Trước, trong và sau sự kiện điều chỉnh tỷ giá USD/VND

19/06/2014 11:05
19-06-2014 11:05:41+07:00

Trước, trong và sau sự kiện điều chỉnh tỷ giá USD/VND

Tối muộn ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD thêm 1%. Tham khảo trao đổi trên một số diễn đàn nhà đầu tư, hay trên mạng xã hội, quyết định này được xem là khá bất ngờ, nhưng không khó đoán.

* Tỷ giá tăng 1%

Trước ảnh hưởng của vấn đề biển Đông, việc điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu lúc này cũng là một tác động tích cực…

Bất ngờ bởi suốt đợt biến động tỷ giá từ đầu tháng 5/2014 đến nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra thông tin trấn an ổn định thị trường.

Và ngày 8/6 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã nhận định: “Điều kiện khách quan để điều chỉnh tỷ giá, để buộc phải điều chỉnh tỷ giá là chưa có”.

Song, người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tỷ giá cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh, như một biện pháp để có thể khuyến khích xuất khẩu, để VND không bị định giá quá cao. Đáng chú ý, Thống đốc định hướng, nếu có điều chỉnh thì từ nay đến cuối năm không quá 2%.

Ngay sau phát biểu trên, tỷ giá USD/VND đã đảo chiều, trạng thái áp sát trần giá bán được tái lập thay cho hướng điều chỉnh khá mạnh vừa có trước đó. Bởi lẽ, thị trường có thêm kỳ vọng có thể có điều chỉnh từ tình huống để ngỏ nói trên.

Quyết định điều chỉnh ngày 18/6 cũng trở nên dễ đoán khi hai ngày liên tiếp thị trường ngoại tệ có biểu hiện căng cứng. Khác với trước đó, cầu ngoại tệ đã mạnh lên rõ rệt, thể hiện qua việc các ngân hàng thương mại nâng mạnh giá mua vào, áp sát giá bán ra; như tại Eximbank, mức giá mua chuyển khoản ngày 18/6 chỉ còn cách trần 6 VND, thể hiện sự quyết mua.

Một diễn biến bất lợi khác cho tỷ giá USD/VND là lãi suất huy động VND đang cho xu hướng giảm.

Trước thực tế đó, khác với các đợt căng thẳng tỷ giá trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định khá nhanh, khi chọn tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Mức điều chỉnh 1% này là đáng chú ý.

Trước hết, nhà điều hành vẫn đảm bảo nhất quán với định hướng đưa ra từ đầu năm về mức độ nếu có điều chỉnh. Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất cụ thể, nếu có điều chỉnh tỷ giá thì chỉ trong khoảng 1-2%.

Thế nhưng, trong các dòng chảy thông tin báo chí gần đây, vẫn có sự “nhầm lẫn” về định hướng tối đa chỉ 1% với khoảng 1-2%.

Nếu như định hướng chỉ 1%, lần điều chỉnh này coi như đã xong, nhưng tình huống vẫn có thể tới 2%. Vì sao vậy?

Tháng 4/2014, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, báo chí dẫn thông tin từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình về các điều kiện để ổn định tỷ giá, đặc biệt là thành công trong gia tăng sức mạnh dự trữ ngoại hối; theo đó, định hướng năm nay nếu có điều chỉnh thì tối đa chỉ khoảng 1%.

Ngày 8/6, như trên, trả lời trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, Thống đốc Bình trở lại với khoảng định hướng không quá 2%.

1% với 2% dường như không nhiều khác biệt. Nhưng nếu chỉ 1% thì lần điều chỉnh này đã gần như triệt tiêu hoàn toàn kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng tiếp trong những tháng cuối năm. Nhưng nếu 2%, kỳ vọng sẽ vẫn còn, dù sao cũng đã được hạn chế đáng kể. Sau điều chỉnh này, có thể cung ngoại tệ thương mại sẽ bắt đầu chảy ra, thay cho tình thế nắm giữ với kỳ vọng có điều chỉnh như những ngày qua.

1% cũng là mức giá trị đáng lưu luyến đối với các quyết định bán ra từ doanh nghiệp và người dân những ngày gần đây, nhất là sau khi Thống đốc phát biểu ngày 8/6…

1% cũng là mức độ và quyết định lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước khi xử lý biến động tỷ giá đợt này, một trong nhiều biện pháp có thể dùng đến.

Nếu xét căn nguyên của áp lực đối với tỷ giá hiện nay là dư thừa VND trong hệ thống, thì có thể tăng dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, đây từng được xem là “một biện pháp bạo lực” (như cách nói của nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu), có thể dẫn đến những tác động ngoài mong muốn ngoài vấn đề tỷ giá. Giải pháp này đã không được chọn.

Nếu xét nhu cầu tăng lên và cần đáp ứng, để bình ổn thì Ngân hàng Nhà nước tạo cung, bán ngoại tệ ra can thiệp. Thế nhưng, suốt đợt biến động hơn một tháng qua, qua thông tin nhà điều hành đưa ra những ngày qua, hoạt động bán ra là chưa có, hay giải pháp này chưa được chọn.

Qua đó có thể thấy, bảo vệ quỹ dự trữ ngoại hối đang là mục tiêu ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước. Đầu năm, Chính phủ cũng đã có yêu cầu gia tăng nguồn lực này - nguồn lực không dành riêng cho bình ổn thị trường ngoại tệ và vấn đề tỷ giá, mà cả các vấn đề đối ngoại nói chung…

Nếu xét về cân đối lợi ích đối với các chủ thể nắm giữ USD hay VND, chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền không thể doãng rộng lúc này để tạo lợi thế cho giá trị VND, khi mà lãi suất USD đã rất gần 0% trong khi lãi suất VND lại đang có xu hướng giảm tiếp.

Có lẽ vì những lý do trên, quyết định tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã được lựa chọn. Ngoài hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế việc VND bị định giá cao, mục tiêu cụ thể lúc này là đánh vào kỳ vọng tỷ giá tăng trên thị trường.

Bởi lẽ, theo như dữ liệu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, các cân đối cho ổn định tỷ giá là thuận lợi. Đó là mức xuất siêu tới 1,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư tới 10 tỷ USD. Cũng lưu ý rằng, phải tính cả năm 2007 của thời hoàng kim vốn ngoại đổ bộ vào Việt Nam (năm gia nhập WTO) mới có được mức thặng dư tương tự.

Sau điều chỉnh, có thể nút thắt kỳ vọng những ngày qua được tháo gỡ nhất định, cộng với những cân đối thuận lợi trên, tỷ giá USD/VND có thể trở lại quãng êm đềm trước đó, thậm chí Ngân hàng Nhà nước sẽ nối lại được hoạt động mua vào ngoại tệ để gia tăng nguồn lực dự trữ ngoại hối. Đây cũng là mong muốn và đích ngắm của chính sách, ngoại trừ có những tác động lớn và bất lợi ngoài dự tính.

Đó là một hướng tác động từ lần điều chỉnh này. Nhưng cũng có những tác động khác đáng chú ý.

Giá trị tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bị ảnh hưởng nhất định. Hơn hai năm nay, sự ổn định của tỷ giá là một trong những điểm sáng của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mức điều chỉnh tỷ giá chỉ 1% lần này có thể sẽ không quá lớn, hoặc chấp nhận được đối với họ?

Sắp tới, sẽ không bất ngờ nếu các hãng ôtô, du lịch, hàng không, xăng dầu, sữa… lại thông báo tăng giá sản phẩm, do điều chỉnh tỷ giá. Tựu trung là giá hàng nhập khẩu và mức độ kết nối đến lạm phát là tác động đáng chú ý. Tuy nhiên, tương tự như năm 2013, có thể kỳ vọng việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ bao tiêu được mức độ điều chỉnh 1% nói trên.

Ngược lại, trước ảnh hưởng của vấn đề biển Đông, việc điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu lúc này cũng là một tác động tích cực…

Phía sau tổng hòa những tác động, hơn hết là một sự ổn định tương đối của tỷ giá để góp phần cho mục tiêu ổn định vĩ mô. Dĩ nhiên, với giới kinh doanh hay đầu cơ ngoại tệ, quá ổn định và thị trường thiếu sóng thì buồn tẻ. Còn với doanh nghiệp, qua đợt biến động và quyết định điều chỉnh này, một lần nữa cũng để lưu ý hơn các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Minh Đức

vneconomy



MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cảnh báo việc tiếp tay cho tội phạm khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay trên các hội nhóm, diễn đàn xuất hiện tình trạng các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu...

Lên kịch bản ‘sống chung’ với áp lực tỷ giá

Tỷ giá đã tăng hơn 3% kể từ đầu năm, chạm ngưỡng mục tiêu điều hành chính sách ngoại hối. Các chuyên gia cho rằng áp lực tỷ giá sẽ còn dai dẳng theo diễn biến giảm...

SHB đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 22%, chia cổ tức tỷ lệ 16% bằng tiền và cổ phiếu

SHB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 11,286 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ cổ tức 2023 dự kiến là 16%, trong đó có 5% bằng tiền...

Quý 1/2024, kiều hối chuyển về TPHCM tăng 35.4% so với cùng kỳ

Quý 1/2024, kiều hối chuyển về TPHCM đạt 2.869 tỷ USD, tăng 3.5% so với quý trước và tăng 35.4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần...

SHB thông báo điều chỉnh mức phí SMS Banking

Để đảm bảo quyền lợi công bằng cho tất cả khách hàng, kể từ tháng 5/2024, SHB sẽ thực hiện điều chỉnh cơ chế tính phí và mức thu phí dịch vụ theo dõi biến động số...

Sacombank vượt mốc 1 triệu khách hàng thẻ tín dụng, không ngừng gia tăng giá trị và trải nghiệm khách hàng thẻ 

Với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, đầu tư bài bản ở cả mảng phát hành lẫn chấp nhận thanh toán thẻ đã giúp Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ số lượng khách...

Định giá cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn, cổ phiếu nào nên "xuống tiền"?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trải qua đà hồi phục mạnh từ cuối năm 2023 và duy trì đến nay. Tuy nhiên, so với chỉ số P/E toàn ngành, một số cổ phiếu có cơ bản tốt vẫn...

Giá bán USD ngân hàng tiến gần mốc 26,000 đồng

Phiên sáng 17/04, tỷ giá USD/VND tại ngân hàng tiếp tục phá vỡ mọi kỷ lục trước đó với giá bán USD gần chạm mốc 26,000 đồng.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý trong vay tiêu dùng và thu hồi nợ

Các chuyên gia ngân hàng cũng cho biết, chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng hiện còn diễn biến theo chiều hướng xấu. Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ...

Làm giả giấy tờ để mở thẻ tín dụng, chiếm đoạt tiền của nhiều ngân hàng

Sau khi làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu…, bị cáo dùng các loại giấy tờ giả này đi mở thẻ tín dụng tại nhiều ngân hàng, rút tiền để tiêu.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98