Đo lương, đo trách nhiệm

28/09/2014 09:20
28-09-2014 09:20:03+07:00

Đo lương, đo trách nhiệm

Những ngày này, tìm kiếm trên Google với từ khóa “lương lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, trang đầu tiên hầu như hiện ra thông tin và bình luận về việc Bộ Công thương vừa công bố tiền lương của 120 chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, và các lãnh đạo chủ chốt ở 11 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do bộ này quản lý trong năm 2013.

Từ đó có khá nhiều ý kiến bình luận, kiểu như “Hé lộ mức lương khủng của các lãnh đạo tập đoàn Nhà nước” hay “Ngoài "lương khủng", lãnh đạo các tập đoàn còn nhiều khoản thu khác?”; “Lương ‘khủng’ lãnh đạo tập đoàn: Mới chỉ phần nổi”.

Lương thế nào là cao, thế nào là thấp, thật ra dựa trên hệ quy chiếu nào? Lương là giá của sức lao động, được quyết định bởi quan hệ cung-cầu. Người ta lãnh đạo một doanh nghiệp lớn đến thế kia, trách nhiệm nặng vai đến thế nọ, nếu làm tốt thì lương cao là phải rồi. Nói cho ngay, cái mức cao nhất theo công bố của Bộ Công thương- 74,72 triệu đồng/tháng chẳng bõ bèn gì so với lương lãnh đạo ở khu vực tư nhân hiện nay.

Vấn đề là Nhà nước đã có cái cân nào để cân đồng tiền bát gạo mình bỏ ra không, nếu có thì có cân đúng cách không. Theo cách lý giải của quan chức ngành lao động-thương binh-xã hội thì Nhà nước cũng có cái cân - là Nghị định 51 và Thông tư 19 ban hành năm 2013, đặt vấn đề gắn lương với với hiệu quả kinh doanh. Theo đó, tương ứng với việc đạt, không đạt hay vượt các chỉ tiêu kế hoạch thì sẽ nhận được các mức lương cơ bản, trừ hay tăng từ mức cơ bản.

Thế nhưng vì sao dư luận vẫn phản ứng một cách tiêu cực?

Ấy là người ta nhìn vào cách cân, người cân - một cách trực quan, thì thành tích kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thật kém cỏi. Nếu theo tiêu chuẩn đo lường hiện hành thì làm ăn tệ hại như Vinashin, Vinalines, sếp của chúng xứng đáng lãnh bao nhiêu? Lương thì chắc không thể là con số âm được rồi!

Ấy còn là vì người ta chỉ kiểm tra được thứ được đặt lên bàn cân, “lương” thì khó giấu chứ “lậu” đố ai hoạch toán? Vậy nên công khai nhưng vẫn không minh bạch được những đồng tiền nổi chìm ngụp lặn trong biển không đáy - cái túi quần của các sếp.

Thứ nữa, cho tới nay, chúng ta vẫn chưa bóc tách ra được cái gọi là cán bộ công chức có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước nó khác với người làm công việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào. Tưởng rằng đồng sàng thì bực nỗi dị mộng, hẳn rồi!

Thực tế nó khó quá như vậy chẳng lẽ cào bằng hết, níu tất cả xuống cho cùng đồng lương không đủ sống của đa số cán bộ công chức hiện nay? Cải cách tiền lương là một bài toán lớn gồm nhiều bài toán nhỏ mà nước ta đã mất nhiều năm chưa giải được. Giải được phần nào chẳng phải là tốt phần ấy hay sao, phần liên quan khu vực doanh nghiệp nhà nước ấy, đã được giải với gọi tên nôm na là lương kinh doanh rồi còn gì!

Còn nhớ, Nghị quyết trung ương lần thứ 4, khoá 8 vào năm 1997 lần đầu tiên ra chủ trương hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước được ký được hợp đồng thuê tổng giám đốc, giám đốc. Từ đó, nó được cụ thể hóa tới bước Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đề án thí điểm tại 5 tổng công ty vào năm… 2004. Tuy nhiên, chỉ có 2 tổng công ty thuê được giám đốc, nhưng một thì không thi tuyển mà ký luôn hợp đồng với tổng giám đốc vừa đến tuổi nghỉ hưu và một, Vinamotor, có tổ chức thi và người được chọn mặt gửi vàng vốn là lãnh đạo công ty con trong Vinamotor. Ông giám đốc làm thuê “chuyên nghiệp” có mức lương chỉ 2.000 đô la Mỹ này chỉ thọ chức được vỏn vẹn chín tháng.

Sau đó, báo chí lần lượt đặt vấn đề: “Để không thất bại như thuê giám đốc”, “Chìm xuồng” thí điểm thuê sếp cho doanh nghiệp nhà nước”? Bởi không một bản tổng kết, rút kinh nghiệm chính thức nào được công khai.

Làm sao có thể “thị trường” được với việc ấn định mức lương tối đa 54 triệu/tháng mà Nghị định 51 đang làm? 54 triệu/tháng có thể là con số “khủng”, có thể không “khủng”, tùy vào… thị trường! Ai nhân danh thị trường ngoài chính nó?
Cho dù nguyên nhân thất bại có nhiều, chuyện một đi không trở lại của người trong mộng… cải cách tại Vinamotor cũng không chính yếu ở lương bổng, nhưng đúng như Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhìn nhận: “Cơ chế tiền lương, tiền thưởng đối với tổng giám đốc được thuê chưa thực sự gắn với hiệu quả của doanh nghiệp, và thực tế còn thấp so với chức danh tương đương trên thị trường, không thu hút được người giỏi”. Lương bổng là điều kiện cần!

Sau này, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn đề xuất việc thí điểm thuê người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Cũng không thấy nói chuyện đi tới đâu.

Gần đây, khi nghiên cứu vấn đề đổi mới quản trị doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong khuôn khổ Báo cáo kinh Kinh tế vĩ mô 2014 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện, ông Nguyễn Đình Cung,Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đã khuyến nghị trả lương “sếp” doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường, tức theo cung-cầu.

Thật không dễ thuận chèo mát mái với cái “cơ chế thị trường” mà ông Cung và nhiều người muốn. Nhớ hoàn cảnh ra đời của Nghị định 51 nói trên. Ấy là sau khi thông tin về thu nhập của các sếp tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2011-2012 được công bố với mức cao nhất 275 triệu đồng/tháng, thấp nhất 85 triệu đồng/tháng và hứng phải búa rìu dư luận. Làm sao có thể thị trường được với việc ấn định mức lương tối đa 54 triệu/tháng mà Nghị định 51 đang làm? 54 triệu/tháng có thể là con số “khủng”, có thể không “khủng”, tùy vào… thị trường! Ai nhân danh thị trường ngoài chính nó?

Vấn đề là lọc thông điệp từ phản ứng của dư luận chứ không phải sợ một cách máy móc rồi một bước tiến, một bước lùi, coi như giẫm chân tại chỗ. Cần một cái cân và cách cân chuẩn không cần chỉnh (chứ đừng liên tục chỉnh theo kiểu mò mẫm như hiện nay). Nếu tiêu chuẩn đo lường ổn, gắn trách nhiệm, hiệu quả công việc với lương hay thu nhập, thì sẽ chẳng ai la làng xóm vì cân gian, cân dối.

Cũng vì vậy mà phản ứng của dư luận gần đây trước bộc bạch trước đây của một người có thể xem như trong cuộc, rằng lãnh đạo tập đoàn có “lương 36 triệu đồng/tháng vẫn... khó sống” cũng nên được mổ xẻ một cách thấu đáo. Nếu thái độ tập trung vào con số 36 triệu thì phải xem con số đó có tương đương với cái giá trị sức lao động đáng ra phải tương đương không. Nếu thái độ mang hình dấu hỏi, 36 hay bao nhiêu nữa, thì nhiệt tình với sự công khai, minh bạch và thiệt tình để đạt được cái sự ấy, có thể là cách hóa giải.

Còn giả nếu mọi ánh nhìn dồn vào chữ ‘khó sống”, khi so sánh với mức lương/thu nhập bình quân quá thấp của số đông quần chúng nhân dân lao động đang…phải sống, thì điểm hội tụ không ở lương bổng. Sự chênh lệch về thu nhập, cần được nhìn như một vấn đề xã hội, về mức sống tối thiểu, về phân phối, tái phân phối… thay vì soi vào ví tiền của từng người kiếm tiền chính đáng. Bắt đầu từ câu hỏi họ có đóng đủ thuế thu nhập cá nhân không, chẳng hạn.

Nguyên Lê

tbktsg



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2024 đạt hơn 1.537 triệu tỷ đồng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:...

Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ...

Trong quý 1/2024, số DN tạm ngừng kinh doanh nhiều hơn 14.1 ngàn so với số DN đăng ký thành lập mới

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong...

Du lịch hàng không đón tin vui: Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt mức trước dịch

Lượng khách quốc tế đổ về Việt Nam đã vượt mốc trước đại dịch COVID-19, đạt hơn 4.6 triệu lượt người trong quý 1/2024.

Việt Nam xuất siêu 8.08 tỷ USD trong quý 1/2024 nhưng chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI

Trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35.6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý...

Hơn 80% doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng quý 2 sẽ ổn định hoặc tốt hơn quý 1

Dữ liệu mới công bố mang lại cái nhìn tích cực hơn về nền kinh tế trong quý 2/2024. Theo đó, hơn 80% doanh nghiệp trong ngành sản xuất, đặc biệt là ngành công...

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1/2024 ước đạt gần 614 ngàn tỷ đồng

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1/2024 theo giá hiện hành tăng 5.2% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu...

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2024 tăng 6.18% so với cùng kỳ năm trước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6.18% so với cùng kỳ năm...

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn làm Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Nguyên Vụ Trưởng Vụ tổ chức cán bộ Tổng Cục Hải quan, giữ chức Cục Trưởng Cục Hải quan TP HCM từ ngày 2-4.

Giám đốc Sở Tài chính được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình

Ông Bùi Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Hòa Bình được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98