Đường sắt đô thị đội vốn: Chỉ giải trình là chưa được

15/09/2014 13:52
15-09-2014 13:52:03+07:00

Đường sắt đô thị đội vốn: Chỉ giải trình là chưa được

Việc các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư là vấn đề có xu hướng lặp đi lặp lại.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang xây dựng. Trong ảnh: công nhân thi công xây dựng chân cột tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua Q.Thủ Đức, TPHCM.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Ngọc Long - phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ quanh vấn đề chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị cho biết dự án tăng vốn nhiều là khi đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật đều phải điều chỉnh nhiều hạng mục, do nghiên cứu khả thi (FS) của dự án trước đó không đầy đủ, TS Nguyễn Ngọc Long cho biết:

- Hầu hết tư vấn lập FS là của các nước cho vay vốn, nhưng đến khi vào thiết kế kỹ thuật thì dự án lại đội giá lên, có lúc lên gấp đôi.

Bây giờ phải tách từng hạng mục một theo các nội dung: giải phóng mặt bằng làm tăng bao nhiêu, xây lắp tăng bao nhiêu, thiết bị công nghệ tăng bao nhiêu phần trăm. Những nội dung có đủ kinh nghiệm và quản lý được mà vẫn tăng thì tư vấn nước ngoài lập FS phải chịu trách nhiệm.

Giải phóng mặt bằng mà đội giá nhiều thì nguyên nhân chủ yếu do chính sách đền bù thay đổi lớn hoặc phương án tuyến phải điều chỉnh. Còn các hạng mục xây lắp như bêtông, sắt thép thì nguyên nhân tăng chủ yếu do biến động giá.

Ngoài yếu tố trên thì chi phí thiết bị và quản lý khai thác là cái Việt Nam không có kinh nghiệm.

Vì vậy câu hỏi đặt ra là: Có hay không việc tư vấn lập dự án thiếu trách nhiệm, đưa ra tổng mức đầu tư thấp để dự án dễ “lọt”, được thông qua? Đến khi thiết kế kỹ thuật là tăng tổng mức đầu tư ngay?

Đó là chưa kể nhiều dự án do tính cạnh tranh khi đấu thầu thấp, có khi chỉ một nhà thầu đấu thầu lại đẩy giá lên một lần nữa.

Ông Trần Đức Toàn (phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị Bộ Kế hoạch - đầu tư):

Hiểu về đường sắt đô thị kém

Hiểu biết của Việt Nam về đường sắt đô thị rất kém và chỉ dựa vào tư vấn của nước có tài trợ vốn.

Từ khi lập FS đến thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công đều là tư vấn của nước tài trợ vốn, và khi phải điều chỉnh thì mình phải chịu chấp nhận vay thêm một khoản tiền tương đối lớn.

Trình độ tư vấn ngang nhau nhưng lúc lập thiết kế kỹ thuật lại có thay đổi so với FS? Nói thay đổi do cơ chế của ta chỉ đúng một phần, còn phần thiết bị mới tăng vốn nhiều.

Tại sao trong vòng hai năm, có công nghệ gì mới mà tăng nhiều thế? Phải chăng chúng ta không biết, họ nói gì nghe vậy? Việc này cần phải xem xét lại.

Có những ý kiến cho rằng với điều kiện của bên cho vay vốn nên chủ đầu tư bị tư vấn, nhà thầu ép, trong khi đó chủ đầu tư không am hiểu để phản biện nên đội vốn?

- Phân tích thấy có nhiều nguyên nhân đội vốn. Nhưng ở một chừng mực nào đó bao giờ cũng có yếu tố “thua thiệt” của bên vay vốn.

Vấn đề là cần phân tích tỉ lệ đội giá trên từng hạng mục chính: giải phóng mặt bằng, xây lắp, công nghệ, thiết bị... do các điều kiện khách quan, bất khả kháng để cố gắng tìm ra tỉ lệ bị “đội giá oan”.

Các nội dung trên phải được phân tích trên từng dự án để có số liệu. Từ đó có biện pháp phòng chống thỏa đáng.

Nếu chứng minh được có sự sai lệch trong công bố tổng mức đầu tư ban đầu để dự án “trôi lọt” rồi tính tiếp thì phải chấn chỉnh để tránh tình trạng biến đổi giá đến gấp đôi, khiến người trong nghề cũng không hiểu được.

Như vậy cần phải đặt vấn đề trách nhiệm của tư vấn lập FS quá sơ sài, thưa ông?

- Ngoài tìm nguyên nhân phải rà soát yếu tố trách nhiệm. Tư vấn lập FS là tư vấn nước ngoài, được trả phí rất cao. Bây giờ phải điều chỉnh lớn tổng mức đầu tư thì trách nhiệm thế nào?

Dự án đầu tư xây dựng có rất nhiều rủi ro, rủi ro đầu tiên và lớn nhất là rủi ro về tài chính. Ví như ai đó định xây ngôi nhà cần chừng này tiền, tư vấn bảo thế là đủ. Đến lúc sắp khởi công, tư vấn lại bảo phải cần gấp đôi tiền thì lúc đó lấy đâu ra tiền, chả lẽ phải thay đổi quy mô?

Từ trước tới nay nói nhiều tới trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhưng tư vấn lập FS - người đẻ ra “đứa con dự án” cho chủ đầu tư - cần phải là người chịu trách nhiệm chính do các “tư vấn lệch lạc” này.

Trong hợp đồng cần có điều khoản, chế tài xử lý việc này để tư vấn lập FS không dám làm sai. Trong thương thảo hiệp định vay vốn cũng nên đưa vào các điều khoản có thể để bên cho vay hỗ trợ bên vay xử lý tư vấn kém chất lượng.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng do chủ đầu tư thiếu hiểu biết với loại hình vận tải mới lạ như đường sắt đô thị nên cần thuê tư vấn của nước không cho vay vốn rà soát, thẩm định FS của dự án. Theo ông, việc này cần thực hiện thế nào?

- Nghị định 12/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định khi thẩm định dự án nếu cái gì chủ đầu tư làm được thì làm, cái gì làm không được thì đi thuê nước ngoài.

Với dự án đường sắt đô thị, phần giải phóng mặt bằng thì chủ đầu tư phải thẩm định được. Phần xây lắp nếu kết cấu không có gì mới, chỉ có dầm, trụ bêtông thì chủ đầu tư phải thẩm định được và chịu trách nhiệm.

Còn phần đầu máy, toa xe, cung cấp điện, tín hiệu không có kinh nghiệm thì chỉ cần thuê tư vấn thẩm định phần đó.

Nhưng ngay cả khi đi thuê tư vấn thẩm tra rồi, chủ đầu tư vẫn phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin, so sánh đơn giá của các dự án có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự để chất vấn, yêu cầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra giải trình nếu có sự khác biệt lớn.

Nếu thật sự có trách nhiệm với đất nước về đồng vốn đầu tư thì chủ đầu tư sẽ luôn và biết cách làm đúng.

TS Nguyễn Ngọc Long.

Bộ Công an cũng có báo cáo Thủ tướng đề nghị chỉ đạo rà soát các dự án đường sắt đô thị, làm rõ các nguyên nhân gây chậm trễ và tăng vốn. Ông đánh giá thế nào?

- Việc này là cần thiết. Rà soát, làm rõ mọi vấn để để khắc phục. Bởi vì đây là vấn đề có xu hướng lặp đi lặp lại, không chỉ gây tác động xấu về công luận xã hội mà ảnh hưởng cả kế hoạch đầu tư.

Tăng vốn, tăng vay nợ là vấn đề kinh tế - xã hội. Dự án tăng gấp đôi tổng mức đầu tư mà chỉ tập trung vào giải trình là chưa được.

Bộ chủ quản cần tập trung lập kế hoạch, nội dung và phương pháp rà soát tổng thể đối với hàng loạt dự án có cùng tình trạng đội vốn để tìm chính xác các nguyên nhân và biện pháp khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan đối với từng nhóm nguyên nhân cụ thể.

Nếu tìm ra được cả những nguyên nhân do sức ép từ nhà tài trợ vốn thì cũng phải báo cáo rõ với cấp có thẩm quyền để xem xét, điều chỉnh kịp thời.

Tất cả dự án đều chậm và đội vốn

Tăng vốn 200% mà không rõ lý do

Bộ Công an đã có báo cáo lên Thủ tướng, có tập hợp các nguyên nhân về chậm tiến độ, tăng vốn. Bộ Công an đề nghị xây dựng bổ sung về quy phạm, trước hết là bổ sung vào Luật đường sắt, xây dựng nghị định về đường sắt đô thị; ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kỹ thuật; có chỉ đạo tập trung để đẩy nhanh tiến độ, kết nối đường sắt đô thị với các loại hình vận tải khác.

Đề nghị bộ trưởng Bộ GTVT giao đơn vị chức năng sớm tập hợp nói rõ hơn về nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới để tiến độ, chất lượng, giá thành dự án tốt hơn.

Sau khi có tập hợp chung thì sớm công bố, thông báo cho ngành biết nguyên nhân vì sao chậm tiến độ, tổng mức đầu tư tăng. Giờ dự án tăng vốn 200% mà dân không rõ lý do thì làm sao vận động dân đóng thuế được.


Tuấn Phùng

tuổi trẻ





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM là nơi có nhiều cơ hội, dư địa để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM có nhiều dư địa, cơ hội, nhiều đơn đặt hàng để các nhà khởi nghiệp nghiên cứu.

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Bắt tạm giam nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Phó Bí thư Tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 27/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và ông Phạm Hoàng...

Chợ Bến Thành, Tân Định... có lợi thế phát triển nhờ metro

Các Sở An toàn thực phẩm (ATTP), QHKT TP.HCM, Phòng kinh tế quận 6…đều nhìn nhận chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp nhưng không hề mất đi.

Quý 1, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư. Còn, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới, điều chỉnh vốn và...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nhận án 8 năm tù

TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng mức án 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tổng vốn FDI vào Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024 đạt 6.17 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ

Thu hút FDI của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc khi tăng 13.4% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đề nghị truy tố 254 bị can trong ‘đại án đăng kiểm’

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 254 bị can liên quan đến đại án tiêu cực ngành đăng...

Thị trường 'ấm dần', xuất khẩu ngành hàng dệt may đón cơ hội để tăng tốc

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may tiếp tục đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày...

Thu hút vốn FDI: Góc nhìn từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Việc tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra một chương mới, gia tăng hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đồng ý cho EVN được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Quyết định mới nhất đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Song điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98