Bầu Kiên dẫn luật, đối đáp về kinh doanh vàng với tòa

21/05/2014 15:36
21-05-2014 15:36:35+07:00

Bầu Kiên dẫn luật, đối đáp về kinh doanh vàng với tòa

Sáng 21-5, sau khi kết thúc thẩm vấn về vụ lừa đảo 264 tỉ đồng qua việc bán cổ phần đang thế chấp, TAND TP. Hà Nội tập trung xét hỏi việc kinh doanh trái phép của bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên).

* Trực tiếp: Bầu Kiên lạnh lùng trả lời thẩm vấn

Để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, tòa thẩm vấn việc kinh doanh của từng công ty mà Bầu Kiên làm chủ.

Cáo trạng xác định từ tháng 5-2007 đến tháng 8-2012, Nguyễn Đức Kiên đã thành lập 6 công ty do Kiên làm chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên.

Mặc dù không được cấp phép nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo công ty kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỉ đồng.

Hành vi nêu trên của Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 Bộ luật hình sự.

Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tỏ ra sắc sảo, am hiểm các quy định của pháp luật về kinh doanh. Trước các câu hỏi của tòa, bầu Kiên trả lời ngắn gọn “đúng” hoặc “chính xác”.

Ngoài ra, Bầu Kiên còn viện dẫn cụ thể các quy định của pháp luật để chứng minh bị cáo không kinh doanh trái phép. Bầu kiên còn đề nghị HĐXX không được ngắt lời khi bị cáo đang nói và phải viện dẫn cụ thể bị cáo kinh doanh trái phép dựa trên các điều luật nào?

Trong số 6 công ty mà bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch HĐTV, không có công ty nào có giấy phép kinh doanh tài chính.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói đồng ý với tất cả các số liệu ghi trong cáo trạng, nhưng không đồng ý về hành vi truy tố bị cáo vì đây đều là các khoản đầu tư đúng pháp luật.

“Cáo trạng ghi sai, không đúng bản chất hoạt động công ty, không đúng pháp luật. Tôi là người làm kinh doanh, nếu tôi làm sai tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, Bầu Kiên nói.

Bầu Kiên dẫn điều 4, điều 7, điều 8 Luật Doanh nghiệp, Điều 13 Luật Công ty trách nhiệm hữu hạn, Điều 26 Luật Đầu tư… để cho rằng các công ty này đã thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tòa hỏi Nguyễn Đức Kiên về hành vi kinh doanh vàng tại Công ty Thiên Nam:

- Việc kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam có giấy phép kinh doanh không?

- Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái mà chỉ đầu tư vào giá vàng. Đây là sản phẩm tài chính phái sinh. ACB đã định nghĩa rất rõ trong hợp đồng - Bầu Kiên đáp

- Việc đặt lệnh mua vàng của Thiên Nam có cần giấy phép kinh doanh không?

- Công ty Thiên Nam không đặt lệnh mua vàng. HĐXX cần có phiếu lệnh trước mặt bàn để xem nội dung các phiếu lệnh đó là gì. Trong các phiếu lệnh đó không có bất cứ nội dung nào về mua, bán vàng.

Hội đồng xét xử cho rằng đặt lệnh đặt kinh doanh như thế này là kinh doanh vàng trạng thái. Bầu Kiên đáp lại: “Không có bất cứ quy định nào. Đây là sản phẩm đầu tư tài chính. Năm 2012 , ngân hàng nhà nước mới có quy định về kinh doanh vàng trạng thái”

Theo bầu Kiên, trước 2012, pháp luật không có quy định về việc đầu tư trạng thái giá vàng là kinh doanh vàng. Đây không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện (năm 2012, Chính phủ mới ban hành Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng - PV).

Trước ý kiến của Bầu Kiên, HĐXX dẫn nội dung Quyết định 03/2006/NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Theo đó, “Kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài” là hoạt động kinh doanh vàng thông qua tài khoản vàng tại nước ngoài dưới các hình thức giao dịch theo thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh vàng phải hồ sơ về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Quản lý Ngoại hối) để xin giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, và phải được cấp phép mới được kinh doanh.

“Tôi rất thuộc các nội dung của Quyết định 03. Nội dung HĐXX đọc là “trạng thái vàng” chứ không có quy định nào về “trạng thái giá vàng” và các sản phẩm tài chính phái sinh. Chỉ đến năm 2012 mới có khái niệm về “trạng thái giá vàng”. Năm 2006, Công ty Thiên Nam không bị điều chỉnh bởi khái niệm này” - Bầu Kiên đối đáp với HĐXX.

Tòa tiếp tục giải thích về khái niệm trạng thái vàng, trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng là số vàng dư trên tài khoản của các tổ chức tín dụng. Kinh doanh vàng trên tài khoản nhà nước phải có điều kiện, có hệ thống kiểm soát, có kinh nghiệm tổ chức kinh doanh, có vốn…

Tòa công bố thêm thông báo của Văn Phòng chính phủ ngày 30-12-2009. Theo đó, vàng là hàng hóa đặc biệt liên quan đến ổn định tiền tệ, sản xuất, yêu cầu các bộ, cơ quan, ủy ban, thành phố phải có giải pháp giao cho ngân hàng nhà nước chủ trì phối hợp rà soát quy định hiện hành để Chính phủ ban hành thành nghị định quản lý vàng theo hướng ngân hàng nhà nước thực hiện chức năng quản lý.

Không cho tổ chức thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài dưới mọi hình thức. Chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày thông báo, mọi hoạt động kinh doanh vàng tài khoản trong nước phải chấm dứt.

14g ngày 21-5, tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Tâm Lụa

tuổi trẻ





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98