CEO FPT: Công ty không dễ bị nước ngoài thâu tóm

07/08/2014 17:13
07-08-2014 17:13:00+07:00

CEO FPT: Công ty không dễ bị nước ngoài thâu tóm

Sau một năm chính danh điều hành FPT, Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc cho biết đang cố gắng xây dựng tập đoàn phát triển theo mô hình bền vững, trong đó mục tiêu tăng trưởng vẫn đặt lên hàng đầu, song hành với chiến lược toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều lĩnh vực kinh doanh đã tới giới hạn, ngay từ năm 2013, FPT đã đặt mục tiêu toàn cầu hóa, mở rộng thị phần thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) làm trọng tâm. Trao đổi với VnExpress.net sau một năm nhậm chức, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc đã chia sẻ về những tin đồn, sự khó khăn khi tiến hành các thương vụ M&A, tham gia sân chơi toàn cầu hóa cũng như điều hành tập đoàn để đạt mục tiêu tăng trưởng.

- Vừa qua, trên thị trường xuất hiện tin đồn Apple mua lại FPT. Tuy đã chính thức bác bỏ thông tin này nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, ông nhìn nhận thế nào về khả năng FPT sẽ bị để ý bởi một ông lớn khác?

- Đây đúng là một sự nhầm lẫn và từng gây xôn xao trong giới công nghệ thông tin. Tại FPT, room cho nhà đầu tư nước ngoài đã kịch trần 49%, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại tới cổ phiếu công ty. Tuy nhiên, việc họ muốn mua lại toàn bộ doanh nghiệp là không dễ.

Nguyên nhân thứ nhất là rào cản pháp lý. Hiện nay, cổ đông nước ngoài chỉ được mua tối đa 49% cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán đang tính tới việc nới room, nhưng tôi cho rằng cũng không đơn giản.

Thứ hai là do đặc thù hoạt động kinh doanh của FPT. Trong một số lĩnh vực, các đơn vị khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ khó có cơ hội thâm nhập và triển khai thành công như FPT (dự án tin học hóa ngành thuế, kho bạc...). Bên cạnh đó, những điểm khác nhau từ văn hóa, con người đến đặc thù khách hàng, thị trường sẽ là yếu tố cản trở các doanh nghiệp ngoại thâu tóm toàn bộ FPT.

Song, nếu ai đó quan tâm đến việc mua lại tập đoàn thì tôi cho đó là cơ hội, bởi điều này phản ánh FPT có giá trị thật, được quốc tế biết đến.

Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc.

- FPT đã hoàn thành việc mua lại công ty phần mềm RWE IT Slovakia và 123 - mua.vn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Liệu đây có phải là sự mở đầu cho quá trình mua bán – sáp nhập (M&A) dồn dập trong thời gian tới hay không?

- Trong bối cảnh kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, một số ngành nghề kinh doanh của FPT đã đến giới hạn, mở rộng địa bàn hoạt động, tìm kiếm thêm các cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh toàn cầu hóa và M&A là những chiến lược để tập đoàn tiếp tục tăng trưởng.

Việc FPT mua một công ty khác là để có thêm thị trường, khách hàng và chuyên ngành mà FPT chưa có hoặc chưa mạnh, song quá trình này không thể tiến hành ồ ạt mà cần thận trọng để thu thập những kinh nghiệm và có độ chín nhất định. Trên thế giới, tỷ lệ thành công của các thương vụ M&A cũng không quá cao, do vậy tập đoàn phải chuẩn bị cẩn thận về chiến lược, tầm nhìn, kỹ năng cần thiết.

- FPT có gặp khó khăn gì sau khi M&A các doanh nghiệp khác, nhất là những đơn vị nước ngoài có văn hóa hoàn toàn khác với Việt Nam?

- M&A là câu chuyện dài, phức tạp, đặc biệt là phần hậu kỳ khi phải làm tốt việc hòa nhập đơn vị mới vào đơn vị cũ, để họ hiểu chiến lược của FPT. Với RWE IT Slovakia, đây là một công ty châu Âu, FPT không thể biến họ thành doanh nghiệp thuần túy kiểu Việt Nam mà phải tôn trọng văn hóa nơi đây. Điểm quan trọng là phải biết dẫn dắt RWE IT Slovakia theo kế hoạch phát triển của FPT. Một thương vụ M&A thành công là khi đơn vị mua lại vẫn phát triển, nếu nó lụi tàn sẽ là vô nghĩa.

Tuy nhiên, câu chuyện có thể khác nếu đơn vị được mua lại là công ty Việt Nam, ví dụ như 123-mua.vn. Trước mắt, 123-mua.vn có thể hoạt động độc lập, nhưng về lâu dài, 123 Mua phải hòa nhập với Sendo. Đây sẽ là chuyện nhiều năm sau.

Tóm lại, tùy theo từng trường hợp cụ thể, văn hóa, con người sẽ quyết định chính sách M&A có lợi nhất cho cả hai bên. Nếu FPT đã sở hữu công ty đó, bên cạnh những mặt lợi cho tập đoàn, việc duy trì, phát triển đơn vị được mua lại cũng được đặt lên hàng đầu.

- Bỏ ra số tiền không nhỏ để thực hiện M&A, song lợi nhuận khó có thể đến ngay trong những năm đầu. Ông suy nghĩ thế nào về việc này?

- Điều này là đương nhiên, bởi tập đoàn phải bỏ thời gian để tích hợp đơn vị đó đi theo chiến lược chung, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Do vậy, ngay trong năm đầu tiên chúng tôi không đặt nặng lợi nhuận từ M&A. Khi tình hình đã ổn thì mới có thể sinh lời. Nếu làm khéo, M&A sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.

- Kinh doanh nhiều lĩnh vực, FPT có tính đến việc mua lại một đơn vị khác hoàn toàn so với những ngành nghề hiện đang có kinh nghiệm hay không?

Trong 3-5 năm tới, FPT vẫn tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, do đó chưa tính tới việc mua một đơn vị hoàn toàn khác core (lõi) hiện nay. Các thương vụ M&A trong thời gian tới của FPT vẫn phải xoay quanh lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT). Hiện tại, FPT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu một số doanh nghiệp để mua bán sáp nhập.

- 6 tháng đầu năm, doanh thu của FPT tăng trưởng 22% nhưng lợi nhuận lại giảm so với cùng kỳ. Ông bình luận như thế nào về điều này?

- Lợi nhuận không tăng trưởng như doanh thu là do mấy nguyên nhân. Mảng phân phối bán lẻ có doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng mới chỉ ở giai đoạn khởi tạo nên lợi nhuận không lớn. Viễn thông năm nay phải hạch toán một phần chi phí từ dự án cáp quang hóa nên cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của FPT Telecom. Mảng phần mềm phải đầu tư mạnh cho nhân lực, tập trung M&A.

Chịu ảnh hưởng lớn nhất là mảng kinh doanh tích hợp và game. Kinh tế suy thoái khiến ngân hàng phải tái cấu trúc, Chính phủ giảm chi tiêu công, gây ảnh hưởng đến các dự án tích hợp và phần mềm trong nước. Ngoài ra, việc triển khai các dự án lớn kéo dài cũng khiến lợi nhuận công ty chưa như mong muốn.

Mảng game cũng vướng phải khó khăn chung của ngành game khi chính sách không khuyến khích lĩnh vực này khiến nhiều đơn vị muốn làm ăn chính thống chịu ảnh hưởng nặng.

Hiện ban điều hành FPT đã nhận ra những hạn chế này và cố gắng điều chỉnh nhằm tăng được lợi nhuận trong nửa cuối năm 2014 cũng như những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, khai thác tốt thị trường nước ngoài cũng là mục tiêu để bù đắp lại thị phần, doanh thu bị thiếu hụt trong nước.

- Với trường hợp của mảng game, tại sao FPT quyết định giữ lại?

- Dù khó khăn nhưng tiềm năng phát triển của thị trường game vẫn còn bởi thu nhập của người Việt Nam tăng, giới trẻ có điều kiện chơi game. Khi internet phổ cập, đường truyền tốt hơn trước, tỷ lệ cáp quang hóa được đẩy mạnh thì phân khúc game online lại càng có cơ hội phát triển.

Vấn đề ở chỗ người cung ứng dịch vụ phải có những biện pháp kinh doanh thích hợp, điều chỉnh kịp thời theo xu hướng của thị trường. Riêng lĩnh vực online, đòi hỏi thay đổi phương pháp kinh doanh còn nhanh và khốc liệt hơn các ngành khác.

Theo tôi, thị trường game vẫn còn cơ hội và FPT phải có những thay đổi.

- Hiện nay đã chính danh điều hành tập đoàn, việc lợi nhuận tăng trưởng không như mong muốn có tạo ra áp lực lớn cho ông hay không?

- Đánh giá hiệu quả công việc của người điều hành dễ nhất là dựa trên con số, đó là tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bao nhiêu phần trăm. Khi tôi đã chính danh điều hành, Hội đồng quản trị có quyền đánh giá kết quả làm việc, điều này tôi phải chấp nhận.

Tôi luôn cố gắng tối đa trong phạm vi của mình và có những giải trình tại sao kết quả lại không đạt như kỳ vọng và nguyên nhân từ đâu. Mục tiêu của tôi khi nhậm chức Tổng giám đốc FPT là phải đẩy các công ty thành viên tăng trưởng, nếu không tăng trưởng được phải tìm nguyên nhân tại sao và khắc phục.

Nhưng bên cạnh tăng trưởng mạnh mẽ, yếu tố được tôi quan tâm nhiều hơn là sự phát triển bền vững của tập đoàn. Mong muốn của tôi là phải để lại cho FPT một hệ thống vững mạnh, một văn hóa quản trị như các công ty đa quốc gia.

Như một lãnh đạo doanh nghiệp, tôi cũng ham tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tuy nhiên tôi cũng nhìn nhận kỹ hơn, sâu hơn về tăng trưởng lâu dài, phát triển bền vững cho FPT.

- Tại nhiệm kỳ của mình, ông đặt mục tiêu toàn cầu hóa là vấn đề sống còn đối với FPT. Quá trình này đã được thực hiện như thế nào?

- Hiện toàn cầu hóa là chỉ tiêu quan trọng đối với toàn tập đoàn. Mọi đơn vị đều quan tâm đến toàn cầu hóa, kể cả những đơn vị không dễ như giáo dục và bán lẻ, đầu tư cho nguồn nhân lực cũng được chú trọng hơn. Khác với những năm trước, lần toàn cầu hóa mới này có chiến lược rõ ràng hơn, đó là những con số, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Mục tiêu FPT đặt ra là doanh thu toàn cầu hóa phải tăng trưởng 30% và đi sâu vào cung cấp các giải pháp, dịch vụ đầy đủ từ tạo lập, vận hành đến nâng cấp, bảo trì, chứ không dừng lại ở việc thực hiện từng công đoạn như trước đây. Chiến lược của FPT là làm sao để khách hàng giao toàn quyền cho FPT thực hiện tất cả các ứng dụng công nghệ thông tin của họ.

Đến nay, kế hoạch doanh thu từ toàn cầu hóa vẫn được tuân thủ, song mong mỏi của chúng tôi luôn là doanh thu từ toàn cầu hóa sẽ lớn hơn, nhiều dự án được trúng thầu hơn.

- Trong ngày nhậm chức, ông cho biết bản thân có niềm tin mạnh mẽ vào sự phát triển của FPT. Trải qua một năm với không ít áp lực, đến nay, niềm tin này liệu có thay đổi không?

- Tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ vào sự phát triển của FPT. Đã từng làm Phó cho anh Trương Gia Bình khi còn là Tổng giám đốc trong nhiều năm, so với ngày đó những áp lực bây giờ không khác nhiều, chỉ có điều tôi phải đối mặt trực tiếp với những khó khăn mà người Tổng giám đốc phải vượt qua. Song, niềm tin với tôi là một thứ không dễ thay đổi.

Phương Linh

vnexpress





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

ĐHĐCĐ NLG: Ước doanh số pre-sales 2024 hơn 9.5 ngàn tỷ

Sáng 20/04, CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch doanh thu gấp đôi năm trước và doanh số pre-sales ước đạt...

Lợi nhuận TDM quý 1 xuống mức thấp nhất 10 quý do hụt thu cổ tức 

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, HOSE: TDM) ảm đạm với lãi sau thuế thấp nhất 10 quý trở lại đây, do trong kỳ không còn khoản cổ...

Comeco báo lãi quý 1 gấp 9 lần cùng kỳ, nắm 9 mã cổ phiếu

Theo BCTC quý 1/2024, CTCP Vật tư Xăng Dầu (Comeco, HOSE: COM) báo lãi hơn 3.7 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ.

ĐHĐCĐ PXL: KCN Dầu khí Long Sơn vẫn đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý

Chiều 19/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Long Sơn PIC, UPCoM: PXL) thông qua kế hoạch lãi sau thuế gần 2 tỷ đồng, gấp...

DRC vượt kế hoạch lợi nhuận quý 1/2024

CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) công bố BCTC quý 1/2024 với lãi ròng tăng trưởng đến 94%, vượt 6% kế hoạch đề ra, nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm so với cùng...

BVBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 2024 gấp gần 3 lần, tăng vốn lên 6,408 tỷ đồng

Ngày 19/04/2024, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, UPCoM: BVB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, tăng vốn và tiếp tục kế hoạch...

HDG đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12%, đang nghiên cứu dự án tại hai tỉnh ven biển

Ngày 27/04/2024 tới, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 cũng như phương án phân phối lợi nhuận 2023.

HCD báo lãi quý 1 tăng 76%, dự kiến phát hành riêng lẻ 25 triệu cp giá bán cao hơn thị giá

CTCP Đầu tư Sản xuất và Thương mại HCD (HOSE: HCD) tiếp tục mang tin vui cho  các cổ đông, với lãi ròng quý 1/2024 tăng 76% và còn đang chuẩn bị kế hoạch huy động...

ĐHĐCĐ SFG: Tín hiệu ngành phân bón nửa đầu năm 2024 đang tốt hơn năm ngoái

Chủ tịch SFG đánh giá ngành phân bón đầu năm 2024 nhìn chung đang tích cực hơn so với cùng kỳ dù nguồn cung nguyên vật liệu còn nhiều khó khăn.

Chứng khoán VIX báo lãi quý 1 gấp 15 lần cùng kỳ nhưng chỉ mới thực hiện được 15% kế hoạch

Năm 2024, CTCP Chứng khoán VIX (HOSE: VIX) đặt kế hoạch lãi sau thuế 1,056 tỷ đồng, tăng 9%. Kết thúc quý 1, Công ty thực hiện được hơn 15% kế hoạch này.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98