Trực tiếp: Các ông Dũng, Phúc khai nhận rượu ngoại, phong bì

22/04/2014 08:30
22-04-2014 08:30:35+07:00

Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng

Trực tiếp: Các ông Dũng, Phúc khai nhận rượu ngoại, phong bì

Trả lời vị Chủ tọa, Dương Chí Dũng khai chỉ nhận chai rượu và phong bì tết từ bị cáo Trần Hải Sơn, không có chuyện nhận tiền tỷ như cáo trạng quy kết.

Tiếp tục cập nhật...

11:41

Theo phóng viên Bảo Thắng, phiên tòa dừng xét xử vào lúc 11h40 phút. Phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử vào 14h cùng ngày.

11:38

Theo bị cáo Phúc, gia đình bị cáo đã có ý khắc phục hậu quả để nhằm thoát án tử hình. Nhưng bị cáo Phúc không đồng ý và cho rằng, nếu khắc phục khác gì bị cáo nhận mình phạm tội.

11:34

"Bị cáo có nhận 1 chai rượu Chivas 18, và phong bì 2 triệu của Trần Hải Sơn vào cuối năm 2008, tại nhà bị cáo ở Làng quốc tế Thăng Long. Còn lại, những lời khai của Sơn là hoàn toàn sai sự thật", bị cáo Phúc khai.

"Chỉ có thể quy kết bị cáo ở tội "Thiếu trách nhiệm" thôi. Bị cáo không phạm tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái", bị cáo Phúc nói trước tòa.

11:20

Tường thuật tại tòa, phóng viên Bảo Thắng cho biết, HĐXX chuyển sang thẩm vấn cựu Tổng giám đốc Vinalines - Mai Văn Phúc.

Bị cáo Phúc cho rằng mình không phạm tội "Tham ô tài sản" vì "không nhận bất cứ đồng nào từ phía Trần Hải Sơn" liên quan đến số tiền 1,66 triệu USD.

11:13

Về lý do xin giảm án tội Tham ô, bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng, mình đã khai nhận toàn bộ sự thật vụ án và khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên khi Tòa hỏi “Bị cáo đã khắc phục được bao nhiêu rồi?”, bị cáo Sơn nói rằng “Bị cáo không rõ gia đình đã xử lý như nào ạ”.

11:11

Bị cáo Trần Hải Sơn tỏ ra khá ấp úng khi trả lời các câu hỏi từ phía HĐXX về hành vi đưa tiền cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

11:08

Tại tòa, bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục khẳng định đã đưa cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng.

11:03

Theo bị cáo Sơn, lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng là không đúng.

Bị cáo Trần Hải Sơn xin giảm án ở tội Cố ý làm trái và Tham ô. Ở tội Cố ý làm trái, bị cáo cho rằng mình chỉ vi phạm ở việc ký nháy vào văn bản mua ụ nổi. "Đây là một trong những quy trình của cơ quan để mua ụ nổi", bị cáo Sơn nói.

Thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn, chủ tọa phiên tòa hỏi: "Khi tham gia đoàn khảo sát mua ụ nổi, ai là trưởng đoàn?

-"Dạ, anh Trần Hữu Chiều ạ", bị cáo Hải Sơn trả lời. Theo bị cáo Trần Hải Sơn, ông Chiều chịu trách nhiệm về đoàn khảo sát, và là người ký biên bản với các bên liên quan.

10:46

Tòa tạm cho Dương Chí Dũng nghỉ và chuyển sang thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn.

10:40

Trả lời luật sư Ngô Ngọc Thủy, bị cáo Dũng mong muốn được Tòa làm rõ phía Cty ở Nga, và Singapore liên quan đến số tiền hơn 1,66 triệu USD. "Nếu họ có tài liệu chứng minh bị cáo nhận tiền này, bị cáo xin nhận luôn án tử hình ạ" - ông Dũng quả quyết.

10:36

Luật sư Trần Đình Triển tham gia xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng. Cũng theo luật sư Triển, quá trình điều tra, ông Dũng có văn bản đề nghị cơ quan điều tra tiến hành kê danh sách cuộc gọi giữa ông Dũng và Trần Hải Sơn, nhưng trong hồ sơ không thấy tài liệu này.

Lập tức, luật sư Triển bị Chủ tọa nhắc nhở: "Đề nghị luật sư đặt câu hỏi, không phân tích". Thấy vậy, ông Triển vội vàng, nhầm lẫn cả tên gọi của chủ tọa phiên tòa: "Xin lỗi ông... chủ tịch".

Theo bị cáo Dũng, khi vụ án khởi tố, ông này đã "quá sai" khi quyết định bỏ trốn sang Campuchia để tạm lánh. Ông Dũng cũng cho rằng, còn nhiều điều ở phiên sơ thẩm chưa được làm sáng tỏ và tiếp tục cho rằng mình không phạm tội tham ô.

10:20

- Bị cáo có nhận tiền của Sơn không?

- Dạ, bị cáo có trời đất biết, chỉ là ngày tết ngày nhất, anh ấy đến biếu chai rượu, phong bì tết thôi, chứ không có số tiền hàng tỷ như vậy ạ. Để xảy ra tội cố ý làm trái, và tham ô trong cơ quan, bị cáo được Đảng, Nhà nước giao phó, do vậy, bị cáo cảm thấy có lỗi, nên bán hết tài sản, đã nộp lại 4,7 tỷ đồng.

-Đến nay, Tòa chưa nhận được bất cứ tài liệu thể hiện việc bị cáo khắc phục 4,7 tỷ này. Vậy bị cáo khắc phục số tiền đó cho tội nào? Cố ý làm trái hay Tham ô?.

-Dạ, bị cáo cứ khắc phục chung thế, chứ không cụ thể ở tội nào ạ...

10:08

Tiếp tục thẩm vấn bị cáo Dũng, chủ tọa hỏi: - Thế bị cáo muốn xin giảm án về tội cố ý làm trái, lý do là gì?

-Dạ, bị cáo chỉ là người đại diện HĐQT, cũng không can thiệp, chỉ đạo vào bất cứ việc gì của Tổng giám đốc khi triển khai mua ụ nổi"2 phút.

10:06

Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn hỏi: "Chi phí việc mua ụ là bao nhiêu?". "Dạ, theo báo cáo của Tổng Giám đốc là trên 26 triệu USD, cả mua và sửa chữa" - bị cáo Dũng trả lời.

"Thế tiền lấy ở đâu" - chủ tọa tiếp. "Dạ, ban đầu là vay vốn ngân hàng, sau đó thành lập Cty cổ phần, lấy nguồn thu của cty để trả nợ" - bị cáo Dũng đáp.

"Bị cáo thấy thế nào về hậu quả hơn 300 tỷ do mua ụ" ? "Dạ, bị cáo thấy sai rồi ạ".

10:00

Theo bị cáo Dương Chí Dũng, việc lập dự án mua ụ nổi 83M do Hội đồng quản trị Vinalines quyết định, và giao cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc triển khai.

Ông Dũng nại rằng, bản thân mình không chỉ đạo gì cụ thể trong việc mua ụ nổi, chỉ ký phê duyệt với tư cách đại diện cho Hội đồng quản trị.

09:48

Bị cáo Dương Chí Dũng cũng cho biết, sẽ bổ sung thêm yêu cầu kháng cáo và trình bày trong quá trình xét xử vụ án.

09:46

Bị cáo Dương Chí Dũng cho biết sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô. Theo bị cáo, ở cương vị chủ tịch HĐQT Vinalines, việc để xảy ra việc "lại quả" là có lỗi, tuy nhiên bị cáo cho rằng việc kết tội này liên quan danh dự nên bị cáo "đến chết cũng không nhận tội".

09:44

Phóng viên Bảo Thắng cho biết, trước khi thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa yêu cầu lực lượng dẫn giải cách ly ba bị cao Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, và bắt đầu xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng.

09:34

Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2006, Vinalines triển khai xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Trong các hạng mục của tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng có mua, lắp đặt một ụ nổi (tàu biển) để phục vụ sửa chữa tàu.

Ông Dũng bị cáo buộc dù biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 đã hư hỏng nhiều, không còn khả năng hoạt động và đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga cho dừng hoạt động từ năm 2006 nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt cho mua.

Tại thời điểm công an kiểm tra, ngày 17/5/2012, tổng tiền Vinalines đổ vào ụ nổi (cả mua bán, và sửa chữa, bảo quản...) hơn 525 tỷ đồng trong khi chưa đưa vào sử dụng. Cơ quan giám định kết luận, sai phạm trong việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng.

Trong thương vụ mua bán này, ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều bị cáo buộc chia nhau 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) - khoản "hoa hồng" lấy từ nguồn 9 triệu USD được bên môi giới chuyển lại theo thỏa thuận riêng. Cụ thể, ông Dũng, Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng; Sơn hơn 5,8 tỷ đồng; Chiều nhận 340 triệu đồng.

09:23

Kết thúc phần thủ tục, phiên tòa bắt đầu chuyển sang phần thẩm vấn. Tòa bắt đầu tóm tắt lại nội dung vụ án cùng các nội dung kháng cáo.

09:21

Sau 5 phút hội ý, vị chủ tọa cho rằng, việc yêu cầu triệu tập nhân chứng của các luật sư, trong đó có người ở Liên bang Nga, mà cho là, họ có thể biết được tỷ lệ ăn chia cụ thể trong số tiền hơn 1,66 triệu USD liên quan trong vụ án, Tòa sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

Đối với nhân chứng là lái xe của bị cáo Sơn, bị cáo này đã có lời khai trong quá trình điều tra, do vậy, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vụ án.

09:14

Sau khi các luật sư có ý kiến triệu tập nhân chứng, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn quyết định tạm dừng xét xử để hội ý.

09:12

Luật sư Ngô Ngọc Thủy (bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng), cho rằng, đây là vụ án có bị cáo đang đối mặt với bản án cao nhất là tử hình. Vì thế, HĐXX cần xem xét đầy đủ các yếu tố, tài liệu liên quan đến vụ án. Luật sư Thủy cho rằng, đã cung cấp ý kiến của nhân chứng cho Tòa. Do vậy, nếu triệu tập thêm nhân chứng này là rất chính đáng, sẽ giúp HĐXX làm rõ bản chất vụ án.

09:09

Luật sư Thắng đề nghị HĐXX triệu tập thêm 3 nhân chứng (2 ở Nga, 1 lái xe của Trần Hải Sơn, người được cho đã chở Dương Chí Dũng khi bỏ trốn).

Ngay sau đó, vị chủ tọa hỏi ý kiến đại diện cơ quan viện kiểm sát. Theo đó, kiểm sát viên này cho rằng, việc có thể triệu tập nhân chứng, có được là tốt. Tuy nhiên, những yêu cầu đó không nhất thiết, Tòa có thể tiếp tục vụ án.

08:58

Thẩm phán Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao Nguyễn Văn Sơn ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Trước phiên xử, có đơn xin xử vắng mặt của chị Phan Thị Thảo - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo PV Bảo Thắng, trước khi vào phần kiểm tra căn cước, vị chủ tọa yêu cầu lực lượng dẫn giải tháo còng tay đối với bị cáo Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines). Các bị cáo khác đã được tháo còng tay trước đó.

Chủ tọa phiên tòa đang công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, phổ biến nội quy phiên tòa...

08:47

Bị cáo Mai Văn Phúc trả lời phần kiểm tra căn cước của Hội đồng xét xử.

08:45

Bị cáo Dương Chí Dũng ra tòa trong trang phục áo sơ mi sáng màu

Hội đồng xét xử bắt đầu kiểm tra căn cước 9 bị cáo có đơn kháng án. Trong số các bị cáo, duy nhất bị cáo Bùi Thị Bích Loan – cựu Kế toán trưởng Vinalines không chống án.

PV Bảo Thắng cho biết, HĐXX bắt đầu làm việc, yêu cầu thư ký phiên tòa báo cáo các thành phần tham dự phiên tòa.

Các cơ quan Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT được mời tham gia phiên tòa nhằm làm rõ bản chất vụ án.

08:24

Thư ký phiên tòa đang kiểm tra căn cước bị cáo cùng các bên liên quan. Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng, ông Trần Đình Triển chưa có mặt.

Hai bị cáo Dương Chí Dũng (trái) và Mai Văn Phúc (phải) tại tòa sáng nay.

08:14

Đến 7h50 một chiếc xe thùng duy nhất nhanh chóng tiến vào cổng toà. Đây chính là xe chở bị cáo quan trọng nhất - Dương Chí Dũng.

Ngay khi tiến vào bên trong, lực lượng công an nhanh chóng áp giải bị cáo vào trong phòng chờ xét xử. Các bị cáo khác cũng được dẫn vào trong phòng chờ.

07:54

Phóng viên Tuấn Nguyễn cho biết, hiện tại, những người được mời và triệu tập dự tòa, đang khẩn trương làm thủ tục để vào trong phòng xử.

Các phóng viên báo đài cũng tới rất sớm để đưa tin. Được biết, có khoảng 25 cơ quan báo, đài được cấp thẻ dự tòa.

07:48

Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã có mặt trước cổng trụ sở TAND tối cao (262 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) để theo dõi phiên tòa. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông được bố trí chốt chặn tại các ngã tư dẫn tới tòa từ rất sớm để điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự.

07:45

Xe chở Dương Chí Dũng và các đồng phạm tới tòa.

07:41

6h50 ngày 22/04/2014, 4 chiếc xe áp tải, chở các bị cáo nhanh chóng tiến vào bên trong cổng tòa.

Hôm nay, 22/4, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái và tham ô đối với Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) cùng đồng phạm. Hiện các bị cáo đã có mặt tại tòa. Ấn F5 để liên tục cập nhật.

Bào chữa cho ông Dũng vẫn là 3 luật sư từ phiên sơ thẩm. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 3 ngày.

Ở phiên sơ thẩm vào tháng 12/2013, Dương Chí Dũng bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình về hành vi tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Bị cáo Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) nhận mức án tương tự bị cáo Dương Chí Dũng.

Trong nhóm bị cáo nhận án tù có thời hạn, ông Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng GĐ Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) nhận mức án cao nhất, với 14 năm về hành vi tham ô và 8 năm về tội cố ý làm trái, tổng hợp 22 năm tù giam. Mức án thấp nhất (4 năm tù) thuộc về bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1963, cựu Kế toán trưởng Vinalines) về hành vi cố ý làm trái.

Nhóm các bị cáo cựu cán bộ hải quan Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, cựu Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa), Lê Văn Lừng (SN 1959, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) và Lê Ngọc Triện (SN 1964, cựu Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) cùng bị tuyên 8 năm tù về hành vi cố ý làm trái.

Hai bị cáo Lê Văn Dương (SN 1970, cựu Đăng kiểm viên) và Mai Văn Khang (SN 1958, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Vinalines) cùng mức án 7 năm tù. Cuối cùng, bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1952, cựu Phó Tổng GĐ Vinalines) 10 năm tù về hành vi tham ô, 9 năm tù về hành vi cố ý làm trái, tổng hợp 19 năm tù.

Bắc Hà

tiền phong



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98