VFF thời doanh nhân: 'Đầu tư ngoài ngành' nên... lo

04/04/2014 10:35
04-04-2014 10:35:49+07:00

VFF thời doanh nhân: 'Đầu tư ngoài ngành' nên... lo

Với việc hai doanh nhân Lê Hùng Dũng và Đoàn Nguyên Đức đắc cử ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kỳ đại hội 7, người ta nói, VFF đang được đổi từ thời của các quan chức nhà nước sang thời của doanh nhân. Và người ta đang chờ xem tính hiệu quả của việc doanh nhân làm bóng đá sau 'tập 1' không mấy ấn tượng là việc thành lập Công ty VPF.

Ngôi sao nhờ cách tiêu tiền

Ông Lê Hùng Dũng và bầu Đức là hai cái tên không hề xa lạ gì với bóng đá Việt nếu không nói, họ đã từng là “ngôi sao” của làng túc cầu Việt.

Bóng đá Việt Nam ở thuở tập tễnh dứt sữa bao cấp, bầu Đức nổi lên với việc ra mắt một đội bóng chuyên nghiệp với không chỉ cơ chế hoạt động mới, tiền không dùng từ ngân sách mà còn là những thương vụ đình đám như Kiatisuk, Dusit, Thonglao...

Ông Lê Hùng Dũng (giữa) và Đoàn Nguyên Đức là 2 “ngôi sao” của làng túc cầu Việt

Còn ông Lê Hùng Dũng, khi mà bóng đá Việt khó khăn trong việc tìm tài trợ, ngân hàng Eximbank, nơi ông là chủ tịch hội đồng quản trị đã “cứu” bằng cách đưa gói tài trợ giá kỷ lục 100 tỉ đồng cho 3 mùa bóng. Thậm chí ở năm 2013, khi bóng đá bết bát, Eximbank tiếp tục tài trợ thậm chí còn “ôm” luôn giải hạng Nhất, Cúp Quốc gia.

Nhưng, nói một cách nào đó thì cả bầu Đức và ông Lê Hùng Dũng vẫn chỉ nổi tiếng với việc dùng tiền của mình một cách khôn ngoan mà ví dụ gần nhất là thương vụ đình đám, đưa Arsenal qua Việt Nam.

Ông Lê Hùng Dũng đã từng nói, việc làm thương hiệu cho Eximbank thông qua bóng đá là thành công. Tương tự như vậy, bầu Đức trong kỳ họp đại hội cổ đông cũng khẳng định, HAGL được biết đến nhiều như ngày nay có sự đóng góp rất lớn của bóng đá.

Tuy nhiên, ở cương vị điều hành một nền bóng đá với chức danh chủ tịch và phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ lại là một câu chuyện khác.

Ông Dũng và bài học thương đau

Ông Lê Hùng Dũng xem ra nhẹ gánh hơn khi không còn giữ chức phụ trách tài chính và vận động tài trợ. Chức danh đã khiến ông vất vả rất nhiều để nghĩ cách tìm ra tiền cho bóng đá Việt Nam và Eximbank, nơi mà ông làm việc đã tài trợ lên đến số tiền trăm tỉ.

Nhất là khi mới đây theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2013 của ngân hàng Eximbank, lỗ lên tới con số 221,62 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ 2012 lãi 313,3 tỉ đồng).

Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến 31.12.2013, tổng nợ xấu của Eximbank cũng tăng lên 1.652,2 tỉ đồng với nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 35,4% lên con số 1.073,8 tỉ đồng, chiếm 65% tổng nợ xấu. Sau báo cáo này Eximbank trở thành ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý 4/2013.

Tuy nhiên, ở chức danh mới, chức danh chủ tịch VFF, người hâm mộ cũng khá hồi hộp bởi lẽ, vào năm 2008 khi nhậm chức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF), ông Dũng hứa sẽ vực dậy bóng đá TP.HCM. Nhưng chỉ vỏn vẹn 2 năm sau, ông Dũng từ chức vì bóng đá Sài Gòn thậm chí còn bết bát hơn so với lúc ông mới nhậm chức, các giải đấu quốc tế dưới sự điều hành của HFF dù treo thưởng đến sân sẽ bốc thăm trúng được vàng nhưng sân Thống Nhất vẫn vắng tanh.

Sự hy vọng lớn nhất ở thời điểm này dành cho ông Dũng chính là “cơ chế” hoạt động của VFF khác với HFF sẽ giúp ông tránh tái hiện bài học thương đau ở HFF.

Bầu Đức với canh bạc mới

Trong cuộc họp với các cổ đông, bầu Đức đã nói rất thật để các cổ đông của mình an tâm rằng, hiện nay thời gian ông dành cho kinh doanh là đa phần bởi đây là giai đoạn quan trọng. Thật vậy, nếu như trước đây ông thường xem đội nhà thi đấu thì giờ, việc theo sát đội bóng giao cho một người khác. Ông thường cập nhật tỷ số, tình hình đội bóng qua điện thoại nhiều hơn.

Vấn đề khiến nhiều người lo cho bầu Đức rồi lo cho cả bóng đá Việt Nam chính là việc, có vẻ như bóng đá là khoản “đầu tư ngoài ngành” của bầu Đức. Nếu như trước đây, ông dùng tiền để đầu tư vào bóng đá như lập đội bóng, lập học viện và quy mô đầu tư to hay nhỏ là do ông chọn, chơi hay nghỉ là do ông quyết. Thì bây giờ, ông phải dùng sản phẩm bóng đá để mời chào và kiếm tiền cho VFF và đó là trách nhiệm của ông.

Nó khác lắm so với việc, ưng thì treo thưởng cả triệu USD như ông đã từng làm hồi SEA Games. Bởi, nền bóng đá Việt có sống khoẻ hay không, các giải đấu nhiều cấp độ từ U đến đội tuyển, từ nữ đến nam, từ sân vận động đến futsal, có hoạt động tốt hay không, tiền điện, nước, lương nhân viên... tất tần tật đều cần tiền mà bầu Đức đem về cho VFF. Nghĩa là, nó cần có một quy trình cụ thể bị ràng buộc bởi lời hứa ở nhiệm kỳ 7 này VFF sẽ thu về ít nhất 380 tỉ đồng.

Hôm bầu Đức nhậm chức, người ta chưa thấy ông phát biểu về đường hướng kinh tài thế nào, cũng chẳng thấy ông nói về bóng đá “sung” như xưa. Lại thêm, mới nhất giải hạng Nhất loay hoay mãi mới có ngân hàng Kiên Long mà bầu Thắng làm chủ tịch hội đồng quản trị tài trợ.

Thế nên, lo càng thêm lo bởi từ bấy đến nay, ông bầu thường đóng vai nhà tài trợ hơn là đi xin tài trợ.

Tất Đạt

thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98