Long: Thị trường đang quay trở lại

Lãnh đạo Nam Long xác định thị trường 2024 sẽ là thị trường sản phẩm, Công ty chỉ bán cái thị trường cần. Tuy nhiên, Công ty sẽ vẫn đối mặt với những khó khăn chung...

Lợi nhuận TDM quý 1 xuống mức thấp nhất 10 quý do hụt thu cổ tức 

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, HOSE: TDM) ảm đạm với lãi sau thuế thấp nhất 10 quý trở lại đây, do trong kỳ không còn khoản cổ...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98