Tìm lối cho đường

21/04/2014 08:54
21-04-2014 08:54:42+07:00

Tìm lối cho đường

Khi Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố ý định nhập đường vào Việt Nam để xuất sang Trung Quốc hồi đầu năm 2014, các doanh nghiệp đường trong nước đã một phen nao núng. Tuy nhiên, trước bối cảnh này, Thành Thành Công Tây Ninh vẫn bình chân. Bởi lẽ họ đã sớm chuyên nghiệp hóa từ trước.

Ngay cả khi ngành đường còn được bảo hộ mà chỉ một động thái của đường Hoàng Anh Gia Lai đã khiến đường nội lo âu. Thuế suất 0% cho các nước ASEAN được áp dụng vào năm 2015 đang đến rất gần, có lẽ đã hơi muộn để doanh nghiệp đường Việt Nam chuẩn bị.

Phát triển vùng nguyên liệu là khâu đa số doanh nghiệp mía đường lơ là nhất

Không còn mật ngọt

Trong suốt một thời gian dài, mía đường là lĩnh vực đầu tư đầy mật ngọt với tỉ suất lợi nhuận gộp lên đến 30%. Nhưng kể từ năm 2012, quá khứ huy hoàng này đã không còn. Năm rồi, lợi nhuận ròng của các công ty đường đều suy giảm nghiêm trọng. Ngay cả các công ty đầu ngành như Thành Thành Công Tây Ninh (mã cổ phiếu SBT) hay Mía đường Lam Sơn (mã LSS) cũng chịu chung số phận. Tỉ suất lợi nhuận gộp trung bình của các doanh nghiệp mía đường niêm yết giảm xuống còn 10%.

Lợi thế độc quyền của các công ty mía đường trong nước vẫn còn, hàng rào bảo hộ chưa bị dở bỏ, nhưng tại sao họ vẫn dễ bị tổn thương? Ông Phạm Hồng Dương, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (tên mới của Bournon Tây Ninh), nhận định: “Do sức cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp”.

Vùng nguyên liệu luôn là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng với đường, nguyên liệu mía chiếm đến 90% giá thành sản xuất và cũng là khâu có nhiều vấn đề nhất.

Việt Nam có 4 vùng trồng mía chính là Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực trồng mía nhiều nhất do điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng phù hợp. Quan trọng là vậy nhưng sau cả trăm năm phát triển của ngành đường, mía và đường vẫn bị chia rẽ: đường là chuyện của doanh nghiệp, còn mía là chuyện của nông dân. Khi giá đường giảm, doanh nghiệp thản nhiên giảm giá mua mía, khiến nông dân điêu đứng. Hệ quả là mùa sau doanh nghiệp phải mua mía với giá ngất ngưỡng do nông dân bỏ mía trồng cây khác.

Theo Công ty Chứng khoán Sacombank, giá mía năm 2013 chỉ đạt 850.000 đồng/tấn, thấp hơn lúc cao điểm 15-20%. Nếu tính bình quân mỗi vụ 10 tháng, cây mía chỉ mang về cho nông dân chưa tới 2 triệu đồng/ha mỗi tháng. Trong niên vụ năm rồi, vùng nguyên liệu tại tỉnh Trà Vinh đã giảm gần 10% là vì vậy.

Sau nguyên liệu thì công nghệ là tử huyệt thứ hai khiến cho đường Việt Nam không thể cạnh tranh với đường nước ngoài. Hầu hết doanh nghiệp trong nước đều sử dụng công nghệ của Trung Quốc nên hiệu suất thu hồi đường thấp. Với một tấn mía, các nhà máy đường trung bình chỉ thu được 90 kg đường, thấp hơn 10% so với nước láng giềng Thái Lan. Khâu đầu tư trồng mía chủ yếu vẫn làm thủ công, nên năng suất mía trung bình của Việt Nam chỉ đạt 64 tấn/ha, thấp hơn Thái Lan đến 36%.

Công nghệ yếu kém đã đẩy giá thành sản xuất lên cao, khiến doanh nghiệp đường dễ bị tổn thương. Chẳng phải khi có chuyện đường Hoàng Anh Gia Lai họ mới lo. Khi đường lậu Thái Lan tràn vào Việt Nam theo biên giới Tây Nam các doanh nghiệp đã không ngừng kêu ca. Giá rẻ nhưng chất lượng lại cao, khoảng 400.000 tấn đường Thái Lan lọt vào Việt Nam mỗi năm cũng khiến cho đường nội tồn kho ngày càng cao.

Thành Thành Công có thành công?

Cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Phạm Hồng Dương, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và Giáo sư Võ Tòng Xuân bị ngắt quãng bởi cuộc phỏng vấn trực tuyến một kỹ sư nông nghiệp người Israel. Được mời về làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công, Giáo sư Xuân đang tuyển thêm nhân tài.

Nếu như 3 năm trước, có lẽ Thành Thành Công chưa cần đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường. Nhưng trong tình thế hiện nay, trung tâm này lại trở thành một trong những con bài chiến lược quan trọng ảnh hưởng đến sự sống còn của Công ty. Được thành lập từ đầu năm 2013, trung tâm này được đầu tư khá mạnh tay. Chi phí hoạt động trong năm đầu tiên là hơn 10 tỉ đồng, gấp 5 lần chi phí mà trung tâm nghiên cứu Bến Cát (Bình Dương) bỏ ra. Hiện nay, cả nước chỉ có 2 trung tâm nghiên cứu mía đường nói trên, một nhà nước và một tư nhân.

Giá rẻ nhưng chất lượng cao, đường lậu từ Thái Lan lọt vào Việt Nam đã khiến đường nội tồn kho ngày càng lớn.

Là một khâu trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường này chịu trách nhiệm tìm ra giống mía tốt. Hơn 22 giống mía của Tây Ninh sẽ được nghiên cứu để chọn lọc ra 8 giống. Trung tâm cũng nhập về 50 giống mỗi năm để chọn lựa giống thích hợp từ Pháp, Mỹ, Philippines, Brazil...

Giải quyết được khâu chọn giống, bài toán khó tiếp theo đối với Thành Thành Công là đưa nông dân về cùng nhà với mình.

Liên kết với nông dân là giải pháp mà một số công ty đường đầu ngành đã thực hiện, chẳng hạn như Mía đường Lam Sơn. Người dân Thanh Hóa đã không còn lạ gì hình ảnh chủ tịch công ty này, ông Lê Văn Tam, gặp gỡ và vận động từng hộ dân giữ vùng trồng mía. Ông cũng là người đầu tiên chủ trương thực hiện các chính sách ưu đãi cho nông dân như góp cổ phần bằng đất, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Thành Thành Công đang đi theo con đường của người đồng nghiệp, cũng hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân. Công ty này còn giữ giá mua mía ngay cả khi thị trường giảm giá. Giá mua mía trung bình của họ trong vụ rồi được giữ ở mức 1 triệu đồng/tấn, cao hơn thị trường 15%. Giống mía cũng là lợi thế của Thành Thành Công và mỗi năm công ty này sẵn sàng hỗ trợ không hoàn lại cho mỗi hộ nông dân 10 tấn mía giống. Một khâu quan trọng khác đối với người trồng mía là phân bón cũng được Thành Thành Công tính tới: họ mua số lượng lớn rồi phân phối cho nông dân với giá rẻ. Trong mùa vụ rồi, nông dân vùng nguyên liệu của Thành Thành Công đã giảm được chi phí đến 1 triệu đồng/tấn mía nhờ những giải pháp nói trên.

“Dân số châu Á sẽ tăng khoảng 25% đến năm 2025, nhu cầu đường sẽ tăng tương ứng. Đây là cơ hội để đưa đường ra thế giới”.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cổ đông lớn nhất tại Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, nói, nông dân là mắt xích quan trọng nhất để doanh nghiệp mía đường giảm được giá thành nhưng không làm mất nguồn nguyên liệu. “Khi nông dân trồng được mía có năng suất cao, họ sẽ tự mở rộng diện tích trồng, vùng nguyên liệu của Thành Thành Công cũng tăng thêm”, bà cho biết.

Hiện nay Thành Thành Công có vùng nguyên liệu lớn thứ hai cả nước với 15.000 ha, chỉ sau Mía đường Lam Sơn (17.500 ha). Để nâng cao vị thế, họ dự tính sẽ thuê đất để trồng thêm mía và lựa chọn những doanh nghiệp phù hợp để M&A. Mục tiêu và đối tượng cụ thể chưa được bà Ngọc tiết lộ.

Giải quyết được vấn đề nguyên liệu có thể giúp công ty tăng doanh thu, nhưng để giảm giá thành và tăng lợi nhuận phải kể đến công nghệ. Được thừa hưởng công nghệ Pháp khi nhận chuyển nhượng khoản đầu tư từ Tập đoàn Bourbon năm 2010, Thành Thành Công đang có lợi thế rất lớn so với công nghệ Trung Quốc của các đối thủ nội địa.

Lợi nhuận còn có thể tăng thêm từ việc tối đa hóa quy trình sản xuất, tận dụng phụ phẩm để sản xuất cồn và tăng bán điện từ nguồn bã mía. Công ty này có nhà máy phát điện công suất 24 MW nhưng chỉ sử dụng hết 9 MW, 15 MW còn lại được bán ra ngoài và đóng góp 5% tổng doanh thu hằng năm. Sắp tới, công suất nhà máy này sẽ được tăng thêm 50% nữa. Các sản phẩm phụ đang đóng góp khoảng 10% doanh thu của Công ty và ông Dương cho biết họ đang cố gắng nâng con số này lên ngang bằng với các doanh nghiệp mía đường thế giới là 25%.

Dù đã khai thác mọi giải pháp, nhưng áp lực cạnh tranh kể từ năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, là một bài toán nan giải. Thuế suất 0% giúp đường của các công ty thế giới tràn vào Việt Nam. Thế nhưng, có vẻ như bà Ngọc không lo lắng: “Đó lại là cơ hội”. Sản phẩm chính của họ hiện nay là đường tinh luyện và 90% sản lượng được bán cho các khách hàng công nghiệp trung thành. Và bà Ngọc cùng với nhóm lãnh đạo của mình đang nghĩ đến mục tiêu xuất khẩu khi thị trường được mở cửa.

Theo bà Ngọc, Tổ chức Lương Nông Thế giới đã tính toán, dân số châu Á sẽ tăng khoảng 25% đến năm 2025, nhu cầu đường sẽ tăng tương ứng. “Đây là cơ hội để đưa đường ra thế giới, gần nhất là các nước châu Á”, bà nói. Hiện nay, các doanh nghiệp đường trong nước vẫn xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc, quốc gia đang có nhu cầu nhập khẩu đường lớn. Giá nhập đường của Trung Quốc vẫn cao hơn giá tại Việt Nam khoảng 15%.

Để hiện thực hóa điều này, bà Ngọc và Tập đoàn Thành Thành Công chấp nhận giảm lợi nhuận và đầu tư khá nhiều. Nhu cầu tài chính tăng lên khiến công ty tăng vay nợ từ 939 tỉ năm 2012 lên 1.409 tỉ đồng năm 2013, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Bà cũng mạnh tay hơn trong việc đầu tư cổ phần ở các công ty cùng ngành. Gia đình bà Ngọc hiện sở hữu trên 51% cổ phần tại Thành Thành Công Tây Ninh và dưới công ty này là 1 công ty con và 5 công ty liên kết.

Ngọc Dương

nhịp cầu đầu tư





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2024 đạt hơn 1.537 triệu tỷ đồng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:...

Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ...

Trong quý 1/2024, số DN tạm ngừng kinh doanh nhiều hơn 14.1 ngàn so với số DN đăng ký thành lập mới

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong...

Du lịch hàng không đón tin vui: Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt mức trước dịch

Lượng khách quốc tế đổ về Việt Nam đã vượt mốc trước đại dịch COVID-19, đạt hơn 4.6 triệu lượt người trong quý 1/2024.

Việt Nam xuất siêu 8.08 tỷ USD trong quý 1/2024 nhưng chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI

Trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35.6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý...

Hơn 80% doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng quý 2 sẽ ổn định hoặc tốt hơn quý 1

Dữ liệu mới công bố mang lại cái nhìn tích cực hơn về nền kinh tế trong quý 2/2024. Theo đó, hơn 80% doanh nghiệp trong ngành sản xuất, đặc biệt là ngành công...

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1/2024 ước đạt gần 614 ngàn tỷ đồng

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1/2024 theo giá hiện hành tăng 5.2% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu...

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2024 tăng 6.18% so với cùng kỳ năm trước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6.18% so với cùng kỳ năm...

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn làm Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Nguyên Vụ Trưởng Vụ tổ chức cán bộ Tổng Cục Hải quan, giữ chức Cục Trưởng Cục Hải quan TP HCM từ ngày 2-4.

Giám đốc Sở Tài chính được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình

Ông Bùi Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Hòa Bình được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98