Cải cách thể chế và những tranh cãi về kinh tế nhà nước

24/04/2014 09:06
24-04-2014 09:06:56+07:00

Cải cách thể chế và những tranh cãi về kinh tế nhà nước

Từng là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận, song trong bối cảnh yêu cầu cải cách thể chế kinh tế đang được đặt ra cấp thiết, vị trí, vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn đang là vấn đề còn nguyên tính thời sự.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch.

Đây cũng là một trong những chủ đề sẽ tiếp tục được tranh luận tại diễn đàn Kinh tế Mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức trong hai ngày 28 và 29/4 tới đây, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Trao đổi với VnEconomy trước thềm hoạt động này, một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, điểm đặc thù và cũng là khác biệt của Việt Nam là nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Và, với đặc thù “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp, kinh tế nhà nước tiếp tục được khẳng định là chủ đạo nhưng nhận thức cần nhất quán doanh nghiệp nhà nước không phải là chủ đạo, không phải là công cụ điều tiết vĩ mô mà trong thời gian tới cần được giảm thiểu tỷ trọng để nhường lại không gian phát triển cho khu vực tư nhân, trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo quan sát của người viết, có lẽ đây là vấn đề còn tiếp tục gây tranh cãi.

Rất mới đây thôi, tại hồ sơ dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, “phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước” vẫn là cụm từ được sử dụng. Hay dự thảo luật vẫn nêu những nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để thực hiện điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Với quan điểm đổi mới thể chế kinh tế, tốn kém ít nhưng hiệu quả cao, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đã không giấu được sự sốt ruột khi nghe chính Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2013 rằng một số vấn đề trong đổi mới thể chế vẫn còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là vai trò của nhà nước và vai trò của kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lịch liên quan đến vấn đề này, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, “vai trò của Nhà nước, của kinh tế nhà nước và của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là những vấn đề rất mới, chưa có sẵn mô hình”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong khá nhiều buổi họp liên quan đến cải cách thể chế kinh tế đã nhấn đi nhấn lại rằng không cần quá nhiều lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà quan trọng là giải pháp làm thế nào để gỡ được các nút thắt thể chế hiện nay, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia được Bộ trưởng Vinh mời tham vấn đều nhấn mạnh rằng đổi mới thể chế phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, thống nhất dù chỉ ở mức tương đối về nhận thức, trong đó có cả vai trò của kinh tế nhà nước.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, một khi Hiến pháp đã hiến định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” thì không thể làm khác. Tuy nhiên, cần làm rõ nội hàm kinh tế Nhà nước là gì và hiểu thế nào là vai trò chủ đạo?

Theo ông Lịch, nếu hiểu kinh tế Nhà nước bao gồm tất cả các nguồn lực vật chất của Nhà nước như: tài nguyên ngân sách, các nguồn lợi Nhà nước thu được hàng năm, dự trữ ngoại hối, dự trữ lương thực,, nguyên nhiên liệu chiến lược, cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư; các tổ chức kinh tế của Nhà nước…, thì đây chính là lực lượng vật chất, mà Nhà nước sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh, tức là thực hiện chức năng của Nhà nước, chứ nó không liên quan gì đến khái niệm cạnh tranh của các chủ thể kinh tế trên thị trường cả, nên cũng hoàn toàn khác với vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Còn, nếu hiểu vai trò chủ đạo là vai trò dẫn dắt thị trường, khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường, thì nó lại liên quan đến cách sử dụng kinh tế Nhà nước như thế nào và sử phối hợp trong việc sử dụng cả hệ thống công cụ của Nhà nước (trong đó có công cụ về thể chế), chứ không đơn thuần chỉ là lực lượng vật chất nằm trong tay Nhà nước.

"Cho đến nay, dường như khi nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, nhiều người nghĩ ngay đến việc duy trì lực lượng doanh nghiệp nhà nước, thậm chí nó phải độc quyền, nên đã vô hình chung đi ngược bản chất của thị trường", ông Lịch trao đổi với VnEconomy.

Từ thực tế trong hơn 20 năm qua ở Tp.HCM, năm 1991 khu vực nhà nước chiếm 50,1% GDP, khu vực ngoài nhà nước chiếm 41,8% GDP và khu vực FDI chiếm 8,1% GDP. Đến năm 2013, các tỷ lệ trên lần lượt là: 17,9%; 58,7% và 23,4%, vị phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM nhấn mạnh là chính quyền thành phố vẫn thực hiện tốt hơn vai trò của Nhà nước ở địa phương trong việc điều hành kinh tế trên địa bàn, thu ngân sách, giải quyết việc làm, thậm chí tham gia ổn định giá cả có hiệu quả.

"Do đó, chưa thấy mối liên quan trực tiếp nào giữa tỷ trọng cao của khu vực kinh tế nhà nước trong GDP với việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý kinh tế-xã hội của nhà nước. Đây là thực tiễn cần rút ra để định vị vai trò của khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế thị trường của Việt Nam", ông Lịch nói.

Cùng chung nhận xét với nhiều vị chuyên gia khác, rằng định chế vận hành cơ chế thị trường không thể sáng tạo cá biệt cho từng quốc gia, mà về cơ bản nó mang tính phổ biến, tuân theo quy luật của thị trường và là sự tích lũy tri thức quản lý của loài người, chuyên gia Trần Du Lịch khẳng định, "sử dụng các công cụ kinh tế thị trường không mâu thuẫn với tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa trong mô hình kinh tế của Việt Nam".

Trả lời câu hỏi vậy vấn đề cần ưu tiên số 1 hiện nay trong cải cách thể chế là gì, đại biểu Trần Du Lịch quả quyết, cải cách triệt để tài chính công và hành chính công.

Và cơ hội này ở rất gần khi hàng loạt dự án luật đang được sửa đổi như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư. Các dự án Luật Đầu tư công, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cũng đang trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện.

“Nếu không triệt để cải cách tài chính công và hành chính công thì mọi cải cải cách khác đều không mang lại hiệu quả. Trên cơ sở Hiến pháp hiện hành, hoàn toàn có thể tiến hành cải cách triệt để hai lĩnh vực cốt tử nêu trên”, TS. Trần Du Lịch khẳng định.

Nguyên Thảo

vneconomy





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thủ tướng: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của...

“Nghịch lý” trong chỉ số Par Index của TP.HCM

Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023 (Par Index 2023) vừa được công bố. Ở cấp độ chỉ số tổng hợp, TP.HCM tăng 3 bậc, đạt 86.97%, thuộc nhóm B – nhóm gồm...

HSBC: Thiên thời cho nền kinh tế số ASEAN

Nền kinh tế số ASEAN đang bước vào giai đoạn tươi sáng mới. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần áp dụng chiến lược thông minh để có thể gặt hái quả...

Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam xuống còn 6%

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa được công bố, Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống mức 6% năm 2024, so với mức dự báo...

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi

Chuyên gia WB cho biết kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào...

Chuyên gia IMF: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài

Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn tham vấn, giám sát kinh tế Vĩ mô Việt Nam của IMF, nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho FDI trong khi kinh tế toàn cầu biến...

Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dành 5,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các dự...

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng...

Chính phủ yêu cầu nỗ lực hơn nữa để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

Chính phủ vừa ban hảnh Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó yêu cầu các...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98