Bẽ mặt hàng không

25/07/2014 06:56
25-07-2014 06:56:41+07:00

Bẽ mặt hàng không

Hàng loạt yếu kém đang bộc lộ trong tất cả các mắt xích của dây chuyền vận tải hàng không dân dụng - từ hoạt động quản lý bay, hạ tầng sân bay đến các hãng hàng không - gây bức xúc trong dư luận

Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Thanh Hà vừa có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) thực hiện ngay các giải pháp chấn chỉnh sự cố ảnh hưởng đến an toàn bay và chậm, hủy chuyến nhằm lấy lại lòng tin của cộng đồng. Tình trạng này đang diễn ra nghiêm trọng trong hoạt động khai thác hàng không.

Được bồi thường chỉ nhờ phản ứng gay gắt

Đáng lưu ý, Chánh Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu phải lập biên bản hành chính đối với hãng hàng không không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo quy định trong trường hợp hoãn, hủy chuyến bay, từ chối vận chuyển. Theo quy định hiện hành, mức bồi thường trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay là rất thấp.

Hành khách ngồi chờ tại nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất

Khi xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, Bộ GTVT đã lấy kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU) để quy định các trường hợp phải bồi thường. Mức bồi thường của EU tại thời điểm đó là 250 euro. Trong khi đó, mức bồi thường bằng tiền cao nhất đối với tuyến quốc tế ở Việt Nam chỉ 150 USD.

Mặt khác, Quyết định 10/2007 hướng dẫn thực hiện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam chỉ quy định trách nhiệm bồi thường không hoàn lại với trường hợp hủy chuyến, không quy định đối với trường hợp chậm chuyến. Đây chính là kẽ hở để các hãng hàng không tìm cách né bồi thường, gây bức xúc cho hành khách.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục HKVN, cho biết trong đợt giám sát về tình trạng chậm, hủy chuyến (tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất) giữa tháng 7-2014, tổ công tác ghi nhận có hiện tượng các hãng hàng không chậm thông báo về tình trạng thay đổi giờ khởi hành, phân nhỏ thành nhiều lần để tránh thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho khách hàng.

Tổ kiểm tra đã lập biên bản một chuyến bay của một hãng hàng không do chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi chuyến bay chậm giờ. Trong thông tin gửi đến khách hàng bằng nhiều hình thức email, tin nhắn điện thoại…, hãng này chỉ thông báo về việc chậm bay mà không nêu lý do, không thông báo về việc bồi thường và cũng không xin lỗi khách hàng. Đa số trường hợp được bồi thường là do khách gay gắt lên tiếng đòi quyền lợi.

Hành khách giảm lòng tin

Cục HKVN nhận định trong 6 tháng đầu năm 2014, hiện tượng chậm, hủy chuyến bay tăng đột biến, bất thường. Đồng thời, hoạt động khai thác cũng để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng về an toàn và có nhiều vụ việc về an ninh hàng không đã làm giảm lòng tin của cộng đồng về chất lượng dịch vụ vận tải hàng không.

Tỉ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không luôn ở mức trên 20% chuyến bay. Cá biệt, có hãng hơn 40% chuyến bay bị chậm giờ. Thống kê của Cục HKVN cho thấy từ ngày 13 đến 20-7, các hãng thực hiện tổng cộng 3.415 chuyến bay nhưng có tới 892 chuyến chậm giờ (chiếm 26,12%). Tổng số chuyến bay bị hủy là 76 (chiếm 2,18%). Trong đó, riêng Vietnam Airlines (VNA) có 476/2.110 chuyến bay chậm giờ (chiếm 22,56%).

Nếu tính thêm cả Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) thì tỉ lệ chậm chuyến của các hãng tổng cộng là 26,12%; hủy chuyến là 2,18%. Đây là tỉ lệ rất cao so với mức đạt được của các hãng hàng không trong giai đoạn trước đây (chậm, hủy chuyến 10%-15%).

Trong tháng 6-2014 cũng liên tục xảy ra các sự cố hy hữu trong ngành hàng không. Điển hình là hơn 180 khách đi Đà Lạt được chở đến Cam Ranh. Khi máy bay lăn vào nhà ga của sân bay Cam Ranh, tiếp viên trưởng vẫn đọc loa thông báo

“…Chuyến bay của chúng ta vừa hạ cánh xuống sân bay Liên Khương, Đà Lạt…”.

Chỉ sau đó 1 tuần, Đài Kiểm soát không lưu Đà Nẵng để cho một nữ kiểm soát viên không lưu thực tập ngồi vào vị trí chỉ huy. Cô này ra huấn lệnh cho máy bay cất cánh trong khi một máy bay khác chưa ra khỏi đường băng...

Tăng trưởng vượt quá năng lực?

Chậm, hủy chuyến bay tăng cao bất thường chỉ là một trong rất nhiều vấn đề nan giải mà ngành hàng không đang phải đối mặt. Hàng loạt yếu kém đang bộc lộ trong tất cả các mắt xích của dây chuyền vận tải hàng không, từ hoạt động quản lý bay, hạ tầng sân bay đến các hãng hàng không.

Công ty Quản lý bay Việt Nam mỗi ngày đang phải điều hành khoảng 1.200 chuyến bay cả nội địa và quá cảnh, tăng khoảng 20% so với trước. Tần suất máy bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc cao điểm cũng tăng lên 500 chuyến/ngày so với mức 400 chuyến thường lệ, gây áp lực lớn cho công tác điều hành không lưu.

Dưới mặt đất, hạ tầng sân bay cũng trong tình trạng quá tải kéo dài do cả nhà ga hành khách đến đường lăn, sân đỗ đều không được mở rộng tương ứng với tốc độ tăng trưởng vận tải. Chẳng hạn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là nơi tất cả các hãng hàng không chọn làm sân bay căn cứ nhưng chỉ có 38 bãi đậu, trong đó dành một số vị trí cho trường hợp khẩn nguy luôn phải để trống nên máy bay phải đỗ ở vị trí rất xa. Hằng ngày, vào lúc hơn 4 giờ, các hãng phải kéo máy bay về để nạp nhiên liệu, chuẩn bị đón khách gây tắc nghẽn ở đường lăn, sân đỗ. Cũng trong thời điểm này, các bộ phận phục vụ vào giờ cao điểm sáng với tình trạng hành khách xếp hàng tràn ra cả hành lang bên ngoài nhà ga nội địa để làm thủ tục bay.

Trong khi đó, các hãng hàng không cũng đang ở trong giai đoạn tăng trưởng sau thời kỳ suy giảm kinh tế. Đặc biệt là có hiện tượng giành giật nhân sự giữa các hãng hàng không, nhất là đội ngũ kỹ sư, thợ máy.

Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu các sân bay phải niêm yết công khai quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT về nghĩa vụ của hãng hàng không trong trường hợp chậm, hủy chuyến để mọi người biết và giám sát thực hiện.

Tô Hà

Người lao động



MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98