Khai thác khoáng sản ồ ạt: Gánh nặng đè lên "vai" xã hội

27/08/2014 16:14
27-08-2014 16:14:59+07:00

Khai thác khoáng sản ồ ạt: Gánh nặng đè lên "vai" xã hội

Với hơn 5.000 mỏ và điểm mỏ, Việt Nam được đánh giá là quốc gia giàu có về khoáng sản, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản thiếu kiểm soát trong nhiều năm qua đã gây ra không ít hệ lụy khiến người dân và xã hội phải gánh chịu như làm thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và gia tăng đói nghèo.

Loạt bài viết “Khai thác khoáng sản ồ ạt: Gánh nặng đè lên 'vai' xã hội,” Báo điện tử VietnamPlus mong muốn mang tới cho độc giả những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng và hướng đi phù hợp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản bền vững.

Bài 1: Giấy phép hết hạn, nhiều mỏ vẫn ngang nhiên khai thác

Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản đã trở thành định hướng chiến lược trong ngành công nghiệp khai khoáng, nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động khai khoáng ở Việt Nam đã diễn ra không như kỳ vọng, bởi ngoài việc khai thác gây ô nhiễm môi trường, nhiều mỏ mặc dù đã hết phép khai thác vẫn được các doanh nghiệp “rút ruột” không thương tiếc; trong khi đó, cơ quan quản lý cấp phép khai thác mỏ dường như chỉ đóng vai trò “người đỡ đầu.”

Doanh nghiệp “cố đấm ăn xôi”

Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán nhà nước, cho biết trong năm 2013, đơn vị này đã tổ chức một cuộc kiểm toán chuyên đề liên quan đến công tác cấp giấy phép và quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2009-2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo kết quả kiểm toán, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản khi giấy phép hết hạn. Cụ thể, có tới 26 giấy phép hết hạn nhưng doanh nghiệp chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ; 47 giấy phép cấp trước Luật Khoáng sản năm 1996 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp lại.

Khai thác đá trắng tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Đáng chú ý, kết quả kiểm toán tại một số tập đoàn, tổng công ty còn cho thấy nhiều đơn vị khai thác khoáng sản vượt mức phạm vi được cấp phép vẫn chưa ký quỹ phục hồi môi trường, chưa đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường sau cấp phép.

Đơn cử như tại Quảng Ninh, một số doanh nghiệp đã khai thác vượt hàng trăm nghìn tấn than; trong đó Công ty trách nhiệm hữu hạn Mạo Khê khai thác vượt 883.065 tấn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hòn Gai khai thác than vượt 649.943 tấn.

Hay như tại Nghệ An, nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép, hết thời hạn vẫn “cố đấm ăn xôi,” tiếp tục khai thác khoáng sản trái phép. Trong số đó phải kể đến Công ty cổ phần Long Tuấn Anh, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác mỏ đất tại huyện Diễn Châu đến ngày 7/4/2014, với tổng diện tích 2,18 ha.

Thế nhưng, thay vì tiến hành các thủ tục ngừng khai thác để cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, Công ty cổ phần Long Tuấn Anh vẫn ngang nhiên đưa máy móc vào đào mỏ, "rút ruột" tài nguyên.

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai Lợi cũng hoạt động trong ngành khai thác đá xây dựng, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác mỏ đá nằm trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Mặc dù mỏ này đã hết phép khai thác từ tháng 10/2013, nhưng doanh nghiệp Khai Lợi vẫn thản nhiên nổ mìn khai thác đá, khiến cho nhà cửa người dân xung quanh nứt nẻ, rung chuyển.

Không chỉ bất cập từ khâu quản lý cấp phép, ông Nguyễn Thanh Liêm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II còn cho biết, giai đoạn trong 2009-2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa thu tiền hoàn trả chi phí thăm dò của các tổ chức, các nhân trước khi cấp 118 giấy phép khai thác.

Ngoài ra, một số địa phương (Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La) vẫn chưa hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố quy hoạch hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Đặc biệt, tại các tỉnh Đồng Tháp, Ninh Thuận, Lạng Sơn, việc xây dựng quy hoạch hoạt động khoáng sản còn chậm, chất lượng thấp và phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; một số địa phương còn bị chồng chéo giữa quy hoạch thăm dò, khai thác trữ lượng khoáng sản và quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng.

Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra tồn tại ở nhiều địa phương khi cấp phép khai thác khoáng sản không nằm trong địa danh quy hoạch khoáng sản theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, cũng như không đúng loại khoáng sản theo quy hoạch được phê duyệt.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả kiểm toán nêu trên, ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam), thừa nhận có tình trạng nhiều mỏ tuy giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn khai thác. Tuy nhiên, trong số 47 giấy phép chưa được cấp lại theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, chỉ có 36 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số còn lại do uỷ ban nhân dân các tỉnh cấp phép.

Ông Thanh cho biết để giải quyết vấn đề nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát lại các giấy phép và tiến hành đóng cửa các mỏ đã hết hạn, hoặc cấp lại giấy phép cho các mỏ đủ điều kiện cấp phép. Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở từng đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2014, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản 1996 có hiệu lực tại 6 tỉnh (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên) và 2 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng của các tổ chức tại 3 tỉnh (Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi).

Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản với tổng số tiền 2 tỷ 536 triệu đồng.

Đối với 26 giấy phép khoáng sản hết hạn, chưa được cấp lại, chưa đóng cửa mỏ như trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố, ông Thanh khẳng định chỉ có 24 giấy phép khai thác khoáng sản của 21 đơn vị đã hết hạn và Tổng cục này đã có văn bản đôn đốc các đơn vị trên. Đến nay đã có 12/24 giấy phép khai thác khoáng sản hết thời hạn của 9 đơn vị báo cáo về việc thực hiện nghĩa vụ khi giấy hết hạn.

“Với 12/24 giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực của 12 đơn vị nhưng chưa có báo cáo việc thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép hết hiệu lực, Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo kiểm tra và báo cáo về Tổng cục.

Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ dừng khai thác khi giấy phép hết hiệu lực theo quy định, Tổng cục sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo pháp luật,” ông Thanh nói.

Trước đó, tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Khai thác tài nguyên khoáng sản: minh bạch và hiệu quả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cũng đã nhấn mạnh, tài nguyên khoáng sản là tài sản quý giá của quốc gia.

Do đó, doanh nghiệp ăn cắp khoáng sản (như khai thác chui, "rút ruột" khoáng sản trái phép sau khi hết hạn khai thác) là hành vi tham nhũng nghiêm trọng, cần phải truy tố, để ngăn chặn triệt để.

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cũng khẳng định, để bảo vệ tài nguyên và đảm bảo quyền lợi cho các bên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các tỉnh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong khâu cấp phép hoạt động khoáng sản; đồng thời giải quyết các thiệt hại cho chủ đầu tư sau khi thu hồi giấy phép.

Hùng Võ

Vietnam+



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ trưởng Công Thương: Mua giá 0 đồng điện mặt trời mái nhà dư thừa để ngăn trục lợi chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải thích về giải pháp giá 0 đồng đối với điện mặt trời mái nhà trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia. Bộ trưởng Công Thương...

Doanh nghiệp giảm được gần 15% tiền điện từ việc điều chỉnh phụ tải

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Việt Nam chỉ có 18 tháng để tham gia cuộc đua bán dẫn

Đây là phát biểu của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, tổ chức vào chiều ngày...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Kết luận tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức vào chiều ngày 24/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải coi...

Đề xuất 'gói' giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông triển khai trước khi có Luật PPP

Đây là kiến nghị của một số bộ, ngành tại cuộc làm việc về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ...

Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon?

Ở Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà...

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Các nhà thầu không lo thiếu tiền'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết các nhà thầu thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó, không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...

NVIDIA tiếp tục sang Việt Nam khảo sát địa điểm đầu tư

NVIDIA, hãng sản xuất chíp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, tiếp tục cử đoàn công tác sang Việt Nam khảo sát Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để bỏ vốn đầu tư.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98